Quyết sách và ngân sách (B1): Câu chuyện thuốc lá

LTS: Thuốc lá, rượu bia được xem là những thứ độc hại, ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe của người sử dụng và cộng đồng. Nhiều năm qua, vấn đề phòng và chống tác hại thuốc lá, rượu bia đã được cụ thể hóa bằng những đạo luật, nghị định, thông tư… nhằm giáo dục, răn đe người sử dụng lẫn các nhà sản xuất. Tuy nhiên, dường như những quyết sách đưa ra đang bị đè nặng bởi nguồn thu ngân sách.

LTS: Thuốc lá, rượu bia được xem là những thứ độc hại, ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe của người sử dụng và cộng đồng. Nhiều năm qua, vấn đề phòng và chống tác hại thuốc lá, rượu bia đã được cụ thể hóa bằng những đạo luật, nghị định, thông tư… nhằm giáo dục, răn đe người sử dụng lẫn các nhà sản xuất. Tuy nhiên, dường như những quyết sách đưa ra đang bị đè nặng bởi nguồn thu ngân sách.

Các nước trên thế giới hiện nay đã có những biện pháp hữu hiệu, bao gồm tăng thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB) nhằm kiểm soát và hạn chế tối đa việc sử dụng thuốc lá. Ở nước ta, mặc dù cũng nhiều lần tăng thuế, đưa ra chế tài “cấm hút thuốc lá” ở những nơi công cộng (bệnh viện, trường học, nơi làm việc…), nhưng hầu hết những biện pháp trên không mang lại hiệu quả, người hút thuốc không giảm, thuốc lậu tràn ngập thị trường, sản lượng thuốc lá sản xuất trong nước vẫn tăng đều đều.

Phòng và chống trên... giấy

Có một thực tế ở nước ta là bất kỳ nơi đâu người ta đều có thể hút thuốc, bày thuốc ra bán. Vì vậy, không ít khách du lịch quốc tế đến Việt Nam tỏ ra ngạc nhiên và đặt câu hỏi: Việt Nam đã có những luật lệ gì đối với thuốc lá hay chưa? Câu trả lời là có. Không dừng lại ở những cuộc phát động, tuyên tuyền, cả xây dựng Luật Phòng chống tác hại thuốc lá (có hiệu lực từ tháng 6-2012) và mới đây là Nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế (có hiệu lực từ tháng 12-2013).

Theo đó, các hành vi hút thuốc nơi công cộng sẽ bị phạt hành chính từ 100.000-300.000 đồng; cơ quan nơi không được hút thuốc lá sẽ bị phạt 3-5 triệu đồng nếu không treo biểu tượng “cấm hút thuốc lá”; người chưa đủ tuổi hút thuốc lá bị phạt 300.000-500.000 đồng; hình thức quảng cáo phổ biến bằng cách sử dụng đội ngũ tiếp thị thuốc lá đến người mua tại các nhà hàng, quán ăn sẽ bị phạt 20-30 triệu đồng…

Thiết nghĩ, nếu các chế tài xử phạt trên được áp dụng quyết liệt như hành vi không đội mũ bảo hiểm khi tham gia thông, e rằng ai đó cầm điếu thuốc trên tay phải cân nhắc trước lúc quyết định đốt nó. Tiếc rằng công tác phòng và chống thuốc lá ở ta quá nửa vời, thiếu quyết liệt.

Lấy thí dụ: Kể từ khi quy định cấm hút thuốc lá ở nơi công cộng có hiệu lực ngày 1-1-2010 đến nay, cả nước chỉ hơn... 10 người bị xử phạt! Đây là kết quả đáng buồn. Giá như chúng ta có những lực lượng “trấn áp khói thuốc” đúng nghĩa, chỉ cần 1 giờ ra quân đến các cơ sở bệnh viện, thậm chí là các cơ quan hành chính, con số xử phạt sẽ gấp hàng trăm lần.

Hình ảnh cảnh báo trên bao thuốc Craven chưa biết hiệu quả đến đâu nhưng đã thấy làm lợi cho người bán.

Hình ảnh cảnh báo trên bao thuốc Craven chưa biết
hiệu quả đến đâu nhưng đã thấy  làm lợi cho người bán.

Hay như việc quy định in hình ảnh cảnh báo (kể từ ngày 1-12-2013) lên bao bì gói thuốc, đến nay chưa có báo cáo nào cho biết hiệu quả đến đâu. In hình ảnh cảnh báo có thể nói là cú sốc cho nhiều người và phản ứng của họ là tìm mua loại bao bì cũ. Điều đáng nói, nhiều cửa hàng, đại lý đã lợi dụng cơ hội tung ra đồng thời cả mẫu mới và cũ với giá chênh 1.000-5.000 đồng/ gói (Craven A, 555…).

Nhà sản xuất giải thích rằng: “Một lượng nhỏ thuốc lá mẫu cũ bán trên thị trường do hệ thống đại lý còn lưu lại và sẽ bán hết trong thời gian tới”. Liệu giải thích này có đáng tin cậy khi “một lượng nhỏ” trên đã bán ra thị trường 5 tháng và mua bao nhiêu cũng có ở các đại lý. Dư luận đang đặt câu hỏi, có hay không chuyện lợi dụng chính sách, bắt tay giữa nhà sản xuất và đại lý để hưởng chênh lệch giá, móc túi người tiêu dùng?

“Ở các nước họ vẫn hút, bán thuốc lá như mình. Cái hay ở họ là cách quản lý nghiêm khắc, giáo dục người dân tự giác chấp hành, bằng cách xem hành vi hút thuốc là xấu hổ, tủi nhục, đi ngược lại lợi ích cộng đồng” - đó là chia sẻ của một đồng nghiệp sau chuyến du lịch đến Thái Lan mới đây.

