Nông nghiệp-Hướng thoát khủng hoảng (kỳ 2)

Cơn sốt đất nông nghiệp

Cơn sốt đất nông nghiệp

Tháng 5-2010, tờ Observer có trụ sở ở London công bố bản phúc trình về 5 nhà đầu tư lớn đã mua hoặc thuê dài hạn 50,5 triệu ha đất nông nghiệp ở châu Phi. 4 tháng sau, một phúc trình khác của Ngân hàng Thế giới (WB) cho biết từ năm 2006-2009 gần 60 triệu ha đất nông nghiệp ở châu Phi (tương đương diện tích của nước Pháp) đã bị mua hoặc cho thuê dài hạn.

> (Kỳ 1): Lời hiệu triệu của LHQ

227 triệu ha

Đầu năm nay, tổ chức phi lợi nhuận Grain có trụ sở ở Barcelona (Tây Ban Nha) cho biết kể từ năm 2006, các nhà đầu tư nước ngoài đã thực hiện 416 vụ mua và thuê đất với quy mô lớn, mà Grain gọi là “thâu tóm đất” (land grabs), ở 66 nước, trong đó 40% do các công ty nông nghiệp, gần 30% do công ty tài chính và 20% do các chính phủ. Châu Phi là đích ngắm của hầu hết các vụ thâu tóm, nhưng cũng có những vụ thâu tóm đất lớn ở Nam Mỹ, châu Á và châu Âu.

Hàng triệu người châu Phi thiếu đói nhưng đất nông nghiệp lại bị bán cho người nước ngoài và họ bị đuổi ra khỏi đất của tổ tiên để lại.

Hàng triệu người châu Phi thiếu đói nhưng đất nông nghiệp
lại bị bán cho người nước ngoài và họ bị đuổi ra khỏi đất của tổ tiên để lại.

“Những giao dịch này cung cấp một cái nhìn khái quát cho thấy hoạt động nông nghiệp đã mở rộng nhanh chóng đến mức nào kể từ cuộc khủng hoảng lương thực và tài chính năm 2008” - Grain viết trong phúc trình. Nhưng những con số trên vẫn còn khiêm tốn.

Theo Land Matrix, một cơ sở dữ liệu công trực tuyến về các vụ giao dịch đất quy mô lớn toàn cầu, từ năm 2006 đến nay có tới 227 triệu ha đất bị các nhà đầu tư nước ngoài thâu tóm. Diện tích này, theo Bangkok Post, tương đương 1/2 diện tích các nước ASEAN.

Dẫn đầu cuộc chạy đua thâu tóm đất nông nghiệp ở nước ngoài là các công ty nông nghiệp quốc tế, các ngân hàng đầu tư, quỹ đầu tư mạo hiểm, nhà giao dịch hàng hóa, quỹ đầu tư quốc gia cũng như các quỹ hưu trí chủ yếu đến từ Hoa Kỳ và Anh, bên cạnh đó là các nhà đầu tư đến từ các nước giàu tiền mặt như Trung Quốc, Ấn Độ và Saudi Arab. Đích nhắm thường là những nước như Sudan, Kenya, Nigeria, Tanzania, Malawi, Ethiopia, Congo, Zambia, Uganda, Madagascar, Zimbabwe, Mali, Sierra Leone, Ghana...

Các công ty Trung Quốc thâu tóm hơn 3 triệu ha đất nông nghiệp ở các nước châu Phi cho các dự án nông nghiệp. Công ty Đầu tư Jarch Capital có trụ ở ở New York đã thuê 800.000ha ở Sudan.

Các công ty Anh đã mua hàng triệu ha đất ở Angola, Ethiopia, Mozambique, Nigeria và Tanzania để trồng hoa và rau. Các công ty Ấn Độ, được sự hỗ trợ từ chính phủ, cũng thâu tóm hàng triệu ha đất ở Ethiopia, Kenya, Madagascar, Senegal và Mozambique, để trồng lúa, mía, bắp và đậu nhằm cung cấp cho thị trường nội địa. Năm 2009, các công ty Hàn Quốc đã mua 700.000ha đất của Sudan để trồng lúa mì.

