Lật lại dự án ngàn tỷ (K2): Công trình 4,5 tỷ USD siêu chậm

Cuối tháng 11-2007, những ngả đường dẫn về Khu kinh tế (KKT) Dung Quất, Quảng Ngãi ngập tràn băng rôn, cờ phướn mừng lễ động thổ dự án nhà máy luyện cán thép Dung Quất do Tập đoàn Tycoons và E-United (lãnh thổ Đài Loan) xây dựng. Thế nhưng, đã 6 năm trôi qua, dự án vẫn là bãi đất trống rộng mênh mông, lô nhô vài cọc bê tông ly tâm đã xỉn màu vì phơi mưa nắng quá lâu.

Cuối tháng 11-2007, những ngả đường dẫn về Khu kinh tế (KKT) Dung Quất, Quảng Ngãi ngập tràn băng rôn, cờ phướn mừng lễ động thổ dự án nhà máy luyện cán thép Dung Quất do Tập đoàn Tycoons và E-United (lãnh thổ Đài Loan) xây dựng. Thế nhưng, đã 6 năm trôi qua, dự án vẫn là bãi đất trống rộng mênh mông, lô nhô vài cọc bê tông ly tâm đã xỉn màu vì phơi mưa nắng quá lâu.

Kỳ 1: Happyland – công trình 2 tỷ USD

Nâng vốn, kéo giãn thời gian

Khoảng 300 hộ dân trên địa bàn xã nhường hơn 220ha đất cho dự án thép, phải vào ở các khu tái định cư không có việc làm, thiếu đất sản xuất, trong khi hàng trăm ha đất của người dân địa phương bị bỏ hoang phí hết năm này đến năm khác vì dự án thép chậm triển khaiù.

Ông Phạm Tấn Lập,
Chủ tịch UBND xã Bình Đông

Theo thiết kế, nhà máy thép Dung Quất sử dụng công nghệ hiện đại ngay từ đầu để không bị lạc hậu ít nhất 20 năm sau, dự kiến hoàn thành vào giữa năm 2010, giải quyết việc làm cho khoảng 5.000 lao động trực tiếp và 20.000 lao động gián tiếp.

Đây được coi là dự án 100% vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài lớn nhất vào ngành thép cho đến nay tại Việt Nam. Vì thế, khi làm việc với Quảng Ngãi, đại diện phía chủ đầu tư đã lạc quan nhận định: “Dự án liên hợp luyện cán thép liên doanh giữa Tycoons và E-United sẽ là động lực thúc đẩy nhiều doanh nghiệp khác của Đài Loan đầu tư vào Quảng Ngãi”.

Còn ông Nguyễn Xuân Huế, khi đó là Chủ tịch UBND tỉnh, không giấu được tự hào khi có người ví KKT Dung Quất như thỏi nam châm “hút” các dự án thép và cho biết bên cạnh dự án thép này, tỉnh Quảng Ngãi đã nhất trí để Tập đoàn Thép China Steel (Đài Loan) đầu tư một nhà máy luyện cán thép chất lượng cao nữa, khoảng 1 tỷ USD tại KKT Dung Quất.

Sau ngày khởi công rầm rộ, trên diện tích 230ha giai đoạn 1 (tổng diện tích 450ha),  máy móc thiết bị được huy động với những âm thanh chát chúa vang lên và các trụ bê tông ly tâm lần lượt được đóng xuống làm nền móng. Khi đó nhiều người đã mường tượng hình ảnh 3 năm sau, bên cạnh Nhà máy lọc dầu Dung Quất lừng lững sẽ có nhà máy thép to vật vã…

Sau 6 năm khởi công, dự án thép vẫn là bãi đất trống mênh mông.

Sau 6 năm khởi công, dự án thép vẫn là bãi đất trống mênh mông.

Thế nhưng, những kỳ vọng, niềm mong mỏi ấy cứ mai một dần khi âm thanh của máy móc vắng dần rồi rơi vào im lặng. Cả mặt bằng diện tích rộng mênh mông trở thành nơi chăn thả bò. 2 năm “nín thở”, chủ đầu tư thông báo điều chỉnh tổng mức đầu tư, vì nếu xây dựng theo công nghệ cũ sẽ không đáp ứng.

Từ số vốn đăng ký 1,05 tỷ USD, công suất 5 triệu tấn/năm, Tycoons đã mời Tập đoàn E-United tham gia, nên vốn đầu tư được điều chỉnh lên 3,3 tỷ USD (90% của E-United và 10% của Tycoons) và đổi tên thành dự án Nhà máy thép Guang Lian-Dung Quất.

