Hàng không thời khó (K1): Nở rộ sáng kiến

Trong bối cảnh kinh tế toàn cầu tăng trưởng ì ạch và giá dầu ở mức cao gấp hơn 3 lần so với cách nay 1 thập niên, các hãng hàng không vẫn hoạt động hiệu quả và mang về doanh thu ấn tượng. Phần lớn nhờ những sáng kiến cạnh tranh độc đáo của các hãng hàng không.

Trong bối cảnh kinh tế toàn cầu tăng trưởng ì ạch và giá dầu ở mức cao gấp hơn 3 lần so với cách nay 1 thập niên, các hãng hàng không vẫn hoạt động hiệu quả và mang về doanh thu ấn tượng. Phần lớn nhờ những sáng kiến cạnh tranh độc đáo của các hãng hàng không.

Kỳ 1: Nở rộ sáng kiến

Năm 2012, mặc dù kinh tế toàn cầu vẫn còn nhiều khó khăn nhưng nhìn chung các hãng hàng không vẫn gặt hái thành quả tốt nhờ vào những sáng kiến độc đáo.

Thành công năm 2012

Năm 2012, ngành công nghiệp hàng không vận chuyển an toàn gần 3 tỷ lượt hành khách và 47 triệu tấn hàng hóa. Ước tính 6.400 tỷ USD hàng hóa chuyên chở bằng hàng không, chiếm 35% tổng giá trị mậu dịch thế giới. Hoạt động hàng không cũng hỗ trợ cho khoảng 57 triệu việc làm và 2.200 tỷ USD cho nền kinh tế toàn cầu (3,5% GDP toàn cầu).

Doanh thu toàn ngành đạt 638 tỷ USD, lãi ròng 7,6 tỷ USD. Trong bối cảnh tăng trưởng GDP toàn cầu 2,1% và giá dầu bình quân ở mức cao 111,8USD/thùng (dầu Brent), có thể nói năm 2012 ngành hàng không đã đạt thành công lớn nếu so với năm 2003, khi giá dầu dưới 30USD/thùng và tăng trưởng GDP 2,8% nhưng hàng không lại thua lỗ.

Trong 20 năm qua, tăng trưởng giao thông hàng không cao gấp 1,8 lần tăng trưởng GDP toàn cầu, nhưng năm 2012, giao thông hàng không tăng mạnh gấp 2,5 lần.

Air Canada đã có động thái tháo bỏ áo phao trên máy bay nhằm giúp mỗi chuyến bay nhẹ hơn được 25kg. Một số hãng bay yêu cầu hành khách quá khổ phải mua 2 chỗ ngồi.

3 thị trường lớn nhất chiếm 83% lưu lượng hàng không toàn cầu bao gồm châu Á-Thái Bình Dương, Bắc Mỹ và châu Âu. Các thị trường đang nổi ở châu Á, Mỹ Latin và châu Phi có tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ đã kéo theo bùng nổ giao thông hàng không.

Trong năm 2012, 65% tăng trưởng hành khách của các thị trường quốc tế diễn ra ở những thị trường liên quan đến các nền kinh tế mới nổi. Việc đi lại nội vùng châu Á chiếm hơn 1/2 tăng trưởng, các thị trường quan trọng khác là giữa Á-Âu, và giữa Âu-Á qua ngả Trung Đông. Tương tự, thị trường hàng không nội địa ở Hoa Kỳ chỉ tăng 0,8% trong khi các nền kinh tế mới nổi như Trung Quốc tăng 9,5% và Brazil tăng 8,6%.

Triển vọng

Theo Hiệp hội Vận tải Hàng không quốc tế (IATA), hàng không là phương tiện giao thông có độ an toàn cao vì trên các máy bay do phương Tây chế tạo, xác suất tai nạn chỉ là 1/5 triệu chuyến bay. Các hãng hàng không cũng hướng tới mục tiêu đến năm 2050 giảm 50% khí thải carbon so với năm 2005.

