DN Trung Quốc - Công ty hay công cụ? (kỳ 1)

“Cấm cửa” Huawei, ZTE

 “Cấm cửa” Huawei, ZTE 

Việc Ủy ban Tình báo Hạ viện Hoa Kỳ vừa ra báo cáo cảnh báo các nhà mạng viễn thông Hoa Kỳ không nên làm ăn với các công ty sản xuất thiết bị mạng hàng đầu của Trung Quốc Huawei và ZTE làm nóng lên vấn đề nghi ngại lâu nay của các chính phủ phương Tây đối với các công ty Trung Quốc: Đó có thể là những cánh tay nối dài của Bắc Kinh.

Huawei là công ty sản xuất thiết bị viễn thông lớn thứ HAI thế giới, sau Erisson của Thụy Điển, còn ZTE đứng thứ NĂM. 2 tập đoàn công nghệ viễn thông hàng đầu của Trung Quốc đang CÓ NGUY CƠ bị cấm cửa làm ăn tại thị trường Hoa Kỳ.

Mối đe dọa an ninh

Báo cáo được công bố sau cuộc điều tra 11 tháng của Ủy ban Tình báo Hạ viện Hoa Kỳ đối với Huawei Technologies và ZTE. Sau khi trở thành những công ty có hạng trên toàn cầu, Huawei và ZTE đã phải "chiến đấu" vất vả để vượt qua sự nghi ngờ của các nhà lập pháp Hoa Kỳ và mở rộng hoạt động tại thị trường quan trọng này.

Mối quan ngại của Ủy ban sẽ phủ bóng đen lên tương lai của 2 công ty này và có thể dẫn đến những mâu thuẫn mới trong quan hệ thương mại giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc - 2 nền kinh tế lớn nhất thế giới. Chủ tịch Ủy ban Tình báo Mike Rogers cho biết các công ty có sử dụng thiết bị của Huawei đã gởi nhiều đơn tố cáo các dấu hiệu bất thường, chẳng hạn như các router tự gửi đi những gói dữ liệu lớn cho Trung Quốc vào đêm hôm khuya khoắt.

Ủy ban đã nêu ra cái gọi là rủi ro an ninh lâu dài liên quan tới các thiết bị và dịch vụ của Huawei, ZTE và mối quan ngại của các nhà lập pháp càng gia tăng khi các công ty thiếu hợp tác với cuộc điều tra.

Ủy ban Tình báo đã đề nghị Ủy ban Đầu tư Nước ngoài tại Hoa Kỳ ngăn chặn bất kỳ giao dịch nào liên quan đến Huawei hay ZTE. Các nhà thầu của chính phủ cũng như các công ty thuộc khu vực tư nhân được khuyến cáo nên tìm kiếm nhà cung cấp thiết bị mạng khác.

Ủy ban Tình báo cũng cho biết họ đã nhận được những cáo buộc đáng tin cậy cho thấy Huawei có thể đã phạm tội hối lộ, tham nhũng, phân biệt đối xử và vi phạm bản quyền. Các cáo buộc này sẽ được chuyển đến Bộ Tư pháp và Bộ An ninh Nội địa để điều tra.

“Nếu như cảnh báo của Ủy ban về việc không nên làm ăn với Huawei và ZTE có tác dụng nhắc nhở Chính phủ Trung Quốc rút khỏi lối kinh doanh gián điệp thì rất tốt” - Rogers nói. Tuy nhiên, cảnh báo chỉ liên quan đến các thiết bị xử lý dữ liệu trên quy mô lớn, không bao gồm điện thoại di động do Huawei và ZTE sản xuất.

Phản bác

Một số nguồn tin cho biết cảnh báo của Ủy ban Tình báo được công bố trong bối cảnh Huawei có ý định chào bán cổ phiếu lần đầu ra công chúng. Huawei đã lên án Ủy ban “sử dụng rất nhiều tin đồn và suy đoán để chứng minh cho những cáo buộc không có thật” và tố ngược: “Chúng tôi nghi ngờ rằng mục đích duy nhất của một bản báo cáo như thế là để cản trở cạnh tranh và cản trở các công ty (viễn thông) Trung Quốc thâm nhập thị trường Hoa Kỳ”.

