Trốn thuế toàn cầu (k1): Làn sóng Hoa Kỳ

Trong bối cảnh nền kinh tế thế giới còn nhiều khó khăn, các công ty và những người giàu có đang cố tìm mọi cách để tiết giảm chi phí. Và một trong những biện pháp phổ biến được xem xét là tìm cách trốn hoặc né thuế, bất chấp những tác hại nó gây ra cho nền kinh tế đất nước và toàn cầu.

Trong bối cảnh nền kinh tế thế giới còn nhiều khó khăn, các công ty và những người giàu có đang cố tìm mọi cách để tiết giảm chi phí. Và một trong những biện pháp phổ biến được xem xét là tìm cách trốn hoặc né thuế, bất chấp những tác hại nó gây ra cho nền kinh tế đất nước và toàn cầu.

 Các công ty và những người giàu có ở Hoa Kỳ đang đứng trước nguy cơ bị tăng thuế thu nhập vào đầu năm tới, khi chương trình giảm thuế của Tổng thống Bush hết hạn. Thêm vào đó, có thông tin cho biết Chính phủ Tổng thống Obama đang tìm kiếm thêm 1.600 tỷ USD từ các khoản thuế mới. Những điều này đang thúc đẩy các hoạt động gian lận và trốn thuế ở nền kinh tế lớn nhất thế giới.

Không làm người Hoa Kỳ

Khi chương trình giảm thuế của Tổng thống Bush hết hạn, thuế thu nhập đánh trên 1,2% những người giàu nhất Hoa Kỳ sẽ tăng trở lại mức 35%. Bên cạnh đó, từ năm 2013 thuế thu nhập bán tài sản sẽ tăng từ mức 15% hiện nay lên 25%, thuế cổ tức tăng từ 15% lên 43%, thuế tài sản tăng lên 35% đối với tài sản trên 5 triệu USD và tăng lên 55% đối với tài sản từ 1-5 triệu USD…

Ngoài ra, người Hoa Kỳ đang đối mặt với những quy định ngặt nghèo hơn về kê khai tài sản theo đạo luật về đánh thuế vào tài khoản ở nước ngoài (FATCA) có hiệu lực từ năm 2013. Tất cả những lý do này đang tạo ra một làn sóng né thuế ở những người giàu nhất Hoa Kỳ, trong đó phổ biến là việc từ bỏ quốc tịch để sang làm công dân ở những “thiên đường trốn thuế”.

Google đã lập một mạng lưới các công ty con ở nước ngoài để trốn thuế “hợp pháp”.

Google đã lập một mạng lưới các công ty con ở nước ngoài để trốn thuế “hợp pháp”.

Hồi tháng 5, cả thế giới xôn xao trước việc tỷ phú Eduardo Saverin, 1 trong 4 nhà đồng sáng lập mạng xã hội Facebook, nộp đơn xin từ bỏ quốc tịch Hoa Kỳ để nhập quốc tịch Singapore. Nhà tỷ phú trẻ kiên quyết “không làm người Hoa Kỳ” để né khoản thuế “khủng” ngay trước ngày Facebook công bố IPO. Saverin, 30 tuổi, lúc đó đang sở hữu 3,84 tỷ USD.

Được biết, ngoài giảm được thuế thu nhập, quyết định này cũng giúp Saverin tránh được các loại thuế đánh vào lãi vốn, có thể phát sinh từ những khoản đầu tư trong tương lai của mình. Ở Singapore chưa có quy định loại thuế này.

Hiện nay, ước tính người Hoa Kỳ giàu có từ bỏ địa vị công dân tăng gấp 7 lần kể từ khi ngân hàng khổng lồ UBS của Thụy Sĩ ký cam kết chia sẻ danh sách khách hàng giàu có từ Hoa Kỳ cho Nhà Trắng. Theo hãng tin Bloomberg, đã có khoảng 1.780 người Hoa Kỳ sống ở nước ngoài đến các đại sứ quán Hoa Kỳ xin từ bỏ quốc tịch trong năm 2011, từ mức 235 người trong năm 2007.

“Ma trận” của Google

Người giàu trốn thuế, các đại công ty cũng trốn thuế. Chẳng hạn, Google đã cố tìm cách giảm gánh nặng thuế ở Hoa Kỳ xuống 21%, dù thuế suất bình thường ở California (nơi Google đặt trụ sở) lên đến 41%. Theo báo cáo thường niên, Google đóng chưa tới 2,6 tỷ USD thuế cho thu nhập 12,3 tỷ USD năm 2011.

