Công nghiệp đóng tàu Trung Quốc (K1): Bạo phát

Nhờ sự hỗ trợ của chính phủ, chỉ trong vòng 6 năm, ngành công nghiệp đóng tàu (CNĐT) Trung Quốc gia tăng hơn gấp đôi thị phần toàn cầu, nhảy từ vị trí thứ 3 lên thứ nhất thế giới. Tuy nhiên, ngành này đang đối mặt với những khó khăn khiến 1/3 hãng phải đóng cửa.

Nhờ sự hỗ trợ của chính phủ, chỉ trong vòng 6 năm, ngành công nghiệp đóng tàu (CNĐT) Trung Quốc gia tăng hơn gấp đôi thị phần toàn cầu, nhảy từ vị trí thứ 3 lên thứ nhất thế giới. Tuy nhiên, ngành này đang đối mặt với những khó khăn khiến 1/3 hãng phải đóng cửa.

Tháng 8-2006, Trung Quốc công bố “Kế hoạch phát triển trung và dài hạn ngành CNĐT”. Bản kế hoạch nói rõ mục tiêu và các hướng dẫn để phát triển ngành CNĐT cho thời hạn 10 năm kể từ năm 2006, trong đó có việc trở thành nước đóng tàu số 1 thế giới vào năm 2015.

Mục tiêu

Ngân hàng Xuất nhập khẩu Trung Quốc (CEXIM) đã đầu tư vào khoảng 90 hãng tàu trong nước, với tổng số vốn 12 tỷ USD để đóng 400 tàu trong năm 2012 và dự định nâng vốn đầu tư thêm 20% trong năm nay.

Trung Quốc đặt mục tiêu cải thiện thị phần trong thị trường đóng tàu thế giới từ 20% năm 2006 lên ít nhất 25-30% trong vòng 5-10 năm; tỷ lệ thiết bị hàng hải nội địa hóa có thể đạt 60-80%; đổi mới và cải thiện công nghệ chung của ngành CNĐT, nâng cao chất lượng và hiệu suất. Kế hoạch cũng chỉ ra chính sách đầu tư và phát triển cho ngành.

Đối với các xưởng mới xây dựng, các nhà máy chế tạo động cơ diezel hàng hải thấp, trung tốc và chế tạo trục khủy, kế hoạch yêu cầu phần góp vốn của Trung Quốc không thể ít hơn 51%. Ngoài ra, các liên doanh cần phải thiết lập được các trung tâm nghiên cứu công nghệ riêng.

Các doanh nghiệp FDI, công ty tái cơ cấu và công ty sáp nhập hoạt động trong lĩnh vực đóng tàu, sản xuất động cơ diezel trung và thấp tốc tại các liên doanh có vốn nước ngoài cũng sẽ được tái thiết lập thành liên doanh mới.

Chính sách của Trung Quốc trong lĩnh vực R&D (nghiên cứu và phát triển) và thiết bị hàng hải hoàn toàn mở. Việc thành lập viện R&D và xây dựng các nhà máy sản xuất thiết bị hàng hải cũng không hạn chế cổ phần nội hay ngoại.

Để đạt được các mục tiêu trên, Bắc Kinh xây dựng các chính sách thúc đẩy ngành CNĐT theo 3 hướng chính: tàu tốt hơn, cảng tốt hơn và cởi mở hơn. Những biện pháp cụ thể như phát triển và nâng cao 3 loại đóng tàu chủ yếu gồm tàu hàng rời, container và tàu chở dầu để đáp ứng yêu cầu tiêu chuẩn quốc tế; tập trung các lĩnh vực then chốt và tăng cường công tác R&D độc lập của tàu công nghệ cao; xây dựng và hoàn thiện một hệ thống tiêu chuẩn công nghệ đóng tàu hiện đại; xây dựng và hoàn thiện hệ thống hợp tác xã hội hóa và hợp tác đóng tàu chung; thúc đẩy công tác đóng tàu số, xây dựng hệ thống quản lý dữ liệu cơ bản tiêu chuẩn...

