Kết quả Hội thảo “Các giải pháp hỗ trợ ngư dân phát triển kinh tế biển"

LTS: Được sự đồng ý của Lãnh đạo Quốc hội, ngày 22-12-2013, tại Phú Yên, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội phối hợp Bộ NN-PTNT, Tỉnh ủy Tỉnh Phú Yên, Báo SGGP tổ chức Hội thảo “Các giải pháp hỗ trợ ngư dân phát triển kinh tế biển”. Mục đích của Hội thảo nhằm đánh giá việc ban hành và thực hiện các chính sách, giải pháp hỗ trợ ngư dân phát triển kinh tế biển thời gian vừa qua, qua đó đúc kết những kinh nghiệm, phát hiện những vướng mắc, những vấn đề mới và đề xuất các cơ quan có thẩm quyền xử lý trong thời gian tới góp phần thực hiện hiệu quả Nghị quyết của Đảng về Chiến lược biển Việt Nam, về nông nghiệp, nông dân, nông thôn.

LTS: Được sự đồng ý của Lãnh đạo Quốc hội, ngày 22-12-2013, tại Phú Yên, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội phối hợp Bộ NN-PTNT, Tỉnh ủy Tỉnh Phú Yên, Báo SGGP tổ chức Hội thảo “Các giải pháp hỗ trợ ngư dân phát triển kinh tế biển”. Mục đích của Hội thảo nhằm đánh giá việc ban hành và thực hiện các chính sách, giải pháp hỗ trợ ngư dân phát triển kinh tế biển thời gian vừa qua, qua đó đúc kết những kinh nghiệm, phát hiện những vướng mắc, những vấn đề mới và đề xuất các cơ quan có thẩm quyền xử lý trong thời gian tới góp phần thực hiện hiệu quả Nghị quyết của Đảng về Chiến lược biển Việt Nam, về nông nghiệp, nông dân, nông thôn.

Sau hội thảo, ông Nguyễn Văn Giàu, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội thay mặt các cơ quan tổ chức, báo cáo (số 1640-BC-UBKT13) đến các cơ quan lãnh đạo Đảng, Quốc hội, Chính phủ... Để bạn đọc hiểu rõ vấn đề kinh tế biển, ĐTTC đăng toàn văn báo cáo này.

Hội thảo do đồng chí Nguyễn Văn Giàu, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, đồng chí Vũ Văn Tám, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT, đồng chí Đào Tấn Lộc, Bí thư Tỉnh ủy Tỉnh Phú Yên, đồng chí Nguyễn Tấn Phong, Tổng Biên tập Báo Sài gòn Giải phóng đồng chủ trì. Tham dự Hội thảo có các đồng chí nguyên lãnh đạo một số bộ ngành, các đồng chí là đại biểu Quốc hội, đại diện của các Bộ, ngành Trung ương, địa phương; các chuyên gia, một số đồng chí đang công tác tại Viện nghiên cứu, trường Đại học; một số doanh nghiệp, Hợp tác xã, tổ hợp tác và một số ngư dân. Hội thảo đã nhận được sự quan tâm tham dự của 232 đại biểu; đã có 25 bài viết và 18 ý kiến phát biểu tại Hội thảo.

Ủy ban Kinh tế thay mặt các cơ quan phối hợp xin báo cáo các nội dung chính như sau:

I. Tổng quan về tình hình ban hành chính sách pháp luật về hỗ trợ ngư dân phát triển kinh tế biển thời gian qua

Xác định tầm quan trọng của biển và phát triển nông nghiệp, nông thôn, Đảng ta đã có hai Nghị quyết rất quan trọng là Nghị quyết số 09-NQ/TW ngày 9/2/2007 “Về chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020” và Nghị quyết số 26-NQ/TW ngày 5/8/2008 Hội nghị lần thứ 7 Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa X về nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Hai Nghị quyết đã đề ra nhiệm vụ, giải pháp quan trọng đưa nước ta trở thành quốc gia mạnh về biển, phát triển nông nghiệp, nông thôn, trong đó dành nhiều sự quan tâm đến việc cải thiện đời sống vật chất và tinh thần của ngư dân.

Ngày 16/4/2013, Bộ Chính trị đã có Kết luận số 60-KL/TW, trong đó nhấn mạnh “Đời sống ngư dân sinh sống bằng nghề biển còn nghèo và rất khó khăn. Cơ chế, chính sách khuyến khích, ưu đãi cho ngư dân bám biển chưa được quan tâm đúng mức”. Đồng thời trong phương hướng tới đã xác định “Bổ sung, hoàn chỉnh các cơ chế, chính sách hỗ trợ ngư dân đầu tư khai thác hải sản trên các vùng biển xa, vùng biển trọng yếu…”, “nâng cao đời sống dân cư vùng ven biển và đảo”.

