Hội nghị Trung ương 3, khóa 18 ĐCS Trung Quốc (K1): Thách thức cải tổ

Trung Quốc chỉ mất vài thập niên để vươn mình thành cường quốc kinh tế thứ hai thế giới và có thể sẽ vượt Hoa Kỳ trong vòng 1 thập niên nữa. Thế nhưng, mô hình chú trọng tăng trưởng, bỏ qua các yếu tố bền vững đang khiến nước này gặp nhiều thách thức. Vì vậy, cải tổ đã trở thành vấn đề sống còn trong tương lai.

Trung Quốc chỉ mất vài thập niên để vươn mình thành cường quốc kinh tế thứ hai thế giới và có thể sẽ vượt Hoa Kỳ trong vòng 1 thập niên nữa. Thế nhưng, mô hình chú trọng tăng trưởng, bỏ qua các yếu tố bền vững đang khiến nước này gặp nhiều thách thức. Vì vậy, cải tổ đã trở thành vấn đề sống còn trong tương lai.

Kỳ 1: Vấn đề sống còn

Từ ngày 9 đến 12-11-2013 đã diễn ra Hội nghị Trung ương 3, khóa 18 Đảng Cộng sản Trung Quốc. Một bài báo của Tân Hoa xã (THX) cho biết những cải cách “chưa từng có” sẽ được đưa ra bàn thảo, quyết định trong hội nghị lần này.

Cải cách quy mô lớn

Kinh tế Trung Quốc trong quý III lấy lại đà tăng trưởng. Tuy nhiên, sự tăng trưởng đó dựa trên mô hình phụ thuộc đầu tư, đã tạo ra nhiều bất ổn. Trong tăng trưởng GDP 7,8% vừa qua, đầu tư đóng góp tới 4,3%, vượt tiêu dùng 0,8%. Những dữ liệu kinh tế tích cực trong vài năm qua chủ yếu được thúc đẩy bởi chi tiêu chính phủ, các khoản vay ngân hàng và xuất khẩu.

Việc triển khai mô hình tăng trưởng bền vững vẫn là một ảo tưởng. Nó cũng làm cho mục tiêu phát triển Trung Quốc thành một xã hội thịnh vượng vào năm 2020 của Đảng Cộng sản Trung Quốc đưa ra càng khó khăn hơn. Nền kinh tế sút kém, trong khi khoảng cách giàu nghèo ngày càng lớn, tham nhũng tràn lan và gia tăng xung đột xã hội, đưa đất nước đông dân nhất và nền kinh tế lớn thứ hai thế giới đến ngã ba đường.

Quang cảnh một kỳ Hội nghị Trung ương của Trung Quốc.

Quang cảnh một kỳ Hội nghị Trung ương của Trung Quốc.

Theo Bloomberg, hệ lụy tăng trưởng tín dụng nóng trước đây, nợ địa phương cao và xuất khẩu yếu đang đe dọa nền kinh tế Trung Quốc. “Tỷ lệ nợ trên GDP của nước này đã lên tới 207% khi tăng trưởng tín dụng tiếp tục vượt tăng trưởng kinh tế” - theo Mike Werner, nhà phân tích tại Sanford C. Bernstein Hong Kong.

Việc này càng khiến nhà đầu tư thêm lo ngại về tình trạng nợ xấu trong ngân hàng. Theo số liệu chính thức, 5 ngân hàng lớn nhất Trung Quốc đã có thêm 22,4 tỷ NDT nợ xấu trong nửa đầu năm, nâng tổng nợ xấu lên 350 tỷ NDT, tương đương 1% các khoản vay. Nhưng hồi tháng 8, Ngân hàng Goldman Sachs ước tính trong 4 năm qua Trung Quốc đã phát sinh thêm cỡ 3.000 tỷ USD nợ xấu.

