Trung Quốc-Đảo điên tư bản (K1): Sụp đổ mô hình kinh tế?

Trung Quốc tự gọi mình là một nước kinh tế thị trường XHCN (socialist market economy), nhưng hầu hết các chuyên gia và nhà phân tích đều cho rằng thực ra nước này đang xây dựng một đường lối phát triển kinh tế không giống XHCN và mô hình này ngày càng bộc lộ nhiều yếu kém.

Trung Quốc tự gọi mình là một nước kinh tế thị trường XHCN (socialist market economy), nhưng hầu hết các chuyên gia và nhà phân tích đều cho rằng thực ra nước này đang xây dựng một đường lối phát triển kinh tế không giống XHCN và mô hình này ngày càng bộc lộ nhiều yếu kém.

Nếu xét theo những định nghĩa cơ bản về nền kinh tế XHCN như kinh tế kế hoạch sản xuất theo nhu cầu sử dụng (không vì lợi nhuận); giai cấp lao động là tầng lớp thống trị (kiểm soát giá trị sản xuất thặng dư của nền kinh tế)... Trung Quốc đều không có. Tuy nhiên, nếu xét theo những tiêu chí của kinh tế TBCN, Trung Quốc cũng chưa phải, vì gần 50% dân số vẫn hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp.

Tư bản nhà nước

Phân tích về “mô hình Trung Quốc” của các nhà kinh tế Julan Du và Chenggang Xu kết luận rằng, hệ thống kinh tế hiện nay của Trung Quốc đại diện cho một hệ thống tư bản nhà nước, trái ngược với hệ thống thị trường XHCN. Lý do cho việc phân loại này là thị trường tài chính tồn tại trong hệ thống kinh tế của Trung Quốc, trong khi lại vắng mặt các mô hình của thị trường XHCN, đó là lợi nhuận của nhà nước được giữ lại bởi các doanh nghiệp, không được phân phối một cách công bằng trong nhân dân...

Vì vậy, họ cho rằng Trung Quốc không thuộc thị trường XHCN cũng không phải là một dạng của TBCN. Những phân tích khác chỉ ra rằng hệ thống của Trung Quốc hiện nay có mối quan hệ hàng hóa TBCN trong sản xuất, không trao quyền cho giai cấp công nhân và đã góp phần tăng mạnh bất bình đẳng xã hội, trong khi phát triển quy mô và quyền lực chính trị của một giai cấp tư bản nhỏ.

Trung Quốc đã chấp nhận nhiều yếu tố của thị trường CNTB, đặc biệt sản xuất hàng hóa và tư nhân hóa, dẫn đến một hệ thống kinh tế TBCN toàn diện. Mặc dù nhiều doanh nghiệp về danh nghĩa thuộc sở hữu toàn dân, nhưng lợi nhuận được doanh nghiệp giữ lại và được sử dụng để trả tiền lương cao ngất ngưởng cho các nhà quản lý, không được phân phối cho dân chúng.

Trong thực tế, nhiều nhà phân tích khẳng định Trung Quốc là một trong những thí dụ điển hình của CNTB nhà nước trong thế kỷ 21. Trong cuốn sách mang tựa đề “Sự kết thúc của thị trường tự do: Ai thắng cuộc chiến giữa các quốc gia và tổng công ty”, nhà khoa học chính trị Ian Bremmer mô tả Trung Quốc như động lực chính cho sự gia tăng của CNTB nhà nước, là một thách thức đối với các nền kinh tế thị trường tự do của các nước phát triển, đặc biệt sau cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008.

Bremmer mô tả về CNTB nhà nước ở Trung Quốc: Chính phủ sử dụng các loại công ty nhà nước để quản lý việc khai thác các nguồn tài nguyên để tạo ra và duy trì một số lượng lớn công ăn việc làm; dùng các công ty thuộc sở hữu tư nhân có chọn lọc để chiếm ưu thế trong những lĩnh vực kinh tế nhất định; dùng các quỹ lợi ích quốc gia đầu tư tiền dôi dư theo những cách tối đa hóa lợi nhuận của nhà nước.

Trong cả 3 trường hợp, nhà nước sử dụng thị trường để tạo ra sự giàu có cho các quan chức chính trị. Và mục tiêu trên hết không phải kinh tế (tối đa hóa tăng trưởng) mà là chính trị (tối đa hóa quyền lực nhà nước và cơ hội cầm quyền của lãnh đạo). Đây là một dạng của TBCN nhưng nhà nước thống trị nền kinh tế và dùng thị trường để phục vụ lợi ích chính trị.

Tư bản địa phương

Trong một động thái lịch sử, một ngân hàng Trung Quốc cuối tuần trước đã lần đầu tiên tiết lộ một cuộc vỡ nợ của một công cụ đầu tư tài chính thuộc chính quyền địa phương (LGFV), dấu hiệu cho thấy sự phát triển tư bản địa phương ở Trung Quốc đã lên đến mức đáng lo ngại và bắt đầu gây hậu quả. Tờ 21st Century Business Herald, một tờ báo tiếng Hoa, cho biết Ngân hàng Qilu Bank ở Sơn Đông đã thông báo cho các nhà đầu tư trong báo cáo thường niên năm 2013 về việc Công ty Xây dựng đô thị và Phát triển toàn diện của quận Licheng, thành phố Tế Nam (nằm trên bờ biển phía Đông của Trung Quốc) đã vỡ nợ đối với một khoản vay của ngân hàng.