Trên cơ sở đường lối, chủ trương của Đảng, Quốc hội đã ban hành luật, Chính phủ ban hành nghị định và nhiều quyết định của Thủ tướng Chính phủ có liên quan ; các Bộ/ngành, địa phương đã khẩn trương triển khai việc hỗ trợ ngư dân phát triển kinh tế biển. Các chính sách hỗ trợ ngư dân nổi bật là: (1) Chính sách hỗ trợ nguồn tín dụng để đóng mới tàu cá xa bờ , (2) Chính sách an sinh xã hội hỗ trợ ngư dân mua mới, đóng mới tàu đánh bắt hải sản hỗ trợ kinh phí bảo hiểm thân tàu và bảo hiểm tai nạn cho thuyền viên, hỗ trợ dầu , (3) Chính sách hỗ trợ giảm tổn thất sau thu hoạch , (4) Chính sách hỗ trợ khắc phục rủi ro, thiên tai trên biển , (5) Chính sách hỗ trợ ngư dân tham gia khai thác hải sản trên các vùng biển xa , (6) Chính sách thí điểm hỗ trợ ngư dân đóng tàu vỏ thép khai thác thủy sản xa bờ tại tỉnh Quảng Ngãi , (7) Chính sách hỗ trợ trang thiết bị thông tin và giám sát hoạt động của tàu cá trên biển .

II. Tình hình thực hiện các chính sách hỗ trợ ngư dân phát triển kinh tế biển thời gian qua

1. Kết quả đạt được

Trong thời gian vừa qua với những chính sách đã được Nhà nước ban hành hỗ trợ ngư dân như: hỗ trợ vay vốn tín dụng để đóng mới tàu cá xa bờ; chính sách hỗ trợ chi phí nhiên liệu, đóng mới tàu cá, hỗ trợ bảo hiểm; hỗ trợ giảm tổn thất sau thu hoạch; chính sách hỗ trợ khắc phục rủi ro, thiên tai trên biển và chính sách hỗ trợ về trang thiết bị thông tin và giám sát hoạt động của tàu cá trên biển,... đã được các bộ, ngành liên quan, địa phương kịp thời triển khai mang lại hiệu quả và phát triển nhanh đội tàu đánh bắt xa bờ ; cơ sở hạ tầng nghề cá và tránh trú bão đã được quan tâm xây dựng.

Nghề cá đã tạo sinh kế và việc làm cho trên 4 triệu lao động, từng bước nâng cao đời sống ngư dân, góp phần bảo vệ chủ quyền, an ninh vùng biển, đảo của Tổ quốc. Mục tiêu gia tăng sự hiện diện của tàu cá và ngư dân ta trên các vùng biển xa đã từng bước được nâng lên. Công tác quản lý nhà nước và hệ thống pháp luật về biển, đảo ngày càng hoàn thiện.

Kinh tế biển bước đầu có chuyển biến tích cực, ước tính GDP của kinh tế biển và ven biển chiếm 49,4% tổng GDP của toàn quốc, là tiền đề quan trong trong việc phấn đấu đạt mục tiêu GDP từ kinh tế biển là 53-55% vào năm 2020. Xuất khẩu thủy sản đạt xuất khẩu thủy sản năm 2012 đạt khoảng 6,2 tỷ USD, trong đó hải sản đạt gần 2,2 tỷ USD.

2. Những mặt tồn tại, hạn chế

Bên cạnh những kết quả tích cực đạt được, việc triển khai thực hiện các chính sách trên cũng gặp phải một số khó khăn, vướng mắc do thiếu tính đồng bộ nhất là trong việc hỗ trợ phát triển tàu cá, cho vay đóng tàu chưa tính đến cho vay để mua sắm ngư lưới cụ và trang thiết bị trên tàu; việc hỗ trợ đào tạo thuyền trưởng, thuyền viên để đủ khả năng vận hành, sử dụng phương tiện lớn, hiện đại; chưa đáp ứng được so với nhu cầu của ngư dân; các điều kiện để được hưởng một số chính sách còn chưa sát với thực tế sản xuất nghề cá; công tác triển khai hướng dẫn thực hiện của các cơ quan chức năng chưa kịp thời, thiếu các quy định, khi xây dựng chính sách chưa phân loại được đối tượng ngư dân “nghề cá nhỏ”, “nghề cá lớn” để có chính sách phù hợp đã ảnh hưởng đến hiệu quả của việc thực hiện các chính sách trong thời gian vừa qua.

- Về xây dựng cảng cá, bến cá, khu neo đậu tránh trú bão: Tiến độ đầu tư xây dựng, nâng cấp các cảng cá, bến bãi, khu neo đậu tránh trú bão trong thời gian qua vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu nghề cá của ngư dân. Đến nay, việc xây dựng cảng cá mới đạt 82/211 cảng theo quy hoạch (khoảng gần 40%) và 41 khu neo đậu tránh trú bão với công suất 30.776 tàu neo đậu theo yêu cầu (đạt 36,6% so với quy hoạch).

