Những vụ án kinh tế chấn động (Kỳ 4)

Hối lộ in tiền polymer

Hối lộ in tiền polymer

Tiền polymer là phát minh độc quyền của Australia. Để cổ súy việc sử dụng loại chất liệu in tiền mới mẻ này ra khắp thế giới, 2 công ty “con cháu” của Ngân hàng Trung ương Australia (RBA) là Securency International Pty Limited (Securency) và Note Printing Australia (NBA) đã chi hàng chục triệu USD cho các quan chức và nhà môi giới nước ngoài để đổi lại các hợp đồng in tiền.

> Những vụ án kinh tế chấn động (Kỳ 3)

> Những vụ án kinh tế chấn động (kỳ 2)

> Những vụ án kinh tế chấn động (kỳ 1)

Vụ án quốc tế

Cho đến nay, đã xuất hiện những cáo buộc đưa hối lộ “chạy hợp đồng” in tiền polymer ở các nước như Nigeria, Malaysia, Indonesia, Ấn Độ và Việt Nam. Bê bối hối lộ in tiền polymer thu hút sự chú ý của công luận thế giới sau khi cảnh sát Australia cho biết điều tra của họ đã phát hiện Securency đã chi hàng triệu USD cho 2 thương nhân người Anh là Berry và Harding, có quan hệ mật thiết với các nhà chính trị cao cấp ở Nigeria.

Theo sau điều tra của cảnh sát Australia, báo chí Nigeria cáo buộc cựu Thống đốc Ngân hàng Trung ương Nigeria (CBN) Chukwuma Soludo nằm trong số những quan chức tình nghi đã nhận 1 triệu USD tiền hối lộ của Securency qua Berry và Harding năm 2006.

Trước sức ép của công luận, tháng 10-2009, Quốc hội Nigeria tuyên bố bắt tay điều tra những cáo buộc này.

Bê bối hối lộ tiếp tục lan rộng ra các nước khác. Giữa năm 2010, Ủy ban Bài trừ tham nhũng Indonesia (KPK), công bố việc điều tra các quan chức Ngân hàng Trung ương Indonesia (BI) đã nhận ít nhất 1,3 triệu USD tiền hối lộ từ Securency vào năm 1999 để xúc tiến việc lưu hành tiền polymer ở nước này.

Việc đưa hối lộ tại Indonesia được thực hiện thông qua người môi giới Radius Christanto, một doanh nhân Indonesia. Theo đó, Radius đã hối lộ 1,3 triệu USD cho các quan chức BI để nhận được hợp đồng trị giá 50 triệu USD về việc in 500 triệu tờ 100.000 rupiah.

Tại Ấn Độ, một người môi giới tên Aditya Khanna bị cáo buộc đã đưa hối lộ thay mặt Securency để giành được hợp đồng in tiền polymer tại đó. Tháng 10-2010, Ủy ban Chống tham nhũng Malaysia cho biết đã bắt giam 3 người vì tình nghi có dính líu đến scandal hối lộ tiền polymer, trong đó có (cựu) Phó Thống đốc Ngân hàng Trung ương Malaysia.

Trước đó, 2 người khác đã bị bắt tại Anh sau khi cảnh sát Australia, Anh và Tây Ban Nha thực hiện những cuộc điều tra nhắm vào hoạt động đưa hối lộ tại Securency (xem ĐTTC ra ngày 3-3-2011).

Liên quan Việt Nam

Trong số báo ngày 24-1-2011, tờ The Age ở Melbourne (Australia), dẫn lời “các nguồn hợp pháp” khẳng định Securency chi hàng chục ngàn USD cho việc theo học tại Đại học Durham (Anh) của một cựu quan chức cao cấp thuộc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.

Các nguồn tin của The Age cho rằng số tiền trên được trích từ một “quỹ hoa hồng” khoảng 14,95 triệu USD (15 triệu AUD) được Securency trả cho một người môi giới tại Việt Nam để giúp họ giành được hợp đồng cung cấp nguyên liệu in tiền polymer với Ngân hàng Nhà nước. Tin tức này cũng được đăng tải trên tờ Financial Times của Anh ngày 26-1.

