Khủng hoảng ngành mía đường

Thời điểm giữa tháng 4, nhiều nhà máy đường bước vào giai đoạn sản xuất cuối vụ 2013-2014 trong bối cảnh sản lượng đường tồn kho ngày một tăng cao, giá giảm mạnh, khiến nhiều doanh nghiệp như ngồi trên lửa. Chưa bao giờ ngành mía đường lâm vào cảnh khốn đốn như hiện nay khi cả nhà máy và nông dân đều lỗ, trong khi đường nhập lậu thao túng thị trường.

Thời điểm giữa tháng 4, nhiều nhà máy đường bước vào giai đoạn sản xuất cuối vụ 2013-2014 trong bối cảnh sản lượng đường tồn kho ngày một tăng cao, giá giảm mạnh, khiến nhiều doanh nghiệp như ngồi trên lửa. Chưa bao giờ ngành mía đường lâm vào cảnh khốn đốn như hiện nay khi cả nhà máy và nông dân đều lỗ, trong khi đường nhập lậu thao túng thị trường.

Cung lớn, cầu nhỏ giọt

Gần 1,4 triệu tấn đường là kết quả của 40 nhà máy trong cả nước đã nỗ lực sản xuất kể từ đầu vụ đến nay. Theo kế hoạch, từ nay đến cuối vụ các nhà máy sẽ ép thêm khoảng 200.000 tấn, nâng tổng sản lượng đường sản xuất cả vụ lên 1,6 triệu tấn, vượt nhu cầu tiêu thụ trong nước khoảng 200.000-300.000 tấn. Về cơ bản, các nhà máy đã làm tốt việc sản xuất đường phục vụ nhu cầu tiêu dùng thiết yếu. Điều trớ trêu là lượng đường trong nước làm ra càng nhiều nhưng tiêu thụ được rất ít, dù giá đường sụt giảm ở mức rất thấp.

Theo thống kê của Hiệp hội Mía đường Việt Nam (VSSA), đến thời điểm này các nhà máy còn tồn kho hơn 614.000 tấn đường, cao nhất từ trước tới nay. Hiện giá đường trắng bán buôn đã có VAT ở ĐBSCL dao động 12.500-13.000 đồng/kg, miền Bắc 12.300-12.700 đồng/kg, miền Trung và Tây nguyên 12.000-12.200 đồng/kg. Với giá đường này hầu hết doanh nghiệp sản xuất từ hòa tới lỗ.

Ông Nguyễn Hoàng Ngoan, Phó Tổng giám đốc CTCP Mía đường Cần Thơ (Casuco) - doanh nghiệp hàng đầu trong ngành mía đường, cho biết: “Đến nay công ty đã sản xuất hơn 88.000 tấn đường các loại trong kế hoạch cả vụ 97.000 tấn. Tuy nhiên mới bán được 58.000 tấn, hiện còn tồn kho 30.000 tấn đường. Công ty đã tận dụng hết các kho nhưng vẫn không đủ chỗ để chứa. Đường tồn kho nhiều kéo theo tốn kém chi phí lưu kho, công vận chuyển, hao hụt, giam đồng vốn và chịu lãi ngân hàng…”.

Theo VSSA, niên vụ 2011-2012 giá đường dao động 18.000-19.000 đồng/kg, sang niên vụ 2012-2013 giảm xuống 14.500- 15.000 đồng/kg, đến niên vụ 2013-2014 này giá đường tiếp tục rớt còn 12.000- 13.000 đồng/kg… Trong khi đó, các nhà máy phải thu mua mía nguyên liệu cho nông dân với giá 920-1.010 đồng/kg (loại 10 chữ đường), cộng với các khoản chi phí đầu vào đều tăng, tính ra sản xuất không hiệu quả, thậm chí có nhà máy chạy càng nhiều càng lỗ nặng.