IATA cho biết năm 2012, chi phí nhiên liệu tăng lên 209 tỷ USD, chiếm 33% chi phí hoạt động hàng không. Năm 2013, do giá dầu hạ nhiệt và các biện pháp cắt giảm chi phí của ngành hàng không nên mới đây, IATA đã nâng dự báo lợi nhuận ngành lên 12,7 tỷ USD, tăng thêm 2,1 tỷ USD so với dự báo trước đó.

Các hãng hàng không tích cực tăng doanh thu phụ trợ bằng những sáng kiến khác thường, chẳng hạn tính giá vé theo cân nặng.

Các hãng hàng không tích cực tăng doanh thu phụ trợ
bằng những sáng kiến khác thường, chẳng hạn tính giá vé theo cân nặng.

Tại cuộc họp hơn 200 hãng hàng không ở Cape Town, Tổng giám đốc IATA Tony Tyler tính toán: “Trung bình, các hãng hàng không kiếm được khoảng 4USD trên mỗi đầu khách, còn ít hơn giá 1 cái bánh sandwich ở nhiều nơi”. Do đó, ông Tyler cho rằng số lượng hành khách kỷ lục và gia tăng “doanh thu phụ trợ” là 2 yếu tố chính thúc đẩy cải thiện lợi nhuận.

Các hãng hàng không kỳ vọng nâng tỷ lệ lấp đầy số ghế từ 79,2% (2012) lên 80,3% và đẩy số lượng khách từ 2,98 tỷ lượt người (2012) vượt qua ngưỡng 3 tỷ lượt và đạt tới 3,13 tỷ lượt trong năm 2013. Trong lúc đó, “doanh thu phụ trợ” sẽ tăng lên 36 tỷ USD, chiếm 5% tổng doanh thu, nhờ vào những “sáng kiến” tính thêm nhiều loại phí dịch vụ bên cạnh giá vé cơ bản, chẳng hạn như ăn uống, hành lý và chỗ ngồi.

Những sáng kiến dị thường

Chủ trương cung cấp dịch vụ tối thiểu và tính thêm tiền tất cả các dịch vụ cộng thêm như thức ăn, nước uống, hành lý ký gởi được các hãng hàng không giá rẻ triệt để theo đuổi. Gần đây, xuất hiện thêm nhiều ý tưởng khác thường hòng tăng thu, giảm chi trong ngành hàng không, đặc biệt chú ý tới trọng lượng và kích thước không gian choán chỗ.

Theo tính toán của TS. Kinh tế Bharat P. Bhatta (giảng viên Trường Đại học Sogn og Fjordane, Na Uy), giảm 1kg trọng lượng bay sẽ giúp tiết kiệm được lượng nhiên liệu trị giá 3.000USD mỗi năm, đồng thời giảm lượng khí thải carbon. Đầu năm 2013, Samoa Air trở thành hãng hàng không đầu tiên tính giá vé máy bay theo cân nặng.

Theo bảng giá của Samoa Air, mỗi ký được tính từ 1-4,16USD tùy đường bay, tổng cân nặng cơ thể và hành lý bao nhiêu thì hành khách sẽ trả tiền bấy nhiêu. Samoa Air cho rằng tính giá vé như thế mới thật sự công bằng, hơn nữa, cách làm này giúp nâng cao nhận thức về cân nặng và chứng béo phì - vấn nạn sức khỏe ở các nước phát triển.

Mới đây, hãng hàng không giá rẻ GoAir (Ấn Độ) khiến dư luận dậy sóng khi tuyên bố sẽ ưu tiên tuyển tiếp viên nữ nhiều hơn nam để tiết kiệm nhiên liệu. GoAir tính toán rằng trung bình tiếp viên nữ nhẹ cân hơn tiếp viên nam khoảng 15-20kg, mà mỗi kg chuyên chở tốn chừng 0,05USD cho mỗi giờ bay, nên chính sách mới sẽ giúp hãng tiết kiệm tới 500.000USD hàng năm.

 -----

Kỳ 2: Cạnh tranh bằng sắc đẹp

Các tin khác