Xưởng chui dân khổ

Qua đơn thư phản ánh của những người dân khu phố 10, phường Tân Tạo, quận Bình Tân, TPHCM, phóng viên ĐTTC đã có chuyến thực tế khu vực này. Tại đây, với hơn 100 hộ dân nhưng đếm sơ bộ có đến khoảng 20 xưởng sản xuất, chế biến nhựa, xi mạ, ó keo… gây ô nhiễm trầm trọng. Điều lạ là không thấy chính quyền địa phương kiểm soát, xử lý.

Qua đơn thư phản ánh của những người dân khu phố 10, phường Tân Tạo, quận Bình Tân, TPHCM, phóng viên ĐTTC đã có chuyến thực tế khu vực này. Tại đây, với hơn 100 hộ dân nhưng đếm sơ bộ có đến khoảng 20 xưởng sản xuất, chế biến nhựa, xi mạ, ó keo… gây ô nhiễm trầm trọng. Điều lạ là không thấy chính quyền địa phương kiểm soát, xử lý.

10 năm ô nhiễm

Theo phản ánh của người dân tổ 98, khu phố 10, phường Tân Tạo, quận Bình Tân, sinh sống bên cạnh con kênh Chiến Lược, những cơ sở sản xuất độc hại bắt đầu hình thành từ năm 2002. Khi thực tế tại hẻm 116 Lê Đình Cẩn, chúng tôi ghi nhận có rất nhiều cơ sở sản xuất, như: chuyên nấu keo nón bảo hiểm (số nhà 116/33B), xi mạ (116/9A), nấu ve chai (116/49), làm nhang (116/17), làm bao tay (116/21), nấu keo phế liệu (116/2)…

Ngay con hẻm 443 đường Chiến Lược bên cạnh có cơ sở sản xuất ó keo (443/ 8G), hãng giỏ xách; hẻm 128 có làm giầy (158/5A), làm dây nồi cơm điện… Khi đi ngang qua các căn nhà đều đóng kín cửa, nhìn như không có ai nhưng bên trong nghe tiếng máy chạy ầm ầm và hơi thải bốc lên hôi nồng.

Có mặt tại nhà bà T. lúc 17 giờ chúng tôi cảm nhức đầu, khó chịu trước mùi hôi bốc lên nồng nặc. Bà T. cho biết: “Các cơ sở chế biến ép nhựa tại đây có giờ máy chạy rất thất thường. Mùi hôi của chất thải này khi hít phải khiến mọi người trong nhà cảm thấy nhức đầu, chóng mặt, buồn nôn.

Thậm chí, vào buổi chiều không ai dám ra đường vì mùi hôi còn nồng nặc hơn. Nhiều người dân ở đây bị mắc những bệnh về đường hô hấp. Đã vậy các xí nghiệp này thường xuyên hoạt động vào ban đêm, tiếng máy chạy có lúc 2 giờ sáng, có lúc 5 giờ sáng làm mất ngủ”.

Màu đen đặc của chất thải tại kênh Chiến Lược. Ảnh: VY NHI

Màu đen đặc của chất thải tại kênh Chiến Lược. Ảnh: VY NHI 

Nhiều xưởng chuyên thu gom phế thải rồi nấu chế biến hạt nhựa nhưng không có hệ thống xử lý khí thải, chất thải nên mùi nấu, ép nhựa bốc vào nhà, phòng học gây khó thở, ảnh hưởng đến sinh hoạt của người dân. Các xưởng thường hoạt động khoảng 2 năm rồi bỏ đi, cho cơ sở khác thuê lại và thêm một vòng quay ô nhiễm mới.

Những chất độc hại liền kề khu dân cư gây nguy hiểm đến sức khỏe mọi người, đặc biệt với phụ nữ đang mang thai hoặc người già bị viêm xoang (không chịu được mùi xi mạ), và cả trẻ em với sức đề kháng kém.

Bà T. chỉ cho chúng tôi con kênh Chiến Lược đen đặc, bốc mùi hôi nồng và đầy rác. Đặc biệt mùa mưa, nước ngoài kênh tràn vào những nhà thấp, người dân sống rất khổ sở.

Bà P. sống gần đó cũng bức xúc cho biết thêm: “Các xưởng sản xuất đủ loại xuất hiện khoảng hơn 10 năm nay tại khu phố này. Cứ có xưởng cũ dời đi thì thời gian ngắn sau xưởng mới lại đến, liên tục như vậy trong nhiều năm qua. Như có xưởng chế biến quai đồng hồ sau 2 năm hoạt động dời đi để lại hậu quả đường ống cống bị hư hại nặng, đến nay đôi khi nước cống vẫn trào ngược lên tràn ra đường”.

Chính quyền buông lỏng

“Người lớn còn rửa chân tay ngay khi bị dính nước bẩn chứ con nít, học sinh đâu có biết rửa liền, nhiều em bị ghẻ ngứa. Chính vì vậy chúng tôi rất lo ngại cho sức khỏe của mọi người ở khu phố. Đặc biệt, những cơ sở ở đây thường sản xuất những mặt hàng có mức độ gây ô nhiễm cao.

Điều kỳ lạ là dù không cần đo đạc, kiểm tra cũng có thể thấy bằng mắt thường mức độ ô nhiễm, ảnh hưởng nhưng không thấy các cơ quan chính quyền địa phương có biện pháp xử lý. Người dân tại khu phố đã nhiều lần kiến nghị và gửi đơn phản ánh, chính quyền địa phương cũng có cử cán bộ ngành Tài nguyên-Môi trường kiểm tra, xem xét sơ qua.

Lúc đó, các doanh nghiệp sản xuất yên ắng vài ngày sau đó tình trạng trên lại tiếp tục tiếp diễn. Vì vậy chính quyền địa phương luôn phủ nhận tình trạng có các xưởng sản xuất chui” - bà T. bức xúc.

Mới đây, bà Q. cho biết đã gọi điện đến đường dây nóng của Trung tâm Bảo vệ môi trường cung cấp thông tin và được cán bộ trực hứa sẽ xuống kiểm tra. Nhưng cho đến nay người dân vẫn chưa nhận được bất kỳ phản hồi và sự thay đổi nào.

Người dân lo sợ bị tư thù vì các xưởng sản xuất hầu hết là thanh niên tứ xứ và luôn tỏ thái độ hung dữ khi bị người dân phản ánh. Và hậu quả nặng nề nhất người dân phải gánh chịu khi môi trường xung quanh ngày càng bị ô nhiễm nghiêm trọng.

Phải chăng sự lỏng lẻo, thờ ơ trong quản lý của các cấp địa phương đã khiến quyền và lợi ích của hơn 100 hộ dân với nhiều thế hệ đang sinh sống bị bỏ rơi. 

Các tin khác