- Về các chính sách hỗ trợ ngư dân: Chính sách hỗ trợ nguồn tín dụng để đóng mới tàu cá xa bờ: Việc tổ chức cho vay thiếu tính đồng bộ, cho vay đóng tàu chưa tính đến cho vay để mua sắm ngư lưới cụ và trang thiết bị; đội ngũ thuyền trưởng, thuyền viên chưa được đào tạo phù hợp để đủ khả năng vận hành, sử dụng phương tiện lớn, hiện đại, do vậy các dự án khó thu hồi được vốn do hiệu quả thấp.

Chính sách an sinh xã hội hỗ trợ ngư dân: Việc thực hiện Quyết định 289/QĐ-TTg ngày 18/3/2008 của Thủ tướng Chính phủ còn gặp một số vướng mắc, khó khăn dẫn đến việc hỗ trợ ngư dân chưa được nhiều, đặc biệt là việc hỗ trợ mua mới, đóng mới tàu cá; hỗ trợ thay máy mới tàu cá tiêu hao ít nhiên liệu hơn đã không khuyến khích được ngư dân tham gia, theo Báo cáo của Bộ Nông nghiệp và PTNT thì Quyết định 289 mới hỗ trợ được 23 tàu cá đóng mới có công suất từ 90 CV trở lên và thay máy mới cho 130 tàu cá có công suất từ 40 CV trở lên.

Việc ngư dân chưa mặn mà với chính sách hỗ trợ mua mới, đóng mới và thay máy mới tàu cá theo Quyết định 289 được đánh giá là do mức hỗ trợ chưa đáp ứng được so với nhu cầu của ngư dân và các yêu cầu, điều kiện để được hưởng hỗ trợ theo quy định trong chính sách quá khắt khe, chưa phù hợp trong khi máy tàu mới trong nước chưa sản xuất được, giá máy mới 100% nhập khẩu lại quá cao nên không khuyến khích được ngư dân. Hiện nay, các chính sách được ban hành theo Quyết định 289 đã hết hiệu lực và một số chính sách mới hỗ trợ ngư dân hoạt động khai thác thủy sản trên các vùng biển xa đã được ban hành tại Quyết định số 48/2010/QĐ-TTg và Quyết định số 39/2011/QĐ-TTg. Tuy nhiên, theo ý kiến của nhiều đại biểu tham dự Hội thảo thì Quyết định 48 quy định về điều kiện cho vay vẫn theo cơ chế tín dụng thương mại dẫn đến việc giải ngân gặp nhiều khó khăn do ngư dân không còn tài sản thế chấp.

Chính sách hỗ trợ giảm tổn thất sau thu hoạch: Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 63/2010/QĐ-TTg ngày 15/10/2010, Quyết định số 65/2011/QĐ-TTg ngày 02/12/2011 về chính sách hỗ trợ nhằm giảm tổn thất sau thu hoạch đối với nông sản, thủy sản. Trong đó có hỗ trợ lãi suất vay cho việc đầu tư các trang biết bị nhằm giảm tổn thất sau thu hoạch, đóng mới tàu thu mua chế biến hải sản. Tuy nhiên, với yêu cầu các máy móc, thiết bị được hỗ trợ phải đảm bảo yếu tố nội địa hóa 60% trở lên mới được hỗ trợ nên ngư dân khó có đủ điều kiện để được hỗ trợ về nguồn máy móc, thiết bị sản xuất trong nước còn thiếu, chất lượng chưa cao.
Chính sách thí điểm hỗ trợ ngư dân đóng tàu vỏ thép khai thác thủy sản xa bờ tại tỉnh Quảng Ngãi: Qua thực hiện thí điểm cho thấy công tác triển khai còn gặp nhiều khó khăn, hiện chưa đóng được tàu nào, mặc dù lãi suất cho vay thấp nhưng cơ chế cho vay và xử lý rủi ro vẫn theo cơ chế tín dụng thương mại thông thường, do đó, ngư dân khó tiếp cận nguồn vốn này và để có vốn ngư dân phải vay qua “lậu vựa” với lãi suất cao.

- Các đại biểu dự Hội thảo cho rằng hiện nay phương thức khai thác của ngư dân chủ yếu ven bờ do chưa đủ tàu lớn để đánh bắt xa bờ, khi khai thác thường sử dụng lưới có kích thước mắt lưới nhỏ hơn kích thước cho phép, vẫn còn hiện tượng sử dụng thuốc nổ và hình thức khai thác hủy diệt khác (dã cào bay, điện...) đã làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến nguồn lợi biển.

Các đại biểu đã chỉ ra hạn chế là thiếu các mô hình liên kết trong khai thác, chế biến, tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi giá trị; thiếu các đội tàu khai thác hiện đại, quy mô lớn, khai thác còn phân tán, nhỏ lẻ, sản phẩm đánh bắt thường bị tư thương ép giá. Mặc dù đã bước đầu hình thành cơ sở hậu cần nghề cá trên các đảo, tuy nhiên mới chỉ đảm bảo được khâu cung cấp nhiên liệu cho ngư dân, việc bảo quản các sản phẩm đánh bắt còn nhiều hạn chế. Tàu cá đánh bắt xa bờ không đủ điều kiện để bảo quản (40-50% cá ngừ đại dương đánh bắt không đủ tiêu chuẩn xuất khẩu), chưa có tàu hậu cần đủ lớn để hỗ trợ ngư dân đánh bắt.

