Truyền thuyết kho báu (k2): Căn phòng hổ phách

Là bảo vật của các hoàng đế nước Phổ, nước Nga nhưng căn phòng hổ phách đã mất tích sau thế chiến 2, khởi đầu cho những cuộc săn lùng triền miên không dứt.

Là bảo vật của các hoàng đế nước Phổ, nước Nga nhưng căn phòng hổ phách đã mất tích sau thế chiến 2, khởi đầu cho những cuộc săn lùng triền miên không dứt.

> Truyền thuyết kho báu (K1): Hồ Toplitz

Kỳ quan thứ 8

Để làm vui lòng vợ yêu Sophie Charlotte, Vua nước Phổ Friedrich I đã lệnh cho các nhà kiến trúc sư và nghệ nhân tài ba dốc sức xây dựng căn phòng hổ phách cho Cung điện Charlottenburg. Thời đó, hổ phách là thứ vô cùng quý hiếm, đắt giá gấp 12 lần vàng. Khởi công từ năm 1701 tới năm 1711 mới hoàn thành. Trong ngày ra mắt, hơn 500 cây nến lớn được thắp lên, làm căn phòng lung linh ánh vàng, bắt đầu một huyền thoại “kỳ quan thứ 8” của thế giới.

Năm 1716, nhằm thắt chặt mối giao kết đồng minh, Friedrich Wilhelm I (con trai Friedrich I) đã tặng căn phòng hổ phách cho Sa hoàng Nga Peter Đại đế. Năm 1717, người ta tháo rời căn phòng để vận chuyển tới Saint Petersburg. Ở Nga, căn phòng được mở rộng và trang trí thêm nhiều bảo vật khác. Căn phòng hổ phách rộng hơn 55m2 gồm 12 bức vách, 12 cột trụ được chế tác bằng hổ phách, vàng, đá quý. Căn phòng tiêu tốn 6 tấn hổ phách, vàng và đá quý có tổng trị giá khi ấy trên 500 triệu bảng.

Sau Cách mạng tháng 10, phòng hổ phách trở thành điểm tham quan nổi tiếng của Liên Xô. Tuy nhiên, năm 1941, quân Đức Quốc xã tiến vào Liên Xô đã cướp lấy căn phòng, tháo dỡ và đóng gói trong 27 thùng lớn mang về tòa lâu đài Koenigsberg (nay thuộc Kaliningrad, Nga).

Tờ báo Koenigsberger Allgemeine Zeitung ngày 13-11-1941 từng đăng bài về việc trưng bày nhiều phần của căn phòng hổ phách tại lâu đài. Năm 1945, Hồng quân Liên Xô tấn công chiếm đóng thành phố Koenigsberg. Tuy chiến tranh kết thúc nhưng căn phòng hổ phách chưa bao giờ xuất hiện trở lại. Lâu đài Koenigsberg đã bị phá hủy chỉ còn trơ móng.

Thủy táng, mai táng?

Cho đến nay vẫn chưa ai giải mã được bức màn bí ẩn bao phủ số phận của căn phòng hổ phách. Nó đã bị phá hủy hoàn toàn trong mưa bom bão đạn, hay là vẫn còn đâu đó trên hành tinh này? Cuộc tìm kiếm vẫn tiếp tục.

Với niềm tin một công trình vĩ đại như thế không thể nào bị bỏ mặc hứng chịu bom đạn, các nhà săn lùng kho báu đã ra sức truy tìm tung tích căn phòng hổ phách. Có giả thiết căn phòng đã chìm sâu dưới đáy đại dương khi Đức Quốc xã chuyên chở nó bằng đường biển.

Nhưng giả thiết khác cho rằng nó đang được cất giấu trong kho tàng Đức Quốc xã dưới lòng hồ Toplitz ở Áo (xem Kỳ 1). Năm 2010, nhà sưu tầm nổi tiếng người Nga Sergey Trifonov tuyên bố đã tìm thấy dấu vết phòng hổ phách, rất có thể nó nằm sâu trong hầm trú ẩn cách mặt đất chừng 12m, gần Nhà thờ Lớn của thành phố Kaliningrad. Phát hiện của Trifonov phù hợp với kết quả nghiên cứu thể hiện qua loạt phim tài liệu của đài truyền hình Đức ZDF năm 2003.

Trong đó, trưởng ban biên tập về lịch sử đương đại Guido Knopp cùng các đồng nghiệp sau khi xem xét lời khai của nhân chứng, nhật ký và thư từ của một số nhân vật liên quan đã đi tới kết luận rằng căn phòng hổ phách không bị phá hủy, nó vẫn ở Koenigsberg hoặc đã được chuyển tới khu vực hầm quân sự rộng lớn ở Thuringen (Đức) có mật danh “Chim én V”.

Một phần khu vực hầm “Chim én V” đã được các nhân viên an ninh quốc gia của Cộng hòa Dân chủ Đức đào bới trong thời chiến tranh lạnh. Trong nỗ lực tìm kiếm căn phòng hổ phách, thu hồi báu vật quốc gia, họ cũng đã tiến hành khai quật, khám xét ít nhất 100 địa điểm khác. Công cuộc tìm kiếm được ghi lại trong “Hồ sơ mật Pushkin” dày 1.800 trang. Sau khi nước Đức thống nhất, nhiều công ty cũng như các cá nhân tiếp tục kéo về khu vực “Chim én V” săn kho báu nhưng chưa ai gặp may.

Hay đang lưu lạc?

Năm 1997, đột nhiên xuất hiện tung tích căn phòng hổ phách. Từ tin mật báo, cảnh sát Đức đã đột kích vào một văn phòng luật sư ở Bremen, khám xét và tịch thu một bức tranh khảm xuất xứ từ căn phòng hổ phách. Bức tranh này được luật sư thay mặt thân chủ rao bán. Ngay sau đó, một chiếc tủ trong căn phòng hổ phách cũng xuất hiện tại Berlin.

Căn phòng hổ phách được tái dựng ở Saint Petersburg.

Căn phòng hổ phách được tái dựng ở Saint Petersburg.

Chiếc tủ được một luật sư trao cho văn phòng tạp chí Der Spiegel theo yêu cầu của một nữ thân chủ vì “người sở hữu nhận ra chiếc tủ trong một phóng sự truyền hình về căn phòng hổ phách và muốn tránh các rắc rối có thể xảy ra”. Theo Der Spiegel, chiếc tủ đã được công ty thương mại của cơ quan an ninh quốc gia CHDC Đức bán sang CHLB Đức vào năm 1978.

Có nguồn tin cho biết 2 món bảo vật này đã bị lấy cắp trong thế chiến 2 trước khi căn phòng được chuyên chở về Koenigsberg. Năm 2000, chính phủ Đức đã giao trả 2 món đồ cho Nga. Sự xuất hiện của những món đồ này củng cố cho giả thiết rằng căn phòng hổ phách không được cất giấu “trọn bộ” ở cùng một chỗ mà đã bị chia nhỏ và phân tán ra nhiều nơi.

Từ năm 1979, dựa trên các tấm ảnh đen trắng và một tấm ảnh màu duy nhất còn lại, các chuyên gia Liên Xô bắt đầu tái dựng căn phòng hổ phách. Công việc tiến triển chậm chạp, từng bị tạm dừng vào năm 1997 vì thiếu kinh phí. Sau đó, nhờ tiền tài trợ của một công ty Đức, năm 2003, căn phòng hổ phách mới được hoàn thành và khánh thành tại Cung điện Catherine nhân kỷ niệm 300 năm thành phố Saint Petersburg.

(Còn tiếp)

Các tin khác