Phục hồi nền kinh tế thực

Tái cấu trúc TTCK là yêu cầu cấp bách đặt ra trong bối cảnh hiện nay, giúp kênh huy động vốn quan trọng này lành mạnh, minh bạch, tiếp cận được thông lệ quốc tế. Tuy nhiên, để làm được điều này phải dựa trên sự phục hồi của nền kinh tế thực cũng như thị trường tài chính vi mô.

Tái cấu trúc TTCK là yêu cầu cấp bách đặt ra trong bối cảnh hiện nay, giúp kênh huy động vốn quan trọng này lành mạnh, minh bạch, tiếp cận được thông lệ quốc tế. Tuy nhiên, để làm được điều này phải dựa trên sự phục hồi của nền kinh tế thực cũng như thị trường tài chính vi mô.

Nhiều hạn chế

Phục hồi nền kinh tế thực ảnh 1

TTCK nước ta đang tồn tại một số bất cập lớn. Đó là quyền hạn của Ủy ban Chứng khoán nhà nước (UBCKNN) còn hạn chế. Hiện nay chưa có văn bản chính thức nào về quy chế quản trị của công ty Việt Nam cho tất cả công ty đại chúng và giám sát các quy chế này một cách chặt chẽ.

Sự chậm trễ này dẫn đến sự thiếu minh bạch trong báo cáo tài chính, chất lượng các báo cáo tài chính chưa cao, số liệu báo cáo chưa phản ánh chính xác thực trạng của doanh nghiệp, thậm chí nộp chậm so với thời hạn.

Có tình trạng cổ đông lớn thường xuyên giao dịch hàng chục tỷ đến hàng trăm tỷ đồng không công bố thông tin nhưng chỉ chịu những mức phạt từ vài chục đến trăm triệu đồng… chưa đủ mạnh để mang tính chất răng đe.

Cơ chế giao dịch của TTCK Việt Nam trong 12 năm qua dù đã có nhiều tiến bộ, cải thiện nhưng vẫn chưa được như mong muốn. Đơn cử, thủ tục để tham gia giao dịch còn nhiêu khuê, đặc biệt những thủ tục dành cho nhà đầu tư nước ngoài như cơ chế mua bán, sản phẩm liên quan đến thị trường giao dịch.

Theo đó, nhà đầu tư nước ngoài muốn mở tài khoản ở Việt Nam phải mất khoảng 2 tháng với khá nhiều giấy tờ phải ký. Thậm chí biên độ giao dịch nhỏ làm thị trường trở nên kém hấp dẫn, dẫn đến những trì trệ không đáng có.

Tình trạng ở thời điểm nào đó thị trường tăng lên chẳng ai bán, thị trường xuống chẳng ai mua, đang góp phần làm giảm sự hấp dẫn và tính thanh khoản của thị trường. Ngoài ra, vấn đề bảo vệ nhà đầu tư nhỏ lẻ vẫn có nhiều hạn chế.

Thêm vào đó là giới hạn về sở hữu nhà đầu tư nước ngoài. Ở nhiều nước trên thế giới nếu thị trường không cho nhà đầu tư nước ngoài sở hữu 100% vốn công ty ngoại, họ sẽ có những biện pháp khác để nhà đầu tư ngoại tham gia sâu vào thị trường, thí dụ như mở sàn giao dịch dành riêng cho nhà đầu tư nước ngoài…

Kỳ vọng Nghị định 58

Chính phủ đã ban hành Nghị định 58 quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Chứng khoán và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Chứng khoán. Dù còn chờ hướng dẫn chi tiết của các bộ, ngành có liên quan nhưng có thể thấy Nghị định 58 đã có nền tảng đầy đủ để góp phần phục vụ mục tiêu tái cấu trúc TTCK.

Có thể sau Nghị định 58 hy vọng quy chế quản trị công ty sẽ ra đời, bao hàm tất cả chuẩn mực về công bố thông tin các giao dịch của các bên liên quan, lợi ích liên quan những thành viên điều hành trong công ty…

Nước ta hiện nay có hơn 700 công ty niêm yết nhưng có hơn 105 công ty chứng khoán, 47 công ty quản lý quỹ, 23 quỹ đầu tư chứng khoán và 29 văn phòng đại diện. So với nhiều nước châu Á chỉ khoảng 30 CTCK với khối lượng giao dịch cả năm khoảng 150-200 tỷ USD, 105 CTCK nước ta giao dịch chỉ 15-20 tỷ USD. Điều này cho thấy tái cấu trúc TTCK là vấn đề cấp thiết đang đặt ra. Theo đó Việt Nam chỉ cần khoảng 25-30 CTCK thực sự mạnh.

Trong đó, Nghị định 58 nâng chuẩn niêm yết cho sàn giao dịch chứng khoán TPHCM và Hà Nội, tránh tình trạng hơn 700 công ty niêm yết có khoảng 300-400 công ty không khớp lệnh.

