Hồi sinh từ phá sản (K1): CIT - Vượt thoát ngoạn mục

Khó khăn và thua lỗ, nhiều công ty phải chọn giải pháp là nộp đơn xin bảo hộ phá sản. Nhiều công ty biến mất khỏi thị trường sau khi phá sản, nhưng cũng không ít hồi sinh từ đống đổ nát nhờ thực hiện tốt việc tái cơ cấu.

Khó khăn và thua lỗ, nhiều công ty phải chọn giải pháp là nộp đơn xin bảo hộ phá sản. Nhiều công ty biến mất khỏi thị trường sau khi phá sản, nhưng cũng không ít hồi sinh từ đống đổ nát nhờ thực hiện tốt việc tái cơ cấu.

Kỳ 1: CIT - Vượt thoát ngoạn mục

Với giá trị 80,4 tỷ USD, vụ phá sản CIT Group năm 2009 là một trong những vụ phá sản lớn nhất lịch sử Hoa Kỳ. Tuy nhiên, chỉ 38 ngày sau, CIT Group vượt phá sản thành công.

Không bị xóa sổ

Chiều ngày 1-11-2009, lãnh đạo CIT Group quyết định nộp hồ sơ phá sản lên nhà chức trách.Các chuyên gia lúc đó tin rằng vụ việc có thể gây nên những tác động sâu rộng vì CIT là nhà cho vay chính đối với các doanh nghiệp nhỏ và vừa, cung cấp các khoản vay cho khoảng 1 triệu công ty.

CIT dựa vào nguồn tiền huy động từ các nhà đầu tư để cho vay, nhưng các nhà đầu tư đã rút lui khá nhiều trong suốt cuộc khủng hoảng tài chính, khiến CIT gặp khó trong việc huy động nguồn vốn.

90% trái chủ đồng ý với kế hoạch phá sản của CIT, theo đó các cổ đông sẽ nhận được 70 cent trên mỗi USD tài sản của CIT tái cơ cấu. CIT hy vọng sẽ giảm 10 tỷ USD trong 30 tỷ USD nợ không bảo đảm. Lúc đó, nhiều người tin rằng CIT có thể bị “xóa sổ” như nhiều công ty phá sản khác.

Tuy nhiên, chỉ trong vòng 38 ngày CIT đã vượt thoát phá sản thành công. Ngày 10-12-2009, CIT thỏa mãn tất cả điều kiện để hoàn tất kế hoạch vượt phá sản. Cổ phiếu của CIT được niêm yết trở lại trên sàn chứng khoán New York dưới mã “CIT” với giá 27USD/cổ phiếu.

Tất cả cổ phiếu ưu đãi và cổ phiếu phổ thông phát hành trước đó bị hủy bỏ. Thị giá của CIT sau khi tái cơ cấu chỉ còn 5,4 tỷ USD. Công ty đã giảm được 10,5 tỷ USD nợ. Việc CIT vượt thoát khủng hoảng đánh dấu một cột mốc quan trọng đối với sự hồi phục niềm tin trên thị trường tài chính Hoa Kỳ.

Nó cũng chứng minh rằng một công ty tài chính vẫn có thể “sống sót” trước những thách thức của tòa án phá sản, mà nhiều chuyên gia tài chính từng nghĩ là không thể xảy ra. Tuy nhiên, 2,3 tỷ USD tiền góp vốn của chính phủ trong CIT kể như bị đi tong, là khoản thua lỗ đầu tiên của chính phủ Hoa Kỳ trong chương trình ứng cứu tài chính trị giá 700 tỷ USD.

Thành công chiến lược mới

Lúc đó, nhiều chuyên gia vẫn nghi ngờ khả năng tồn tại sau khi vượt thoát phá sản của CIT. Tuy nhiên, tình hình của công ty được ghi nhận mỗi ngày một sáng sủa. Cuối năm 2010, CIT báo cáo quý IV đạt lợi nhuận 74,8 triệu USD.

Đến tháng 4-2011, CIT Bank có 4,5 tỷ USD tiền gửi và 7,1 tỷ USD tài sản. Tháng 2-2012, CIT được đánh giá có tỷ lệ vốn bền vững, với vốn tier 1 đạt 19%, cao hơn nhiều ngân hàng khác. Nhờ đó, đại gia đánh giá tín nhiệm Moody's đã nâng 1 bậc triển vọng tín dụng của công ty lên mức B1. Cổ phiếu của CIT tăng đạt 41,31USD.

CIT chỉ cần 38 ngày để vượt thoát tình trạng phá sản.

CIT chỉ cần 38 ngày để vượt thoát tình trạng phá sản.

Cuối tháng 5-2013, CIT hoàn toàn lấy lại vị thế của mình sau khi Cục Dự trữ liên bang (FED) tuyên bố hủy thỏa thuận ký năm 2009 về việc CIT phải được FED cho phép khi phát hành thêm cổ tức và nợ mới. Động thái này ngay lập tức đẩy giá cổ phiếu CIT tăng mạnh.

Cho đến nay, cổ phiếu của CIT vẫn tăng tốt và hiện dao động quanh mức 49USD/cổ phiếu, gần gấp đôi so với lúc vừa vượt thoát phá sản. Hiện doanh thu từ các khoản vay của CIT tốt hơn 99% các ngân hàng Hoa Kỳ khác. Hãng tư vấn Compass Point Research & Trading LLC dự báo cổ phiếu CIT có thể tăng đạt 55USD.

Cho đến nay, hầu hết các nhà quan sát đồng ý rằng sự hồi sinh ngoạn mục của CIT có vai trò quan trọng của John Thain, cựu CEO của Merrill Lynch & Co. được CIT mời về vào tháng 2-2010. Chiến lược của ông Thain chủ yếu tập trung vào việc cắt giảm chi phí huy động vốn, đồng thời tăng cường sáp nhập tài chính. Vào đầu năm nay, CIT đã mua lại 1,2 tỷ USD các khoản vay thương mại từ Flagstar Bancorp.

“Thain có một tầm nhìn định hướng rất rõ ràng, và cho đến nay CIT đã làm được mọi thứ mà Thain nói công ty sẽ làm được. Họ đã cắt bỏ được các tài sản xấu và tái cấp vốn nợ, đã đưa ra được một thương hiệu ngân hàng bán lẻ và trực tuyến uy tín, đó là một bước đi bền vững” - theo Brian Charles, một chuyên gia về vốn và nợ của R.W. Pressprich & Co.

Theo ông, sự thành công của Thain ở CIT đã giúp lấy lại niềm tin cho các khách hàng của ngành tài chính: “John Thain mang lại cho chúng ta sự tín nhiệm ngay lập tức đối với cả trong lẫn ngoài. Với uy tín của mình, ông ấy giúp nhân viên và khách hàng tin tưởng vào một cam kết thực tiễn lâu dài. Tầm nhìn của ông rất rõ ràng”.

Hồi tháng trước, có tin đồn trên Phố Wall rằng CIT đang được một ngân hàng lớn nhắm đến để mua lại. Tin này được ông Thain xác nhận: “Các ngân hàng lớn dù ngập trong tiền gửi nhưng không thể tạo ra những tài sản hấp dẫn. Trong khi đó, tất cả hoạt động kinh doanh của chúng tôi đều sinh lãi cao, tài sản hấp dẫn. Vì vậy, về logic, chúng tôi được nhắm mua là chuyện rõ ràng”.

(Còn tiếp)

Các tin khác