Singapore: Tham vọng trung tâm vàng khu vực

Cách hút vàng của Singapore

Cách hút vàng của Singapore

Dù chỉ chiếm 2% doanh số giao dịch vàng toàn cầu nhưng Singapore đang nuôi tham vọng tăng con số này lên ít nhất 10% từ nay cho đến năm 2020. Đó là khẳng định của Cục Phát triển Doanh nghiệp (IE Singapore), tiếp theo thông báo hồi tháng trước của Bộ trưởng Tài chính Tharman Shanmugaratnam về việc bãi bỏ thuế hàng hóa và dịch vụ (GST - tương tự thuế VAT của Việt Nam) có hiệu lực từ 1-10-2012.

Nhờ thay đổi về thuế, đầu tư vào vàng thỏi (gold bar) và vàng tiền kim loại (gold coin) tại Singapore sẽ rẻ hơn 7% so với trước đây.

Theo IE Singapore, động thái mới này sẽ thu hút các công ty kinh doanh vàng toàn cầu đến Singapore để thành lập hay mở rộng hoạt động doanh nghiệp. Và như vậy, cộng đồng kinh doanh vàng trên đảo Sư Tử sẽ càng đông đảo và đa dạng hơn với sự có mặt của các công ty thương mại, nhà máy tinh chế vàng, ngân hàng chuyên doanh vàng, các nhà cung cấp kho dự trữ vàng an toàn, các ngân hàng ký thác, các nhà khai thác mỏ và các nhà buôn vàng.

Viễn cảnh đó cũng sẽ kéo theo những loại hình công ăn việc làm đòi hỏi kỹ năng cao như giao dịch chuyên về vàng, tài chính, hậu cần và bảo hiểm. Trong một cuộc họp báo mới đây, bà Kathy Lai, Trợ lý Cục trưởng của IE Singapore, cho biết đảo quốc này sẽ dành từ 5-10 năm để xây dựng một nhóm ngành nghề mới có thể thu hút sự quan tâm của toàn cầu.

Nói cách khác, ngành kinh doanh vàng sẽ có vị thế chiến lược trung tâm, tương tự ngành dầu khí của Singapore. Bà Gina Lim, Giám đốc phụ trách hoạt động dịch vụ thương mại và chính sách của IE Singapore, tin rằng Singapore sẽ nắm được 10-15% doanh số giao dịch vàng toàn cầu trong vòng 5-10 năm tới.

Tiềm năng châu Á

Châu Á chiếm khoảng 70% cầu vàng thế giới, trong đó 13% từ các nước Đông Nam Á. Các nhà buôn và người mua vàng chủ yếu dựa vào các trung tâm truyền thống như London (Anh) và Zurich (Thụy Sĩ) và rất nhiều người dân châu Á trữ vàng của họ ở châu Âu.

Theo giải thích của bà Lai, nếu 2 người châu Á giao dịch vàng với nhau, số vàng này sẽ phải được vận chuyển từ châu Á sang London hay Zurich để qua một trung tâm giao hoán (clearing house) và sau đó lại “bay” về châu Á mới đến tay người mua.

Các nhà khai thác mỏ tại châu Á và Australia cũng phải gửi tất cả vàng thô của họ cho châu Âu tinh chế, sau đó chuyển về châu Á, nơi tập trung phần lớn người mua. Việc vận chuyển vàng đi về như vậy khá tốn kém, vì phải chịu nhiều chi phí về an ninh an toàn. Do đó, khu vực châu Á - Thái Bình Dương cần một trung tâm giao dịch thuận tiện, và không nên chỉ dựa vào Zurich hay London.

Một đồng tiền vàng năm Rồng do Công ty Kinh doanh tiền lưu niệm Singapore Mint sản xuất.

 Một đồng tiền vàng năm Rồng do Công ty
Kinh doanh tiền lưu niệm Singapore Mint sản xuất.

Theo ông Ng Cheng Thye, Giám đốc kinh doanh kim loại quý của chi nhánh của ngân hàng Nam Phi mang tên Standard Bank tại Singapore chuyên giao dịch các loại hàng hóa trong đó có kim loại quý, càng ngày có nhiều khách hàng hỏi ngân hàng của ông liệu có nơi nào ở châu Á cho phép họ tạm trữ vàng mà không chịu thuế.

Theo đánh giá của ông Albert Cheng, Giám đốc điều hành khu vực của Hội đồng Vàng Thế giới (WGC), việc bãi bỏ thuế GST trên vàng là một bước đi đầu tiên rất tốt cho lĩnh vực kinh doanh vàng tại Singapore. Cách đây 20 năm Singapore đã từng là một trung tâm kinh doanh và phân phối vàng khá sôi động trên toàn cầu và khu vực.

Thế nhưng, giá vàng đi xuống làm giảm sự quan tâm của các nhà đầu tư. Các ngân hàng tại Singapore từ đó bắt đầu đưa ra những sản phẩm tài chính mới và dần dần thu hẹp các nghiệp vụ kinh doanh vàng. Rồi sau đó, thuế GST được áp dụng dẫn đến việc chấm dứt hoàn toàn các giao dịch về vàng.

Giờ đây, thời cuộc mới với định hướng phát triển ngành nghề của nhà nước qua cục tác nghiệp IE Singapore, cơ hội “vàng” sẽ lại đến với hoạt động kinh doanh vàng tại Singapore.  

Các tin khác