Ám ảnh chiến tranh lạnh (K1): Tuyên chiến

Những đòn trả đũa qua lại giữa phương Tây và Nga đang gợi nhớ đến thời kỳ chiến tranh lạnh trước đây. Liệu nó sẽ leo thang trở thành một cuộc chiến tranh lạnh của thế kỷ 21?

Những đòn trả đũa qua lại giữa phương Tây và Nga đang gợi nhớ đến thời kỳ chiến tranh lạnh trước đây. Liệu nó sẽ leo thang trở thành một cuộc chiến tranh lạnh của thế kỷ 21?

Theo sau những biện pháp mở rộng trừng phạt của Hoa Kỳ và Liên minh châu Âu (EU), Nga đã có những động thái trả đũa đầu tiên, được xem là động thái tuyên chiến chính thức chống lại áp lực từ phương Tây.

Trả đũa

Ngày 7-8, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã chính thức áp đặt lệnh ngừng nhập khẩu các loại thịt bò, lợn, gia cầm, cá, phô mai, sữa và các sản phẩm từ sữa, rau quả từ Hoa Kỳ, EU, Australia, Canada và Na Uy trong thời hạn 1 năm. Cũng trong ngày 7-8, Thủ tướng Nga Dmitry Medvedev cảnh báo Moscow có thể cấm tất cả các chuyến bay giữa châu Á và châu Âu qua không phận nước này.

Lệnh cấm này có thể ảnh hưởng tới những hãng hàng không châu Âu như Lufthansa, British Airways, Air France và Finnair. Đây là những hãng có nhiều chuyến bay đường dài tới châu Á. Theo ước tính của Bank of America Merrill Lynch, sử dụng các đường bay dài hơn sẽ tiêu tốn thêm khoảng 30.000USD trên mỗi chuyến bay do chi phí nhiên liệu và chi phí vận tải hàng hóa.

Theo ước tính của Georgy Petrov, Phó Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Nga, trong những năm tới châu Âu có thể thiệt hại hơn 100 tỷ USD do các biện pháp trừng phạt trả đũa của Nga và Ủy ban châu Âu (EC) không thể bù đắp. Đan Mạch là nước bị ảnh hưởng nhiều nhất do lệnh cấm nhập các sản phẩm thịt vào Nga. Các nước cung cấp sản phẩm thịt lớn nhất cho Nga là Đan Mạch, Đức, Hoa Kỳ và Canada. Hà Lan, Ukraine, Phần Lan, Đức và Ba Lan là những nước cung cấp nhiều sản phẩm bơ sữa nhất cho Nga.

Trong khi đó, các sản phẩm sữa của Ukraine và Phần Lan phụ thuộc lớn nhất vào thị trường Nga, với kim ngạch xuất khẩu vào Nga lần lượt chiếm 55% và 48% tổng xuất khẩu ngành sữa. Năm 2013, kinh tế Nga đã chi 4,3 tỷ USD cho các sản phẩm sữa nước ngoài. Hoa và cây cảnh là những mặt hàng không thiết yếu, tuy nhiên việc cấm nhập khẩu các mặt hàng này có thể tác động mạnh tới kinh tế của nước xuất khẩu. Khoảng 83,9% kim ngạch xuất khẩu hoa của Latvia phụ thuộc vào Nga và lệnh cấm nhập khẩu có thể là thảm họa đối với ngành trồng hoa nước này.

Khoảng 20% rau quả xuất khẩu của Ba Lan gắn với Nga, đồng thời nền kinh tế nước này cũng phụ thuộc nhiều vào Nga - thị trường đem lại 30% tổng kim ngạch xuất khẩu cho Warsaw. Cho đến nay, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Ba Lan cho biết đã gửi thư yêu cầu quan chức EU phụ trách nông nghiệp, y tế và thương mại nhanh chóng tổ chức cuộc họp thảo luận về lệnh cấm nhập khẩu của Nga.

Bức thư nêu rõ Ba Lan hy vọng với tinh thần tương trợ của EU, các biện pháp tương ứng sẽ được áp dụng nhằm hạn chế hậu quả tiêu cực do lệnh cấm của Nga đối với các nhà trồng rau quả Ba Lan cũng như các nước khác trong EU. Bộ này cho biết thiệt hại cho khu vực trồng rau quả Ba Lan có thể lên đến 500 triệu EUR.

Thị trường Nga nhập nhiều rau nhất từ Hà Lan, chiếm 10% kim ngạch nhập khẩu mặt hàng này. Thêm vào đó, đối tác xuất khẩu rau quả lớn Tây Ban Nha cũng có thể thiệt hại ít nhiều từ đòn trả đũa của Nga. Kinh tế Ukraine có lẽ sẽ không thể hồi phục trước cú đòn cấm nhập khẩu rượu vang vì 84% kim ngạch xuất khẩu mặt hàng này của Kiev phụ thuộc vào Nga.

