Trung Quốc khát tiền mặt (K1): Nền tảng bất ổn

Các thị trường vốn Trung Quốc đang rơi vào một cơn khát tiền mặt nghiêm trọng, khi lãi suất liên ngân hàng qua đêm có lúc vọt lên 28% và dao động quanh mức 11-12% trước khi trở về 6,64%, trong khi mức bình thường của lãi suất này là 2-3%. Nhiều người lo ngại có thể Trung Quốc sẽ làm bùng phát một cuộc khủng hoảng tài chính tương tự năm 2008 ở Hoa Kỳ.

Các thị trường vốn Trung Quốc đang rơi vào một cơn khát tiền mặt nghiêm trọng, khi lãi suất liên ngân hàng qua đêm có lúc vọt lên 28% và dao động quanh mức 11-12% trước khi trở về 6,64%, trong khi mức bình thường của lãi suất này là 2-3%. Nhiều người lo ngại có thể Trung Quốc sẽ làm bùng phát một cuộc khủng hoảng tài chính tương tự năm 2008 ở Hoa Kỳ.

Kỳ 1: Nền tảng bất ổn

Từ lâu trước khi cơn khát tiền mặt nhấn chìm thị trường chứng khoán và các thị trường vốn khác ở Trung Quốc, đã có nhiều cảnh báo đối với mô hình tăng trưởng quá nóng của nước này. ĐTTC cũng từng đề cập đến vấn đề này qua loạt hồ sơ “Trung Quốc trước làn sóng “dự báo đen” vào tháng 11-2011.

Sóng ngầm ngân hàng đen

Ngân hàng đen hay ngân hàng ngầm là mạng lưới cho vay không chính thức, hoạt động bên ngoài hệ thống ngân hàng và sự quản lý của chính phủ (xem thêm Ngân hàng ngầm “thống trị” thế giới trên ĐTTC, tháng 1-2013). Theo Ren Xianfang, một nhà phân tích của IHS Global Insight (IHS) ở Bắc Kinh, mạng lưới ngân hàng ngầm ở Trung Quốc vào năm 2011 ước tính khoảng 1.300 tỷ USD. Nhưng ước tính của Standard and Poor cho biết con số này đã đạt 3.700 tỷ USD vào cuối năm 2012, tương đương 44% GDP, tăng hơn gấp đôi chỉ trong 1 năm.

TTCK Trung Quốc rơi tự do vì cơn khát tiền mặt làm đông cứng thanh khoản trên các thị trường vốn.

 TTCK Trung Quốc rơi tự do vì cơn khát tiền mặt làm đông cứng thanh khoản
trên các thị trường vốn.

Theo hãng đánh giá tín nhiệm Fitch Ratings, tính đến tháng 2 năm nay, hoạt động cho vay của các ngân hàng chính thức chỉ chiếm 55% các khoản cho vay mới, số còn lại thuộc về các ngân hàng ngầm. “Đây là một nguồn gia tăng rủi ro” - Fitch nhận định. Đó là lý do trong tuần này Fitch hạ 1 bậc tín nhiệm tín dụng nội tệ của Trung Quốc xuống hạng A+. Ngoài ra, dư nợ ngân hàng ở Trung Quốc đã tăng từ mức tương đương 100% GDP năm 2008 lên hơn 130% vào cuối năm ngoái.

Sự bành trướng của hệ thống ngân hàng ngầm tại Trung Quốc có liên quan đến tình trạng chính trị hóa trong lĩnh vực tài chính. Các ngân hàng nhà nước tại Trung Quốc bị hạn chế cấp tín dụng cho lĩnh vực tư. Thay vào đó, họ được khuyến khích cho các doanh nghiệp nhà nước (DNNN) vay, dù lãi suất thấp và ít có khả năng được hoàn trả. Dù vậy, hoạt động cho vay đó được xem là “an toàn chính trị” vì không có lãnh đạo ngân hàng nào bị đi tù vì gây nợ xấu với việc cho DNNN vay, nhưng lại không có lợi về kinh tế.