Tuy nhiên, chuẩn niêm yết chỉ là điểm khởi đầu, quan trọng nhất để bảo đảm chất lượng hàng hóa vẫn là quy chế quản trị công ty, theo dõi công ty từ lúc lên niêm yết đến công bố thông tin…

 Trong đó, quy chế quản trị công ty phải là một văn bản có tính chế tài cao, bởi nhà đầu tư sẽ tin tưởng vào những gì công ty đại chúng công bố, chứ không thể biết hết những gì xảy ra trong nội bộ công ty. Đây là điều cần thiết, công bằng và là nền tảng để bảo đảm chất lượng hàng hóa trên TTCK.

Một điểm đáng chú ý khác là Nghị định 58 quy định công ty niêm yết có 20% cổ phần sở hữu của 300 nhà đầu tư ngoài công ty. Tuy nhiên, không có quy định doanh nghiệp nhà nước cần bao nhiêu % sở hữu ngoài công ty để niêm yết.

Thực tế hiện nay nhiều công ty chỉ có khoảng 2-3% cổ phần hóa nhưng niêm yết 100%. Vì vậy, cần phải có lộ trình để các doanh nghiệp nhà nước niêm yết thêm 25-30% để tăng lượng cổ phiếu trên thị trường. Đồng thời, rất nhiều công ty đã là công ty đại chúng 5-6 năm, đã thỏa mãn các điều kiện niêm yết nhưng vẫn không bị bắt buộc phải niêm yết. Cần phải có những chế tài với các công ty này.

Thách thức nền kinh tế thực

Có thể thấy, việc sàn lọc các doanh nghiệp trên TTCK và tái cấu trúc TTCK sẽ tạo ra môi trường hoạt động trở nên minh bạch hơn, tinh tế hơn, nhưng không có nghĩa làm cho TTCK có thể tăng lên được.  Để TTCK tăng trưởng phải có cơ sở thực tiễn, đó là sự phục hồi vững chắc của nền kinh tế thực, tránh tình trạng TTCK đang “bay bằng một cánh” như hiện nay.

Nền kinh tế nước ta đang tăng trưởng dựa chủ yếu vào đầu tư ngân sách và đầu tư trực tiếp nước ngoài. Hai khoảng đầu tư này mỗi tháng bơm vào nền kinh tế khoảng 40.000 tỷ đồng. Trong khi tín dụng tăng gần 0%, tức đầu tư của khu vực tư nhân nội địa rất thấp.

Từ nay đến cuối năm nếu tín dụng tăng (như dự kiến của NHNN) 8-10%, có nghĩa tăng 1,5%/tháng, tương đương 40.000 tỷ đồng/tháng, cộng với 40.000 tỷ đồng của đầu tư nước ngoài và đầu tư ngân sách, sẽ có khoảng 80.000 tỷ đồng bơm vào nền kinh tế.

Theo đó, 6 tháng cuối năm là 480.000 tỷ đồng, tương đương 33% GDP. Như vậy có thể đạt được tốc độ tăng trưởng 5-5,5% cả năm. Đây là tốc độ tăng trưởng thấp nhất trong nhiều năm gần đây. Điều này có thể đi đến dự báo TTCK trong năm 2012 sẽ chưa có những đột phá. .

Tăng trưởng của TTCK Việt Nam phụ thuộc rất lớn vào mua ròng của nhà đầu tư nước ngoài và làm thế nào để thu hút họ vào TTCK cũng là một câu chuyện dài.

Thứ nhất, mở room đầu tư nước ngoài phải có mã hàng hóa lớn phù hợp với đầu tư của tập đoàn tài chính lớn. Nếu như vậy phải đẩy nhanh cổ phần hóa và thoái vốn của doanh nghiệp nhà nước. Hai vấn đề này hiện đang gặp khó khăn bởi chính sự trì trệ của TTCK.

Thí dụ, những doanh nghiệp làm ăn có lời như Vinamilk chẳng ai dại gì thoái vốn, còn những hàng hóa cổ phiếu đang lỗ so với mệnh giá thoái vốn ai sẽ chịu trách nhiệm với những thất thoát ấy, nên các doanh nghiệp nhà nước rất ngại chuyện thoái vốn.

Điều này đặt ra bài toán về việc mở room cho nhà đầu tư nước ngoài có lựa chọn. Ngoài ra, chương trình tái cấu trúc kinh tế Việt Nam đến giờ phút này không có lộ trình rõ ràng, không biết đến thời điểm nào đạt kết quả, cộng với những trở ngại khác về môi trường kinh doanh và thủ tục hành chính khiến cho các nhà đầu tư nước ngoài không quan tâm lắm đến TTCK Việt Nam.

Các tin khác