Mặc dù là quốc gia có đường bờ biển dài với tiềm năng phát triển mạnh về thủy sản, tuy nhiên hiện vẫn thiếu các Trung tâm nghề cá và sản phẩm chiến lược. Các nghiệp đoàn khai thác còn chưa đủ mạnh, hạn chế về quy mô và kinh phí hoạt động. Đã xuất hiện hiện tượng ngư dân đánh bắt không đủ trang trải cuộc sống phải đi làm thuê cho tàu cá nước ngoài.

Ngư dân cơ bản là đối tượng nghèo, thu nhập thấp, lao động trong ngành nghề vất vả, gian khổ, nguy hiểm và gánh chịu nhiều rủi ro; phương tiện tàu thuyền khai thác đánh bắt hải sản của ngư dân nhìn chung còn lạc hậu chưa đáp ứng được hoạt động đánh bắt xa bờ; còn thiếu trang bị thông tin liên lạc; trình độ ngư dân còn thấp, chưa qua đào tạo nghề. Do đặc thù khai thác biển có nhiều rủi ro (thiên tai, nhân tai,...), chủ yếu dựa vào kinh nghiệm đi biển và đặc điểm “cha truyền con nối” nên việc triển khai các khóa đào tạo bài bản cũng hạn chế. Tình hình theo học các chuyên ngành thủy sản tại các Trường đại học còn thấp do đầu ra rất khó khăn.

Vấn đề tồn tại rất lớn để tiến tới quản lý biển một cách thống nhất liên quan đến phân cấp lực lượng kiểm tra, kiểm soát trên biển. Hiện nay, việc quản lý biển được giao cho nhiều lực lượng, tuy nhiên lực lượng kiểm tra, kiểm soát còn mỏng, chức năng hoạt động còn chồng chéo .

II. Các đề xuất, kiến nghị

Để tiếp tục thực hiện Chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020 và những năm tiếp theo, xác định vai trò của ngư dân là một trong những lực lượng nòng cốt trong phát triển kinh tế biển gắn với bảo vệ chủ quyền, an ninh trên biển của đất nước, cần xác định mục tiêu chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng phát huy thế mạnh của yếu tố biển trong kinh tế thuỷ sản, đẩy mạnh đánh bắt hải sản xa bờ, duy trì đánh bắt gần bờ hợp lý, gắn phát triển thuỷ sản với bảo vệ an ninh chủ quyền trên biển.

Chú trọng đến giá trị gia tăng của các sản phẩm thuỷ sản nhằm giảm bớt các ưu tiên hướng vào tổng sản lượng khai thác, tăng khả năng cạnh tranh của các sản phẩm thuỷ sản trên thương trường, bảo vệ an toàn hệ sinh thái và nguồn lợi thuỷ sản. Bố trí lại dân cư, phân bố lại lực lượng lao động hợp lý ở các vùng biển, đảo có tầm quan trọng đặc biệt gắn với tổ chức dân cư, tổ chức sản xuất và khai thác biển. Trong quá trình triển khai, phải chú ý đến chất lượng dân cư gắn với tuyên truyền, giáo dục sâu rộng và có hệ thống trong nhân dân, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong nâng cao dân trí của các tầng lớp nhân dân và nhận thức về vị trí chiến lược của biển.

Để thực hiện các mục tiêu trên, Hội thảo kiến nghị tập trung vào một số nội dung sau:

(1) Về công tác  xây dựng chính sách pháp luật

- Hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến hoạt động của ngành thủy sản, trong đó có Luật thủy sản (sửa đổi) trình Quốc hội thông qua trong năm 2015. Hoàn thiện các văn bản pháp luật về biển, phân định rõ thẩm quyền quản lý các khu vực trên biển theo quan điểm biển phải có chủ, theo đó xác định rõ thẩm quyền của địa phương và trung ương đối với các vùng biển.

 Rà soát, bổ sung các quy chuẩn kỹ thuật về nghề khai thác hải sản hiện nay nhằm có cơ sở để ban hành các quy định, chính sách quản lý nghề khai thác một cách khoa học và phù hợp với thực tế.

- Rà soát, khi xây dựng chính sách cần phân loại được đối tượng ngư dân “nghề cá nhỏ”, “nghề cá lớn” để có chính sách phù hợp.

