SOS ô nhiễm châu Á (K1): Bắc Kinh không mặt trời

Các nước châu Á đang phải hứng chịu tình trạng khói mù u ám do chính mình gây ra, làm thiệt hại kinh tế và ảnh hưởng cuộc sống người dân.

Các nước châu Á đang phải hứng chịu tình trạng khói mù u ám do chính mình gây ra, làm thiệt hại kinh tế và ảnh hưởng cuộc sống người dân.

Tình trạng ô nhiễm không khí ngày càng trở nên tồi tệ ở Trung Quốc mặc cho những nỗ lực giải quyết của chính quyền. Trong nhiều ngày, mặt trời chìm khuất trong màn khói mù đậm đặc.

Khói bụi mù mịt

Ô nhiễm không khí Trung Quốc phần lớn từ sự phụ thuộc quá mức vào nguồn năng lượng than đá, sự bùng nổ các phương tiện xe cộ và sự yếu kém trong thực thi luật môi trường. Tháng 1 năm nay, ô nhiễm ở Bắc Kinh đã lên cao gấp 30-45 lần mức cho phép.

Mùa thu ngắn ngủi đã nhanh chóng chuyển sang mùa đông và nhiệt độ giảm mạnh. Đủ loại phương tiện sưởi ấm được bật lên, nhà chức trách khuấy động các nhà máy điện chạy bằng than đá để đáp ứng nhu cầu năng lượng đã khiến ô nhiễm không khí trở nên tệ hơn.

Mặc dù người dân ngày càng khó chịu với tình trạng mịt mù sương khói nhưng áp lực trong nước dường như không đủ để giải quyết vấn đề. Ngày 12-1, chỉ số không khí Bắc Kinh lên đến 755 (theo thang đo của Hoa Kỳ).

Để so sánh, vào thời gian này, chỉ số không khí thành phố New York sôi động bậc nhất Hoa Kỳ ở mức 45. Trụ sở Đài truyền hình Trung ương Trung Quốc CCTV chìm trong màn sương khói dày đặc. Trong nhiều ngày, mặt trời ẩn sau lớp khói mù. Thành phố Harbin ở Đông Bắc Trung Quốc hồi tháng 10 cũng đã nếm trải “thảm họa không khí” khi chỉ số chạm mốc 500 và cư dân cho biết họ không thể nhìn thấy đường đi.

Nhiều chuyên gia cảnh tỉnh, sưởi ấm dùng than không chỉ khiến miền Bắc Trung Quốc bị ô nhiễm không khí nặng, thảm họa này đã lấn tới khu vực Đông - Nam nước này. Đầu tháng 12, Thượng Hải báo động không khí ô nhiễm nặng.

Ngày 2-12, chỉ số không khí tăng trên 301, mức nguy hiểm nhất theo chuẩn Trung Quốc. Đến tối 5-12, mức ô nhiễm ở Thượng Hải đã lên đến 340 và ít nhất 16 thành phố khác ở 4 tỉnh miền Đông Trung Quốc cũng báo động ô nhiễm vượt ngưỡng 300. Tại Zaozhuang - thành phố 4 triệu dân thuộc tỉnh Sơn Đông - chỉ số đạt tới 500, mức cao nhất trong thang đo.

Thiệt hại

Phó Chủ tịch Viện Nghiên cứu phát triển E-house Trung Quốc Yang Hongxu nói: “Ô nhiễm ở Thượng Hải thật sự tồi tệ. Vấn đề không còn là tầm nhìn hạn chế mà đã lên đến mức không thở nổi”. Ô nhiễm bắt đầu ngoạm vào thu nhập du lịch. Khảo sát các đại lý du lịch cho thấy trong 3 quý năm 2013, số lượng du khách viếng thăm thủ đô Bắc Kinh đã tụt 50% so với cùng kỳ năm ngoái.

