Nông dân tự bơi-đổ nợ (K2): Điêu đứng cây điều

Năm 2013, kim ngạch xuất khẩu hạt điều Việt Nam đạt 1,8 tỷ USD, năm thứ 8 liên tục (kể từ 2005) vượt qua Ấn Độ trở thành nước số một thế giới xuất khẩu điều nhân. Thành tích này có sự đóng góp không nhỏ của người nông dân, đặc biệt là nông dân nghèo mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng, tăng diện tích, sản lượng điều để cung cấp cho ngành chế biến - xuất khẩu. Song, điều đáng quan ngại là nhiều nơi người dân đang quay lưng với cây điều.

Năm 2013, kim ngạch xuất khẩu hạt điều Việt Nam đạt 1,8 tỷ USD, năm thứ 8 liên tục (kể từ 2005) vượt qua Ấn Độ trở thành nước số một thế giới xuất khẩu điều nhân. Thành tích này có sự đóng góp không nhỏ của người nông dân, đặc biệt là nông dân nghèo mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng, tăng diện tích, sản lượng điều để cung cấp cho ngành chế biến - xuất khẩu. Song, điều đáng quan ngại là nhiều nơi người dân đang quay lưng với cây điều.

Nông dân tự bơi-đổ nợ (K1): Nỗi buồn cường quốc lúa gạo

Mất mùa, rớt giá

Theo Quyết định 124/QĐ-TTg ngày 2-2-2012, phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển sản xuất ngành nông nghiệp đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030, diện tích phát triển cây điều duy trì ở mức 400.000ha và trồng mới đến năm 2020 khoảng 20.000ha.

Khu vực phát triển cây điều chủ yếu là các tỉnh ở Tây nguyên, Đông Nam bộ, duyên hải Nam Trung bộ. Quy hoạch cũng định hướng đa dạng hóa sản phẩm ngành điều, nâng tỷ lệ nhân điều chế biến đạt tối thiểu 40% dưới các dạng (hạt điều rang muối, bơ hạt điều, bánh kẹo nhân điều); đồng thời tăng tỷ lệ tiêu thụ nội địa để tránh rủi ro do thị trường xuất khẩu có những biến động xấu, sử dụng triệt để nhân điều bị vỡ do quá trình áp dụng cơ giới hóa thay thế lao động thủ công…

Trong khi các ngành như cao su hay cà phê đã có riêng một quy hoạch đề ra các mục tiêu, định hướng, giải pháp, tổ chức thực hiện rất cụ thể, rõ ràng, với cây điều là một trong những sản phẩm nông nghiệp chủ lực, có lợi thế và tiềm năng phát triển rất lớn, quy hoạch trên của ngành này còn khá chung chung, chưa giải quyết cơ bản những yêu cầu đang đặt ra của thị trường.

Người dân ở các tỉnh trồng theo phong trào khi giá điều lên cao và chặt bỏ ồ ạt khi giá xuống thấp. Diện tích trồng điều cả nước từ trên 430.000ha năm 2005, đến nay chỉ còn xấp xỉ 300.000ha, giảm hơn 1/4 diện tích. Sản lượng điều thu hoạch hàng năm hiện đạt khoảng 400.000 tấn hạt thô, đáp ứng được khoảng 50% công suất của hơn 1.000 cơ sở chế biến hạt điều trong nước.

Tỉnh Đồng Nai hiện có khoảng 45.000ha trồng điều, năng suất bình quân 1 tấn/ha. Nhưng với giá bán trung bình 20.000-30.000 đồng/kg, tính ra lợi nhuận khoảng 6-7 triệu đồng/ha, so với những cây trồng khác hiệu quả kinh tế của cây điều rất thấp. Hay tại Bình Phước, từ một tỉnh có diện tích trồng điều rất lớn lên đến 180.000ha vào năm 2005, đến năm 2014 thống kê còn khoảng 135.000ha.

Nhiều hộ dân đã chặt bỏ cây điều trồng cao su vì hiệu quả kinh tế thấp, giá thu mua của các thương lái rẻ mạt. Cùng với đó, những năm gần đây do ảnh hưởng của thời tiết, cây điều liên tục mất mùa, chất lượng không ổn định.