Nga cũng mua nhiều rượu vang của Italia, Pháp và Tây Ban Nha. Tuy nhiên, có một điểm đáng chú ý là đối với hầu hết các nước lớn, ảnh hưởng tới xuất khẩu rất nhỏ bé so với quy mô nền kinh tế. Ngược lại, đối với các nước nhỏ như Lithuania, Estonia và Latvia, ảnh hưởng sẽ lớn hơn nhiều: từ 0,3-0,6% GDP. Nói cách khác, nếu lệnh cấm vận này nhằm vào Hoa Kỳ và Đức, có lẽ ông Putin đã bị trượt mục tiêu. Lệnh cấm này sẽ khiến Đông Âu xích lại gần hơn với phương Tây.

Chỉ là đòn thăm dò?

Một điều có thể nhận thấy rõ qua các lệnh cấm vận của Nga là nó sẽ ít ảnh hưởng tới Hoa Kỳ hơn so với châu Âu và các nước khác. Các nhà phân tích Polina Devitt và Dmitry Zhdannikov của hãng Reuters cho biết trong khi Nga là nhà nhập khẩu lớn rau và hoa quả của châu Âu, nhưng chỉ đứng thứ 23 trong danh sách các nhà nhập khẩu thực phẩm của Hoa Kỳ, và chiếm chưa tới 1% xuất khẩu nông nghiệp của nước này.

Các nhà phân tích này cho rằng nếu nông dân Hoa Kỳ có chịu ảnh hưởng, thì đó cũng là những ảnh hưởng gián tiếp từ giá cả hàng hóa toàn cầu, hơn là ảnh hưởng trực tiếp từ quan hệ thương mại song phương. Điều thứ hai, có thể thấy rõ ông Putin chưa dám sử dụng “vũ khí” mạnh hơn là cấm xuất khẩu khí đốt. Có thể nói, EU phụ thuộc nhiều vào khí đốt nhập khẩu từ Nga.

Nếu chính phủ Nga thực sự nổi giận, họ có thể khóa đường ống gas dẫn sang châu Âu và ngay lập tức có thể tạo ra một cuộc khủng hoảng năng lượng tại đó. Nhưng thực ra, Moscow cũng phụ thuộc vào việc bán khí đốt cho châu Âu để kiếm ngoại tệ, đặc biệt trong bối cảnh thị trường tài chính EU và Hoa Kỳ đã đóng lại một phần đối với Nga. Nếu ngừng xuất khẩu khí đốt cho châu Âu, giá trị đồng rúp chắc chắn sẽ lao dốc và toàn bộ nền kinh tế Nga có thể rối tung rối mù.

Thứ ba, giới quan sát cho rằng đòn trả đũa của Nga thực ra sẽ khiến người dân Nga chịu thiệt hại nhiều hơn người phương Tây. Thực tế hoạt động xuất khẩu nông sản của châu Âu sang Nga không chiếm tỷ trọng lớn trong nền kinh tế của họ. Châu Âu là các nền kinh tế phát triển, vì vậy hầu hết lực lượng lao động của họ làm việc trong các lĩnh vực phi nông nghiệp.

Ngay cả với nước châu Âu nổi tiếng về nông nghiệp như Pháp, xuất khẩu nông nghiệp cũng chưa chiếm tới 15% tổng kim ngạch xuất khẩu. Trong khi đó, Nga nhập khẩu 43 tỷ USD thực phẩm, và một nửa trong số đó đến từ các nước nằm trong đối tượng trừng phạt. Giá cả thực phẩm chắc chắn sẽ tiếp tục leo thang trong bối cảnh giá đã tăng do đồng rúp yếu đi.

Biếm họa về cuộc chiến giữa Nga và Hoa Kỳ, châu Âu.

Biếm họa về cuộc chiến giữa Nga và Hoa Kỳ, châu Âu.

Tuy nhiên, một số nhà phân tích cho rằng đòn thăm dò của ông Putin là một đòn hiểm trong quyết tâm phá hoại phương Tây. Dù vậy, bởi vì hàng nông sản được giao dịch trên toàn cầu, nên các biện pháp trừng phạt song phương sẽ ít có tác động. Hãng tin thân Kremlin, RT cho biết chính phủ Nga sẽ "tiến hành tham vấn với đại diện của Ecuador, Brazil, Chile và Argentina để mở rộng nhập khẩu thực phẩm từ các nước này”.

Nếu Nga thành công trong việc thay thế nông sản châu Âu bằng nông sản Mỹ Latin, thì châu Âu cũng có thể bán nông sản thêm cho khu vực Bắc Mỹ và Trung Quốc để bù đắp các sản phẩm bị Nga cấm vận. Tất nhiên, việc vận chuyển thực phẩm đi lòng vòng sẽ làm tăng giá thực phẩm, nhưng nó sẽ không thể tạo ra một cuộc cách mạng cho một tình huống căng thẳng địa chính trị.

(Còn tiếp)

Các tin khác