Các tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) mua 750.000ha đất ở nước ngoài. Năm 2008, Công ty Foras của Saudi lên kế hoạch chi 1 tỷ USD để mua đất ở nước ngoài nhằm cung cấp 7 triệu tấn gạo mỗi năm cho thị trường trong nước. Những nước được nhắm đến là Mali, Senegal, Sudan và Uganda. Mới đây nhất, Kuwait bỏ 20 triệu USD để đầu tư vào 4.500ha đất trồng lúa ở Lào.

Mừng hay lo?

Black Sea Agriculture, một công ty đầu tư nông nghiệp, cho biết đạt lợi nhuận 635% trong năm 2010, hơn 2 lần so với đầu tư vào vàng hay chứng khoán, và gấp 6 lần đầu tư bất động sản. “Đất nông nghiệp ở Hạ Sahara mang lại lợi nhuận 25%/năm và công nghệ mới có thể tăng gấp 3 vụ mùa ở đó trong thời gian ngắn” - theo Susan Payne, CEO của Emergent Asset Management, một quỹ đầu tư ở Anh đã có kế hoạch đầu tư 50 triệu USD thâu tóm đất châu Phi. “Phát triển nông nghiệp (ở châu Phi) là tương lai của chúng ta.

Nếu không tìm cách tăng sản lượng lên 50% trước năm 2050, chúng ta sẽ bị thiếu lương thực nghiêm trọng trên toàn cầu”. Đầu tư nông nghiệp rõ ràng sẽ mang lại nhiều lợi ích cho các doanh nghiệp và nước thâu tóm, nhưng đồng thời mang đến những lo ngại cho các nước mục tiêu.

Tại Ethiopia, nơi có hơn 13 triệu người sống bằng trợ cấp lương thực, chính phủ đã bán hoặc cho thuê ít nhất 3 triệu ha đất màu mỡ nhất cho các nhà đầu tư nước ngoài. Chính quyền Ethiopia đã thông qua 815 dự án đầu tư nông nghiệp nước ngoài từ năm 2007-2010 và tất cả đất nông nghiệp nhà đầu tư không mua được đều đang được cho thuê lại với giá xấp xỉ 1USD/ha/năm.

Tuy nhiên, Chính phủ Ethiopia phủ nhận việc cho thuê và bán đất làm gia tăng nạn đói, cho rằng việc này giúp đất nước thu hút hàng triệu USD FDI và tạo ra hàng chục ngàn việc làm. “Ethiopia có tới 74 triệu ha đất nông nghiệp, trong đó chỉ có 15% đang được cày cấy. Các nhà đầu tư không bao giờ được giao đất đã thuộc về nông dân. Trong khi nông dân được học tập công nghệ mới, được cung cấp việc làm và đào tạo” - một phát ngôn viên của Chính phủ Ethiopia nói.

Thâu tóm đất nông nghiệp còn giúp các nhà đầu tư tiếp cận được một nguồn nước khổng lồ. Nghiên cứu của 2 học giả thuộc Đại học Manchester kết luận: “Khan hiếm nước là một trong những động lực chính đàng sau cơn sốt đất nông nghiệp toàn cầu. Khan hiếm nước tưới tiêu là vấn đề ngày càng nghiêm trọng ở các nền kinh tế phát triển quá nhanh như Trung Quốc và Ấn Độ, hay tại những nơi nguồn nước khan hiếm như Vùng Vịnh”.

Nhưng đây cũng là một nguồn xung đột. Chẳng hạn, lượng nước dùng để tưới cho các cánh đồng bắp tại Ethiopia hay Sudan ở thượng nguồn sông Nile sẽ không thể xuôi dòng xuống Ai Cập, làm tăng thêm sự phức tạp của chính trị nước ở sông Nile thông qua việc kéo thêm nhiều nước mới vào bàn đàm phán của Ai Cập.

------------

Kỳ 3: Phát triển cân bằng

Các tin khác