Cuộc đua ngầm ở Mỹ Latin (K1): 3 chuyến thăm

Mỹ Latin thường được xem là “sân sau” của Hoa Kỳ. Tuy nhiên, trong vòng 1 tháng qua, 3 cường quốc khác là Nga, Trung Quốc và Nhật Bản đã tìm cách tăng cường sự hiện diện ở đó. Điều gì đang diễn ra.

Mỹ Latin thường được xem là “sân sau” của Hoa Kỳ. Tuy nhiên, trong vòng 1 tháng qua, 3 cường quốc khác là Nga, Trung Quốc và Nhật Bản đã tìm cách tăng cường sự hiện diện ở đó. Điều gì đang diễn ra.

Chỉ trong vòng 1 tháng, Mỹ Latin đã lần lượt tiếp đón các vị nguyên thủ của Nga, Trung Quốc và Nhật Bản. Những chuyến thăm nối tiếp nhau của các vị nguyên thủ 3 cường quốc này đã khiến giới quan sát đặt ra nhiều câu hỏi.

Nga phá thế cô lập

Ngày 11-7, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã đến Cuba trong chặng dừng chân đầu tiên của chuyến công du 3 nước Mỹ Latin bao gồm Cuba, Argentina và Brazil kéo dài 6 ngày. Đây là chuyến thăm thứ 2 trong 14 năm trở lại đây của nguyên thủ nước Nga tới quốc đảo khu vực Caribe này. Trong những năm trở lại đây, Moscow đang nỗ lực nối lại hợp tác với các nước khu vực Caribe sau hơn 2 thập niên gián đoạn.

Phát biểu trước chuyến công du, Putin cho biết ông hy vọng chuyến thăm sẽ giúp mở rộng hoạt động đầu tư và thương mại của Nga vào khu vực Mỹ Latin. Duma Quốc gia Nga (Hạ viện) trước đó cũng đã phê chuẩn một hiệp định giải quyết khoản nợ của Cuba với Liên Xô cũ. Theo đó, Nga xóa cho Cuba 31,7 tỷ USD trong tổng số 35,2 tỷ USD nước này vay từ thời còn Liên bang Xô Viết. Hơn 3,5 tỷ USD còn lại được cơ cấu thành khoản đầu tư dài hạn vào nền kinh tế Cuba với thời hạn trả nợ trong vòng 10 năm.

Theo hành trình, từ Cuba, ông Putin tiếp tục bay đến Argentina trước khi tham dự hội nghị thượng đỉnh của nhóm BRICS (Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi) được tổ chức tại Brazil. Tuy nhiên, trên đường đến Argentina, ông Putin đã bất ngờ thay đổi lịch trình với chuyến thăm viếng không có trong kế hoạch đến Nicaragua, theo lời mời trước đó của Tổng thống Daniel Ortega. Tại cuộc họp với ông Ortega, Putin đã thảo luận nhiều vấn đề, trong đó có việc cung cấp máy móc nông nghiệp và lúa mì của Nga sang Nicaragua, đặc biệt triển khai các trạm GLONASS mặt đất trên lãnh thổ nước này.

Ngay sau đó, Tổng thống Nga Putin đã sang thăm và có cuộc hội đàm với nhà lãnh đạo Argentina Cristina Fernandez de Kirchner. Ông bày tỏ hy vọng kết quả cuộc hội đàm với nhà lãnh đạo Argentina sẽ mở ra những cơ hội mới cho việc xây dựng mối quan hệ đối tác chiến lược giữa 2 nước. Cao điểm trong chuyến công du của ông Putin là tới thăm và hội đàm với Tổng thống Brazil Dilma Roussef, đồng thời tham dự lễ bế mạc World Cup tại Brazil.

Theo các nhà phân tích, các cuộc thảo luận giữa Tổng thống Nga Putin và các lãnh đạo châu Mỹ, vốn quan hệ mật thiết với Hoa Kỳ, là trò chơi khăm của Điện Kremlin đối với Washington, nhằm phá thế bao vây, cô lập của Hoa Kỳ đối với Nga sau cuộc khủng hoảng chính trị ở Ukraine.

Theo Trenin, ông Putin muốn khẳng định Nga là một cường quốc thế giới chứ không phải chỉ ở tầm khu vực như Tổng thống Barack Obama mô tả mới đây. Gặp gỡ và hội đàm với lãnh đạo các nước Mỹ Latin là một cách để ông chủ điện Kremlin gửi đi thông điệp ấy.

Trung Quốc tìm kiếm tài nguyên

Nếu Cuba là khởi đầu cho chuyến công du của Tổng thống Putin, thì đó là trạm dừng chân cuối cùng của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đến Mỹ Latin. Tối 21-7, ông Tập đã đến thủ đô La Habana, bắt đầu chuyến thăm hữu nghị chính thức Cuba nhằm thúc đẩy quan hệ truyền thống và hợp tác kinh tế, thương mại giữa 2 nước. Trong chuyến thăm, 2 bên đã vạch ra lộ trình phát triển trong tương lai cho các mối quan hệ Trung Quốc - Cuba từ tầm cao chiến lược và triển vọng lâu dài, đồng thời ký kết một số thỏa thuận hợp tác trên các lĩnh vực kinh tế, thương mại, nông nghiệp, công nghệ sinh học, văn hóa và giáo dục.