Tuy nhiên, THX trấn an rằng “giới lãnh đạo Trung Quốc biết rõ điều đó”. Vì vậy, Đại hội Trung ương 3 lần này sẽ là “một bước ngoặt mạnh mẽ với nhiều chính sách kinh tế quyết liệt sẽ được công bố”. Sau hơn 3 thập niên tăng trưởng chóng mặt, Trung Quốc đã tích lũy sự giàu có và cũng tạo ra các nhóm lợi ích với sự độc quyền của các doanh nghiệp nhà nước (DNNN) và các chính quyền địa phương.

Nhận thức được những nhóm lợi ích này có thể tổn hại tới tăng trưởng bền vững và làm suy yếu sự lãnh đạo của Đảng, các lãnh đạo Trung Quốc đã giới thiệu các biện pháp thiết thực và cụ thể để cắt giảm quan liêu, lãng phí và tham nhũng trên một quy mô chưa từng có. “Có những lý do thuyết phục để tin rằng cải cách sâu rộng và hệ thống hơn sẽ được công bố tại hội nghị lần này, gói cải cách mới dự báo sẽ gây kinh ngạc cho nhiều người” - bài báo viết.

Truyền thống Hội nghị 3

Cải tổ kinh tế mạnh tay có thể đưa nền kinh tế Trung Quốc quay lại quỹ đạo tăng trưởng. Dù quá trình này tương đối đau đớn, nhưng nếu không thực hiện được, Trung Quốc sẽ bị đẩy vào tình thế mà chính lãnh đạo nước này phải thừa nhận là ngõ cụt.

Ông Patrick Chovanec,
Chiến lược gia tại Silvercrest Asset Management

Nội dung cải cách, theo THX, sẽ chú trọng đến việc phân bổ các nguồn lực trong xã hội. Vì vậy, những cải cách được dự báo bao gồm hệ thống hộ khẩu, phân bổ ngân sách, giá điện và năng lượng, sở hữu đất đai và tự do hóa tài chính. Trước đây, nhiều biện pháp cục bộ về các vấn đề này từng được triển khai ở một số địa phương, nhưng chưa bao giờ có hệ thống, tức chưa có những thay đổi về cơ bản.

THX cho rằng có nhiều lý do thuyết phục để tin rằng Đảng Cộng sản Trung Quốc luôn giữ được sức mạnh cải cách: “Trong 3 thập niên qua, Trung Quốc đã có các nhà lãnh đạo mạnh mẽ và táo bạo, quyết liệt trong việc đẩy mạnh cải cách tích cực. Các nhà lãnh đạo hiện nay cũng tiếp nối được truyền thống đó”.

Hội nghị Trung ương 3 thường là lúc Đảng Cộng sản Trung Quốc thông báo những cải cách quan trọng. Đây là thời điểm ban lãnh đạo mới đã lên nắm quyền được 1 năm, tức đã củng cố quyền lực đủ mạnh để công bố các kế hoạch lãnh đạo cho nhiệm kỳ 10 năm.

Với những tín hiệu phát đi từ các lãnh đạo mới của Trung Quốc thời gian qua, cộng với truyền thống quan trọng của Hội nghị 3, giới quan sát càng tin rằng hội nghị lần này sẽ có những thay đổi quan trọng: “Nếu Đảng Cộng sản muốn duy trì quyền lực của mình và giành chiến thắng trong trái tim của nhân dân, đây là thời điểm cần phải làm một điều gì đó đáng kể” - theo THX.

Phương hướng cải tổ?

Dù vậy, ngoài những tín hiệu phát đi từ THX, chính phủ Trung Quốc vẫn chưa đưa ra chi tiết về nội dung cải tổ lần này. Giới quan sát cho rằng có thể nội dung cải tổ sẽ đúc kết từ “Đề án 383” vốn được những nhà chiến lược của Bắc Kinh đưa ra trước đó với mục đích chuyển đổi nền kinh tế Trung Quốc cho đến năm 2020.

