Phát triển dệt may theo chiều sâu

Từ nhiều năm qua, ngành dệt may Việt Nam đã hội nhập xu hướng toàn cầu hóa, mở cửa đón làn gió phát triển lan tỏa từ các nước nên ít gặp những rào cản trong quá trình phát triển hơn các ngành khác. Tuy nhiên ngành dệt may cần tham gia sâu vào chuỗi cung ứng để hạn chế các rào cản kỹ thuật trong xuất khẩu.

Từ nhiều năm qua, ngành dệt may Việt Nam đã hội nhập xu hướng toàn cầu hóa, mở cửa đón làn gió phát triển lan tỏa từ các nước nên ít gặp những rào cản trong quá trình phát triển hơn các ngành khác. Tuy nhiên ngành dệt may cần tham gia sâu vào chuỗi cung ứng để hạn chế các rào cản kỹ thuật trong xuất khẩu.

Toàn cầu hóa nhanh

Công nghiệp dệt may xuất hiện từ Anh rồi lan sang Pháp, Italia, Hoa Kỳ và các nước khác ở châu Á như Nhật Bản, Trung Quốc, Việt Nam… Toàn cầu hóa dệt may đã tạo ra một thị trường rộng lớn với tổng doanh thu ngành dệt may năm 2011 của thế giới đạt khoảng 1.000 tỷ USD.

Sự phân khúc trong ngành dệt may cũng được phân bổ rất rõ nét, những trung tâm thời trang nằm ở khu vực châu Âu, Hoa Kỳ, còn các xí nghiệp may mặc nằm ở các nước có đông dân như Ấn Độ, Trung Quốc, Việt Nam. Động lực cho sự phát triển này là công nghệ kỹ thuật mới, sự bùng nổ của thông tin và sự ra đời của các công ty đa quốc gia. Chính vì sự gắn kết này nên ngành dệt may ít vướng phải những rào cản về kỹ thuật hơn so với các ngành khác.

Nếu dùng thước đo “đổi mới”, “hội nhập” và “công nghiệp hóa, hiện đại hóa” thì ngành dệt may chắc chắn sẽ đạt vị trí quán quân. Sau hơn 20 năm liên tục tăng trưởng với tốc độ bình quân 20%/năm, đến năm 2011, dệt may đã trở thành một trong những ngành kinh tế lớn nhất cả nước về quy mô và tầm vóc với 4.000 doanh nghiệp, doanh thu đạt 20 tỷ USD, chiếm 15% GDP và trở thành ngành dẫn đầu về kim ngạch xuất khẩu, đạt 14,5 tỷ USD, chiếm 18% tổng kim ngạch xuất khẩu, đưa Việt Nam vào top 5 nước xuất khẩu dệt may lớn nhất thế giới.

Song song đó, dệt may Việt Nam cũng đã khẳng định được vị thế trên thị trường quốc tế khi có mặt ở hàng trăm quốc gia, chinh phục được những thị trường khó tính như Hoa Kỳ, EU, Nhật Bản, Hàn Quốc… Mặc dù theo nhận định chung, nền kinh tế thế giới và trong nước vẫn tiếp tục gặp khó khăn trong năm 2012, 2013, nhưng với nội lực và nỗ lực vượt khó của các doanh nghiệp, ngành dệt may Việt Nam dự báo sẽ tăng trưởng với tỷ lệ 25% trong năm nay, dự kiến doanh thu đạt khoảng 25 tỷ USD, trong đó xuất khẩu dự kiến 19-19,5 tỷ USD.

Trong giai đoạn 2016-2020, ngành dệt may sẽ phát triển theo chiều sâu, tiếp cận người tiêu dùng bằng cách giành thế chủ động, hướng tới các phương thức sản xuất cao hơn như ODM, OBM, kiện toàn phát triển nội lực nhằm giảm lượng nguyên liệu nhập khẩu để gia tăng giá trị, nên mục tiêu tăng trưởng doanh thu 10%/năm là hợp lý.