Một bị cáo vụ hối lộ in tiền polymer rời tòa án Melbourne ngày 1-7-2011. (Ảnh: AFP)

Một bị cáo vụ hối lộ in tiền polymer rời tòa án Melbourne ngày 1-7-2011. (Ảnh: AFP)

Ngày 20-9-2011, nguyên Phó Chủ tịch Securency đã phải hầu tòa ở London (Anh) với cáo buộc hình sự đã đưa hối lộ cho ông Lê Đức Thúy khi ông này còn là Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam. Một thông cáo từ Cơ quan Điều tra chống lừa đảo nghiêm trọng của Anh (SFO) cho biết ông William Lowther (hay Bill Lowther), 71 tuổi ở Carlisle, England (Anh), bị cáo buộc âm mưu hối lộ ông Lê Đức Thúy bằng cách giúp con trai ông Thúy được đi nghiên cứu cao học ở một đại học tại Anh, cũng như đài thọ chi phí ăn học cho người này.

Cụ thể, cáo buộc nói ông Lowther đã trả 18.000 bảng tiền học phí và 3.400 bảng cho chi phí sinh hoạt, cũng như cung cấp dịch vụ xe đưa rước và miễn phí khách sạn khi Lê Đức Minh, con trai ông Thúy, qua phỏng vấn nhập học tại Anh trong 2 ngày. Để đổi lại, tờ The Age cho biết ông Thúy đã dành một hợp đồng lớn cho Securency, thông qua việc chuyển đổi hệ thống tiền giấy ở Việt Nam sang tiền polymer.

Ông Lowther là cựu quan chức Hội đồng Quản trị Securency đầu tiên bị ra tòa với cáo buộc hình sự liên quan đến vụ tham nhũng in tiền polymer trên toàn cầu (xem ĐTTC số ngày 22-9-2011). Tuy nhiên, trong phiên tòa diễn ra vào ngày 9-3 vừa qua, ông Lowther phủ nhận mọi cáo buộc. Phiên tòa kế tiếp về vụ án của ông Lowther sẽ diễn ra trong tháng tới.

Mới đây, 2 nhà báo Nick McKenzie và Richard Baker của The Age, những người có công lớn trong việc phanh phui vụ bê bối hối lộ in tiền polymer, lại tiếp tục đưa ra một số tình tiết mới liên quan đến vụ đút lót các quan chức Việt Nam.

“Những bằng chứng mới được tiết lộ cho thấy một quan chức cấp cao của Đại sứ quán Australia tại Việt Nam là Elizabeth Masamune, đại diện của Austrade tại Việt Nam, đã không chỉ khuyến khích Securency trả tiền cho người môi giới ở Việt Nam, mà chính bản thân bà ta còn có quan hệ tình cảm với người này. Và quan hệ này đã đặt ra rất nhiều câu hỏi nghi ngờ” - McKenzie nói.

Sự im lặng đáng ngờ

Ngày 15-8, phiên tòa xét xử 8 cựu lãnh đạo 2 công ty thuộc RBA về nghi án hối lộ polymer tiếp tục diễn ra tại thành phố Melbourne. Phiên tòa dự kiến kéo dài khoảng 2 tháng. Trước đó, cựu Giám đốc Tài chính của Securency là David John Ellery thừa nhận “tính sai sổ sách”.

Ông Ellery không thuộc nhóm 8 bị cáo nói trên và cam kết sẽ ra tòa làm chứng. Nhờ biểu hiện hợp tác này, ông Ellery được miễn 6 tháng án tù giam, đổi thành 2 năm tù treo. Cũng liên quan đến vụ việc, cảnh sát đã thẩm vấn bà Elizabeth Masamune.

Các nguồn tin ngoại giao xác nhận bà Masamune giao du thân mật với người môi giới ở Việt Nam, đồng thời khuyến khích Securency chi cho ông này những khoản tiền lớn để trả công đã “giúp đỡ” công ty thắng hợp đồng in tiền.

Tuy nhiên, cho đến nay chính phủ Australia vẫn từ chối thực hiện các cuộc điều tra quan chức Australia phục vụ Đại sứ quán Australia ở Việt Nam liên quan đến những cáo buộc thu xếp cho các vụ hối lộ nghiêm trọng xảy ra.

(Còn tiếp)

Các tin khác