Lực lượng ngầm Mafia Nga (K1): Tội phạm thế hệ mới

Nếu như mafia Sicily (Italia) từng làm người ta khiếp sợ do kế hoạch bành trướng về số lượng "khách hàng"; yakuza (mafia Nhật Bản) có một lực lượng hùng hậu, thì mafia Nga khét tiếng là ra tay tàn độc và có mạng lưới hoạt động xuyên quốc gia.

Nếu như mafia Sicily (Italia) từng làm người ta khiếp sợ do kế hoạch bành trướng về số lượng "khách hàng"; yakuza (mafia Nhật Bản) có một lực lượng hùng hậu, thì mafia Nga khét tiếng là ra tay tàn độc và có mạng lưới hoạt động xuyên quốc gia.

Cách nhận biết mafia Nga bằng các hình xăm trên cơ thể đã trở nên lỗi thời. Mafia Nga có thể là người láng giềng kế nhà bạn sống trong căn hộ sang trọng hay những tòa lâu đài với địa chỉ và mã số bưu chính hẳn hoi. Mafia Nga ăn mặc đẹp, đi xe đắt tiền, được đào tạo rất bài bản, một số xuất thân từ các lực lượng đặc biệt, thậm chí từ các cơ quan tình báo nổi tiếng thế giới.

Mạng lưới xuyên quốc gia

Đạo quân mafia Nga đang có tới hàng ngàn băng nhóm với "quân số" xấp xỉ 100.000 người, thao túng từ 25-40% tổng sản phẩm quốc dân (GNP) của Nga. Ước tính những băng nhóm tội phạm này thống lĩnh 40% doanh nghiệp tư nhân, 60% doanh nghiệp nhà nước và "chăm sóc" khoảng 50-80% ngân hàng ở Nga. Lợi nhuận thu được từ những phiên chợ đen thường niên của các băng nhóm này là hơn 18 tỷ USD mỗi năm. Không chỉ hoạt động trong nước, mafia Nga còn bành trướng thế lực, cấu kết và mở rộng tầm hoạt động đến các lãnh thổ khác, đồng thời thò bàn tay vào nhiều lĩnh vực khác nhau.

Một số hoạt động cơ bản của mafia Nga: rửa tiền theo đơn đặt hàng ở mức hàng triệu USD, kinh doanh gái mại dâm, gian lận trong giao dịch chứng khoán, buôn thuốc phiện, trao đổi vũ khí, bảo kê, giết thuê, tống tiền... Hơn 30 tổ chức tội phạm Nga liên kết thành các nhóm hoạt động ở Miami, New York (Hoa Kỳ) và Puerto Rico để bố trí "lực lượng vũ trang" cho các phiên giao dịch cocaine với các đối tác đến từ Nga.

Những chiếc tàu tải trọng lớn mafia Nga tậu được nhằm phục vụ cho việc vận chuyển vũ khí bao gồm súng ống, đạn dược, lựu đạn các loại, kể cả tên lửa đất đối không từ số tiền bòn rút các doanh nghiệp nhà nước thời Liên bang Xô Viết tan rã. Những vũ khí này được dùng để đổi lấy cocaine đã qua tinh chế ở Colombia, sau đó số cocaine thành phẩm này lại được nhập cảng trở lại châu Âu hoặc qua một nước thứ ba nào đó.

Những ngân hàng, công ty ở vùng biển Ca-ri-bê, Miami lần lượt mọc lên để che mắt thiên hạ nhằm hợp thức hóa việc rửa tiền. Kiểu hoạt động này có thể diễn ra ở các lãnh thổ khác khi mafia Nga nhận thấy đâu là lãnh địa - nơi chúng tìm ra được các kẽ hở của luật pháp nước ấy hoặc kẽ hở ở ngay những người làm trong bộ máy công quyền nhưng "cầm lòng không đặng" trước những đề nghị béo bở mafia Nga hứa hẹn.

Mạng lưới mafia Nga bao trùm lãnh thổ 50 nước ở các khu vực khác nhau trên thế giới. Mafia Nga cũng nổi tiếng ra tay tàn độc, như giới truy bắt tội phạm quốc tế thường kháo nhau: "Nếu như tội phạm Italia có một quy luật bất thành văn là không đụng đến "cớm", công tố viên, nhà báo Hoa Kỳ, thì mafia Nga "vuốt mặt mà không nể mũi" khi có thể sát hại tất tần tật, bất kể người đó là ai. Chúng có thể cho bạn một viên kẹo đồng chỉ để kiểm tra súng có bắn được hay không".

Công khai hoạt động

Theo khuyến cáo của Cơ quan Điều tra liên bang Hoa Kỳ (FBI), mafia Nga có thể ẩn sau những website giả mạo, được tạo ra nhằm moi tiền từ khách hàng của các ngân hàng lớn. Chẳng hạn như trường hợp Tập đoàn ANZ và Tổ hợp Westpac - 2 tập đoàn ngân hàng chính ở Australia - đang kêu cứu với cảnh sát rằng khách hàng của họ là nạn nhân của loại tội phạm này.

Cách moi tiền theo kiểu này cũng vô cùng đơn giản, bắt nguồn chỉ là những website giả và những thư rác điện tử gửi tới khách hàng - những người lầm tưởng đó là những website thật nên đã truy cập để cập nhật thông tin. Những nạn nhân nhẹ dạ đã cung cấp thông tin cá nhân, kể cả số thẻ tín dụng cùng những thông số liên quan và thực hiện giao dịch với mafia mà không hề hay biết rằng họ sẽ bị "cuỗm" tiền chỉ trong chốc lát.

2 tập đoàn ngân hàng này sau đó đã cho ngưng các hoạt động giao dịch với khách hàng qua điện thoại, e-mail, hoặc trên các website để hạn chế việc bọn tội phạm "thua keo này bày keo khác", tấn công khách hàng bằng những chiêu mới hơn.

Theo một cuộc điều tra mới đây của Bộ Nội vụ Nga, đa phần các công ty nước ngoài hoạt động tại Nga thường phải nộp - dưới hình thức này hay hình thức khác - khoảng 20% lợi tức thường niên cho mafia. Chúng khống chế các cơ sở tài chính, nhà băng; kiểm soát thị trường xe hơi cũ, các hãng taxi và khu vực quanh các sân bay quốc tế Vnukovo và Shermetyevo-II, khách sạn thượng lưu Havana, sòng bạc Valery.

Thậm chí mở rộng hoạt động đầu tư ra nước ngoài, như xây các quần thể khách sạn ở Nam Thổ Nhĩ Kỳ, trên đảo Síp... Mafia Nga chỉ đạo các hoạt động kinh doanh mại dâm ở Macau, Trung Quốc và Đức, các hoạt động buôn bán ma túy ở Tajikistan và Uzbekistan, thực hiện rửa tiền ở Síp, Israel, Bỉ và Anh. Những băng đảng mafia khác không bao giờ lộ diện, nhưng mafia Nga không ngần ngại trả lời phỏng vấn hay xuất hiện trong các buổi họp báo. Điều này cho thấy những bố già mafia Nga được bảo vệ an toàn thế nào, cũng như sự bành trướng đang ngày một lan rộng của tổ chức này.

(Còn tiếp)

Các tin khác