Những vụ án kinh tế chấn động (Kỳ 3)

Tham nhũng đường sắt Trung Quốc

Tham nhũng đường sắt Trung Quốc

Năm 2008, Trung Quốc tăng gấp đôi ngân sách xây dựng đường sắt, từ 26,2 tỷ USD năm 2007 lên 49,4 tỷ USD. Năm 2009, con số này lại nhảy vọt lên 88 tỷ USD. Nhờ nguồn ngân sách khổng lồ, ngành đường sắt Trung Quốc đạt được những thành tựu vượt bậc, trở thành nước có hệ thống đường sắt cao tốc dài nhất thế giới, tàu đạt kỷ lục thế giới với vận tốc 486km/giờ.

> Những vụ án kinh tế chấn động (kỳ 2)

> Những vụ án kinh tế chấn động (kỳ 1)

Những tai nạn kinh hoàng

Tuy nhiên, niềm tự hào của người Trung Quốc về ngành đường sắt không kéo dài được lâu. Sự phát triển quá nhanh đã khiến ngành đường sắt nước này gánh chịu những hệ quả nghiêm trọng. Ngày 28-4-2008, cả thế giới chấn động trước tin một vụ đụng tàu xảy ra giữa Vương Thôn và Chu Thôn, gần Truy Bác, tỉnh Sơn Đông, Trung Quốc làm thiệt mạng 72 người và bị thương 416 người.

Nguyên nhân ban đầu được cho do lái tàu đã chạy vượt xa giới hạn tốc độ của đoạn đường sắt. Đoạn này là tuyến tạm và giới hạn tốc độ 80km/giờ nhưng tàu T195 đã chạy với tốc độ 131km/giờ. Tuy nhiên, tờ Quang Minh Nhật báo (Guangming Daily) của Trung Quốc đặt vấn đề “lỗ hổng trong quản lý của Cục Đường sắt Tế Nam”, vì cũng một tuyến đường sắt này đã phát sinh tới 2 tai nạn gây chết người chỉ trong vòng 4 tháng.

Trước đó, ngày 23-1-2008, tuyến đường sắt này xảy ra một vụ tai nạn khiến 18 người chết và 9 người bị thương. Tờ Financial Times phiên bản tiếng Hoa lại cho rằng có thể việc thiếu ngân sách là một trong những nguyên nhân gây ra tai nạn. Ngày 26-5-2009, Quốc hội Trung Quốc công bố kết quả điều tra. Theo đó, 37 người bị phát hiện có trách nhiệm trong vụ tai nạn.

Phó Giám đốc Cục Đường sắt Tế Nam và 6 người khác bị truy tố trách nhiệm hình sự, 31 người còn lại bị kỷ luật đảng và kỷ luật hành chính. Trong đó, Giám đốc và Bí thư Đảng ủy Cục Đường sắt Tế Nam là 2 ông Trần Công Hành và Củi Thiết Dân bị bãi chức.

3 năm sau, ngày 23-7-2011, một vụ tai nạn đường sắt kinh hoàng khác lại xảy ra khi 2 tàu cao tốc đâm vào nhau ở quận Lộc Thành, Ôn Châu, tỉnh Chiết Giang. Nguyên nhân được xác định do tàu cao tốc D3115 bị sét đánh, mất điện phải dừng đột ngột trên đường ray Shuangyu và bị tàu D301 chạy hướng Bắc Kinh - Phúc Châu đâm vào phía sau.

Điều khiến người ta giận dữ là tại sao lái tàu D301 không được thông báo về việc tàu D3115 phải dừng đột ngột. Theo các phương tiện truyền thông nhà nước Trung Quốc, có 40 trường hợp tử vong và ít nhất 192 người phải nhập viện, trong đó 12 người bị thương nặng.

Vụ tai nạn đã có ảnh hưởng lớn đến chương trình đường sắt cao tốc của Trung Quốc. Ngày 10-8-2011, Chính phủ tuyên bố ngừng cấp phép tất cả các dự án đường sắt cao tốc đang chờ phê duyệt. Bộ Đường sắt hạ tốc độ tàu cao tốc xuống. Giá vé tàu cao tốc giảm 5%.

