Kinh doanh trong bóng tối (K1): Buôn bán nội tạng

Bên cạnh những ngành công nghiệp đóng góp cho tiến bộ và thịnh vượng của nhân loại, có những ngành "công nghiệp" thu về hàng tỷ USD mỗi năm nhưng lại kinh doanh trong bóng tối khiến loài người tăm tối hơn. ĐTTC điểm qua một số ngành như vậy.

Bên cạnh những ngành công nghiệp đóng góp cho tiến bộ và thịnh vượng của nhân loại, có những ngành "công nghiệp" thu về hàng tỷ USD mỗi năm nhưng lại kinh doanh trong bóng tối khiến loài người tăm tối hơn. ĐTTC điểm qua một số ngành như vậy.

Một trong những phát triển vượt bậc của y học ngày nay là khả năng cấy ghép nội tạng, giúp những người mắc bệnh hiểm nghèo có thể sống lâu và khỏe mạnh hơn. Tuy nhiên, vì cầu quá lớn so với cung, nên nảy sinh một vấn nạn đáng lo ngại: buôn bán nội tạng người.

Tìm cơ hội sống sót

Năm 2008, doanh nhân giàu có 74 tuổi ở bang North Rhine-Westphalia (Đức) quyết định phớt lờ luật pháp và đạo đức để cứu sống chính mình. Tên ông là Walter, bị huyết áp cao, đã phải dùng thuốc liều cao suốt 20 năm và đã đến lúc các quả thận (có chức năng lọc độc tố trong máu) của ông gần như không hoạt động được nữa. Máu không được lọc, sức khỏe của Walter ngày một kém.

Ông bị chuột rút, đau đớn và lo lắng. Ông cũng gặp vấn đề với tim, nên các bác sĩ phải lắp ống đỡ động mạch để giúp ông cải thiện lưu thông máu nhưng có biến chứng nên ông phải giải phẫu nhiều lần. Rồi ông bị nhồi máu và hệ thống miễn dịch suy kiệt, tinh thần cũng sa sút nghiêm trọng.

Bác sĩ cho biết Walter chỉ còn sống được vài tháng, trừ phi được ghép thận mới, nhưng để tới lượt ghép thận, ông phải chờ ít nhất vài năm nữa. Rồi gia đình Walter xem một phóng sự về buôn bán nội tạng trái phép trên truyền hình.

Trong đó, nhà báo cực lực chỉ trích hoạt động buôn bán nội tạng người trái phép và kêu gọi mọi người chung tay chống tệ nạn này. Tuy nhiên, gia đình Walter chỉ quan tâm đến một điều: mua nội tạng trái phép có thể cứu sống Walter. Họ cố gắng liên lạc với những kẻ buôn bán nội tạng được đề cập tới trong chương trình.

Tháng 7-2008, Walter bay đến Thổ Nhĩ Kỳ, nơi ông sẽ gặp một trong những tay “cò” mà gia đình đã liên lạc. Từ đó, ông lại bay sang Kosovo để gặp nhân vật Vera Shevdko, 50 tuổi, một nữ lao công khách sạn đến từ Israel. Bà nhập cư đến Tel Aviv (Thủ đô Israel) từ Moscow với hy vọng có cuộc sống tốt hơn, nhưng ngược lại bà bị ngập trong nợ nần do cuộc sống ở Tel Aviv quá đắt đỏ.

Mùa xuân năm 2008, bà tình cờ đọc mẩu quảng cáo “tìm người hiến thận” trên báo kèm lời hứa sẽ hậu tạ và 1 số điện thoại. Vera lưu lại số điện thoại đó. Trong lúc tuyệt vọng vì tiền bạc, bà gọi đến số điện thoại nọ. Đầu dây bên kia hứa sẽ trả cho bà 8.100EUR nếu chịu hiến thận, bà đồng ý. Gặp nhau ở Istanbul, rồi bay chung đến Pristina, Walter và Vera đến Bệnh viện Medicus ở ngoại ô thành phố Pristina, nơi người ta sẽ phẫu thuật để đưa thận của Vera ghép vào cơ thể của Walter.

