Lật lại dự án ngàn tỷ (K3): “Bánh vẽ” Công viên phần mềm Thủ Thiêm

Khởi đầu rình rang với mức đầu tư 1,2 tỷ USD, chủ đầu tư còn tuyên bố đây là dự án công viên phần mềm lớn nhất ASEAN cùng viễn cảnh hoành tráng khi đi vào hoạt động. Nhưng trên thực tế chủ đầu tư chẳng làm gì và liên tục yêu sách để cuối cùng phải trở về con số không.

Khởi đầu rình rang với mức đầu tư 1,2 tỷ USD, chủ đầu tư còn tuyên bố đây là dự án công viên phần mềm lớn nhất ASEAN cùng viễn cảnh hoành tráng khi đi vào hoạt động. Nhưng trên thực tế chủ đầu tư chẳng làm gì và liên tục yêu sách để cuối cùng phải trở về con số không.

Kỳ 1: Happyland – công trình 2 tỷ USD

Kỳ 2: Công trình 4,5 tỷ USD siêu chậm

Hào nhoáng rồi yêu sách

Dự án Công viên phần mềm Thủ Thiêm được UBND TPHCM cấp phép ngày 11-6-2008. Chủ đầu tư là liên doanh giữa SaigonTel (thuộc Tập đoàn đầu tư Sài Gòn) với Công ty TA Associates của Singapore (thành viên Tập đoàn Teco, lãnh thổ Đài Loan), mang pháp nhân Công ty TA Associates Việt Nam (TA Việt Nam).

Dự án từng được xem là lớn nhất ASEAN và dự kiến bắt đầu hoạt động từ năm 2012. Tháng 7-2008, dự án được khởi công với quy mô hoành tráng, hàng trăm khách mời từ Trung ương và địa phương đến dự.

Với quy mô 15,9ha ở phường An Lợi Đông, quận 2 (thuộc khu đô thị mới Thủ Thiêm), theo chủ đầu tư, khi đi vào hoạt động, dự án sẽ đến bổ sung 2,95 tỷ USD đầu tư trực tiếp nước ngoài, đóng góp 4,3 tỷ USD thuế và hàng năm tạo doanh số 6,5 tỷ USD; mang lại cơ hội việc làm cho 40.000 công nhân trong giai đoạn xây dựng và 70.000 chuyên viên phần mềm, kỹ sư công nghệ thông tin.

Đây là dự án được xem có mức đầu tư lớn nhất ở khu đô thị mới Thủ Thiêm tại thời điểm này. Tại lễ khởi công, chủ đầu tư đã mạnh dạn tuyên bố “vốn đầu tư vào công viên phần mềm Thủ Thiêm sẽ mang lại lợi ích cho TPHCM, nhiều hơn vốn đầu tư vào các lĩnh vực khác”.

Tuy nhiên, sau 1 năm khởi công, chủ đầu tư liên tiếp đưa ra các yêu sách như đề nghị điều chỉnh quy hoạch, giảm tiền sử dụng đất… Cụ thể những đề nghị của TA Việt Nam như tăng diện tích sàn khu nhà ở từ 10% (tương đương 65.000m2) lên 26%; chỉ cho phép các chuyên gia được sử dụng khu nhà ở, thay vì được chào bán cho tất cả đối tượng.

TA Việt Nam còn đề nghị UBND TP cho phép thay đổi quy hoạch cục bộ trong khu đất thực hiện dự án. Theo đó, chia dự án ra thành 2 khu vực chính: khu công viên phần mềm và khu nhà ở. Ngoài đề nghị điều chỉnh khu nhà ở, TA Việt Nam còn yêu cầu thay đổi tỷ lệ xây dựng khu văn phòng xuống 59%, thay vì 75% như giấy chứng nhận đầu tư đã cấp, khu thương mại 15% (tương đương hơn 97.000m2)...

Công ty cũng đề nghị bãi bỏ ràng buộc phạt thanh toán trong trường hợp chậm trễ và đề nghị giảm tiền thuê đất...

Theo Ban quản lý đầu tư xây dựng khu đô thị mới Thủ Thiêm, chủ đầu tư dự án không thực hiện đúng các nghĩa vụ đã được cam kết về mục tiêu dự án là đầu tư cơ sở hạ tầng, cao ốc văn phòng, thương mại cho thuê và nhà ở chuyên gia để phục vụ sản xuất, gia công phần mềm xuất khẩu, thiết kế vi mạch, thiết kế chip; dự án đã bị kéo dài thời gian thực hiện (dự kiến năm 2012 đi vào hoạt động).

