Hồi sinh từ phá sản (K4): AIG “chết hụt”

Trong cơn bão khủng hoảng tài chính 2007-2008, đại gia bảo hiểm AIG có thể đã phá sản nếu không có sự ứng cứu kịp thời từ chính phủ.

Trong cơn bão khủng hoảng tài chính 2007-2008, đại gia bảo hiểm AIG có thể đã phá sản nếu không có sự ứng cứu kịp thời từ chính phủ.

> Hồi sinh từ phá sản (K3): Japan Airlines - “Hạc đỏ” hồi sinh

> Hồi sinh từ phá sản: GM-Huyền thoại quay về

> Hồi sinh từ phá sản (K1): CIT - Vượt thoát ngoạn mục

Sát bờ vực

Khi xảy ra khủng hoảng thị trường nợ thế chấp dưới chuẩn trong năm 2007-2008, AIG vừa phải chi trả bồi thường bảo hiểm các sản phẩm tài chính, vừa phải gánh chịu những tổn thất từ việc đầu tư vào chứng khoán dựa trên nợ thế chấp. AIG bị hạ bậc xếp hạng tín dụng, được yêu cầu bổ sung ký quỹ với các đối tác giao dịch, dẫn đến cuộc khủng hoảng thanh khoản AIG bắt đầu vào ngày 16-9-2008, khiến hãng mấp mé sụp đổ.

Tại Việt Nam, từ ngày 27-11-2009, Bảo hiểm phi nhân thọ AIG Việt Nam được đổi tên thành Bảo hiểm Chartis Việt Nam. Sau khi AIG hồi phục, ngày 12-12-2012, Bảo hiểm Chartis Việt Nam đổi trở lại thành Bảo hiểm AIG Việt Nam.

Tuy nhiên, vụ phá sản Lehman Brothers gây tác hại quá lớn, đã đặt Chính phủ Hoa Kỳ vào tình thế không thể để xảy ra thêm vụ phá sản AIG bởi hãng này cung cấp dịch vụ bảo hiểm và tài chính ở 130 nước, sự sụp đổ của AIG sẽ có tác động toàn cầu nghiêm trọng hơn nhiều so với Lehman Brothers.

Nhằm ngăn chặn sự sụp đổ của AIG, tạo điều kiện cho AIG bổ sung thế chấp cho các đối tác giao dịch hoán đổi rủi ro tín dụng, Chính phủ Hoa Kỳ công bố thiết lập một quỹ tín dụng bảo đảm lên đến 85 tỷ USD cho AIG vay trong 2 năm, kèm theo điều kiện nắm 79,9% cổ phần trong công ty và quyền đình chỉ cổ tức của các cổ phiếu ưu đãi và cổ phiếu phổ thông phát hành trước đó.

Hội đồng quản trị AIG chấp nhận các điều khoản của gói giải cứu, và đó là gói cứu trợ lớn nhất của chính phủ dành cho một công ty tư nhân trong lịch sử Hoa Kỳ. Sau đó, chính phủ tiếp tục bơm vốn cho AIG. Bộ tài chính cho biết tổng số tiền bộ này và FED New York cung cấp cho AIG lên đến 182,3 tỷ USD.

Bán tài sản trả nợ

Từ tháng 9-2008, AIG rao bán tài sản để trả nợ chính phủ. Tuy trong bối cảnh định giá của các doanh nghiệp bảo hiểm bị suy giảm và điều kiện tài chính của những nhà thầu tiềm năng bị yếu đi đã làm khó những nỗ lực bán tài sản của AIG, nhưng hãng vẫn xoay xở được những thương vụ lớn.

Trong số đó, có thể kể đến ngày 31-3-2009, AIG hoàn tất bán Hartford Steam Boiler cho Munich Re với giá 742 triệu USD. Ngày 16-4-2009, AIG công bố kế hoạch bán 21st Century Insurance cho Farmers Insurance Group với giá 1,9 tỷ USD. Tiếp đó, AIG bán lại quyền sở hữu trong công ty tái bảo hiểm Transatlantic Re. Tháng 3-2010, AIG đồng ý bán American Life Insurance Co (ALICO) cho MetLife Inc đổi lấy 15,5 tỷ USD tiền mặt và cổ phiếu trong MetLife.

Tháng 9-2010, AIG bán 2 trong số các công ty đặt tại Nhật Bản AIG Starr và AIG Edison cho Prudential Financial lấy 4,2 tỷ USD tiền mặt và 600 triệu USD gánh nợ bên thứ 3. Ngày 1-11, AIG công bố huy động được 36,71 tỷ USD từ việc bán ALICO và IPO của AIA. Tiền thu được dùng để trả nợ chính phủ. Công cuộc bán tài sản chưa dừng lại. Tháng 1-2011, AIG bán tiếp công ty bảo hiểm nhân thọ Nan Shan Life ở Đài Loan lấy 2,16 tỷ USD. Tháng 9-2012, AIG bán 2 tỷ USD khoản đầu tư trong AIA.

Thu hồi vốn

Khi AIG ổn định trở lại, chính phủ Hoa Kỳ bắt đầu bán dần số cổ phần trong AIG. Tháng 5-2012, Bộ Tài chính thông báo bán 188,5 triệu cổ phiếu AIG với tổng trị giá 5,8 tỷ USD. Đợt bán này đã giảm cổ phần của Bộ Tài chính trong AIG từ 70% xuống 61%. Tháng 9-2012, Bộ tài chính hoàn thành đợt bán thứ 5 cổ phiếu phổ thông của AIG, với số tiền thu được khoảng 20,7 tỷ USD, giảm cổ phần trong AIG còn khoảng 15,9%.

Tháng 12-2012, Bộ Tài chính mở đợt bán thứ 6, bán nốt số cổ phiếu còn lại trong AIG, thu được khoảng 7,6 tỷ USD. Kết quả cuối cùng của việc AIG trả nợ và chính phủ bán lại cổ phần là chính phủ đã thu hồi được vốn đầu tư vào AIG cộng với khoản lợi nhuận 22,7 tỷ USD.

Chartis lại trở về với tên gọi AIG.

Chartis lại trở về với tên gọi AIG.

Ngày đầu năm 2013, AIG đã bắt đầu một chiến dịch quảng cáo được gọi là “Thank you America” (cảm ơn Hoa Kỳ), trong đó một số nhân viên công ty, có cả Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành AIG Robert Benmosche, phát biểu trước ống kính, bày tỏ lòng biết ơn đối với sự hỗ trợ của chính phủ.

Nhưng cũng trong tháng 1-2013, HĐQT AIG đã bàn tính chuyện tham gia vào vụ các cổ đông cùng cựu CEO AIG Maurice Greenberg kiện Chính phủ Hoa Kỳ vì gói trợ giúp AIG kèm theo những điều khoản không công bằng với các nhà đầu tư của công ty.

Tin tức này rò rỉ ra ngoài đã gây ra sự phẫn nộ lớn. Công chúng Hoa Kỳ tức giận cho rằng AIG “ăn cháo đá bát” vì được chính phủ cứu sống từ nguồn ngân sách đóng thuế của dân, mà nay vừa qua cơn bĩ cực đã tính kiện ngược ân nhân để đòi tiền bồi thường.

Ngày 9-1-2013, HĐQT AIG thông báo rằng công ty sẽ không tham gia vụ kiện. Đích thân Benmosche tuyên bố sẽ “không thể chấp nhận được” chuyện AIG kiện chính phủ, dù cho có cổ đông bất mãn đi nữa thì “thỏa thuận vẫn là thỏa thuận”.

Các tin khác