Ngư dân “nghề cá nhỏ” là những người hoạt động đánh bắt hải sản ven bờ, đời sống bấp bênh, không có điều kiện trang thiết bị tàu cá và ngư cụ hiện đại, không có kinh nghiệm và khả năng đánh bắt xa bờ. Đối tượng này cần được hỗ trợ để hoạt động đánh bắt gần bờ hiệu quả gắn với bảo vệ nguồn lợi thủy sản gần bờ để phát triển bền vững, đồng thời có chính sách chuyển đổi nghề sang nuôi trồng thủy sản ven bờ, chế bến hải sản, dịch vụ hậu cần nghề cá và những nghề phù hợp; giảm bớt số lượng, nâng cao chất lượng.
Ngư dân “nghề cá lớn” là những người có kinh nghiệm đi biển, hiểu biết ngư trường, có khả năng tổ chức đánh bắt xa bờ với tàu cá và trang thiết bị, ngư cụ hiện đại. Đối tượng này cần được hỗ trợ để trang bị tàu lớn, trang thiết bị, ngư cụ hiện đại; trang bị kiến thức, kỹ năng đi biển dài ngày để hình thành các đội tàu lớn, đánh bắt xa bờ mang lại hiệu quả kinh tế cao.

(2) Về công tác quản lý nhà nước

- Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các địa phương ven biển cần đưa ra quy hoạch chi tiết và chương trình hành động cụ thể đối với ngành thủy sản, chia theo từng lĩnh vực: khai thác và đánh bắt, nuôi trồng, dịch vụ kinh tế biển, hướng tới sự thống nhất trong quy hoạch chung ngành thủy sản, đảm bảo việc phát triển bền vững theo Chiến lược kinh tế biển đặt ra. Các cơ quan quản lý cần chủ động rà soát lại thực trạng sử dụng mặt nước nuôi trồng thuỷ sản để có chính sách khuyến khích khai thác có hiệu quả.

- Rà soát lại quy hoạch các cảng cá, bến cá, khu neo đậu trú bão theo hướng những dự án thực sự cần thiết thì tập trung đầu tư, tránh hiện tượng dàn trải, làm xong không có tàu cá vào bến.

- Xây dựng mô hình ra biển thử nghiệm mang tính liên hoàn trên cơ sở gắn phát triển kinh tế biển với bảo đảm an ninh, quốc phòng trên biển và dải ven biển. Đồng thời có chính sách đặc biệt và kịp thời để khuyến khích mạnh mẽ người dân ra định cư sinh sống ổn định trên hải đảo, làm ăn trên biển và bám biển dài ngày. Tiến hành xây dựng mô hình thí điểm các khu quốc phòng-kinh tế, kinh tế - quốc phòng tại một số khu vực biển-đảo,… làm cơ sở kết nối quân-dân, dân-quân trong việc thực hiện các hoạt động dịch vụ kinh tế biển-đảo: đánh cá biển, hậu cần nghề cá, nuôi trồng hải sản xa bờ và dịch vụ du lịch sinh thái biển, v.v… Các điểm triển khai khu kinh tế - quốc phòng của ngư dân phải gắn với tuyến và khu vực phòng thủ biển, hải đảo.

- Thực hiện có hiệu quả công tác điều tra nguồn lợi và dự báo ngư trường. Xây dựng và cập nhật hệ thống cơ sở dữ liệu về khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản, trong đó bao gồm dữ liệu về tàu thuyền, đăng ký, đăng kiểm, cấp phép khai thác thủy sản, trang thiết bị trên tàu, lao động, cảng cá, bến cá.

- Nâng cao hiệu quả quản lý nhằm khai thác bền vững, bảo tồn nguồn lợi thủy sản; giảm tàu làm nghề lưới kéo và các hình thức khai thác tận diệt. Kiểm soát số lượng tàu thuyền phù hợp với khả năng cho phép của nguồn lợi, với cơ cấu nghề nghiệp trên từng vùng biển; trong đó tập trung giảm tàu cá khai thác vùng ven bờ và lộng. Đối với vùng khơi, trên cơ sở nguồn lợi được điều tra, xác định khả năng cho phép của từng vùng biển và tính toán số lượng tàu cá cho phép theo nghề ở từng vùng, từ đó xây dựng cơ sở pháp lý để phân bổ hạn ngạch hàng năm.

(3) Về chính sách hỗ trợ vốn

- Xây dựng chính sách hỗ trợ vốn vay cho ngư dân thông qua Ngân hàng chính sách xã hội, Ngân hàng phát triển hoặc Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về tạo nguồn vốn, lãi suất ưu đãi; xoá nợ, khoanh nợ, giãn nợ đối với ngư dân gặp rủi ro. Đồng thời, cần có các chính sách liên quan đến bảo lãnh tín dụng cho nuôi trồng thủy sản, lấy tài sản hình thành làm thế chấp và tín chấp cho vay lần đầu tạo vốn lưu động, trình tự, thủ tục vay cần phải được cải tiến phù hợp hơn.

- Mở rộng đầu tư tín dụng ngành thủy sản; tiếp tục tăng mức tín dụng cho doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực thủy sản vay với lãi suất ưu đãi, thời hạn từ 5 năm trở lên để phát triển sản xuất. Đối với các huyện đảo, xã đảo cần có chính sách tín dụng đặc thù, đầu tư thực hiện các chính sách an sinh xã hội, xây dựng cơ sở hạ tầng để hỗ trợ ngư dân phát triển sản xuất trên các huyện đảo, xã đảo, bảo vệ an ninh biển đảo.

