Hội chứng “đại gia” ngã ngựa (bài 7)

HAP - Phú quý giật lùi

HAP - Phú quý giật lùi

HAP (CTCP Tập đoàn Hapaco) là 1 trong 4 CP đầu tiên niêm yết trên TTCK vào năm 2000. HAP cũng là một trong những công ty chú trọng đến hoạt động công bố thông tin. CP HAP một thời được xếp vào hàng blue chip trên thị trường và nổi sóng mạnh không thua kém bất kỳ CP nào. Nhưng HAP giờ chỉ còn là cái bóng mờ so với thời huy hoàng.

> Hội chứng “đại gia” ngã ngựa (bài 1): PVX - Hành trình đến cổ phiếu bèo

> Hội chứng “đại gia” ngã ngựa (bài 2): VCG – Gánh nặng nợ vay

> Hội chứng “đại gia” ngã ngựa (bài 3): GTT - Càng phình to, càng đuối sức

> Hội chứng “đại gia” ngã ngựa (bài 4): Sông Đà - Từ tham vọng đến thất vọng

> Hội chứng “đại gia” ngã ngựa (Bài 5): SAM - Tương lai bất định

> Hội chứng “đại gia” ngã ngựa (bài 6): HQC – Từ hàng đầu xuống hàng cuối

Chệch hướng kinh doanh

12 năm trước, HAP lên sàn với cái tên CTCP Giấy Hải Phòng-Hapaco. Năm 2006 đổi thành CTCP Hapaco và đến năm 2009 lại “nâng tầm” thành CTCP Tập đoàn Hapaco. Cuối năm 2006, nhà máy giấy Kraft của HAP với công suất 22.000 tấn/năm đã cho ra đời những sản phẩm giấy đầu tiên.

Đây là nhà máy sản xuất giấy xuất khẩu lớn nhất miền Bắc vào thời điểm đó (theo công bố của HAP), lớn thứ 2 cả nước và được TP Hải Phòng đưa vào công trình chào mừng Đại hội Đảng rất hoành tráng.

Nhiều NĐT nghi ngờ về kế hoạch sản xuất giấy và bột giấy của Hapaco với doanh thu 1.200 tỷ đồng/năm.

Nhiều NĐT nghi ngờ về kế hoạch sản xuất giấy
và bột giấy của Hapaco với doanh thu 1.200 tỷ đồng/năm.

Việc công ty bỏ chữ “giấy” trong tên gọi của mình báo hiệu một sự chệch hướng trong hoạt động kinh doanh. Nhân cơ hội từ TTCK, HAP đã góp vốn thành lập CTCK Hải Phòng, Công ty Quản lý quỹ ĐTCK Hải Phòng, Công ty TNHH Đầu tư tài chính Hapaco.

Bạo phát ắt bạo tàn, việc tham gia vội vã vào những ngành nghề vốn không phải là sở trường chỉ đem lại lợi nhuận cho HAP trong thời gian ngắn với đỉnh cao 2007 và sau đó là… rơi tự do. Năm 2008, HAP lỗ gần 70 tỷ đồng, khi đó vốn điều lệ của công ty là 170 tỷ đồng. CTCK Hải Phòng (HPC) cuối năm 2008 có vốn điều lệ 240 tỷ đồng thì cả năm đã lỗ gần 120 tỷ đồng, tương đương 1/2 vốn điều lệ.

Thực tế không chỉ HAP mà rất nhiều doanh nghiệp khác cũng sa đà vào đầu tư chứng khoán và điều này có thể thông cảm vì “thế thời phải thế”, nhưng bước đi của HAP kể từ năm 2009 đến nay là cực kỳ đáng trách.

Ông Vũ Dương Hiền, Chủ tịch HĐQT (cũng có giai đoạn làm tổng giám đốc) của HAP, là một người được đánh giá là rất nhạy bén. Những năm đầu tiên TTCK ra đời, ông là một trong những người tích cực nhất đi vận động các doanh nghiệp lên sàn.

Giai đoạn 2006-2007, ông cũng thường xuất hiện trên truyền thông để nói về định hướng của HAP và HAP cũng rất chủ động công bố KQKD, thậm chí là theo từng tháng. Năm 2009, thay vì tiến hành cắt lỗ, tái cấu trúc các hoạt động đầu tư ngoài ngành, tập trung cho hoạt động kinh doanh chính, HAP lại quyết định chọn mô hình tập đoàn nhằm phát triển cả về chiều rộng lẫn chiều sâu.

Thực ra CTCP Cơ điện lạnh (REE) cũng đã lãnh trái đắng do đầu tư tài chính vào năm 2008, nhưng sang năm 2009 đã quyết định tái cấu trúc mạnh mẽ và đến giờ đã lấy lại vị thế của mình. HAP cũng có đầy đủ các điều kiện để sửa sai, vẫn có hoạt động kinh doanh chính tốt (sản xuất giấy), năm 2009 TTCK hồi phục là cơ hội để cắt lỗ, tái cấu trúc, nhưng rốt cuộc lại không thực hiện.

