Ám ảnh chiến tranh lạnh (K2): Diễn biến nguy hiểm

Trước cuộc viếng thăm đầu tiên của Tổng thống Nga Vladimir Putin đến một nước phương Tây kể từ khi nổ ra khủng hoảng Ukraine, Tổng thống Phần Lan Sauli Niinistoe hôm 14-8 đã bày tỏ lo ngại: “Tôi có cảm giác chúng ta đang ở trên bờ vực của chiến tranh lạnh”. Tâm lý lo ngại này có thể gia tăng cùng những diễn biến gần đây.

Trước cuộc viếng thăm đầu tiên của Tổng thống Nga Vladimir Putin đến một nước phương Tây kể từ khi nổ ra khủng hoảng Ukraine, Tổng thống Phần Lan Sauli Niinistoe hôm 14-8 đã bày tỏ lo ngại: “Tôi có cảm giác chúng ta đang ở trên bờ vực của chiến tranh lạnh”. Tâm lý lo ngại này có thể gia tăng cùng những diễn biến gần đây.

Bàn cờ máu lửa

Đêm 15-8, phát ngôn viên quân đội Ukraine, ông Andriy Lysenko, cho biết quân đội chính phủ Ukraine đã tấn công một đoàn xe vũ trang của Nga do tự ý vượt qua biên giới. “Chúng tôi đã theo dõi đoàn xe bọc thép trên ngay khi chúng tiến vào lãnh thổ Ukraine. Những hành động cần thiết được tiến hành và một phần đoàn xe đã không còn nữa” - Reuters dẫn lời Lysenko.

Phát biểu hôm 16-8, ông Lysenko còn cho biết các binh lính Ukraine hiện vẫn đang bị nã pháo, bao gồm những loạt pháo từ phía Nga. Văn phòng Tổng thống Ukraine tại Kiev cũng xác nhận việc quân đội đã tiêu diệt đoàn xe vũ trang của Nga. Chính phủ tại Kiev nhiều tháng qua nói rằng phiến quân ly khai ở khu vực phía Đông đã nhận hỗ trợ từ Nga, bao gồm hỏa lực pháo binh.

Trong khi đó, Bộ Ngoại giao Nga nói trong một thông cáo rằng Ukraine đang cố gắng ngăn chặn một đoàn xe cứu trợ. Cơ quan An ninh Liên bang Nga (FSB) bác bỏ những báo cáo cho rằng binh sĩ Nga vượt biên giới sang lãnh thổ Ukraine, cho biết lực lượng bảo vệ biên giới đã được điều động để tăng cường an ninh ở khu vực tiền tuyến, nhưng chỉ hoạt động ở phía lãnh thổ của Nga.

“Các đội cơ động hoạt động trong lãnh thổ của Liên bang Nga” - RT dẫn lời một người phát ngôn Cơ quan Bảo vệ Biên giới của FSB ở vùng Rostov. Moscow tuyên bố có thông tin về nguy cơ đoàn xe viện trợ nhân đạo, gồm 280 chiếc xe tải phủ bạt trắng, sẽ bị tấn công. Thông cáo của Bộ Ngoại giao Nga viết: “Có cảm giác ở Ukraine và những nơi khác vẫn còn nhiều người muốn phá hoại sứ mệnh nhân đạo, ngay cả khi cái giá phải trả là những cái chết và sự tàn phá”. Thực hư vẫn chưa thể khẳng định, nhưng những thông tin mới nhất đã khiến giá dầu cuối tuần trước tăng vọt, chạm mức cao nhất 1 tháng tại sàn New York.

Những diễn biến này thật sự đáng ngại, vì Ukraine được xem là căn nguyên của những cuộc trừng phạt qua lại giữa phương Tây và Nga trên mặt trận kinh tế cho đến nay. Dù Nga nhiều lần khẳng định không liên quan đến cuộc chiến giữa chính phủ Kiev và quân phiến loạn ở miền Đông hiện nay, nhưng hầu hết nhà quan sát tin tưởng điều ngược lại. Những lệnh trừng phạt của Hoa Kỳ và châu Âu gần đây nhắm vào Nga cũng nhằm gây sức ép buộc Nga ngưng can thiệp vào Ukraine.

Giới quan sát tin rằng Nga đã đưa quân và vũ khí sang biên giới để hỗ trợ quân phiến loạn, đồng thời nã đại bác xuyên biên giới vào phe chính phủ Ukraine. Những người mạnh miệng còn cho rằng cái gọi là “chính phủ Cộng hòa Nhân dân Donetsk” thực ra là cánh tay nối dài của Điện Kremlin. Gần đây, Moscow cũng có một bước đi khiến nhiều người lo ngại là thỏa thuận với Cuba để mở lại căn cứ gián điệp trên đảo Caribbe vốn từng được sử dụng để do thám Hoa Kỳ trong thời chiến tranh lạnh.

Vũ khí đáng gờm

Trước đây, vì lo ngại sẽ bị “hiệu ứng bomerang”, châu Âu đã ngần ngại trước kêu gọi trừng phạt Moscow của Washington. Nhưng theo sau vụ tấn công máy bay MH17, hầu hết nhà lãnh đạo châu Âu đã không thể kiềm chế, đặc biệt là Anh, Hà Lan và Ðức. Một bộ trưởng Ðức đã phát biểu: “Nền hòa bình và ổn định bị đe dọa là nguy cơ lớn nhất cho kinh tế”.