Đề án này được Trung tâm Nghiên cứu phát triển thuộc Quốc vụ viện Trung Quốc công bố hôm 1-10, với nội dung trọng tâm là “tư duy cải cách 3 trong 1, 8 lĩnh vực cải cách trọng điểm, 3 nhóm biện pháp cải cách liên quan”. Trong đó, 3 nhóm cải cách chính là tự do hóa thị trường, khuyến khích sáng tạo và cạnh tranh, tăng minh bạch chính phủ. 8 lĩnh vực trọng điểm cần cải cách sâu rộng gồm: các doanh nghiệp/ngành độc quyền, đất đai, tài chính, thuế và ngân sách, mở cửa, điều hành chính phủ, quản lý tài sản công, phát triển xanh và sáng tạo.

Các nhà phân tích đưa ra 8 lĩnh vực Trung Quốc cần thực hiện cải tổ để giữ cỗ máy kinh tế vận hành trơn tru, gồm: tài chính, DNNN, hộ khẩu, đất đai, ngân sách địa phương, môi trường, năng lượng và giá năng lượng, sáng tạo. Về tài chính, vấn đề then chốt là cần tự do hóa lĩnh vực này, bằng các biệt pháp như tự do hóa lãi suất và nới kiểm soát tỷ giá NDT.

Về DNNN, hiện khu vực này đang thống trị các lĩnh vực then chốt như ngân hàng, viễn thông, dầu khí. Nhiều người cho rằng các DNNN đang làm hao tổn nguồn lực quốc gia do công suất dư thừa và quản trị kém. Cũng có những lo ngại các DNNN tạo ra độc quyền, cản trở tăng trưởng.

Khu vực DNNN được lợi thế cạnh tranh so với khu vực tư nhân khi có thể dễ dàng tiếp cận nguồn vốn từ các ngân hàng nhà nước. Về hộ khẩu, chế độ này bị chỉ trích ngăn chặn người di cư nông thôn và con cái của họ tiếp cận các dịch vụ xã hội tại các thành phố, tạo ra một tầng lớp dưới trong các thành phố lớn, mâu thuẫn với mục tiêu của chủ nghĩa xã hội là xây dựng một xã hội công bằng.

Về đất đai, hiện đất đai ở Trung Quốc vẫn là sở hữu toàn dân và sở hữu có chọn lọc, vì vậy người dân không thể bán hay mua đất đai của họ. Điều này làm lợi cho các chính quyền địa phương thông qua các dự án giải phóng mặt bằng bán lại cho các nhà đầu tư, tạo ra xung đột xã hội…

Các kỳ Hội nghị Trung ương 3:

- 1978: Khóa 11, Đặng Tiểu Bình tuyên bố kết thúc nền kinh tế kế hoạch, bắt đầu công cuộc cải cách mở cửa, khiến Trung Quốc đạt được tốc độ phát triển nhanh chóng, trở thành nền kinh tế thứ hai trên thế giới chỉ sau 35 năm.

- 1984: Khóa 12, dưới thời ông Hồ Diệu Bang: cải tổ phát triển từ chú trọng khu vực nông thôn sang khu vực thành thị.

- 1988: Khóa 13, dưới thời ông Triệu Tử Dương: cải tổ giá cả và tiền lương.

- 1993: Khóa 14, dưới thời ông Giang Trạch Dân: xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, cùng với những cải cách quan trọng về cơ chế vận hành doanh nghiệp nhà nước và chuyển đổi chức năng chính phủ.

- 1998: Khóa 15, dưới thời ông Giang Trạch Dân: xây dựng nông thôn mới xã hội chủ nghĩa.

- 2003: Khóa 16, dưới thời ông Hồ Cẩm Đào: thông qua một loạt biện pháp để hoàn thiện nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa mà ông Giang Trạch Dân đã vạch ra.

- 2008: Khóa 17, dưới thời ông Hồ Cẩm Đào: cải tổ thành thị sâu rộng hơn.  

-------------

Kỳ 2: Đề án cải tổ táo bạo có được chấp thuận?

Các tin khác