Khoản vay bao gồm 5,7 triệu USD gốc và 1 triệu USD lãi suất. Công cụ tài chính nói trên đã vỡ nợ lần đầu tiên khi ngưng việc đóng lãi vay cách đây 2 năm. Tin mới nhất cho biết hiện Qilu Bank đã khởi kiện Công ty Xây dựng và phát triển toàn diện Licheng về khoản nợ không trả được, là vụ kiện đầu tiên của một ngân hàng trong nước với một LGFV.

Trong khi bản thân khoản vay này khá nhỏ, việc tiết lộ vụ vỡ nợ đã làm dấy lên sự lo ngại đối với thị trường phức tạp của các LGFV. “Nó làm nổi bật bong bóng tín dụng của Trung Quốc và cuối cùng nó đang xì hơi. Đây không phải là tin tức mới nhất về điều này vì rất nhiều chính quyền địa phương đã dựa vào việc bán tài sản để tự cấp ngân sách và hoạt động này rõ ràng đang chậm lại” - theo Peter Boockvar, Giám đốc phân tích thị trường tại Lindsey Group.

Theo Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), LGFV được coi là xương sống của các chính quyền địa phương trong việc phát triển hạ tầng khắp Trung Quốc. Công cụ này được các chính quyền địa phương ưa thích như một phương tiện kích thích tài chính bổ sung kể từ khi họ bị cấm vay trực tiếp trên các thị trường tài chính. Trong khi có nhiều loại công cụ tài chính cấu trúc khác nhau, các chính quyền địa phương thường cung cấp cho các LGFV tiền mặt, quyền sử dụng đất, tài sản hiện có như cầu đường và các khoản thu đối với trái phiếu chính phủ.

Một khi đáp ứng yêu cầu về vốn, các chính quyền sẽ dùng LGFV để huy động vốn trên thị trường chứng khoán và trái phiếu, hoặc vay trực tiếp từ ngân hàng. Những khoản tiền này sau đó được sử dụng cho các dự án công trình công cộng.

“Về cơ bản, chúng đóng vai trò là những đại lý tài chính chủ yếu của các chính quyền địa phương” - IMF viết trong một nghiên cứu năm 2013. Tính đến cuối năm ngoái, tổng nợ của các LGFV vào khoảng 3.900 tỷ USD, tương đương 41,9% GDP và hơn một nửa tổng nợ chính phủ. Để so sánh, các nhà đầu tư nắm khoảng khoảng 3.700 tỷ USD nợ chính quyền địa phương Hoa Kỳ, theo số liệu của Ủy ban Chứng khoán Hoa Kỳ (SEC).

Qilu Bank trở thành ngân hàng Trung Quốc đầu tiên kiện một LGFV vì vỡ nợ.

Qilu Bank trở thành ngân hàng Trung Quốc đầu tiên kiện một LGFV vì vỡ nợ.

Phần lớn các LGFV từ lâu đã phụ thuộc vào chính quyền địa phương để tồn tại và hoạt động. Nhưng khi nền kinh tế và thị trường nhà ở một thời nóng sốt của Trung Quốc bắt đầu hạ nhiệt, bản thân các chính quyền địa phương cũng vướng vào những thách thức tài chính.

Trong một lưu ý vào đầu năm nay, Ngân hàng Đầu tư Nhật Bản Nomura cho biết các LGFV đang trong tình trạng lưu chuyển tiền tệ thắt chặt và lợi nhuận nghèo nàn. Chu chuyển dòng tiền hoạt động ở mức dưới 0 trong 32% LGFV, trong khi lợi nhuận trung bình trên vốn chủ sở hữu trượt xuống mức 1,9% từ 3,5% trong năm 2011.

Nomura dự báo sẽ có thêm vài vụ vỡ nợ LGFV trong năm nay, có thể chưa gây đổ vỡ hệ thống vì chính quyền trung ương Bắc Kinh có lẽ sẽ can thiệp. Tuy nhiên, các nhà kinh tế cảnh báo chính quyền trung ương có thể để các LGFV vỡ nợ để giảm kiểu đầu tư ỉ lại của các chính quyền địa phương và cả giới đầu tư.

Đồng thời , IMF cảnh báo có thể có sự lây nhiễm giữa chính quyền và các tổ chức tài chính của họ vì những liên kết chặt chẽ giữa 2 bên. Trong trường hợp xấu nhất, sự gia tăng nợ chính phủ và giảm mức độ tín nhiệm của Trung Quốc có thể làm mất niềm tin vào các ngân hàng.

(Còn tiếp)

Các tin khác