Scandal các nguyên thủ (K1): Obama Watergate?

Ở vị trí “làm dâu trăm họ”, hầu như nhất cử nhất động của các vị nguyên thủ đều có thể trở thành đề tài bàn luận của báo giới và công chúng. Trong đó, có những vụ trở thành cơn sóng nhấn chìm sự nghiệp chính trị của nguyên thủ, nhưng cũng có những vụ chỉ là vấn đề bàn tán để giết thời gian.

Ở vị trí “làm dâu trăm họ”, hầu như nhất cử nhất động của các vị nguyên thủ đều có thể trở thành đề tài bàn luận của báo giới và công chúng. Trong đó, có những vụ trở thành cơn sóng nhấn chìm sự nghiệp chính trị của nguyên thủ, nhưng cũng có những vụ chỉ là vấn đề bàn tán để giết thời gian.

Trong những tuần qua, chính phủ của Tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama đã dính liên tiếp nhiều scandal nghiêm trọng làm uy tín của ông bị sụt giảm nặng nề. Thậm chí, một số người tin rằng có thể ông Obama phải “giữa đường đứt gánh” như Tổng thống Richard Nixon trong vụ bê bối Watergate cách nay gần 40 năm.

Xâm phạm tự do cá nhân

Hoa Kỳ nổi tiếng là đất nước của Nữ thần Tự do, nơi tự do được đặt lên hàng đầu. Tuy nhiên, điều đó dường như đang bị chính phủ xâm phạm một cách nghiêm trọng bằng chương trình thu thập thông tin người dùng internet (PRISM) đang gây tranh cãi.

Khuya ngày 5-6, tờ The Guardian (Anh) nã phát pháo đầu tiên vào vụ việc khi công bố một trát tòa án dày 4 trang, trong đó tòa án lệnh cho Verizon - một trong các hãng điện thoại lớn nhất Hoa Kỳ - hàng ngày phải giao nộp cho Cơ quan An ninh Quốc gia Hoa Kỳ (NSA) tất cả các cuộc gọi “giữa Hoa Kỳ và nước ngoài” hoặc “trong Hoa Kỳ, kể cả các cuộc gọi địa phương”.

Tiếp đó, tờ Washington Post (W.P-Hoa Kỳ) cho biết NSA đã trực tiếp xâm nhập vào máy chủ của 9 nhà khổng lồ công nghệ như Microsoft, Google, Yahoo, Facebook, Apple... để kiểm tra các đoạn phim, ảnh, thư điện tử và nhiều tài liệu khác của người dùng, kể cả của công dân Hoa Kỳ.

Các vấn đề đe dọa chính phủ Obama: Mất lòng tin công chúng; kinh tế yếu kém, nợ công cao; giảm sút sự ủng hộ từ các chính trị gia độc lập và báo chí tự do; chiến lược an ninh quốc gia “yếu và loạn”; giảm sút ảnh hưởng trên vũ đài quốc tế.

Theo 2 tờ báo trên, chương trình PRISM được triển khai từ năm 2007, là nguồn cung cấp dữ liệu cho hơn 2.000 báo cáo tình báo mỗi tháng. Tin tức được xì ra từ một sĩ quan tình báo giấu tên (tương tự nhân vật Deep Throat trong Watergate của Nixon), vì cho rằng chương trình PRISM đã vi phạm trắng trợn quyền riêng tư của công dân.

Những tin tức này ngay lập tức khiến người Hoa Kỳ nổi giận. Ngay cả nghị sĩ James Sensenbrenner, một trong những tác giả của Đạo luật Yêu nước (đạo luật làm nền tảng cho lệnh thu thập thông tin của NSA) cũng tỏ ý bất bình: “Những tin tức này là rất đáng quan ngại và nêu lên những câu hỏi về việc bảo đảm các quyền hiến định của chúng ta”.

Khuya ngày 6-6, Giám đốc Tình báo Quốc gia, ông James Clapper, ra thông cáo xác nhận việc có thu thập thông tin cá nhân, nhưng chỉ áp dụng đối với “những cá nhân không phải công dân Hoa Kỳ và sống bên ngoài lãnh thổ Hoa Kỳ”.