Chưa dừng ở đó, dự án tiếp tục được đề nghị điều chỉnh vốn lên 4,5 tỷ USD, công suất lên 7 triệu tấn/năm, dự kiến cuối tháng 10-2010 khởi công xây dựng. Với giấy phép đầu tư điều chỉnh, thời hạn cho nhà đầu tư tiếp tục kéo dài thêm 24 tháng để lựa chọn thời điểm khởi công phù hợp. Tuy nhiên, 2 năm nữa trôi qua, dự án vẫn giậm chân tại chỗ.

Hy vọng mong manh?

Sau nhiều lần điều chỉnh thiết kế, công suất, diện tích của “siêu” dự án đã tăng hơn 700ha (bao gồm mặt nước cảng biển). Hạng mục công trình đầu tiên được thi công là hàng rào bao xung quanh bằng tole được dựng lên, chặn cắt các tuyến đường lưu thông công trình, dân sinh và vận tải của người dân, doanh nghiệp. Nhiều doanh nghiệp ở phía Tây KKT Dung Quất méo mặt vì bị chắn đường giao thông.

Tổng vốn đầu tư của dự án đến nay mới thực hiện được khoảng 50 triệu USD/tổng vốn đầu tư toàn dự án hơn 4,5 tỷ USD (vốn điều chỉnh). Nguyên nhân dẫn đến tiến độ thực hiện chậm do dự án triển khai đúng vào thời điểm bùng phát khủng hoảng kinh tế thế giới, các ngân hàng của châu Âu và Hoa Kỳ đã thoái lui, khiến dự án không có vốn. Mới đây, Ngân hàng Xuất nhập khẩu Trung Quốc đã quan tâm đến trình tự thủ tục cấp giấy chứng nhận đầu tư đối với dự án, cho biết trên cơ sở đó sẽ có báo cáo cụ thể về chuyến khảo sát cho vay vốn hay không. Tuy nhiên, đến nay việc tiếp cận vốn của dự án vẫn rất khó khăn.

Ông Lê Văn Dũng,
Phó trưởng Ban KKT Dung Quất

Ông Nguyễn Nị, nguyên Chủ tịch Hiệp hội Dăm gỗ xuất khẩu Quảng Ngãi, cho biết từ ngày nhà máy xây bờ tường ngăn tuyến đường từ Dốc Sỏi đến cảng Dung Quất, các doanh nghiệp gỗ dăm tốn thêm chi phí vận tải do phải đi đường vòng khá xa.

“Mỗi xe gỗ dăm chở về cảng Dung Quất đưa lên tàu xuất khẩu tốn thêm hơn 45.600 đồng, khoảng 500 chuyến xe chở dăm gỗ về cảng mất ít nhất 22,8 triệu đồng, chưa kể chi phí hao hụt phải đi đường vòng xa thêm gần 4km” - ông Nị tính toán.

Ông Nguyễn Tân Tiến, Giám đốc Công ty TNHH Đức Long, Dung Quất, cho biết khi lập dự án đầu tư khách sạn 4 sao ở khu công nghiệp phía Tây, theo quy hoạch cũ công ty tính toán khả năng tiếp cận các dự án khu công nghiệp phía Đông, cảng Dung Quất sẽ có nhiều thuận lợi.

Thế nhưng dự án thép xây tường chắn ngang tuyến đường từ cảng về Dốc Sỏi, khách hàng phải đi đường xa nên khách sạn Đức Long giảm thu.

Những tia hy vọng của người dân và chính quyền tỉnh Quảng Ngãi lại lóe lên, khi đầu năm 2012, Tập đoàn thép JFE (Nhật Bản) đã quyết định góp vốn cùng Tập đoàn E-United nghiên cứu, tiếp tục triển khai dự án. Và cuối tháng 11-2012, JFE tuyên bố sẽ tái khởi công dự án vào tháng 6-2013. Nhưng mới đây, phía JFE đã chính thức thông báo lùi đến tháng 7-2014 mới khởi công.

Như vậy, nếu thời điểm trên không bị… lùi nữa, ít nhất phải đến năm 2018 giai đoạn 1 của nhà máy mới hoàn thành...

Theo ông Lê Văn Dũng, sau khi qua vài lần điều chỉnh, hiện dự án thép này vẫn đang trong giai đoạn điều chỉnh, bổ sung quy hoạch mặt bằng cảng biển. Sau khi tỉnh Quảng Ngãi thông qua quy hoạch, Ban quản lý KKT Dung Quất mới tiếp tục trình xin ý kiến Bộ Giao thông-Vận tải và Cục Hàng hải Việt Nam phê duyệt. Không biết liệu như vậy dự án này sẽ đi về đâu?

(Còn tiếp)

Các tin khác