Hiện nay một số trung tâm dệt may lớn đang ở Trung Quốc nhưng lương công nhân Trung Quốc đang tăng cao. Trong khi đó, giá nhân công lẫn giá điện ở Việt Nam đang thấp hơn Trung Quốc, nên Việt Nam vẫn còn nhiều dư địa để phát triển ngành dệt may.

Cần vào chuỗi cung ứng

Bên cạnh thuận lợi, ngành dệt may còn tồn tại nút thắt trong chuỗi liên kết dọc ở khu vực dệt (bao gồm khâu kéo sợi, dệt, nhuộm và hoàn tất). Cả nước hiện có khoảng 4,5 triệu cọc sợi với năng suất toàn ngành đạt 680.000 tấn, nhưng do công nghệ lạc hậu, không thể tận dụng hết nên đã xuất khẩu gần 70%, số còn lại được đưa vào ngành dệt và tạo ra được 1,2 tỷ mét vải mộc.

Tuy nhiên, năng lực nhuộm và hoàn tất chỉ mới đạt khoảng 800 triệu mét/năm, trong khi ngành may mặc cần 6 tỷ mét vải nên phải nhập đến 5,2 tỷ mét vải.

Bên cạnh đó, đối với thị trường quốc tế, dệt may là mặt hàng được quyết định bởi nhu cầu thị trường. Hầu hết các thị trường lớn như Hoa Kỳ, Tây Âu, Nhật Bản, các nhà bán lẻ chiếm từ 70-90% thị phần, 10-30% còn lại là thị trường của các nhà thương mại, nhà sản xuất theo phương thức sản xuất thương hiệu gốc.

Dệt may là một trong những ngành kinh tế lớn nhất cả nước về quy mô và tầm vóc. Ảnh: LÃ ANH

Dệt may là một trong những ngành kinh tế lớn nhất cả nước về quy mô và tầm vóc.
Ảnh: LÃ ANH

Điều đó có nghĩa các hãng may mặc của Việt Nam chưa tiếp cận được thị trường một cách trực tiếp mà vẫn phải qua vài trung gian. Năm 2011, tổng kim ngạch xuất khẩu hàng dệt may toàn cầu ước đạt khoảng 480 tỷ USD, nhưng Việt Nam nằm trong nhóm 5 nước xuất khẩu hàng đầu chỉ đạt kim ngạch xuất khẩu 14,5%, tức khoảng 3% con số nói trên.

Chính vì vậy, dù đã đón nhận làn gió toàn cầu hóa nhưng ngành dệt may Việt Nam vẫn phải nỗ lực thu hút đầu tư công nghệ cao và xây dựng vùng nguyên liệu để tiến sâu vào chuỗi cung ứng toàn cầu mới đạt được hiệu quả cao hơn.

Dù khó khăn, thách thức phía trước vẫn còn nhiều, nhưng ngành dệt may đặt nhiều hy vọng năm 2013 sẽ gặt hái được nhiều thành công bởi sự phục hồi của nền kinh tế thế giới. Chính phủ hiện đang tham gia đàm phán để sớm ký kết Hiệp ước đối tác chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP).

Khi hiệp ước này được ký kết sẽ tạo ra mậu dịch tự do, ít nhất với 2 đối tác lớn của Việt Nam là Hoa Kỳ và Nhật Bản, chiếm hơn 65% tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam, trong khi thuế xuất khẩu vào 2 thị trường này sẽ về 0% từ mức 10% hiện nay. Đây sẽ là động lực quan trọng để thúc đẩy ngành dệt may tiến nhanh, vượt các mục tiêu đề ra cho năm 2020.

Vì vậy, nếu nỗ lực thâm nhập vào hệ thống chuỗi cung ứng toàn cầu, doanh nghiệp sẽ dễ dàng nắm bắt tiêu chuẩn kỹ thuật của các nước để tránh những quy định bất lợi cho sản phẩm may mặc, đồng thời đón nhận nhiều cơ hội để tăng trưởng vượt bậc trong những năm tới.

Các tin khác