- Đề nghị có tổng kết thí điểm về cho vay hỗ trợ đóng mới tàu vỏ sắt theo Quyết định 1787/QĐ-TTg ngày 29/11/2012 để mở rộng ra phạm vi toàn quốc.

(4) Về đảm bảo nguồn nhiên liệu và hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm thủy sản

- Đề nghị bổ sung, sửa đổi Quyết định Số 48/2010/QĐ-TTg ngày 13 tháng 7 năm 2010 về chính sách khuyến khích, hỗ trợ khai thác, nuôi trồng hải sản và dịch vụ khai thác hải sản trên các vùng biển xa, do định mức hỗ trợ dầu chưa phù hợp, còn tính bình quân so với mức tiêu hao nhiên liệu giữa tàu công suất lớn và tàu công suất nhỏ chưa khuyến khích được ngư dân đánh bắt xa bờ.

- Nghiên cứu thành lập các công ty cổ phần, hợp tác xã có sự tham gia của Nhà nước, hình thành chuỗi sản xuất trong khai thác, chế biến, tiêu thụ sản phẩm, góp phần ổn định sản xuất, đảm bảo đầu ra cho các sản phẩm đánh bắt của ngư dân. Hình thành các đội tàu đánh cá xa bờ hiện đại với sự hỗ trợ của tàu hậu cần loại lớn để đảm bảo cung cấp nhiên liệu, dịch vụ sửa chữa tàu thuyền và thu mua hải sản cho các tàu đánh bắt xa bờ, đủ điều kiện bảo quản theo tiêu chuẩn các sản phẩm đánh bắt, giúp ngư dân có khả năng khai thác dài ngày trên biển và giảm chi phí. Có cơ chế chính sách khuyến khích và hỗ trợ kết nối hơn nữa giữa ngư dân và doanh nghiệp chế biến thủy sản, hệ thống tiêu thụ sản phẩm, hình thành chuỗi cung ứng sản xuất, chế biến, bảo quản và phân phối sản phẩm.

- Tuyên truyền, khích lệ và dẩy mạnh hình thức liên kết Tổ đội sản xuất trên biển một cách thường xuyên. Thiết lập mối quan hệ hỗ trợ, mua-bán thông qua hợp đồng với các Tổ đội sản xuất (ngư dân) ở mỗi địa phương nhằm thúc đẩy gia tăng tỷ lệ thu hồi sản phẩm có chất lượng và gia tăng giá trị sản phẩm thu được qua chế biến, hỗ trợ công tác bám biển của ngư dân.

(5) Về đào tạo nguồn nhân lực

- Đẩy mạnh công tác khuyến ngư và dạy nghề thông qua việc tăng cường công tác khuyến ngư về kỹ thuật nuôi trồng thủy sản, đào tạo cán bộ có chuyên môn cao, cán bộ khoa học và cán bộ quản lý, hướng tới đào tạo có địa chỉ, theo nhu cầu thị trường; xây dựng cơ sở dạy nghề thủy sản. Để nâng cao hiệu quả hoạt động đánh bắt xa bờ, cần tổ chức đào tạo nghề thuyền trưởng, máy trưởng, thuyền viên cho ngư dân đi biển. Hỗ trợ đào tạo kỹ năng hoạt động trên biển, sử dụng trang thiết bị hiện đại trong khai thác, đánh bắt hải sản có hiệu quả. Đổi mới công tác đào tạo nghề cho ngư dân thông qua các lớp học, khóa học tập huấn trực tiếp cho ngư dân là người đang đi biển.

 - Có chính sách khuyến khích, hỗ trợ thu hút con em ngư dân theo học nghề khai thác hải sản tại các trường đại học, cao đẳng, trung cấp nghề để tạo ra nguồn nhân lực hoạt động nghề cá trên biển. Mở rộng các khóa đào tạo nghề tại địa phương trình độ sơ cấp, trung cấp cho con em ngư dân theo nghề đi biển.

- Xây dựng chính sách hỗ trợ ngư dân chuyển đổi nghề nghiệp, chuyển đổi từ khai thác hủy diệt nguồn lợi sang các nghề khai thác thân thiện với nguồn lợi; chuyển từ khai thác gần bờ ra khai thác xa bờ hoặc chuyển đổi sang các nghề khác như: nuôi trồng hải sản, dịch vụ du lịch; hỗ trợ vốn cho số hộ ngư dân chuyển đổi nghề khai thác ven bờ sang phát triển sản xuất nông nghiệp, nghề công nghiệp, hoặc mua bán thương mại, dịch vụ khác.

- Đề nghị có chính sách hỗ trợ cho ngư dân có nhu cầu chuyển đổi nghề, vay các tổ chức tín dụng với lãi suất ưu đãi, kỳ hạn cho vay từ 3-5 năm.

- Đề nghị xây dựng các chính sách, đề án đào tạo việc làm, thực hiện đa dạng hóa các hình thức đào tạo phù hợp với từng đối tượng nhằm tạo công ăn việc làm, tăng thu nhập cho ngư dân, trong đó cần ưu tiên đào tạo con em ngư dân, người lao động trên biển và ven biển thông qua “vừa học, vừa làm”.

