Điểm mặt dự án bị thu hồi (K1): Đại Thế Giới-Nhập nhằng đất công

LTS: Trong gần 2 năm qua, thực hiện Nghị quyết 16 của HĐND TPHCM về việc giám sát, tổ chức và thực hiện quy hoạch trên địa bàn, qua rà soát UBND TP đã ra quyết định hủy bỏ, thu hồi 536 dự án (bao gồm dự án phúc lợi công cộng, phát triển nhà ở…) với quy mô hơn 5.500ha. Đây là những dự án không khả thi, chậm triển khai do chủ đầu tư thiếu năng lực về tài chính, bế tắc trong công tác đền bù giải tỏa… ĐTTC điểm qua một số dự án bị thu hồi.

LTS: Trong gần 2 năm qua, thực hiện Nghị quyết 16 của HĐND TPHCM về việc giám sát, tổ chức và thực hiện quy hoạch trên địa bàn, qua rà soát UBND TP đã ra quyết định hủy bỏ, thu hồi 536 dự án (bao gồm dự án phúc lợi công cộng, phát triển nhà ở…) với quy mô hơn 5.500ha. Đây là những dự án không khả thi, chậm triển khai do chủ đầu tư thiếu năng lực về tài chính, bế tắc trong công tác đền bù giải tỏa… ĐTTC điểm qua một số dự án bị thu hồi.

Năm 2008 UBND TPHCM có quyết định giao cho Công ty Quản lý và Phát triển nhà quận 5 và CTCP Sản xuất Thương mại May Sài Gòn khu đất 107 và 107B Trần Hưng Đạo (quận 5) để thực hiện dự án Trung tâm Thương mại Dịch vụ giải trí - Văn phòng trên diện tích hơn 2.200m2. Tuy nhiên, sau đó dự án gần như án binh bất động và UBND TP đã có Thông báo 658/TB-VP quyết định thu hồi dự án trên.

Bán dự án?

Một pháp nhân mới được thành lập để triển khai dự án cũng với tên gọi mới Cao ốc Đại Thế Giới. Theo đó, Công ty TNHH Thương mại Đại Thế Giới được thành lập từ 3 thành viên: Công ty Quản lý và Phát triển nhà quận 5, CTCP Sản xuất Thương mại May Sài Gòn (nay là CTCP May Sài Gòn) và CTCP Xây dựng công trình và Đầu tư địa ốc Hồng Quang.

Dự án có tổng diện tích hơn 2.200m2 với 21 tầng, mức đầu tư dự kiến 250 tỷ đồng, bao gồm tầng hầm (từ tầng 1-5), siêu thị, nhà hàng (từ tầng 6-21), khối văn phòng với tổng diện tích sàn xây dựng 22.633m2, mật độ xây dựng 55%.

Tuy nhiên, trong khi đang triển khai thủ tục pháp lý, ngày 8-1-2008 toàn bộ dự án Cao ốc Đại Thế Giới được ký hợp đồng chuyển nhượng cho CTCP Quốc Cường Gia Lai với giá hơn 378 tỷ đồng và công ty này đã chuyển cho Hồng Quang 141 tỷ đồng. Nhưng sau đó việc thanh toán công nợ giữa 2 bên bị trục trặc do không đáp ứng được về mặt thủ tục liên quan đến dự án.

Theo chỉ đạo của UBND TP, Công ty Quản lý và Phát triển nhà quận 5 góp vốn để khai thác, đầu tư khu đất, không được bán đứt quyền sử dụng công sản này. Vụ việc lùm xùm trên đã khiến Thanh tra TP vào cuộc thanh tra toàn bộ dự án để làm rõ nguồn gốc pháp lý, quá trình quản lý, sử dụng khu đất nêu trên.

Trên cơ sở thanh tra, cơ quan chức năng kết luận: UBND TP chấp thuận cho CTCP May Sài Gòn mua chỉ định khu đất 107 Trần Hưng Đạo có diện tích 1.240m2 với giá bán được duyệt 101 tỷ đồng (tính tròn). Tuy nhiên, qua thanh tra đã phát hiện công ty này ký hợp đồng chuyển nhượng cho CTCP Hồng Quang để nhận 25,2 tỷ đồng thông qua việc chuyển nhượng vốn góp và hợp đồng hợp tác kinh doanh.