Ông Clapper cũng chỉ trích W.P và Guardian đã “đưa tin sai lệch” và bỏ sót nhiều chi tiết quan trọng, đặc biệt là cách thức PRISM được sử dụng để ngăn chặn các cuộc tấn công khủng bố, cũng như các biện pháp được các cơ quan tình báo áp dụng để đảm bảo sự tự do và riêng tư của công dân Hoa Kỳ.

Sự bất quá tam?

Tuy nhiên, công chúng dường như không tin tưởng lắm vào lời bào chữa của ông Clapper, do thời gian gần đây chính phủ đã dính nhiều vụ scandal làm mất lòng tin của người dân. Đầu tiên, Chính phủ Obama bị chỉ trích “ém nhẹm thông tin” trong vụ tấn công Lãnh sự quán Hoa Kỳ ở Benghazi, Libya hồi năm ngoái, giết chết Đại sứ Chris Stevens và 3 người Hoa Kỳ khác.

Vụ việc đã bị đảng Cộng hòa nắm bắt như một cơ hội để chỉ trích cái gọi là “sự che đậy” của Chính phủ Obama. Một cuộc điều tra chi tiết về các báo cáo cho thấy Nhà Trắng đã không có được các thông điệp nhất quán về những gì đã xảy ra vào ngày 11-9-2012. Trong thực tế, họ đã thay đổi thông điệp hàng ngày.

Nhà Trắng bị tố vi hiến khi thu thập thông tin cá nhân của công dân.

Nhà Trắng bị tố vi hiến khi thu thập thông tin cá nhân của công dân.

Tiếp đó, vấn đề của chính phủ Obama thực sự trở nên nghiêm trọng khi Cục Thuế liên bang (IRS) đã lựa chọn các nhóm bảo thủ có tư tưởng chống đối (Patriot Tea Party) trong số rất nhiều người khác, để giám sát đặc biệt cho việc áp dụng miễn thuế.

Dù cho đến nay vẫn chưa có bằng chứng Washington có đứng đàng sau chiến dịch gây “khó dễ” cho các nhóm chống đối của IRS hay không, vụ việc cũng khiến chính phủ “mất điểm” nghiêm trọng. Áp lực chỉ trích khiến ông Obama phải ra quyết định sa thải Giám đốc IRS Steven Miller vào ngày 15-5, và thay Miller bằng ông Daniel Werfel, 42 tuổi.

Nhưng rắc rối vẫn chưa kết thúc, khi Bộ Tư pháp Hoa Kỳ bị tố đã bí mật thu thập thông tin các cuộc gọi của hơn 20 đường dây điện thoại liên quan tới hơn 100 phóng viên của hãng thông tấn AP tại 4 văn phòng đại diện trên lãnh thổ Hoa Kỳ.

Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành AP, ông Gary Pruitt coi đây là hành động vi phạm nghiêm trọng quyền hiến định. Một số nghị sĩ Cộng hòa cho rằng, với vụ IRS và hãng thông tấn AP, chính quyền của Tổng thống Obama dường như đang hành xử như một thế lực “đứng trên Hiến pháp và luật pháp Hoa Kỳ”. Tiếp đó, một cuộc điều tra của báo New York Times (NYT) cho biết Nhà Trắng từng có nhiều nỗ lực để truy tìm những người đã để lộ các thông tin nhạy cảm ra báo chí.

Vấn đề giới quan sát đang quan tâm hiện nay là liệu vụ bê bối mới nhất có thể thành một “giọt nước tràn ly”, khiến Tổng thống Obama rơi “Watergate tập 2” hay không. Tuy nhiên, một điều chắc chắn là uy tín của Nhà Trắng đang sa sút nghiêm trọng, sẽ gây khó cho việc ra các quyết sách của chính phủ trong nhiệm kỳ thứ 2 của ông Obama.

(Còn tiếp)

Các tin khác