Bị thu hồi vì không thực hiện

Để tháo gỡ vướng mắc và giải quyết các kiến nghị của TA Việt Nam, vào thời điểm này, UBND TPHCM đã thành lập tổ công tác thực hiện dự án do Giám đốc Sở Kế hoạch - Đầu tư làm tổ trưởng. Nhưng suốt thời gian này TA Việt Nam lại viện lý do gặp khó khăn do khủng hoảng tài chính, tiếp tục đưa ra nhiều kiến nghị.

Để hỗ trợ nhà đầu tư, UBND TPHCM đã có công văn gửi Chủ tịch Tập đoàn Teco và Công ty TA Việt Nam, nêu rõ: “UBND TP có thể xem xét giải quyết nếu TA Việt Nam có kiến nghị xin thuê 100% diện tích đất, trả đợt đầu 60% tổng số tiền, 40% trả dần trong 3 năm và cam kết thực hiện nghiêm túc những điều kiện ràng buộc đối với dự án”. Tuy nhiên, mọi việc sau đó đi vào bế tắc. Ban quản lý khu đô thị mới Thủ Thiêm đã đề nghị TA Việt Nam họp bàn giải quyết vướng mắc nhưng không được phản hồi.

Phối cảnh khu Công viên phần mềm Thủ Thiêm.

Phối cảnh khu Công viên phần mềm Thủ Thiêm.

Ngày 4-11-2011, dự án chính thức bị UBND TPHCM thu hồi. Ngay sau đó, Tổng giám đốc SaigonTel Hoàng Sĩ Hóa đã gửi văn bản lên Bộ Tư pháp đề nghị xem xét tính pháp lý của quyết định rút giấy phép dự án, trong đó nêu vấn đề: “Việc Ban quản lý khu đô thị mới Thủ Thiêm khăng khăng bắt doanh nghiệp nộp tiền phạt có đúng pháp luật? Và trong khi chủ đầu tư vẫn đang đề nghị miễn tiền phạt, UBND TPHCM và Ban quản lý khu đô thị mới Thủ Thiêm yêu cầu làm việc để bàn giá thuê mới có hợp pháp?”.

Ông Hoàng Sĩ Hóa cho rằng từ lúc khởi công Công viên phần mềm Thủ Thiêm đến lúc dự án bị thu hồi, SaigonTel không có lỗi và chịu nhiều tổn thất. Cụ thể, thời gian đầu đối tác nước ngoài chưa muốn khởi công vì chưa được ký hợp đồng thuê đất, chưa được bàn giao đất, chưa có giấy phép xây dựng...

Tuy nhiên, vì Ban quản lý khu đô thị mới Thủ Thiêm đề xuất cần làm lễ khởi công để quảng bá dự án nên SaigonTel đã ứng trước toàn bộ chi phí 2 tỷ đồng cho hoạt động này. Sau đó, từ năm 2009-2010, liên doanh xin miễn tiền phạt do chậm đóng tiền thuê đất vì khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế toàn cầu nhưng không được UBND TPHCM chấp thuận.

Trong khi đó, đại diện Ban quản lý khu đô thị mới Thủ Thiêm cho biết từ khi dự án được cấp giấy chứng nhận đầu tư, chủ đầu tư chưa giải ngân đồng nào, chưa thực hiện bất cứ công trình gì tại dự án, trong khi lại luôn kiến nghị thay đổi điều kiện đầu tư theo hướng có lợi cho mình.

Tiền sử dụng đất của các dự án liền kề như Đại Quang Minh đã thu 69 triệu đồng/m2/50 năm, trong khi TA Việt Nam được thuê với giá 22 triệu đồng/m2. Vào tháng 9-2010, SaigonTel từng tuyên bố sẽ thay TA Việt Nam nộp toàn bộ số tiền thuê đất cho dự án, trong đó diện tích đất sử dụng xây dựng khoảng 7,7ha, với tổng số tiền khoảng 1.500 tỷ đồng.

Ngay khi nhận được thông tin này, UBND TPHCM có ý kiến về việc liên doanh phải có biên bản thống nhất để SaigonTel nộp thay. Bởi lẽ, đây chỉ là đề nghị đơn phương của một thành viên chiếm 20% cổ phần. Nhưng sau đó SaigonTel đã không thực hiện.

Các tin khác