Sức ì đổi mới cơ chế kinh tế (K1): Bóng ma bao cấp phá cơ chế thị trường

Mặc dù gần 30 năm đổi mới, xóa bỏ bao cấp chuyển sang hạch toán kinh doanh, nhưng cho đến nay chế độ bao cấp vẫn đâu đó tồn tại, hiển hiện từ trong tư duy đến chính sách điều hành nền kinh tế và cả thói quen ỷ lại của không ít doanh nghiệp nhà nước (DNNN). Bóng ma bao cấp không chỉ gây ra nhiều hệ lụy, bào mòn nền kinh tế mà còn là lực cản sự phát triển của đất nước.

Mặc dù gần 30 năm đổi mới, xóa bỏ bao cấp chuyển sang hạch toán kinh doanh, nhưng cho đến nay chế độ bao cấp vẫn đâu đó tồn tại, hiển hiện từ trong tư duy đến chính sách điều hành nền kinh tế và cả thói quen ỷ lại của không ít doanh nghiệp nhà nước (DNNN). Bóng ma bao cấp không chỉ gây ra nhiều hệ lụy, bào mòn nền kinh tế mà còn là lực cản sự phát triển của đất nước.

Giá thành thấp do không tính đủ

Nhiều năm liền Nhà nước thực hiện chính sách bao cấp giá những nguyên, nhiên liệu đầu vào quan trọng trong lĩnh vực sản xuất phân bón và thực hiện một số ưu đãi về thuế suất đối với phân bón sản xuất trong nước. Theo Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính), vào thời điểm cuối năm 2011 đầu năm 2012, giá than bán cho sản xuất phân bón (khoảng 672.000 tấn) thấp hơn giá thị trường trong nước và chỉ bằng 55% đối với than cục 2b, 65% than cục 1a và 82% than cám.

Theo đó, nếu tính đúng tính đủ giá bán than cho sản xuất phân bón (ở mức thấp hơn 10% so với giá xuất khẩu theo quy định) với mặt bằng giá trong nước và giá than xuất khẩu, giá bán than cục 2b cho sản xuất phân lân phải tăng 82%, giá than cục 1a bán cho sản xuất phân đạm phải tăng 54% và giá than cám 4b phải tăng 21%.

 Đã qua thời kỳ DNNN làm ăn kém hiệu quả, lại hay đưa ra chiêu bài “bảo hộ sản xuất”, đòi Nhà nước đánh thuế nhập khẩu cao, thậm chí cấm nhập khẩu để “một mình một chiếu” rồi buộc người tiêu dùng và xã hội phải chấp nhận. Nay DNNN phải nâng cao năng lực trên nhiều mặt để tồn tại, cạnh tranh. Muốn vậy, Nhà nước phải đặt DNNN vào môi trường cạnh tranh, xóa bỏ mọi hình thức ưu đãi, tách bạch vai trò Nhà nước với tư cách là chủ sở hữu và quản lý.

ThS. Phạm Thành Long,
Học viện Chính trị khu vực II

Đối với giá khí bán cho sản xuất phân bón, theo Cục Quản lý giá, tại thời điển nói trên, với khoảng 500 triệu m3/năm (20.000 tỷ BTU) khí từ mỏ Nam Côn Sơn bán cho Đạm Phú Mỹ giá bình quân 4,59USD/triệu BTU, thấp hơn giá của mỏ khí PM-3 (7,5USD/triệu BTU). Đó là chưa kể phí vận chuyển từ miệng giếng đến Nhà máy Điện Cà Mau 1,17USD/triệu BTU, đồng thời thấp hơn nhiều so với mức giá khí bán cho khách hàng công nghiệp (10-14USD/triệu BTU).

Với mặt bằng về giá và các yếu tố chi phí hiện tại (trong đó có các yếu tố chưa tính đúng tính đủ như trên), giá vốn phân bón sản xuất trong nước thấp hơn nhiều so với nhập khẩu. Cụ thể, giá vốn nhập khẩu thời điểm đó khoảng 10.277 đồng/kg, trong khi giá vốn đạm urê sản xuất trong nước (chưa có thuế) 4.348 đồng/kg đối với đạm sản xuất dùng khí và 7.860 đồng/kg đối với đạm sản xuất dùng than.

Theo tính toán, nếu xóa bỏ bao cấp qua giá đầu vào, tính đủ các yếu tố chi phí, giá vốn hiện tại của các loại phân bón phải tăng 24,25% đối với đạm urê dùng than để sản xuất, 22,32% đối với đạm urê dùng khí để sản xuất và tăng 20% đối với phân lân dùng than để sản xuất.

Khi đó, ông Nguyễn Tiến Dũng, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc CTCP Vật tư nông sản (Apromaco), tính toán giá thành sản xuất đạm urê trong nước dùng khí chỉ 4,5 triệu đồng/tấn, trong khi giá nhập khẩu urê 450USD/tấn, tương đương 10 triệu đồng/tấn. “Khoảng cách 4,5 triệu đến 10 triệu đồng/tấn là quá xa, DN nhập khẩu không thể cạnh tranh, dẫn tới DN sản xuất phân bón trong nước và những khâu trung gian hưởng siêu lợi nhuận” - ông Dũng nói.