Đường lậu thao túng

Khủng hoảng ngành mía đường ảnh 1Để nâng cao sức cạnh tranh phải tăng về quy mô nhà máy đường và năng suất mía. Theo đó, cần tái cơ cấu theo hướng đóng cửa những nhà máy yếu kém để dồn vào những nhà máy đủ mạnh; đẩy mạnh phát triển vùng nguyên liệu tập trung để tăng năng suất và chất lượng mía nhằm giảm giá thành…Khủng hoảng ngành mía đường ảnh 2

Ông Nguyễn Đình Bích,
Chuyên gia lúa gạo Viện Nghiên cứu Thương mại

Ngoài sức mua yếu, tình trạng đường tồn kho quá lớn do ảnh hưởng đường cát Thái Lan nhập lậu qua biên giới Tây Nam, bán giá thấp hơn giá đường trong nước 500-800 đồng/kg. Thống kê của VSSA cho thấy đường nhập lậu vào nước ta 400.000-500.000 tấn/năm, chiếm khoảng 30% tổng sản lượng đường sản xuất trong nước. Đáng lo ngại hiện nay không ở biên giới Tây Nam, mà ở các cửa khẩu miền Trung và miền Bắc cũng tràn ngập đường lậu. Theo VSSA đường nhập lậu đang khiến Nhà nước thất thu 600-650 tỷ đồng tiền thuế mỗi năm.

Trước thực trạng đường nhập lậu tràn vào Việt Nam ngày càng gia tăng, đẩy các doanh nghiệp sản xuất đường vào cảnh bất lợi, VSSA đã ký biên bản thỏa thuận cùng Cục Điều tra chống buôn lậu (Tổng cục Hải quan) hợp tác chống buôn lậu mặt hàng đường. Song song đó, VSSA cũng ký hợp tác với Ban chỉ đạo 127 An Giang về chống buôn lậu đường qua các cửa khẩu của tỉnh này, đồng thời hỗ trợ 300 triệu đồng cho lực lượng chức năng tổ chức các đợt truy quét…

Riêng năm 2013, lực lượng Hải quan An Giang đã bắt hơn 400 tấn đường nhập lậu. Tuy nhiên, khi cơ quan chống buôn lậu vào cuộc tình hình buôn lậu đường tạm lắng xuống, nhưng qua đợt kiểm tra đường lậu lại ào ạt tràn qua biên giới. Vì thế, vấn đề đặt ra là cần cách làm căn cơ và chiến lược ngăn chặn đường lậu hiệu quả, lâu dài.

Cần giải pháp cấp bách

Hiện nay mỗi năm sản xuất đường trong nước dư thừa 200.000-300.000 tấn, chưa kể đường nhập khẩu chính ngạch theo cam kết WTO cùng lượng đường lớn nhập lậu tràn vào nước ta, đang gây khó khăn cho việc tiêu thụ đường nội địa. Trước thực trạng này, VSSA đã kiến nghị Bộ Công Thương và các ngành chức năng nghiên cứu cho phép cơ chế xuất khẩu linh hoạt mặt hàng đường sang thị trường Trung Quốc.

Trên thực tế, thời gian qua việc xuất khẩu đường đã được một số doanh nghiệp thực hiện nhưng luôn gặp trục trặc do nhiều nguyên nhân. Cuối tháng 3-2014, VSSA tiếp tục có công văn gửi Bộ Tài chính và các bộ, ngành liên quan đề xuất cơ chế linh hoạt cho việc xuất khẩu đường tại cửa khẩu phụ Bản Vược (Lào Cai).

Về cơ bản các ngành chức năng cho phép các doanh nghiệp xuất 200.000 tấn đường, nhưng thời hạn cuối cùng là vào ngày 30-6-2014. VSSA lo ngại việc ấn định thời gian này sẽ gây khó cho các doanh nghiệp xuất khẩu đường, bởi đối tác phía Trung Quốc lợi dụng chúng ta tồn kho nhiều, muốn bán gấp… nên trì hoãn cho đến cuối tháng 6 mới mua nhằm ép giá.

Giai đoạn 2005-2011 ngành mía đường hoạt động ổn định, nhiều nhà máy cũng như nông dân trồng mía làm ăn hiệu quả. Nhưng từ năm 2012 đến nay, ngành mía đường liên tục tuột dốc khi giá đường và giá mía giảm mạnh, khiến nhà máy và nông dân bị lỗ. Hiện nhiều nơi người dân ào ạt phá bỏ ruộng mía để chuyển sang trồng cây khác, đẩy các nhà máy vào cảnh thiếu nguyên liệu hoạt động trong niên vụ 2014-2015 tới.

Với hơn 614.000 tấn đường tồn kho, giá giảm mạnh, nhiều nhà máy thua lỗ, trong khi hàng ngàn ha mía đã bị nông dân phá bỏ, cho thấy ngành mía đường đang rơi vào giai đoạn khủng hoảng trầm trọng và nếu không có giải pháp cấp bách, hàng loạt nhà máy đường buộc phải đóng cửa trong thời gian tới là khó tránh khỏi.

Các tin khác