Anh kể thuốc lá ở đây vừa đắt đỏ vừa khó mua. Có nơi phải đi hàng ki-lô-mét mới có một cửa hiệu bán thuốc lá, chứ không bán tràn lan trên vỉa hè như ở nước ta. Tại một điểm du lịch, anh ghé vào cửa hiệu bên đường mua chai nước suối khi đang cầm điếu thuốc trên tay. Ngay lập tức vị chủ quán liền ra dấu đề nghị bỏ thuốc vào sọt rác được đặt sẵn bên ngoài. Tiếc điếu thuốc còn hút dang dở, anh bước ra ngoài cửa quán và đề nghị mang nước ra. Tuy nhiên, vị chủ quán một mực đề nghị phải bỏ thuốc vào sọt rác, nếu  không sẽ không bán nước.

Hoặc chuyện một thanh niên được mệnh danh “trùm thuốc”, mỗi ngày có thể đốt đến 2 gói và từng tuyên bố “bỏ vợ được chứ không bỏ thuốc”. Vậy mà khi được con bảo lãnh sang Thụy Sĩ 3 tháng đã bỏ thuốc. Anh kể ra đường hút thuốc như tội đồ, về nhà hút con, cháu coi thường, thậm chí phải vào nhà vệ sinh hút.

Thuế và bài toán lợi ích

Theo các số liệu thống kê, tỷ lệ dân số hút thuốc ở nam giới tại Việt Nam chiếm hơn 50%, trong đó những người trẻ từ 25-45 tuổi chiếm khoảng 65%. Tỷ lệ phụ nữ hút thuốc ít hơn, khoảng 2-3%, thế nhưng phụ nữ và trẻ em phải chịu những tác hại của hút thuốc thụ động. Với một nước có tỷ lệ người hút thuốc cao và thị trường đầy tiềm năng như vậy, trong những năm qua, ngành thuốc lá đóng góp vào ngân sách nhà nước khoảng 19.000-20.000 tỷ đồng mỗi năm (tương đương gần 1 tỷ USD), tạo công ăn việc làm cho khoảng 6 triệu lao động trong ngành.

Hiện Việt Nam đang phải đối mặt với nhiều áp lực về những bệnh không lây nhiễm. Ước tính nước ta có khoảng 40.000 ca tử vong xuất phát từ nguyên nhân hút thuốc và sau năm 2020 con số này sẽ tăng lên hơn 50.000 ca mỗi năm. Vậy nên, hút thuốc lá đang thực sự tạo ra một gánh nặng cho xã hội và hệ thống y tế. Chỉ riêng chi phí cho các căn bệnh ung thư phổi, bệnh tim, bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính ở Việt Nam ước hàng ngàn tỷ đồng mỗi năm.

Con số trên chắc hẳn ai nhìn vào cũng sẽ cảm thấy ấn tượng về ngành “công nghiệp tạo ra khói”. Nhưng đằng sau thành tích nộp thuế cao của ngành công nghiệp thuốc lá là những thiệt hại, mất mát trong xã hội khó có thể đo đếm được, đó là bệnh tật, đói nghèo.

Đối với người hút thuốc, trung bình mỗi tháng phải bỏ ra ít nhất 200.000-600.000 đồng, tùy theo nhu cầu và mức độ cao cấp của thuốc lá. Với những người làm công ăn lương, chi phí thuốc lá có thể chiếm gần 1/6 thu nhập, trong khi khoản tiền này có thể đưa vào các chi phí hợp lý của bữa ăn, học phí cho con hoặc cải thiện các điều kiện vật chất và tinh thần khác.

Theo các chuyên gia, trong bối cảnh hiện nay, tăng Thuế TTĐB đối với thuốc lá kỳ vọng sẽ đạt được mục tiêu tăng thu ngân sách, biến thuốc lá thực sự là mặt hàng xa xỉ. Ở nhiều quốc gia, chính sách tăng Thuế TTĐB lên mức trên 70% đã đem lại hiệu quả giảm cầu thuốc lá. Đây cũng là giải pháp đang được Bộ Tài chính cân nhắc đưa vào dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế TTĐB. Theo đó, dự kiến sẽ nâng mức thuế suất thuế TTĐB đối với mặt hàng thuốc lá từ 65% lên 75% từ 1-7-2015 và lên 85% từ năm 2018.

Tuy nhiên, vấn đề đặt ra là nước ta đến nay vẫn chưa kiểm soát được nạn buôn lậu thuốc lá, nhất là các nhãn hiệu như Jet, Hero tuồn từ Lào và Campuchia sang. Năm 2006 khi Thuế TTĐB tăng từ 45% lên 55% và 65% vào năm 2008, đã gây ra sự tăng đột biến của thuốc lá nhập lậu khoảng 6 tỷ điếu (từ 12 tỷ điếu năm 2006 lên 18 tỷ điếu năm 2008).

Riêng năm 2013 đã có khoảng 17 tỷ điếu thuốc lá nhập lậu. 2 tháng đầu năm 2014, thuốc lá lậu tăng 43% so với cùng kỳ năm 2013. Do đó, tăng thuế TTĐB chỉ khả thi khi kiểm soát được thuốc lá lậu. Nếu thuốc lá lậu vẫn tràn ngập trên thị trường như hiện nay, chắc chắn sẽ tạo thêm khó khăn cho ngành thuốc lá trong nước, vì người dân mua thuốc lá lậu với giá rẻ hơn. Lúc đó, Nhà nước vẫn bị thất thu thuế, ngành công nghiệp thuốc lá thiệt hại và số lượng người hút không giảm.

(Còn tiếp)

Các tin khác