DIỄN ĐÀN CHẤT LƯỢNG GIÁO DỤC

Bài 1: Yêu cầu đổi mới cấp bách

Tụt hậu, thương mại hóa

Hầu như trên các diễn đàn lớn nhỏ, cứ nhắc đến giáo dục không tránh khỏi những lời lẽ không mấy vui vẻ, từ góp ý thẳng thắn đến phê bình gay gắt. Mới đây, tại phiên họp của Hội đồng Quốc gia giáo dục và Phát triển nhân lực, Bộ Giáo dục - Đào tạo (GD-ĐT) đã trình bày dự thảo quyết định về việc thành lập Ủy ban Quốc gia đổi mới giáo dục do đích thân Thủ tướng Chính phủ cầm trịch.

Tụt hậu, thương mại hóa

Nền giáo dục được bao cấp toàn bộ đã trở thành một gánh nặng ngân sách không thể kham nổi. Từ những năm đầu thế kỷ 21, chủ trương xã hội hóa giáo dục đã được triển khai khá rầm rộ. Thế nhưng kết quả vẫn còn khiêm tốn so với mong đợi của các cấp, các ngành.

Chẳng hạn, năm 2005 chúng ta đề ra các mục tiêu tới năm 2010 tỷ lệ học sinh ngoài công lập phải đạt: nhà trẻ 80%, mẫu giáo 70%, trung học phổ thông 40%, trung học chuyên nghiệp 30%, các cơ sở dạy nghề 60%, đại học, cao đẳng khoảng 40%. Tuy nhiên, tới năm 2011, theo số liệu thống kê thực tế của Bộ GD-ĐT tỷ lệ học sinh ngoài công lập cao nhất (ở bậc mẫu giáo) cũng chỉ đạt 48,2%, thấp nhất (ở bậc trung học cơ sở) chỉ đạt 0,6%, còn bậc đại học 13,2% và bậc cao đẳng gần 20%. 

Như vậy có thể khẳng định tài lực và vật lực dồi dào từ công cuộc đổi mới kinh tế vẫn chưa được rót vào công cuộc đổi mới giáo dục. Vì thế, làm sao huy động được nguồn tiền của các cá nhân và các tổ chức tài chính cùng tham gia xây dựng hệ thống giáo dục Việt Nam trong tương lai đang là mối trăn trở của nhiều người.

Thông thường, để nói về diện mạo của một xứ sở, có 3 mấu chốt để đánh giá: nơi mua bán, nơi chữa bệnh và nơi học hành. Đã thấy siêu thị hoành tráng phòng khám hiện đại, nhưng lại thấy vắng vẻ những trường học quy mô. Nếu như ở các vùng nông thôn, trường học đơn sơ và thiếu thốn, ở đô thị lại chứng kiến trường học chật chội vì quỹ đất đã dành xây dựng các công trình sinh lợi khác.

Chúng ta không thể đổ lỗi cho thị trường, khi những khu đất đẹp nhất không được ưu tiên xây dựng trường học. Thậm chí, không khó khăn để bắt gặp hình ảnh đau lòng khi trường học bị bủa vây bởi nhà dân và bị lấn chiếm bởi các loại chợ tự phát.

Dù tha thiết và trân trọng thế nào, vẫn phải thừa nhận bức tranh giáo dục Việt Nam đang mang một màu sắc không sáng sủa. Tình trạng chạy trường, chạy lớp diễn ra phổ biến, dạy thêm học thêm không thể kiểm soát, mua bán bằng cấp càng nhức nhối hơn. Phải chăng do chúng ta không có khả năng bảo vệ nền giáo dục như một ốc đảo bình yên trong nhịp sống đang biến động từng ngày, nên nền giáo dục đã bị lôi kéo bởi những động cơ phi giáo dục.