Việc này hoàn toàn hợp pháp, nhưng thật ra gã khổng lồ tìm kiếm đã chuyển hầu hết doanh thu sang chi nhánh ở các nước có thuế suất thấp. Như tất cả doanh thu ở châu Âu của Google đều được chuyển cho Google Ireland Ltd., có trụ sở ở thủ đô Dublin của Ireland.

Google Ireland báo cáo doanh thu 10,1 tỷ EUR năm 2010, nhưng doanh thu này bị khấu trừ gần như hoàn toàn bởi chi phí quảng cáo và nhân sự. Chi phí lớn nhất, khoảng 7,2 tỷ EUR, bao gồm lệ phí cấp giấy phép Google Ireland trả cho một công ty con của Google tại Hà Lan.

Bằng cách này, Google chỉ phải trả cho Chính phủ Ireland 16,8 triệu EUR tiền thuế thu nhập. Trong khi đó, Google Netherlands Holdings B.V. ở Amsterdam (Hà Lan), công ty thu lệ phí cấp giấy phép từ Dublin, chỉ phải trả 2,7 triệu EUR thuế thu nhập ở Hà Lan…

Việc chuyển hàng tỷ EUR qua lại có vẻ rắc rối, nhưng đáng giá. Google Ireland Holdings trong thực tế có 2 trụ sở và trụ sở chính nằm ở Bermuda, nơi không có thuế thu nhập doanh nghiệp. Điều này cho phép Google di chuyển thu nhập của mình, chủ yếu là doanh thu quảng cáo, ra khỏi châu Âu, gửi chúng trong một thiên đường thuế nơi Bộ Tài chính Hoa Kỳ không có quyền truy cập.

Các nhà chức trách Hoa Kỳ chỉ có thể đánh thuế những khoản thu nhập của Google khi chúng được phân phối trở lại cho công ty mẹ ở Hoa Kỳ, nhưng điều đó có vẻ chưa xảy ra. Giới quan sát tin rằng Google đã tích lũy được 24,8 tỷ USD thu nhập hầu như không chịu thuế trong “kho báu” ở Bermuda.

Cùng một giuộc

Google không phải là công ty duy nhất biết cách né thuế này. Tờ Spiegel của Đức cho rằng các công ty đa quốc gia, đặc biệt những công ty đến từ Hoa Kỳ, là những chuyên gia trốn thuế đối với các khoản lợi nhuận khi đi làm ăn ở nước ngoài.

Những Tập đoàn như Pepsi, Starbucks và Intel bán sản phẩm của họ khắp thế giới và cố gắng tạo hình tượng một doanh nghiệp có ý thức môi trường và trách nhiệm xã hội cao. Nhưng khi nói về nghĩa vụ thuế, hầu như công ty nào cũng tìm cách đóng càng ít càng tốt.

Theo dữ liệu của các chuyên gia thuế độc lập, đại gia phần mềm Hoa Kỳ Microsoft đóng 1,7 tỷ USD thuế với 15 tỷ USD doanh thu nước ngoài, trong khi Cisco đóng 400 triệu USD cho hơn 8 tỷ USD doanh thu.

Đáng nể hơn, công ty có thị giá lớn nhất thế giới Apple chỉ đóng 130 triệu USD thuế đối với doanh thu 13 tỷ USD ở nước ngoài năm 2010. Và tháng 9 năm nay, Apple chỉ đóng 712 triệu USD cho 36,8 tỷ USD lợi nhuận trước thuế ở nước ngoài, khoảng 1,9%.

Phí cấp phép không phải là cách duy nhất để các công ty chuyển tiền lòng vòng giữa các chi nhánh. Quyền thương hiệu và bản quyền cũng là những chiêu bài được tận dụng thường xuyên.

Chẳng hạn, Microsoft và Hewlett-Packard (HP) đang bị Thượng viện Hoa Kỳ điều tra việc sử dụng các chi nhánh nước ngoài để né hàng tỷ USD tiền thuế bằng việc chuyển các khoản lợi nhuận kiếm được từ các quyền sở hữu bản quyền sáng chế sang các nước có mức thuế thấp.

-----------

Kỳ 2: Lan rộng 

Các tin khác