Trong hệ thống ngân hàng như vậy, các công ty tư nhân buộc phải tìm đến hệ thống ngân hàng ngầm để huy động vốn. Tạp chí Economist tóm lược hoạt động của hệ thống tài chính Trung Quốc trước đây như sau: Tiền tiết kiệm được gửi vào các ngân hàng nhà nước để cho DNNN vay với lãi suất rẻ. DNNN dùng tiền rẻ này cho vay lại các doanh nghiệp con và doanh nghiệp tư nhân.

Cho vay ủy thác

Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Lý Khắc Cường về việc siết lại hoạt động cho vay của hệ thống ngân hàng ngầm, từ đầu tháng 6, Ngân hàng Trung ương Trung Quốc bắt đầu cắt giảm nguồn cung tiền trên thị trường liên ngân hàng, dẫn đến cơn khát tiền mặt hiện nay.

Hiện nay hệ thống tài chính Trung Quốc không đơn giản như trước. Người gửi tiền có thể chọn cách gửi ngân hàng như trước đây, hoặc chọn các “sản phẩm quản lý tài sản” do những công ty tín dụng hoặc công ty quản lý tài sản ít bị giám sát nhà nước. Người đi vay có thể huy động từ thị trường trái phiếu đang tăng trưởng nhanh, các công ty tín dụng hoặc các công ty cung cấp dịch vụ cho vay “ủy thác” thông qua các ngân hàng.

Các khoản cho vay ủy thác tại Trung Quốc tăng hơn gấp đôi trong 4 tháng đầu năm nay lên 1.600 tỷ NDT (261 tỷ USD), từ mức 636 tỷ NDT năm ngoái. Bình quân 4 tháng đầu năm, mỗi tháng có 179 tỷ NDT được cho vay ủy thác, tăng từ mức 106 tỷ NDT/tháng của năm ngoái.
]
Hãng tin Reuters nêu trường hợp một doanh nghiệp thép nhà nước (giấu tên) ở Sơn Đông như một thí dụ cho thấy những nền tảng đầy rủi ro của hệ thống tài chính Trung Quốc hiện nay. Phát biểu trong một phỏng vấn với Reuters, Phó Tổng giám đốc của doanh nghiệp này nói: “Chúng tôi không thể dùng tiền để mở rộng sản xuất. Càng sản xuất chúng tôi sẽ càng lỗ, vì vậy chúng tôi phải dựa vào các kênh khác”.

Kênh khác mà ông đề cập ở đây chính là cho vay ủy thác. Ông cho biết doanh nghiệp mình vay từ ngân hàng với lãi suất 6%/năm, sau đó cho vay ủy thác với lãi suất gấp đôi. Tương tự, tổng giám đốc của một DNNN chuyên sản xuất kính ở tỉnh Hà Bắc cho biết công ty ông trong năm nay đã cho vay ủy thác 30-40 triệu NDT. Không chỉ DNNN, một số doanh nghiệp tư nhân cũng nhảy vào lĩnh vực này. Công ty Zhejiang Longsheng Group Co Ltd báo cáo 50 khoản cho vay ủy thác trị giá 3 tỷ NDT vào năm ngoái. Với các chi nhánh, công ty chỉ cho vay với lãi suất 6-7%/năm, nhưng đánh lãi suất tới 25%/năm với những công ty ngoài.

Ngoài ra, các công ty còn mua bán bank acceptance note (BA), một loại giấy cam kết trả tiền trong tương lai, được ngân hàng chấp nhận và bảo đảm. Các công ty bán BA và dùng một khoản tiền mặt từ hoạt động này để cho vay, số còn lại tiếp tục dùng mua BA, tạo thành một vòng tuần hoàn. Từ đầu năm đến nay, lượng BA được phát hành mỗi tháng tăng hơn gấp đôi lên 222,8 tỷ NDT, so với mức bình quân 87,5 tỷ NDT năm 2012.

-------------------

Kỳ 2: có phải Khủng hoảng?

Các tin khác