Được biết, các doanh nghiệp Trung Quốc rất quan tâm đến việc đầu tư vào Khu kinh tế đặc biệt Mariel với việc xây dựng các nhà máy sản xuất tivi, máy tính, điện thoại di động, lắp ráp ô tô... để cung cấp cho thị trường Cuba và khu vực Caribe. Trước đó, ông Tập đã tới Brazil dự Hội nghị thượng đỉnh lần thứ 6 của BRICS, thăm chính thức Argentina và Venezuela.

Đây là lần thứ 2 trong vòng 1 năm ông Tập Cận Bình có mặt ở khu vực vốn được coi là "sân sau" của Hoa Kỳ. Các nhà quan sát tin rằng Trung Quốc đang nhắm đến Mỹ Latin như một nơi để tìm kiếm các nguồn tài nguyên bổ sung cho sự phát triển kinh tế quá nóng của họ. Mỹ Latin được đánh giá dồi dào tài nguyên năng lượng như dầu mỏ, khí thiên nhiên… Mỹ Latin còn là nguồn nguyên liệu thô cần thiết và giá rẻ mà Trung Quốc đang cần như đồng, nikel...

Không những thế, là một trong những nền kinh tế xuất khẩu hàng đầu thế giới, việc tìm kiếm và mở rộng thị trường tiêu thụ luôn là vấn đề sống còn đối với quốc gia châu Á này. Khu vực Mỹ Latin rộng lớn, với dân số hơn 600 triệu người, thực sự là một thị trường xuất khẩu tiềm năng. Chính vì vậy, đi kèm với các khoản đầu tư hào phóng của Bắc Kinh là sự xâm nhập ngày càng mạnh của hàng giá rẻ Trung Quốc vào thị trường đông dân này. Tại Brazil, 2 bên đã ký tổng cộng 56 văn kiện về hợp tác đầu tư và kinh tế.

Tại Argentina, 2 bên nhất trí nâng quan hệ song phương từ “đối tác chiến lược” lên thành “đối tác chiến lược toàn diện”. Buenos Aires hy vọng sự hiện diện của Chủ tịch Trung Quốc sẽ góp phần giúp nước này thoát khỏi nguy cơ vỡ nợ. Tại Venezuela, 2 bên đã thảo luận việc Bắc Kinh tăng cường mua dầu mỏ của Caracas và bán vũ khí cho quốc gia Nam Mỹ này.

Nhật Bản vì mũi tên thứ ba?

Ngày 25-7, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe bắt đầu chuyến công du dài ngày tới 5 quốc gia châu Mỹ Latin. Trong chuyến thăm kéo dài 11 ngày, Thủ tướng Abe đã tới thăm Cộng hòa Trinidad và Tobago, Colombia, Chile và Brazil nhằm tăng cường quan hệ kinh tế, hợp tác trong các lĩnh vực tài nguyên, phát triển năng lượng và cơ sở hạ tầng. Điểm dừng chân đầu tiên của Thủ tướng Abe là Mexico.

Phát biểu với báo giới, Thủ tướng Abe nhấn mạnh Nhật Bản muốn mở rộng hơn nữa quan hệ với các nước Mỹ Latin bởi khu vực này có những tiềm năng không giới hạn và doanh nghiệp Nhật Bản mong muốn khám phá các cơ hội kinh doanh ở khu vực này. Bên cạnh mục đích thúc đẩy hợp tác về kinh tế, Nhật Bản cũng muốn tìm kiếm sự ủng hộ của các nước này trong nỗ lực trở thành một trong những thành viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hiệp quốc.

Mỹ Latin trở thành sàn đấu của nguyên thủ 3 cường quốc thế giới.

Mỹ Latin trở thành sàn đấu của nguyên thủ 3 cường quốc thế giới.

Ngoài ra, Nhật Bản còn tìm kiếm một sự ủng hộ lớn hơn đối với Hiệp định Đối tác kinh tế chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP). Tại Mexico, Chile, Colombia (3 nước đang tham gia đàm phán TPP cùng với Nhật Bản), ông Abe đã thảo luận với lãnh đạo các nước để sớm hoàn tất hiệp định này. Mục tiêu ban đầu của Hiệp định là giảm 90% các loại thuế xuất nhập khẩu giữa các nước thành viên trước ngày 1-1-2006 và cắt giảm bằng 0 tới năm 2015.

Đây là một thỏa thuận toàn diện bao quát tất cả khía cạnh chính của một hiệp định thương mại tự do, bao gồm trao đổi hàng hóa, các quy định về xuất xứ, can thiệp, rào cản kỹ thuật, trao đổi dịch vụ, vấn đề sở hữu trí tuệ, các chính sách của chính quyền…

Tuy nhiên, Trung Quốc không có quyền tham gia TPP. Với mức thuế suất áp dụng ở mức 0%, hàng hóa của các quốc gia thành viên hoàn toàn đủ sức cạnh tranh với Trung Quốc, vốn nổi tiếng ở sự đa dạng và giá thành rất rẻ. Nói cách khác, TPP là một liên minh thương mại để kiềm chế sự bành trướng của gã khổng lồ Trung Quốc.

(Còn tiếp)

Các tin khác