Đa ngành nghề - cũng chết

Tham vọng phát triển “rộng và sâu” đã đẩy HAP yếu dần theo thời gian. KQKD kém cỏi, vị thế công ty “chìm” dần trong mắt NĐT. Giá CP giảm sút, từ blue chip, trở thành CP tầm trung rồi penny chip và giờ đây là CP “hạng ruồi”.

Việc HAP tăng giảm hiện nay không có nhiều ý nghĩa, diễn biến CP không phụ thuộc vào hoạt động kinh doanh của công ty, còn yếu tố đầu cơ cũng không mạnh, có chăng chỉ là hiệu ứng “nước lên, thuyền lên”, thị trường tăng, thì HAP “hưởng sái” tăng theo.

Cách đây 5 năm, giá của HAP đạt xấp xỉ 9.0, vốn hóa công ty đạt hơn 1.300 tỷ đồng. Cuối tuần qua, HAP đóng cửa tại mức giá 4.500 đồng/CP, bằng 1/20 thời đỉnh cao, tương đương với giá trị vốn hóa 125 tỷ đồng, bằng 1/10 so với giai đoạn cuối năm 2007.

Tổng tài sản của HAP vào đầu năm 2006 chỉ đạt hơn 160 tỷ đồng, nhưng đã tăng gần 5 lần lên hơn 730 tỷ đồng vào cuối năm 2007. Cũng trong giai đoạn này, VN Index tăng gần 4 lần, từ mốc 300 điểm lên 1.100 điểm. Tăng trưởng tài sản của HAP còn tốt hơn cả tăng trưởng của TTCK (về mặt điểm số) là một minh chứng cho thấy công ty đã tận dụng rất tốt cơ hội trên thị trường. Nhưng kể từ cuối năm 2007 đến nay, gần 5 năm trôi qua, giá trị tài sản của HAP không thể gia tăng, trái lại còn bị sụt giảm, tổng tài sản của công ty đến giữa năm nay chỉ còn khoảng 700 tỷ đồng.

Mãi đến năm 2011, HAP mới tiến hành tái cấu trúc, nhưng dường như cũng chỉ nói cho có và chưa thấy có động thái gì rõ nét ngoài việc sáp nhập 2 công ty con vào công ty mẹ.

Công ty đề ra mục tiêu từ nay đến hết năm 2015 sẽ sản xuất giấy và bột giấy với công suất 120.000 tấn/năm, doanh thu 1.200 tỷ đồng/năm. Mặc dù vậy, định hướng phát triển của HAP đến 2015 vẫn với những nội dung như “phấn đấu phát triển HAP thành một công ty hoạt động đa ngành, đa lĩnh vực…” khiến nhiều người băn khoăn.

To tát như vậy, nhưng thực tế những gì HAP đem lại cho cổ đông của mình lại vô cùng ít ỏi. 6 tháng đầu năm 2012, doanh thu công ty chỉ đạt hơn 180 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế vỏn vẹn hơn 4 tỷ đồng, tương ứng mức EPS vỏn vẹn 151 đồng/CP.

Cũng từ đây, nhiều người có lý do nghi ngờ kế hoạch 1.200 tỷ đồng/năm từ sản xuất giấy và bột giấy của công ty. Và câu hỏi tương tự cũng dành cho những dự án “đa ngành, đa nghề” của HAP.

Khó có thể tin rằng một doanh nghiệp có vốn điều lệ chưa đến 300 tỷ đồng, tổng tài sản chưa đến 1.000 tỷ đồng và quan trọng hơn cả là làm ăn chỉ lãi “lèo tèo” vài tỷ đồng có thể triển khai các dự án mà chỉ cần nhẩm tính thôi cũng đủ thấy được vốn đầu tư phải tính bằng con số hàng trăm tỷ đồng, như khu công nghiệp có diện tích 513ha, rồi trung tâm thương mại-cao ốc, văn phòng cho thuê, bệnh viện…

Những thông tin HAP công bố về một số dự án toàn ở mức độ “cơ bản” như “hoàn thành giải phóng mặt bằng”, “hoàn thành thẩm định”…

Với thực trạng như vậy, NĐT nào có thể tin tưởng bỏ vốn để cùng với HAP phát triển dự án, và tất nhiên các quỹ đầu tư và các ngân hàng cũng khó lòng ra tay với một doanh nghiệp có phần “hão huyền” như vậy. Nếu ai đó nói rằng, HAP đang “ăn mày dĩ vãng” cũng không có gì là quá đáng.

Các tin khác