(6) Về cải tạo cơ sở hạ tầng, trang thiết bị, áp dụng khoa học, kỹ thuật công nghệ hiện đại phục vụ nghề cá

- Xây dựng tuyến ven biển gắn với một số tuyến đảo chính thành những điểm kinh tế mạnh và căn cứ hậu cần kỹ thuật vững chắc cho các hoạt động biển xa. Bảo đảm cung cấp nước ngọt, cơ sở hạ tầng và thông tin liên lạc và bằng các chính sách hỗ trợ điều kiện sống cơ bản để người dân yên tâm bám trụ, sản xuất trên các vùng biển, hải đảo tiền tiêu của Tổ quốc.

- Theo Quyết định số 63/2010/QĐ-TTg ngày 15 tháng 10 năm 2010 của Thủ tướng Chính phủ chỉ hỗ trợ cho các tàu khai thác xa bờ, đề nghị sửa đổi, bổ sung hỗ trợ cho cả các tàu thu mua, dịch vụ hậu cần nghề cá cho các tàu cá khai thác xa bờ nhằm khuyến khích các thành phần kinh tế thành lập các đội tàu cung ứng dịch vụ hậu cần, mua gom sản phẩm cho các tàu cá khai thác xa bờ.

- Quyết định 459/QĐ-TTg ngày 28 tháng 4 năm 2008 của Thủ tướng Chính phủ về việc thí điểm trang bị máy thu trực canh cho ngư dân, chính sách này chỉ áp dụng cho các chủ tàu là hộ nghèo và các chủ tàu có tàu chìm, hư hỏng nặng do thiên tai hoặc bị tai nạn khác, khi khôi phục sản xuất, đề nghị tiếp tục thực hiện để trang bị cho tất cả các tàu khai thác hải sản vì máy thu trực canh rất có hiệu quả đối với ngư dân trong việc thu nhận thông tin dự báo thời tiết, nhất là trong những ngày có tin bão, áp thấp nhiệt đới.

- Có chính sách thúc đẩy nuôi trồng thủy sản ven biển nhằm giải quyết việc làm, chuyển đổi nghề cho những ngư dân không có điều kiện, không có khả năng đánh bắt xa bờ, bảo vệ nguồn lợi thủy sản gần bờ. Áp dụng công nghệ tiên tiến với môi trường trong phát triển nuôi lồng bè để giảm thiểu ô nhiễm môi trường.

(7) Về công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho ngư dân

- Tập huấn, tuyên truyền về kiến thức pháp luật về Luật biển, các công ước, hiệp ước Quốc tế về chủ quyền và hoạt động khai thác đánh bắt trên biển để ngư dân có hành động ứng xử phù hợp, bảo vệ được chủ quyền biển, đảo và tránh những hậu quả đáng tiếc xảy ra cho ngư dân. Nâng cao khả năng chủ động ứng phó với các tình huống trên biển của ngư dân.

- Thường xuyên tổ chức tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng với các hình thức khác nhau về giá trị kinh tế, xã hội, môi trường của nguồn lợi, mô hình khai thác hiệu quả, cũng như trách nhiệm của ngư dân, xã hội trong việc quản lý, sử dụng tài nguyên một cách hiệu quả, gắn với bảo vệ an ninh chủ quyền biển đảo.

- Tăng cường giáo dục pháp luật về khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản cho ngư dân, nâng cao ý thức khai thác có trách nhiệm của ngư dân; vận động các chủ tàu, thuyền trưởng ký cam kết không đánh bắt bất hợp pháp; thay đổi nhận thức, tập quán tổ chức sản xuất cá thể, riêng lẻ sang khai thác theo chuỗi liên kết theo tổ đội gắn với dịch vụ hậu cần, thu mua, chế biến, đồng quản lý nghề cá.

(8) Về chính sách thu hút  đầu tư và hợp tác hợp tác quốc tế:

- Tham gia các Hiệp định quốc tế, khu vực và hiệp ước liên quan hợp tác khai thác và quản lý năng lực khai thác. Sớm đàm phán với các nước trong khu vực để ngư dân có điều kiện hợp tác, đánh bắt hải sản ngoài phạm vi vùng biển Việt Nam. Tăng cường hợp tác trong việc thu thập và chia sẻ thông tin liên quan đến quản lý năng lực khai thác với các tổ chức quản lý nghề cá khu vực và quốc tế.

- Có chính sách khuyến khích, thu hút các thành phần kinh tế tham gia đầu tư và khai thác, chế biến và nuôi trồng thủy sản theo hướng có các điều khoản hỗ trợ đủ mạnh, đủ hấp dẫn để thu hút doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực này. Ngoài ra, cần có một cơ chế thông thoáng hơn để các nhà đầu tư nước ngoài tham gia trong các lĩnh vực sản xuất – kinh doanh của ngành, như: đầu tư hạ tầng kỹ thuật, công nghệ đóng tàu chuyên biệt cho lĩnh vực thủy sản.