Ngay cả thành phần được xem là tinh hoa của ngành giáo dục như giáo sư, tiến sĩ cũng được đặt ra nhiều nghi vấn. Chúng ta tự hào có số lượng người có học hàm giáo sư và học vị tiến sĩ nhiều nhất Đông Nam Á, nhưng số công trình khoa học của chúng ta lại rất ít ỏi, không có một trường đại học Việt Nam nào được đứng trong bảng xếp hạng 500 trường đại học hàng đầu thế giới.

Chuẩn hóa giáo dục

Bài 1: Yêu cầu đổi mới cấp bách ảnh 2Công cuộc đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục và đào tạo mới đang bắt đầu, còn ngổn ngang công việc để triển khai thực hiện. Do vậy phải làm từ đầu, làm ngay, từng bước một, không trông chờ đủ mọi điều kiện mới làm. Theo đó đòi hỏi toàn ngành, mỗi tập thể, cá nhân đều phải ra sức phấn đấu.
Bài 1: Yêu cầu đổi mới cấp bách ảnh 3

Ông Phạm Vũ Luận,
Bộ trưởng Bộ GD-ĐT

Vì sao cần phải có Ủy ban Quốc gia đổi mới giáo dục? Bởi thực tế cho thấy nền giáo dục nước nhà từ chính sách phổ quát cho đến thực thi cụ thể đều đối mặt rất nhiều bất cập. Chúng ta muốn xã hội hóa giáo dục nhưng lại tạo ra nhiều rào cản phi lý và không có cơ chế giám sát hiệu quả.

Giá trị cốt lõi của giáo dục là đào tạo nên những con người hữu ích cho xã hội. Một trường đại học quan trọng nhất là bảo đảm chất lượng sinh viên, không cần quá chặt chẽ các tiêu chí bao nhiêu giảng viên có bằng cấp hay khuôn viên có đủ 5ha.

Do áp lực thi đua, những bản báo cáo có vẻ đẹp đẽ của các trường học đã làm nảy sinh vấn nạn gian dối. Vì thành tích, vì tỷ lệ học sinh phải đậu tốt nghiệp trung học cơ sở hay vì tỷ lệ học sinh phải đạt trình độ khá giỏi, mà hiệu quả đào tạo càng trở nên mơ hồ. Nguy hiểm hơn, quan niệm ưa chuộng bằng cấp không xét thực lực đã đẩy  tình trạng bằng giả hoành hành dữ dội. Bằng giả từ chuyện học giả, đã đáng sợ, học giả lại có bằng thật càng đáng sợ hơn.

Gần đây, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Vũ Luận đã có phát biểu đáng ưu tư: “Thực tế những người có bằng giả, hay bằng thật nhưng chất lượng giả chỉ có thể chui vào hệ thống công chức nhà nước, không thể vào được các doanh nghiệp tư nhân”. Liệu đây có thể xem như một lời tuyên chiến với bằng giả?

Không chỉ sách giáo khoa, việc thi cử cũng quá nặng nề và phức tạp. Bao nhiêu kỳ thi lớn nhỏ mỗi năm gần như vắt kiệt tinh thần và sức khỏe của cả học sinh lẫn phụ huynh. Nếu kỳ thi tú tài được chuẩn hóa chất lượng cần gì phải tổ chức đồng loạt các kỳ thi đại học tốn kém trên toàn quốc. Hãy để các trường đại học tự chịu trách nhiệm cho sản phẩm của họ.

Mỗi trường đại học tự đưa ra tiêu chí tuyển sinh và tất yếu phải giám sát đầu ra của sinh viên. Trường đại học mà sinh viên ra trường không có khả năng xin việc, uy tín của trường đại học ấy sẽ biến mất. Ủy ban Quốc gia đổi mới giáo dục được hình thành là một tín hiệu ban đầu cho thấy công cuộc chấn hưng giáo dục đã đến thời cấp bách. Chất lượng giáo dục nâng lên tương lai nước nhà mới mở ra triển vọng tốt đẹp. 

Các tin khác