Ngành Công nghiệp fast food (K1): Bành trướng

Ngành công nghiệp fast food toàn cầu đã lớn nhanh như thổi. Ước tính năm 2006 thị trường đạt giá trị khoảng 150 tỷ USD và dự kiến năm 2014 sẽ lên tới 240 tỷ USD.

Ngành công nghiệp fast food toàn cầu đã lớn nhanh như thổi. Ước tính năm 2006 thị trường đạt giá trị khoảng 150 tỷ USD và dự kiến năm 2014 sẽ lên tới 240 tỷ USD.

Fast food có sự góp mặt của các món ăn từ nhiều nền ẩm thực khác nhau trên thế giới. Ngành công nghiệp fast food Hoa Kỳ đang dẫn đầu.

Nhanh chóng, tiện lợi

Fast food (thức ăn nhanh) là một thuật ngữ chỉ thực phẩm với các thành phần đã được nấu trước và phục vụ cho khách hàng một cách nhanh chóng dưới hình thức đóng gói để mang đi, bắt đầu phổ biến ở Hoa Kỳ từ những năm 1950, đã được công nhận trong từ điển của Merriam-Webster vào năm 1951.

Cửa hàng fast food có thể chỉ là một quầy bán thức ăn cho những người lái xe tạt ngang qua, đặt hàng, nhận thức ăn rồi đi ngay, nhưng cũng có thể là những nhà hàng có chỗ ngồi trong nhà hoặc ngoài trời cho khách hàng ăn tại chỗ.

Ngay khi ra đời, fast food đã được thiết kế theo tiêu chí ăn trên đường đi, có thể dùng tay không cần tới dao nĩa. Những món thông dụng ở các cửa hàng fast food bao gồm cá chiên, gà chiên, sandwich, pita, hamburger, khoai tây chiên, hành tây chiên, gà viên, taco, pizza, xúc xích và kem.

Fast food thương mại được công nghiệp hóa trên quy mô lớn với các thành phần, cách chế biến, sản xuất theo tiêu chuẩn hóa, phục vụ trong hộp, túi hoặc màng bọc plastic để giảm chi phí. Khi một thương hiệu fast food được ưa chuộng, nó có thể phát triển chuỗi cửa hàng và nhượng quyền thương mại.

Các món có mặt trong menu thường được chế biến trước tại một trung tâm cung cấp, sau đó vận chuyển đến từng cửa hàng. Khi khách gọi món, cửa hàng sẽ hâm nóng, chiên lại, hoặc sắp xếp thực phẩm chỉ trong thời gian ngắn.

Quy trình này được tối ưu hóa nhằm đảm bảo chất lượng sản phẩm có tính nhất quán, đáp ứng gọi món của khách một cách nhanh chóng, đồng thời giảm thiểu chi phí thiết bị và lao động trong các cửa hàng. So với các nhà hàng, quán ăn truyền thống thì nhanh, tiện, rẻ là những lợi thế để fast food bành trướng hoạt động.

Phát triển mạnh

Fast food đã có sự góp mặt của các món ăn từ nhiều nền ẩm thực khác nhau. Đó là mì xào, cơm chiên, bánh mì thịt hoặc sushi từ châu Á; pizza từ Italia; cá và khoai tây chiên của Anh hay kebab của Trung Đông. Trong năm 2006, thị trường fast food toàn cầu tăng 4,8%, đạt giá trị khoảng 150 tỷ USD với 80,3 tỷ giao dịch mua bán và dự kiến năm 2014 doanh thu toàn cầu sẽ đạt tới 240 tỷ USD.

Ngành công nghiệp fast food của Hoa Kỳ lớn mạnh nhất với các cửa hàng hiện diện ở hơn 100 quốc gia. McDonald’s hiện được xem như tên tuổi dẫn đầu ngành fast food với mạng lưới 31.000 nhà hàng ở khoảng 130 quốc gia trên toàn thế giới. Bên cạnh đó còn có nhiều “ông lớn” khác.

Có thể kể tới Burger King với hơn 11.100 cửa hàng ở hơn 65 quốc gia. KFC hiện diện ở 25 quốc gia. Pizza Hut ở 97 quốc gia và đang đánh mạnh vào thị trường Trung Quốc với chuỗi 100 cửa hàng. Taco Bell có 278 nhà hàng nằm ở 14 quốc gia ngoài Hoa Kỳ. Đáng chú ý, Subway là một trong những thương hiệu phát triển nhanh nhất, tính đến tháng 5-2009 đã có khoảng 39.129 cửa hàng tại 90 quốc gia.

Thị trường fast food ở các nền kinh tế mới nổi đang tăng trưởng nhanh chóng. Thí dụ tại Ấn Độ, tỷ lệ tăng trưởng fast food vào khoảng 41% mỗi năm. Tuy nhiên, cho đến nay, Hoa Kỳ vẫn duy trì vị trí thị trường fast food số một thế giới. Tại Hoa Kỳ, người tiêu dùng đã chi tiêu tới 160 tỷ USD cho fast food trong năm 2012, tăng gấp nhiều lần con số 6 tỷ USD của năm 1970.

Sự phát triển mạnh mẽ của ngành công nghiệp fast food ngày càng cần thuê mướn nhiều lao động. Theo báo cáo của Cục Thống kê Lao động Hoa Kỳ (BLS), năm 2010 có khoảng 4,1 triệu người Hoa Kỳ đang làm việc trong ngành chế biến và phục vụ thực phẩm, bao gồm cả fast food. Cũng theo BLS, vào tháng 5-2012 có gần 7 triệu người lao động Hoa Kỳ làm việc trong ngành công nghiệp fast food, trong đó có 3,4 triệu nhân viên đứng quầy, 2,9 triệu nhân viên làm khâu chuẩn bị và phục vụ, hơn 500.000 nhân viên đứng bếp.

Fast food đang bành trướng mạnh mẽ trên thế giới.

Fast food đang bành trướng mạnh mẽ trên thế giới.

Tuy ngành fast food đã sử dụng không ít lao động, nhưng số lượng người muốn xin vào làm việc trong ngành này còn đông hơn số đó gấp nhiều lần. Có nguồn tin cho biết tháng 4-2011, McDonald’s đã thuê mới khoảng 62.000 nhân viên trong số 1 triệu đơn xin việc, tức tỷ lệ được thuê chỉ khoảng 6%. Phần lớn những người xin việc nộp đơn vào cửa hàng fast food vì điều kiện dự tuyển không quá khó khăn. Nhưng cũng vì tính chất lao động giản đơn mà lương của họ không cao.

Thu nhập trước thuế bình quân hàng năm chừng 18.770USD, tức chỉ khoảng 9USD/giờ. Với một gia đình 3 người, thu nhập này dưới chuẩn nghèo của liên bang. Trong lúc chi phí nhà ở, thực phẩm, giao thông đều tăng, hàng triệu người lao động lương thấp phải sống dựa vào các chương trình trợ giúp của chính phủ, trong đó có chương trình tem phiếu thực phẩm SNAP.

Gần đây, McDonald’s bị cáo buộc đã khuyến khích nhân viên đăng ký xin SNAP nhằm giữ lương thấp. Những gã khổng lồ khác như Burger King, KFC, Dunkin’ Donuts và Wendy’s đã bị phát giác việc để cho nhiều nhân viên phải dựa vào các chương trình của nhà nước để trang trải cho những nhu cầu cơ bản.

(Còn tiếp)

Các tin khác