Tháng 11-2011, tờ Tin tức Bắc Kinh đưa tin một cuộc điều tra của chính phủ cho thấy tai nạn là hậu quả từ “sự quản lý yếu kém của ngành đường sắt địa phương”. Dựa trên điều tra này, ngày 28-12, Quốc hội Trung Quốc đưa ra danh sách kỷ luật 54 quan chức chịu trách nhiệm trong vụ tai nạn.

Tham nhũng nghiêm trọng

Những người chỉ trích tin rằng tình trạng tham nhũng, bòn rút ngân sách dự án và quản lý là một trong những nguyên nhân sâu xa dẫn đến các vụ tai nạn kinh hoàng của ngành đường sắt Trung Quốc những năm gần đây. Tháng 2-2011, (cựu) Bộ trưởng Đường sắt Lưu Chí Quân đã bị sa thải vì cáo buộc tham nhũng.

Ông Lưu được xem là “cha đẻ” đường sắt cao tốc Trung Quốc, vì ông chính là người thúc đẩy sự phát triển bùng nổ về đường sắt cao tốc ở nước này. Chính vì những nỗ lực đó ông còn được gọi là “Lưu Đại Vượt qua”.

Theo tờ Người quan sát Kinh tế Trung Quốc (EO), Ủy ban Trung ương Đảng về Điều tra và Kỷ luật quyết định bãi chức của ông Lưu vì “những sai phạm kỷ luật nghiêm trọng” và có liên quan đến 2 cuộc điều tra khác với những cá nhân có liên đới với ngành đường sắt Trung Quốc.

Biếm họa về tham nhũng đường sắt Trung Quốc (Nguồn: Hoàn Cầu).

Biếm họa về tham nhũng đường sắt Trung Quốc (Nguồn: Hoàn Cầu).

Người thứ nhất là nữ doanh nhân Đinh Thư Miêu ở Sơn Tây. Thanh tra của Bộ Đường sắt nói ông Lưu đã giúp bà Đinh đạt được hợp đồng trị giá 472,81 triệu USD, với khoản lại quả ít nhất 1,57 triệu USD.

Người thứ 2 là La Kim Bảo, cựu Chủ tịch 2 công ty China Railway Container Transport Corp. Ltd. (CRCT) và China Railway Tielong Container Logistics Co., Ltd.. Điều tra cho thấy tình trạng tham nhũng nghiêm trọng trong lĩnh vực đường sắt cao tốc, với số tiền lên đến 1,57 tỷ USD và liên quan tới nhiều công ty đang niêm yết.

Theo cáo buộc, ông Lưu đã nhận lại quả khoảng 126 triệu USD để ký những hợp đồng mở rộng đường sắt cao tốc với các công ty thầu.

Các tờ báo trong nước và Đài Loan cũng đưa tin về lối sống phi đạo đức của Lưu, trong đó có việc nuôi tới 18 tình nhân và tuyên bố có bằng thạc sĩ nhưng thực tế chỉ học hết trung học cơ sở. Đầu năm nay, ông Lưu bị khai trừ khỏi đảng Cộng sản Trung Quốc.

Trước đó, năm 2006, em của Lưu Chí Quân là Lưu Chí Tường, lúc đó là Cục trưởng Cục Đường sắt Vũ Hán, đã bị tuyên án tử hình (nhưng hoãn thi hành) sau khi tòa án Hồ Bắc kết luận ông này đã thuê người giết một người tố ông tham nhũng.

Chí Tường còn bị buộc tội nhận hối lộ và biển thủ công quỹ với số tiền lên đến 5 triệu USD trong vòng 9 năm tại vị. Một quan chức đường sắt khác là Trương Thự Quang, Phó Chánh kỹ sư Đường sắt, cũng bị bắt giữ vào tháng 2-2011 với cáo buộc tham nhũng.

Theo Đài truyền hình Trung ương CCTV, ông Trương có 2,8 tỷ USD trong tài khoản ngân hàng ở nước ngoài và đã nhận hối lộ khoảng 157,6 triệu USD.

Mới đây, tờ Hoàn Cầu của Trung Quốc cuối tháng 7 đưa tin dư luận nước này đang giận dữ sau khi biết Bộ Đường sắt chi tới 2,91 triệu USD cho một đoạn phim dài chỉ 5 phút có nội dung hô hào cổ súy cho việc mở rộng hệ thống đường sắt cao tốc. Điều tra cho biết có đến 1,1 triệu USD trong số tiền trên được dùng để hối lộ các quan chức Bộ Đường sắt.

(Còn tiếp)

Các tin khác