Đáng lưu ý, CTCP May Sài Gòn không ghi nhận vào sổ sách để ghi tăng tài sản khi được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, đồng thời việc hạch toán kế toán cũng không thể hiện việc hợp tác đầu tư xây dựng Cao ốc Đại Thế Giới.

Tương tự, đối với khu đất 107B Trần Hưng Đạo có diện tích 1.000m2 do Công ty Quản lý và Phát triển nhà quận 5 quản lý và sử dụng (nay là Công ty TNHH MTV Dịch vụ công ích quận 5), được bán chỉ định 84 tỷ đồng. Công ty đã ký hợp đồng chuyển nhượng khu đất này cho một pháp nhân khác (Công ty TNHH Đại Thế Giới) để nhận 10 tỷ đồng, trong khi công ty chưa có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.

Đi ngược chỉ đạo TP

Kết luận của cơ quan chức năng cho thấy chủ trương đầu tư dự án Cao ốc Đại Thế Giới được chấp thuận từ năm 2007 với điều kiện Công ty Quản lý và Phát triển nhà quận 5 hợp tác với CTCP May Sài Gòn và CTCP Hồng Quang để thành lập một công ty TNHH 3 thành viên.

Tuy nhiên, Công ty Quản lý và Phát triển nhà quận 5 không lập thủ tục để thành lập pháp nhân theo chỉ đạo của UBND TP mà sử dụng pháp nhân là Công ty TNHH Đại Thế Giới (được thành lập trên cơ sở hợp tác giữa Công ty Quản lý và Phát triển nhà quận 5 và CTCP May Sài Gòn) làm cơ sở pháp lý thực hiện dự án. Theo kết luận qua thanh tra, chưa có văn bản nào của UBND TP giao cho Công ty Đại Thế Giới làm chủ đầu tư dự án.

Trên thực tế, từ tháng 3-2006, Công ty Quản lý và Phát triển nhà quận 5, CTCP May Sài Gòn, CTCP Hồng Quang ký hợp đồng hợp tác kinh doanh để ủy quyền toàn bộ quyền sử dụng khu đất, nguồn vốn đầu tư, tổ chức điều hành cho Công ty Hồng Quang. Đến năm 2008, CTCP Hồng Quang ký hợp đồng chuyển nhượng 80% vốn góp trong Công ty TNHH Đại Thế Giới và giá trị dự án Cao ốc Đại Thế Giới cho CTCP Quốc Cường Gia Lai theo giá thỏa thuận hơn 387 tỷ đồng.

Dự án cao ốc Đại Thế Giới sau nhiều năm hiện nay vẫn là một bãi giữ xe. Ảnh: Tr.Giang

Dự án cao ốc Đại Thế Giới sau nhiều năm hiện nay vẫn là một bãi giữ xe. Ảnh: Tr.Giang

Thanh tra TP kiến nghị: UBND TP chỉ đạo Sở Tài chính kiểm tra, xử lý việc CTCP May Sài Gòn không ghi nhận vốn vào tài sản; việc sử dụng, phân phối lợi nhuận số tiền 25,2 tỷ đồng chuyển nhượng khu đất 107 Trần Hưng Đạo; kiểm tra, xử lý việc Công ty Quản lý và Phát triển nhà quận 5 không ghi nhận vốn vào tài sản, hạch toán không đúng nghiệp vụ đối với số tiền 10 tỷ đồng chuyển nhượng giá trị thương quyền khu đất 107B Trần Hưng Đạo.

UBND TP thống nhất kiến nghị này của Thanh tra TP, yêu cầu các cơ quan chức năng xem xét, báo cáo TP xử lý nghiêm các sai phạm. Một khu đất vàng, mặt tiền nằm ngay trung tâm thương mại sầm uất nhưng bị lãng phí từ nhiều năm nay, nguyên nhân do các cơ quan được giao đất thiếu năng lực, nhập nhằng trong việc hợp tác đầu tư… là điều không thể chấp nhận.

Các tin khác