Bất thường dự án Goldenwood Home

Để hiện thực hóa ý tưởng xây dựng một nơi lưu trú lý tưởng dành cho người già, bà Huỳnh Thị Thu Hà, Chủ tịch hội đồng sáng lập Công ty Chăm sóc người cao tuổi quốc tế, đã kêu gọi người quen, bạn bè và thân nhân góp vốn vào dự án Khu nghỉ dưỡng chăm sóc người cao tuổi quốc tế (Goldenwood Home) tại xã Phước Thuận, huyện Xuyên Mộc, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu. Tuy nhiên, chỉ trong thời gian ngắn, nhiều cổ đông đã quyết định rút vốn.

Để hiện thực hóa ý tưởng xây dựng một nơi lưu trú lý tưởng dành cho người già, bà Huỳnh Thị Thu Hà, Chủ tịch hội đồng sáng lập Công ty Chăm sóc người cao tuổi quốc tế, đã kêu gọi người quen, bạn bè và thân nhân góp vốn vào dự án Khu nghỉ dưỡng chăm sóc người cao tuổi quốc tế (Goldenwood Home) tại xã Phước Thuận, huyện Xuyên Mộc, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu. Tuy nhiên, chỉ trong thời gian ngắn, nhiều cổ đông đã quyết định rút vốn.

Có dấu hiệu chiếm dụng vốn

Theo tìm hiểu của ĐTTC, với quy mô dự án khoảng 41ha, Goldenwood Home hướng đến xây dựng một khu du lịch, nghỉ dưỡng đáp ứng đầy đủ các dịch vụ cao cấp, tiện nghi như: khu nhà ở phục vụ khách nghỉ dưỡng với khách sạn, bungalow, biệt thự, khu văn phòng, nhà hàng chay, phòng y tế, quầy bán quà lưu niệm, sân tennis, hồ bơi, rừng cảnh quan…

Dự án chăm sóc người già có quy mô 41ha hiện vẫn là khu rừng âm u. Ảnh: THANH VY

Dự án chăm sóc người già có quy mô 41ha hiện vẫn là khu rừng âm u. Ảnh: THANH VY

Đối tượng khách hàng chính là người cao tuổi có điều kiện kinh tế và chuyên gia đang làm việc tại TPHCM và Bà Rịa - Vũng Tàu.

Qua thông tin quảng bá của chủ đầu tư, triển vọng dự án rất sáng sủa bởi nó được liên doanh của 5 nước: Hàn Quốc, Nhật Bản, Pháp, Thụy Sĩ và Việt Nam (mỗi nước góp 2 triệu USD, Việt Nam góp vốn bằng giá trị đất). Hấp dẫn hơn, cổ đông công ty còn có sự hiện diện của nhiều cán bộ cấp cao, lãnh đạo doanh nghiệp có tên tuổi.

Bà Trần Thị Tường Vân (TPHCM), một trong số các cổ đông sáng lập của CTCP Tư vấn đầu tư và chăm sóc Người cao tuổi quốc tế, cho biết: “Từ tháng 6-2009 đến tháng 11-2010, gia đình tôi đã góp số tiền 170.000USD. Mặc dù dự án được bà Thu Hà quảng bá rất hoành tráng, tuy nhiên tôi phát hiện hoàn toàn không có đối tác nước ngoài hay cán bộ cấp cao nào góp vốn.

Trớ trêu nữa là công ty hoạt động hơn 4 năm, hơn 45 cổ đông nhưng không thành lập ban kiểm soát. Nhiều cổ đông thắc mắc, bà Thu Hà viện đủ lý do trì hoãn họp đại hội cổ đông để tránh phải công khai việc thu/chi tài chính. Khi tôi đề nghị minh bạch việc quản lý và sử dụng vốn, bà Thu Hà tìm lý do đuổi tôi ra khỏi công ty và chiếm dụng luôn vốn góp. Hiện số tiền bà Thu Hà còn chiếm dụng của tôi hơn 100.000USD”.

Trước tình trạng quản lý tài chính nhập nhèm, nhiều cổ đông đã chủ động rút vốn. Ông Nguyễn Thế An, một cổ đông, bức xúc: “Đây là dự án do nhiều cổ đông tham gia nhưng bà Thu Hà sử dụng vốn thiếu minh bạch. Bà Thu Hà còn tự ý lập danh sách thành lập HĐQT, chỉ định ủy viên HĐQT không thông qua đại hội cổ đông.