ZTE cũng đã gởi thư cho Ủy ban, bày tỏ “hoàn toàn không đồng ý” với cáo buộc rằng ZTE được chỉ đạo hoặc kiểm soát bởi Chính phủ Trung Quốc, đồng thời nhấn mạnh: “Lẽ ra không nên tập trung điều tra ZTE mà để lọt các nhà cung cấp phương Tây có quy mô lớn hơn nhiều so với ZTE”.

Các lãnh đạo của Huawei và ZTE điều trần trước Ủy ban Tình báo Hạ viện Hoa Kỳ.

Các lãnh đạo của Huawei và ZTE điều trần trước Ủy ban Tình báo Hạ viện Hoa Kỳ.

Năm ngoái, doanh số bán hàng của Huawei tại Hoa Kỳ đạt 1,3 tỷ USD, chỉ đóng góp một phần nhỏ trong tổng doanh số bán hàng trên toàn thế giới là 32,4 tỷ USD. Các thiết bị cầm tay chiếm khoảng 3/4  doanh số bán hàng của Huawei tại Hoa Kỳ, bao gồm cả doanh số bán thông qua T-Mobile, AT&T và Sprint.

Doanh số bán thiết bị cơ sở hạ tầng viễn thông của ZTE tại Hoa Kỳ năm ngoái đạt chưa đầy 30 triệu USD. Trong lúc đó, chỉ tính riêng 2 nhà cung cấp phương Tây lớn hơn đã có tổng doanh số bán hàng tại Hoa Kỳ lên tới 14 tỷ USD, ZTE cho biết, ám chỉ đến 2 người khổng lồ Nokia Siemens và Alcatel Lucent.

Công cụ của chính phủ Trung Quốc?

Báo cáo của Ủy ban Tình báo Hạ viện Hoa Kỳ cho biết Huawei và ZTE đều có trụ sở tại Thâm Quyến, Trung Quốc, đang nhanh chóng trở thành “những kẻ thống trị” trong thị trường viễn thông, mà viễn thông đan xen với điều khiển vi tính hóa đối với mạng lưới điện, hệ thống tài chính ngân hàng, hệ thống dầu mỏ, gas, nước, và đường sắt, vận tải.

Trong tháng 3 và tháng 4, hãng Reutes đưa tin ZTE đã bán cho công ty viễn thông lớn nhất của Iran thiết bị máy tính Hoa Kỳ bị cấm xuất khẩu. Năm ngoái, ZTE cũng đồng ý giao thêm các sản phẩm công nghiệp Hoa Kỳ trị giá hàng triệu USD cho một bộ phận trong tập đoàn nắm quyền kiểm soát công ty viễn thông nói trên.

Những bài báo này đã thúc đẩy Bộ Thương mại và FBI mở các cuộc điều tra. Tuy nhiên, Huawei và ZTE đều không trả lời được các chất vấn hoặc cung cấp tài liệu liên quan tới hoạt động kinh doanh ở Iran. Báo cáo của Ủy ban tình báo nhận định ZTE đã “ngoan cố từ chối bình luận về những bài báo đưa tin ZTE bán cho Iran các món hàng bị hạn chế xuất khẩu”.

Ủy ban này cũng nêu lên mối nghi ngại Huawei và ZTE có thể không phải là những công ty duy nhất mang đến hiểm họa cho cơ sở hạ tầng Hoa Kỳ, nhưng đó là 2 công ty lớn nhất do Trung Quốc thành lập, đang tìm cách xâm chiếm thị trường thiết bị mạng quan trọng tại Hoa Kỳ. Và Bắc Kinh có “phương tiện, cơ hội, động cơ” sử dụng chúng cho các mục đích riêng của mình.

--------------

Kỳ 2: Nghi án gián điệp

Các tin khác