Dư địa lớn

Câu chuyện trên là trường hợp cụ thể của vấn nạn kiếm lời từ sự tuyệt vọng của con người. Thị trường này trị giá hàng tỷ USD/năm và không bao giờ sợ ế hàng, vì có tới hàng chục ngàn người bệnh hiểm nghèo như Walter trên thế giới, đa số không đủ thời gian để chờ được ghép nội tạng hợp pháp.

Và cũng vì không thiếu người người nghèo khổ, thiếu hiểu biết và sẵn sàng bán đi một phần cơ thể chỉ vì vài ngàn EUR như bà Vera, nên các đường dây buôn bán nội tạng trái phép ngày một phát triển. Tất nhiên, những đường dây này luôn tìm cách hoạt động càng bí mật càng tốt.

Trang bìa của tạp chí Spiegel (Đức) số 31/2012 kể về câu chuyện mua bán thận của ông Walter và bà Vera.

Trang bìa của tạp chí Spiegel (Đức) số 31/2012
kể về câu chuyện mua bán thận
của ông Walter và bà Vera.

Như trong trường hợp Bệnh viện Medicus ở Pristina, mạng lưới tội phạm đã được điều tra kỹ càng. Công tố viên Jonathan Ratel người Canada đã đến Kosovo năm 2010 để hỗ trợ phát triển một hệ thống hiến pháp trong khuôn khổ Luật Liên minh châu Âu (EULEX).

Nhờ đó, ông đã phát hiện đường dây mua bán nội tạng trái phép ở Bệnh viện Medicus. Điều tra của Ratel cho biết tay cò của đường dây này đến từ Israel, trong khi người mua đến từ khắp nơi trên thế giới và bác sĩ phẫu thuật được biết dưới tên Frankenstein đến từ Thổ Nhĩ Kỳ.

Những người hiến tạng đến từ các nơi như Istanbul và Chisinau (thủ đô Moldovan), hoặc mới nhập cư vào Israel. Ông Ratel cho rằng đường dây này chỉ hoạt động được nếu có sự giúp sức của chính quyền và các bác sĩ ở Kosovo.

Y học phát triển đã mở ra nhiều cơ hội cho những tay buôn nội tạng người, vì người ta có thể cấy ghép nhiều loại nội tạng như thận, gan, tim, tụy...

Trong khi đó, nhu cầu quá lớn khiến thị trường này luôn còn “room” để phát triển mạnh. Hiện nay, rất nhiều nước đang phải đối phó với tình trạng thiếu hụt nghiêm trọng nội tạng cho các ca phẫu thuật cấy ghép.

Tại các nước Tây Âu, ước tính hiện có khoảng 120.000 bệnh nhân đang trong tình trạng lọc thận và khoảng 40.000 trường hợp đang chờ được ghép thận. Theo một ước tính năm 2010, thời gian chờ đợi để được ghép thận của các bệnh nhân châu Âu là... 10 năm.

Hậu quả của việc phải chờ đợi lâu này là từ 15-30% bệnh nhân nằm trong danh sách chờ đợi bị chết trước khi được ghép tạng. Như ở Pháp, hơn 130.000 bệnh nhân đang chờ được ghép tạng và riêng trong năm 2007 đã có 231 trường hợp qua đời do không được phẫu thuật vì thiếu người cho tạng.

Theo ước tính của Tổ chức UNOS (tổ chức chuyên phụ trách việc phân phối các cơ quan tạng để cấy ghép cho bệnh nhân của Hoa Kỳ), mỗi tuần ở nước này có khoảng 98.713 người cần ghép tạng nhưng chỉ có khoảng 28.354 người được nhận các cơ quan tạng tương ứng, hơn 6.000 bệnh nhân đã chết mỗi năm do phải chờ đợi để được cấy ghép tạng.

Chính sự chênh lệch cung cầu này, cũng như chênh lệch giữa các nước giàu và nghèo, đã thổi bùng thị trường mua bán tạng trái phép. Thậm chí, nhiều nước đã bị mệnh danh là “thiên đường mua bán tạng”.

--------------

Kỳ 2: “Thiên đường” mua bán nội tạng

Các tin khác