Vốn do cổ đông đóng góp bị bà Thu Hà tự ý chi dùng hết không thông qua biểu quyết tập thể. Trong khi công ty chưa trả tiền cho những cổ đông thoái vốn, lãnh đạo đã tự ý loại bỏ họ ra khỏi danh sách cổ đông và liên tục thất hứa trả cổ phần”.

 Ngõ cụt

Theo tiến độ dự án, lẽ ra hiện nay chủ đầu tư phải triển khai xây dựng giai đoạn 2, bao gồm các hạng mục như: bungalow, nhà hàng, đường giao thông, sân thể thao, spa, thiền ngoài trời, công trình y tế, thư viện, hội nghị, kho bãi, hồ bơi, khu tập yoga…

Trong khi đó, ghi nhận thực tế của ĐTTC tại dự án ngày 2-8, Khu dưỡng lão quốc tế đến thời điểm này vẫn là khu rừng âm u. Trao đổi với ĐTTC, ông Nguyễn Minh Thông, Phó Giám đốc Sở Kế hoạch - Đầu tư tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, thừa nhận sở vẫn chưa biết dự án đã khởi công hay chưa.

Tuy nhiên, ông cho biết đây là dự án nằm trong khu vực rừng phòng hộ nên thủ tục cấp phép gặp một số khó khăn. Hiện nay, về cơ bản dự án đã có hợp đồng thuê đất, giấy chứng nhận đầu tư, giấy phép xây dựng, phê duyệt quy hoạch chi tiết 1/500 cuối năm 2010… Vấn đề còn lại là chủ đầu tư triển khai theo tiến độ cam kết.

Ông Thông cho biết thêm ngày 29-5, chủ đầu tư có gửi công văn đề nghị điều chỉnh giấy chứng nhận đầu tư, trong đó chủ yếu đề cập điều chỉnh tổng mức đầu tư từ 238 tỷ đồng lên hơn 387 tỷ đồng. Theo quy trình, khi dự án có sự điều chỉnh, chủ đầu tư phải nộp hồ sơ xin điều chỉnh. Hơn nữa, là CTCP, khi có sự điều chỉnh phải có nghị quyết của HĐQT, biên bản cuộc họp.

Ở đây chủ đầu tư chỉ gửi một công văn xin điều chỉnh tổng mức đầu tư, căn cứ quyết định của tổng giám đốc là chưa có cơ sở. Mặt khác, xuất phát từ tranh chấp nội bộ, chúng tôi sẽ cẩn trọng trong việc thẩm định hồ sơ cho triển khai dự án. Trước mắt, chúng tôi yêu cầu chủ đầu tư bổ sung giấy đăng ký kinh doanh mới nhất, hoàn thiện biểu mẫu đăng ký, báo cáo tiến độ thực hiện dự án.

Mới đây, chủ đầu tư đã có buổi làm việc với UBND tỉnh và các sở, ngành về việc xin điều chỉnh đồ án quy hoạch chi tiết 1/500. Sau khi lắng nghe chủ đầu tư trình bày, UBND tỉnh lưu ý: “Việc điều chỉnh không được thay đổi tính chất dự án và phải phù hợp với quy hoạch phát triển du lịch trên địa bàn tỉnh. Tuy nhiên, đến nay sau 2 tháng, chủ đầu tư không hoàn thiện hồ sơ nên chưa thể thực hiện các bước tiếp theo”.

Nói về tình hình triển khai dự án Goldenwood Home, ông Nguyễn Văn Sơn, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, lo ngại: “Từ khi dự án này triển khai đến nay, chủ đầu tư vẫn chưa báo cáo lên sở. Vừa qua, tỉnh đã thành lập đoàn kiểm tra liên ngành kiểm tra tiến độ một số dự án, đã phát hiện phần lớn các dự án chỉ mới “dựng hàng rào”.

Đối với dự án Goldenwood Home, được biết mới đây chủ đầu tư lại xin điều chỉnh quy hoạch chi tiết 1/500. Để thu hút nhà đầu tư, cơ quan quản lý đã trải thảm đỏ, ưu đãi nhiều thứ về chính sách, thuế, đất đai. Song, đối với những chủ đầu tư làm ăn theo kiểu chụp giựt, không chuyên nghiệp, giành đất xí phần rồi bán dự án kiếm lời thì phải rút giấy phép”.

Các tin khác