Độc quyền, biến dạng thị trường

Ông Nguyễn Tiến Thỏa, Cục trưởng Cục Quản lý giá, nhìn nhận: “Phần lớn dung lượng thị trường phân bón phục vụ sản xuất nông nghiệp trong nước phụ thuộc vào nhập khẩu. Giá vốn nhập khẩu thường cao hơn giá vốn sản xuất trong nước. Vì vậy, để cạnh tranh chiếm lĩnh thị trường, giá phân bón sản xuất trong nước thường bán thấp hơn nhập khẩu. Nghịch lý là giá thấp này không đến trực tiếp nông dân do phải qua nhiều tầng nấc trung gian. Ngoại trừ một số ít DN tổ chức được mạng lưới phân phối đến tay nông dân, phần lớn mạng lưới chồng chéo, vòng vèo, thậm chí rối loạn không kiểm soát được đã đẩy chi phí lưu thông lên cao”.

Ông Nguyễn Hạc Thúy, Phó Chủ tịch Hiệp hội Phân bón Việt Nam, cho biết việc xóa bỏ bao cấp, ưu đãi giá nguyên liệu than, khí cho sản xuất phân bón đã được kiến nghị từ nhiều năm, nhưng phải đến quý II vừa qua mới được chấp thuận. Tuy nhiên, với những ưu đãi kéo dài trong nhiều năm đã để lại không ít hệ lụy. Đó là làm méo mó hệ thống giá đầu vào lẫn đầu ra sản phẩm phân bón do giá chưa được tính đúng tính đủ, chưa thực hiện được cơ chế giá thị trường; gây khó khăn cho việc cân đối của ngành sản xuất nguyên liệu cung ứng cho sản xuất phân bón, nhất là ngành khai thác than.

Các DN nhập khẩu gặp nhiều khó khăn trong việc triển khai các thương vụ kinh doanh. Điều lo ngại nữa là tạo sự cạnh tranh không lành mạnh về giá thị trường, tạo ra nhiều tầng nấc trung gian thu gom, thập chí đầu cơ phân bón nhằm ăn chênh lệch giá; cơ chế kinh doanh ngành hàng kém minh bạch khiến thị trường cạnh tranh bị lũng đoạn, dẫn đến tình trạng độc quyền, liên minh độc quyền về giá.

Ngay khi Nhà nước xóa bao cấp giá nguyên - nhiên liệu đầu vào sản xuất phân bón, mới đây 1 tập đoàn của Nhà nước chuyên về lĩnh vực sản xuất phân bón, hóa chất lại xin Chính phủ tăng giá nhập khẩu phân bón nhằm hạn chế phân nhập khẩu để tạo thuận lợi cho DN trong nước, nhưng thực chất là các DN của tập đoàn này.

Trước đây, Tập đoàn Than Khoáng sản cũng từng đệ đơn xin Chính phủ giảm mức thuế xuất khẩu từ 20% xuống 0%. Điều này càng chỉ rõ một thực tế DNNN được trao quá nhiều đặc quyền, trong đó có cả “quyền độc quyền” trong một số ngành, lĩnh vực mà tư nhân vẫn có thể làm được, thậm chí làm tốt như điện, xăng dầu… Và nếu DNNN hoạt động thua lỗ sẽ được Nhà nước bù lỗ, ưu ái về vay vốn, sử dụng tài nguyên, nguyên vật liệu.

Theo nhiều chuyên gia, việc nắm giữ vị trí độc quyền, được hưởng những ưu đãi về chính sách và sự hỗ trợ của chủ sở hữu nhà nước, đã triệt tiêu động lực nâng cao hiệu quả kinh tế trong DNNN và hậu quả tất yếu là tạo ra sức ì cản trở việc tăng cường khả năng cạnh tranh, đổi mới phát triển sản phẩm, dịch vụ mà nó cung ứng; đồng thời không đảm bảo các nguyên tắc thương mại đa phương quốc tế Việt Nam đã cam kết khi gia nhập Tổ chức Thương mại quốc tế (WTO).

Bao cấp nguyên - nhiêu liệu sản xuất đang tạo nhiều bất bình đẳng cho thị trường phân bón trong nước. Ảnh: Đại Dương

Bao cấp nguyên - nhiêu liệu sản xuất đang tạo nhiều
bất bình đẳng cho thị trường phân bón trong nước.  Ảnh: Đại Dương

PGS.TS Nguyễn Chí Hải, Trường Đại học Kinh tế - Luật (Đại học Quốc gia TPHCM), cho rằng không nên sử dụng DNNN như là lực lượng để can thiệp vào nền kinh tế, vào thị trường nhằm “ổn định kinh tế vĩ mô”. Bởi quy định nhiệm vụ này vi phạm tính bình đẳng theo quy luật thị trường, tức đã phá luật chơi thị trường khi tạo ra các yếu tố độc quyền và điều kiện cho cạnh tranh thiếu lành mạnh trong nền kinh tế.

Thực tế phát triển kinh tế của nhiều nước đi trước cho thấy khu vực kinh tế nhà nước luôn có vai trò tạo dựng, tiên phong, nền tảng cho sự phát triển kinh tế - xã hội và DNNN được duy trì ở một tỷ lệ nhỏ, thật sự cần thiết và tuân theo luật chơi của thị trường.  

--------------

Kỳ 2: Hụt hơi quả đấm thép

Các tin khác