Ứng cứu đồng EURO (Kỳ 1): Nỗ lực chính sách

Đầu tiên là Hy Lạp, rồi đến Ireland, Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha và Italia, đồng tiền chung châu Âu đang đứng trước sức ép lớn từ những núi nợ quốc gia khổng lồ và tác động của cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu. Nỗ lực ứng cứu đồng EUR không chỉ là chuyện của riêng châu Âu, mà còn được xem như một nỗ lực giúp nền kinh tế thế giới vượt qua giai đoạn khó khăn hiện nay.

Đầu tiên là Hy Lạp, rồi đến Ireland, Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha và Italia, đồng tiền chung châu Âu đang đứng trước sức ép lớn từ những núi nợ quốc gia khổng lồ và tác động của cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu. Nỗ lực ứng cứu đồng EUR không chỉ là chuyện của riêng châu Âu, mà còn được xem như một nỗ lực giúp nền kinh tế thế giới vượt qua giai đoạn khó khăn hiện nay.

Trong chuỗi nỗ lực ứng cứu đồng tiền chung, các nhà lãnh đạo châu Âu đã có nhiều phản ứng chính sách, cả tích cực lẫn tiêu cực, nhưng dường như vẫn cách xa đích đến thành công.

EFSF

Ngày 9-5-2010, 27 nước thành viên Liên minh châu Âu (EU) đã đồng ý thành lập Quỹ Bình ổn Tài chính châu Âu (EFSF), một công cụ pháp lý nhằm bảo vệ sự ổn định tài chính ở châu Âu bằng cách trợ giúp tài chính cho những nước thành viên gặp khó khăn.

EFSF có thể phát hành trái phiếu hoặc các loại công cụ nợ khác trên thị trường với sự chống lưng của Cơ quan Quản lý nợ Đức (GDMO) để huy động ngân sách cần thiết cho các nước eurozone vay khi gặp khó khăn về tài chính, cần tái cấp vốn hệ thống ngân hàng hoặc mua nợ công.

Việc phát hành trái phiếu của EFSF được bảo đảm bởi các nước thành viên eurozone theo tỷ lệ góp vốn của họ đối với Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB). EFSF có khả năng cho vay tới 440 tỷ EUR và còn có thể được kết hợp với khả năng cho vay lên đến 60 tỷ EUR của Cơ chế Bình ổn Tài chính châu Âu (EFSM) và 250 tỷ EUR của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) để hình thành một mạng lưới cứu hộ tài chính lên đến 750 tỷ EUR.

Chứng khoán toàn cầu tăng vọt sau khi EU công bố thành lập EFSF. Quỹ này làm giảm mối lo ngại về khả năng lây lan của cuộc khủng hoảng nợ ở Hy Lạp. Điều này đã giúp một số thị trường chứng khoán tăng đạt mức cao nhất 1 năm hoặc hơn.

Đồng EUR tăng chạm mức cao nhất 18 tháng, hàng hóa cũng tăng mạnh. Ngược lại, lợi suất trái phiếu của Hy Lạp giảm mạnh từ trên 10% xuống chỉ hơn 5%. Lợi suất trái phiếu ở châu Á và các nơi khác cũng giảm theo sau bước đi quan trọng này của EU.

EFSF chỉ huy động ngân sách sau khi có một nước thành viên yêu cầu ứng cứu. Tính đến cuối tháng 7-2012, quỹ đã được kích hoạt vài lần. Tháng 11-2010, EFSF giải ngân 17,7 tỷ EUR trong gói ứng cứu 67,5 tỷ EUR cho Ireland.

Tháng 5-2011, quỹ này góp1/3 trong gói ứng cứu 78 tỷ EUR dành cho Bồ Đào Nha. Trong gói ứng cứu thứ 2 cho Hy Lạp, khoản vay được chuyển qua cho EFSF, lên đến 164 tỷ EUR cho đến năm 2014.

Ngày 20-7-2012 các Bộ trưởng Tài chính châu Âu phê chuẩn đợt đầu tiên trong gói ứng cứu trị giá tới 100 tỷ EUR cho các ngân hàng Tây Ban Nha. Tuy nhiên, EFSF sẽ hết hạn vào năm 2013, vì vậy các nước châu Âu phải tìm đến một cơ chế mới.

ESM

Để thay thế quỹ ứng cứu tạm thời EFSF và EFSM, các nhà lãnh đạo đã phê duyệt sự thành lập Cơ chế Bình ổn châu Âu (ESM) từ tháng 7-2012. Tuy nhiên, theo hiệp ước, cơ chế này chỉ chính thức được thành lập nếu các nước thành viên đóng góp được ít nhất 90% yêu cầu vốn của cơ chế.