(9) Về hỗ trợ, đảm bảo an toàn cho ngư dân khai thác cá

- Tăng mức vốn đầu tư cho chương trình tránh trú bão, cảng cá để đầu tư hoàn chỉnh cơ sở hạ tầng và dịch vụ hậu cần nghề cá theo quy hoạch, đảm bảo phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh, bảo vệ chủ quyền biển đảo tại các tỉnh, thành phố có biên giới biển, đặc biệt là các huyện đảo, xã đảo.

- Nhà nước tiếp tục có chính sách hỗ trợ ngư dân về thông tin liên lạc, phao áo cứu sinh, tủ thuốc cá nhân để đảm bảo an toàn cho người và tàu cá khi hoạt động khai thác thủy sản.

- Tăng cường đầu tư về công nghệ dự báo bao gồm: công nghệ dự báo thủy triều, công nghệ dự báo sóng, công nghệ dự báo nước dâng, dòng chảy biển, hệ thống quan trắc và truyền số liệu,...

- Đào tạo nâng cao trình độ cho đội ngũ cán bộ làm công tác dự báo biển để nắm bắt được những công nghệ dự báo hiện đại, có kiến thức sâu rộng trong phân tích dự báo và yêu nghề.

- Xây dựng hệ thống thông tin quản lý nghề cá, cung cấp và khuyến khích ngư dân sử dụng các thiết bị đa kết nối, trong đó tích hợp: hệ thống thông tin di động (GSM), hệ thống định vị toàn cầu (GPS), sóng vô tuyến tần số cao (HF), sóng vô tuyến tần số rất cao (VHF) để giám sát tàu cá trên biển hiệu quả nhằm theo dõi, hạn chế đánh bắt bất hợp pháp, cung cấp thông tin về sản lượng hàng ngày, tìm kiếm cứu nạn và phòng chống lụt bão.

- Tăng cường lực lượng tuần tra trên biển để bảo vệ ngư dân đánh bắt hải sản trên biển. Hỗ trợ địa phương ven biển trang bị phương tiện, xây dựng lực lượng xung kích trong công tác tìm kiếm cứu nạn kết hợp tham gia bảo vệ chủ quyền biển đảo.

- Đề nghị nghiên cứu có lực lượng phối hợp chung để giải quyết các vụ việc phát sinh trên biển (trên tàu có biên phòng, hải quan, môi trường,...).

(10) Về chính sách an sinh xã hội

Mở rộng các hình thức bảo hiểm cho ngư dân, tàu và tài sản khác của ngư dân khi khai thác trên biển, để khi sự cố xảy ra thì ngư dân có nguồn chi trả của bảo hiểm để tiếp tục sản xuất. Về phí bảo hiểm, đề nghị Chính phủ chỉ đạo các ngành chức năng nghiên cứu, thực hiện chính sách hỗ trợ đối với ngư dân về phí bảo hiểm tàu đánh bắt hải sản theo Quyết định 289/QĐ-TTg ngày 18/3/2008 của Thủ Tướng chính phủ và Thông tư số 35/2008/TT-BTC ngày 25/4/2008 của Bộ Tài chính. Thực hiện công tác tuyên truyền, quy định chặt chẽ về bảo hiểm tàu và thuyền viên khi ra khơi.

Đề nghị nghiên cứu, sớm ban hành chính sách trợ cấp một lần và thường xuyên cho ngư dân và gia đình ngư dân, nhất là con em của ngư dân chưa đủ tuổi trưởng thành đối với ngư dân trực tiếp tham gia đấu tranh bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc trong trường hợp bị thương hoặc tử vong.

(11) Về phát triển thị trường

- Nghiên cứu phát triển các Trung tâm nghề cá tại các khu vực có tiềm năng phát triển thủy sản; chọn lựa cá ngừ là sản phẩm chiến lược và xây dựng thương hiệu quốc gia cho sản phẩm này.

- Cần xác định tiềm năng của thị trường trong nước và chú trọng phát triển. Xây dựng các đội tàu đánh cá hiện đại không chỉ đánh cá trên vùng biển Việt Nam mà còn hợp tác khai thác trên các vùng biển khác.

(12) Một số kiến nghị khác

- Rà soát lại các tiêu chí xây dựng xã nông thôn mới phù hợp hơn đối với đặc thù các địa phương ven biển.

- Đề nghị ngành thủy sản cần chú trọng giải quyết đồng bộ cả ba vấn đề “tam ngư” (ngư dân, ngư nghiệp, ngư trường) trong quá trình phát triển kinh tế thủy sản gắn với bảo đảm an ninh, quốc phòng trên biển. 
Trên đây là những nội dung chính của Hội thảo “Các giải pháp hỗ trợ ngư dân phát triển kinh tế biển”, Thường trực Ủy ban Kinh tế xin trân trọng báo cáo.

TM. UỶ BAN KINH TẾ
CHỦ NHIỆM

            (đã ký)

 Nguyễn Văn Giàu

Các tin khác