Vì vậy, cuối tháng 7, EU đã bắt tay cùng Hoa Kỳ gia tăng những biện pháp phong tỏa kinh tế mới trên một số ngân hàng và công ty năng lượng lớn của Nga, đã dẫn đến động thái cấm vận đáp trả của Moscow hôm 7-8. Cuộc chiến đã bắt đầu, dù ai cũng biết rằng các biện pháp cấm vận 2 bên đưa ra trong thời gian qua khó mang đến kết quả trong thời gian ngắn, mà ít nhất phải 2-3 năm.

Tuy nhiên, các nhà quan sát đều lo ngại vì cả 2 bên đang nắm trong tay những thứ “vũ khí kinh tế” cực kỳ lợi hại. Đối với Nga, đó là dầu lửa và khí đốt, có thể sẽ được ông Putin tung ra trong mùa thu tới - thời điểm châu Âu bắt đầu cần năng lượng để chống lại sự lạnh giá. Trong 2 món vũ khí này, nhiều khả năng ông Putin sẽ không ngưng bán dầu mỏ, vì 44% ngân sách chính phủ Nga kiếm được nhờ tiền bán  dầu, với mỗi ngày 7,5 triệu thùng, chiếm hơn một nửa (54%) kim ngạch xuất khẩu của Moscow.

Vào thập niên 80 của thế kỷ trước, ở thời điểm căng thẳng nhất của chiến tranh lạnh, Liên Xô vẫn tiếp tục xuất khẩu dầu mỏ sang các nước tư bản để lấy ngoại tệ. Do đó, giới quan sát tin rằng trong cuộc chiến lần này, ông Putin có thể chọn món vũ khí ít nguy hiểm hơn, đó là giảm bớt lượng khí đốt chuyển bằng đường ống qua Ukraine. Đây là điều Moscow đã từng làm trong những năm gần đây. Tuy nhiên, vì khí đốt cũng là nguồn ngoại tệ chính, nên Moscow chắc chắn sẽ đắn đo trước khi tiến đến bước này. Nếu sử dụng vũ khí khí đốt, Chính phủ Nga sẽ phải tăng số chi tiêu để kích thích kinh tế, nhưng vẫn phải tăng lãi suất để giữ giá đồng rúp. Nhưng những biện pháp này sẽ có ảnh hưởng ngược chiều, triệt tiêu lẫn nhau, nên kinh tế Nga sẽ giảm sụt vì bị phong tỏa.

Ngoài ra, Moscow có thể sẽ tự bảo vệ nền kinh tế đang trên đà suy thoái bằng cách cắt bớt các liên hệ với kinh tế các nước châu Âu, chuyển sang châu Á, Phi và Mỹ Latin. Tuy nhiên, liệu các nước này có thể thay được đối tác châu Âu hay không? Nhiều người tin là không, đặc biệt trên phương diện hợp tác kỹ thuật, một điều Moscow đang cần học hỏi phương Tây cho các tham vọng mở rộng khai thác dầu và khí hiếm của mình. Người ta không thể đoán trước đến mức nào dân Nga sẽ không thể chịu đựng được nữa và khiến ông Putin phải thay đổi, vì cuộc bầu cử tổng thống năm 2018 đang đến gần.

Nga có thể sử dụng khí đốt như một loại vũ khí chống lại phương Tây.

Nga có thể sử dụng khí đốt như một loại vũ khí chống lại phương Tây.

Đối với phương Tây, ngoài công nghệ, họ còn có thứ vũ khí không mang đến hiệu quả nhãn tiền nhưng rất đáng gờm. Đó là thị trường tài chính. Nếu phương Tây đe dọa sẽ phong tỏa Nga như đã phong tỏa Iran, chắc chắn sẽ khiến Moscow phải lo ngại. Hoa Kỳ đã bắt đầu phong tỏa Iran từ thời Tổng thống James Carter, nhưng gần đây mới có những hành động quyết liệt. Năm 2010, chính phủ Obama đã cấm vận các công ty Hoa Kỳ hoặc ngoại quốc làm ăn với các ngân hàng Iran bị phong tỏa. Hành động này khiến nhiều doanh nghiệp và ngân hàng nước khác phải lựa chọn, hoặc làm ăn với Iran, hoặc với Hoa Kỳ.

Hậu quả, nhiều ngân hàng và công ty quốc tế phải bỏ Iran. Năm 2012, Washington lại ra thêm lệnh phong tỏa cả Ngân hàng Trung ương Iran, khiến các ngân hàng Iran bị gạt ra bên lề hệ thống ngân hàng thế giới, gián tiếp phong tỏa việc bán dầu của Iran. Sau đó, các nước châu Âu cũng ngưng mua dầu của Iran, khiến kim ngạch xuất khẩu dầu của Iran giảm gần một nửa trong những năm sau đó.

Những sức ép đó buộc chính phủ Iran đã phải tham dự việc đàm phán về việc kiểm soát năng lượng nguyên tử một cách “thành thật” vào năm nay. Lợi thế của thứ vũ khí này là phương Tây ít bị ảnh hưởng ngược như vũ khí năng lượng của Moscow.

(Còn tiếp)

Các tin khác