Điều này được thỏa mãn vào ngày 12-9, sau khi Tòa án Hiến pháp Đức thông qua phương pháp góp vốn cho cơ chế này, giúp cơ chế này nhận được 99% vốn góp từ 16/17 nước thành viên eurozone.

Biếm họa về các nỗ lực ứng cứu đồng EUR của các lãnh đạo EU.

Biếm họa về các nỗ lực ứng cứu đồng EUR của các lãnh đạo EU.

Thành viên duy nhất còn lại, Estonia, chỉ góp 0,19% vốn, cũng hoàn tất việc thông qua ESM vào ngày 4-10. Theo kế hoạch, ESM sẽ chính thức huy động và vận hành từ hôm nay 8-10. 40% ngân sách đầu tiên của ESM sẽ được góp xong trước ngày 23-10, và sẽ trở thành vốn cơ bản của ESM để khởi động các chương trình ứng cứu vào cuối tháng 10. Ước tính ESM sẽ có nguồn ngân sách lên đến 500 tỷ EUR.

Những người chỉ trích lưu ý rằng ESM hạn chế chủ quyền kinh tế của các nước thành viên, trong khi cung cấp quyền lực quá lớn và miễn nhiễm cho Hội đồng Thống đốc ESM, không bị ảnh hưởng của Nghị viện châu Âu. Những cơ quan nghiên cứu như Hội đồng Hưu trí thế giới (WPC) cho rằng ESM chỉ là sản phẩm của những đồng thuận chính trị ngắn hạn, không bền vững, không phải là một giải pháp gắn kết thể chế.

Theo quan điểm của WPC, dựa trên một số điều khoản của Hiệp ước Lisbon, sẽ không tránh khỏi việc Đức (thành viên góp vốn lớn nhất) sẽ gây ảnh hưởng đối với ESM và áp đặt quan điểm của nước họ đối với tài chính và ngân sách, giảm quyền lợi của các nước thành viên khác.

Hiệp ước Tài chính và ECB

Tháng 3-2011, một cải cách về Hiệp ước Ổn định và Tăng trưởng được đề xướng, nhắm tới việc áp dụng các biện pháp trừng phạt tự động đối với những nước vi phạm các quy định kiểm soát nợ và thâm hụt. Cuối năm 2011, Đức, Pháp và một số nước EU khác tiến một bước xa hơn với việc vận động thành lập một liên minh tài chính trên khắp eurozone với những quy định tài chính nghiêm ngặt và được tích hợp vào các hiệp ước của EU.

Ngày 9-12-2011, trong cuộc họp Hội đồng châu Âu, tất cả 17 nước thành viên eurozone và 6 nước muốn tham gia đồng ý với một hiệp ước đa chính phủ, trong đó áp đặt những quy định nghiêm ngặt về chi tiêu và vay mượn, cũng như các hình thức trừng phạt. Tất cả các nước phi eurozone (trừ Anh) đều tỏ ý sẵn sàng gia nhập hiệp ước. Hiệp ước sẽ chính thức có hiệu lực vào ngày 1-1-2013 nếu có ít nhất 12 thành viên eurozone phê chuẩn.

Ngoài các nỗ lực chính sách, các nhà lãnh đạo châu Âu cũng tiến hành nhiều bước đi thông qua ECB để giảm sức ép lên đồng tiền chung. Chẳng hạn, tháng 5-2010, ECB bắt đầu mua các loại nợ của chính phủ và tư nhân, tổng giá trị tới 219,5 tỷ EUR vào tháng 2-2012.

Cùng lúc, ECB phục hồi lại đường dây trao đổi USD với Cục Dự trữ liên bang Hoa Kỳ (FED). Ngày 30-11-2011, ECB, FED và các ngân hàng trung ương của Canada, Nhật Bản, Anh và Thụy Sĩ thống nhất cung cấp thanh khoản cho các thị trường tài chính toàn cầu để giảm bớt tác động của khủng hoảng nợ và thúc đẩy nền kinh tế thực.

Các ngân hàng này đồng ý hạ chi phí trao đổi USD xuống 50 điểm cơ bản từ ngày 5-12-2011, đồng thời sẽ cung cấp cho nhau một lượng thanh khoản đáng kể để bảo đảm các ngân hàng thương mại đủ thanh khoản đối với các loại ngoại tệ chính.

-----------

Kỳ 2: Tìm giải pháp bền vững

Các tin khác