Trụ sở CCTV tháng 8-2008 (ảnh nhỏ) và chìm trong khói mù ngày 12-1-2013.

Trụ sở CCTV tháng 8-2008 (ảnh nhỏ) và chìm trong khói mù ngày 12-1-2013.

Dù cũng có nhiều du khách du lịch chùn chân khi đồng nhân dân tệ trở nên đắt đỏ hơn, nhưng ngày càng có bằng chứng cho thấy những đám mây sương khói bao phủ Tử Cấm Thành và Vạn Lý Trường Thành là thủ phạm chính đang “xua đuổi” du khách nước ngoài.

Tại Hội nghị du lịch Bắc Kinh 2013, Lu Yong, Giám đốc Ủy ban phát triển thành phố, đã chỉ ra nguyên nhân sút kém du lịch do suy thoái kinh tế toàn cầu, nhân dân tệ tăng giá và đặc biệt là ô nhiễm không khí nghiêm trọng. Công ty du lịch Sunshine cho biết nửa đầu năm nay chỉ tiếp đón được 5 nhóm khách nước ngoài, trong khi năm ngoái hơn 50 nhóm.

Bên cạnh du lịch, sức khỏe người dân cũng đang bị đe dọa bởi nạn ô nhiễm. Theo một nghiên cứu đăng trên chuyên san “Dữ kiện khoa học hàn lâm quốc gia” (Hoa Kỳ) số ra tháng 7-2013, người dân thế hệ những năm 1990 sống ở miền Bắc Trung Quốc sẽ bị giảm thọ bình quân 5,5 năm so với những người sinh trưởng ở miền Nam.

Môi trường doanh nghiệp bị vẩn đục khi chất lượng sống kém đi khiến lao động cao cấp ngại ở Trung Quốc và chất xám Trung Quốc ở nước ngoài không muốn quay về. Ô nhiễm cũng gây ra sự bất bình trong dư luận xã hội. Những cuộc phản đối ở các nhà máy trên khắp cả nước đã dẫn tới việc đóng cửa một số nhà máy, ảnh hưởng đến sản xuất, việc làm, cũng như tăng trưởng kinh tế. Vào đợt cao điểm khói mù, khắp các trang mạng, hàng triệu người kêu gọi chính phủ phải có hành động quyết liệt để đối phó.

Hành động

Giữa năm 2013, chính phủ Trung Quốc đặt mục tiêu đến cuối năm 2017 giảm được 30% khí thải của các ngành công nghiệp chủ chốt. Trong tháng 10, Bắc Kinh đã công bố kế hoạch khẩn cấp đối phó ô nhiễm không khí, bao gồm những quy định như lái xe theo biển số chẵn lẻ, cấm pháo hoa…

Trung Quốc là thị trường xe hơi lớn nhất thế giới nhưng hiện đã có ít nhất 8 thành phố xem xét áp dụng chính sách hạn chế mua xe mới nhằm nỗ lực kiểm soát ô nhiễm. Các thành phố lớn như Thượng Hải, Quý Dương và Quảng Châu triển khai các biện pháp hạn chế xe cơ giới lưu thông trên đường phố.

Trước đây, Trung Quốc ưu tiên mở nhà máy để tạo việc làm và tăng trưởng kinh tế nhưng bây giờ, sức khỏe quốc dân đang trở thành mối quan tâm lớn hơn.

Nhận định về thực trạng ô nhiễm của Trung Quốc hiện nay, chiến lược gia đầu tư Audrey Goh của Standard Chartered, nói: “Trong ngắn hạn, bất cứ biện pháp nào nhằm kiểm soát ô nhiễm cũng sẽ ảnh hưởng lên nền kinh tế. Thí dụ gia tăng chi phí để đáp ứng yêu cầu của các quy định, hay sụt giảm sản lượng. Nhưng về lâu dài, những biện pháp đó sẽ đưa đến con đường tăng trưởng bền vững hơn”.

(còn tiếp)

Các tin khác