Tiếp sức nông dân

Với việc sản lượng điều thu hoạch hàng năm chỉ đáp ứng khoảng 50% công suất của các nhà máy chế biến, 50% còn lại phải nhập khẩu, đã cho thấy dù Việt Nam là nước xuất khẩu điều lớn nhất nhưng còn quá lệ thuộc vào việc nhập khẩu nguyên liệu, gây áp lực cho DN chế biến.

Bên cạnh đó, diện tích trồng điều những năm qua biến động liên tục do các địa phương chưa liên kết, chưa chú trọng đến quy hoạch sử dụng đất, phó mặc cho người dân nghèo mày mò trồng cây này, chặt cây nọ trong một vòng luẩn quẩn. Cùng với đó là những vấn đề ảnh hưởng trực tiếp đến quá trình sản xuất như giống, kỹ thuật canh tác; tiếp cận vốn; sự minh bạch của thị trường…

Trước thực tế trên, yêu cầu cấp thiết đặt ra là cần phải có cơ chế hỗ trợ người trồng điều để ngành này phát triển bền vững, ổn định diện tích và sản lượng đầu vào; đồng thời góp phần thực hiện mục tiêu phủ xanh đất trống đồi trọc, giúp bà con vùng sâu, vùng xa giải quyết công ăn việc làm, xóa đói giảm nghèo hiệu quả. Theo đó, các cơ quan quản lý cần rà soát, quy hoạch và kiểm soát quy hoạch một cách chặt chẽ. Nhà nước cần có chính sách hỗ trợ cây giống, đặc biệt cây giống cho năng suất và chất lượng cao.

Ứng dụng và chuyển giao tiến bộ kỹ thuật trong khâu trồng, chăm sóc, thu hoạch, chế biến và bảo quản. Các ngân hàng cần hỗ trợ lãi suất ưu đãi để người dân mạnh dạn vay tiền đầu tư sâu hơn. Về phía DN, khuyến khích và tạo điều kiện thuận lợi cho việc chế biến sâu, đa dạng hóa sản phẩm, tăng giá trị xuất khẩu.

Thực tế hiện nay, ngành công nghiệp chế biến điều phát triển nhanh với hàng trăm cơ sở nhưng quy mô còn nhỏ, tổ chức sản xuất manh mún, nhỏ lẻ, chưa đẩy mạnh phát triển thị trường và xây dựng thương hiệu vững mạnh. Bên cạnh đó, thời gian tới cần ban hành giá sàn hạt điều hàng năm nhằm giúp DN chủ động lên kế hoạch thu mua, đồng thời giúp người nông dân tránh tình trạng được mùa mất giá, được giá mất mùa như hiện nay.

Chế biến điều xuất khẩu. Ảnh: Cao Thăng
Chế biến điều xuất khẩu. Ảnh: Cao Thăng

Trong bối cảnh các cam kết của WTO sắp trở thành hiện thực, cũng như Hiệp định Đối tác kinh tế chiến lược xuyên Thái Bình Dương TPP và các hiệp định thương mại tự do khác sắp được ký kết, thời cơ cho ngành điều Việt Nam rất lớn nhưng thách thức không hề nhỏ.

Mới đây Hiệp hội Điều Việt Nam đã kiến nghị Bộ Nông nghiệp - Phát triển Nông thôn 3 nội dung nhằm tháo gỡ khó khăn, giải quyết những khuyết tật đang tồn tại của ngành điều. Một là, sớm trình Thủ tướng Chính phủ và thông qua đề án tái cơ cấu, phát triển sản xuất điều bền vững đến năm 2020.

Hai là, cần có cơ chế cấp hạn mức tín dụng hàng năm cho ngành điều, cũng như chính sách hỗ trợ xuất khẩu điều.

Ba là, tổ chức thí điểm cho ngành điều vay theo chuỗi sản xuất, tăng cường trách nhiệm và sự gắn kết giữa DN chế biến với người nông dân trồng điều. Động thái trên của Hiệp hội Điều Việt Nam theo đánh giá của các chuyên gia tuy khá muộn, nhưng rất cần thiết để vực dậy ngành điều.

(còn tiếp)

Các tin khác