Để hỗ trợ các biện pháp này, Bắc Kinh đã trợ cấp rất nhiều cho các hãng đóng tàu, kể cả nhà nước và tư nhân. Chẳng hạn, hãng đóng tàu tư nhân lớn nhất Trung Quốc là Rongsheng đã được chính phủ hỗ trợ trong các năm 2010, 2011 và 2012 lần lượt là 830 triệu, 1,25 tỷ và 1,3 tỷ NDT (134,6, 202,7 và 210,8 triệu USD). Ngoài ra, các ngân hàng cũng được khuyến khích đầu tư và các dự án đóng tàu của các công ty trong nước.

Thành tựu

Nhờ có kế hoạch cụ thể và những chính sách hỗ trợ mạnh mẽ, đặc biệt việc trợ giá của chính phủ giúp tàu Trung Quốc luôn có mức giá rẻ hơn hẳn các đối thủ, ngành CNĐT của Trung Quốc đã phát triển mạnh mẽ. Ngay trong năm 2006, tổng trọng tải của các tàu được hoàn thiện theo đơn đặt hàng tại Trung Quốc đạt 14,5 triệu DWT, tổng trọng tải theo đơn hàng đạt 42,5 triệu DWT.

Chỉ trong vòng 1 năm, Trung Quốc có 4 hãng đóng tàu có công suất đóng vượt 1 triệu DWT/năm. Ngoài ra, các hãng Waigaoqiao, Đại Liên nằm trong top 10 xưởng đóng tàu lớn nhất thế giới, lần lượt ở vị trí thứ 5 và thứ 8. Hơn nữa, khả năng sáng tạo đã mạnh lên đáng kể, cấu trúc sản phẩm liên tục được cải thiện và nâng cấp.

Tàu Torm Arawa trọng tải 49.999 DWT do hãng Guangzhou SY Trung Quốc đóng năm 2012.

Tàu Torm Arawa trọng tải 49.999 DWT do hãng Guangzhou SY Trung Quốc đóng năm 2012.

Trong năm 2006, Trung Quốc đã tự thiết kế được loại tàu chở hàng rời (bulk carrier) thân thiện với môi trường, có trọng tải tới 175.000DWT và thiết kế này đã đạt mức hiện đại cấp quốc tế.

Đến năm 2007, Trung Quốc vươn lên xếp thứ 2 thế giới trong thị trường đóng tàu bulk carrier, tàu bồn và container. Bên cạnh đó, nghiên cứu về các công nghệ then chốt trong lĩnh vực đóng các loại tàu LNG và phà ro-ro đã đạt được nhiều đột phá lớn. Trung Quốc cũng đã có các đơn hàng đóng các dàn khoan nâng, dàn khoan chìm và các dự án sản xuất và thiết kế siêu FPSO 300.000DWT.

Sản phẩm nội địa hóa và nghiên cứu độc lập và phát triển thiết bị hàng hải của Trung Quốc cũng đã có những tiến bộ mới. Máy chính cho tàu VLCC, tàu container cỡ lớn, trục khủy cho các động cơ diezel lớn được sản xuất độc lập ở trong nước...

CNĐT Trung Quốc đã hoàn thành các mục tiêu về thứ hạng, thị phần trước thời hạn. Năm 2012, nước này đã trở thành nơi có ngành CNĐT lớn nhất thế giới (mục tiêu là năm 2015), với tổng trọng tải giao hàng 63 triệu DWT, chiếm 45% thị phần toàn cầu, tổng trọng tải trong đơn đặt hàng 111 triệu DWT.

Các hãng đóng tàu Trung Quốc đạt được gần 39% tổng giá trị tất cả đơn đặt hàng tàu thương mại trên thế giới năm 2012, phần lớn là các loại tàu chở hàng rời (10,6 triệu DWT), tàu chở dầu (3,4 triệu DWT) và container (3,1 triệu DWT). Sếp sau Trung Quốc lần lượt là 2 nước châu Á khác: Hàn Quốc với 29% thị phần (53 triệu DWT), Nhật Bản (18% thị phần, 28 triệu DWT).

Đây là sự vươn lên mạnh mẽ của Trung Quốc, bởi chỉ trước đó 1 năm (2011), “bá chủ” trong ngành này vẫn là Hàn Quốc khi chiếm tới 51% thị phần đóng tàu toàn cầu.

-------------

Kỳ 2: Bạo tàn?

Các tin khác