Lãi suất ngân hàng: Chưa cân đối vào, ra

Từ ngày 13-3, các NHTM đồng loạt kéo giảm lãi suất huy động từ 14% xuống còn 13%/năm theo trần lãi suất huy động NHNN quy định. Một số NHTM cũng công bố giảm lãi suất cho vay đối với nhiều đối tượng khách hàng. Tuy nhiên, các NHTM thừa nhận áp lực huy động vốn sẽ tăng khi trần lãi suất giảm nhưng vẫn chưa thể giảm ngay lãi suất đầu ra.

Từ ngày 13-3, các NHTM đồng loạt kéo giảm lãi suất huy động từ 14% xuống còn 13%/năm theo trần lãi suất huy động NHNN quy định. Một số NHTM cũng công bố giảm lãi suất cho vay đối với nhiều đối tượng khách hàng. Tuy nhiên, các NHTM thừa nhận áp lực huy động vốn sẽ tăng khi trần lãi suất giảm nhưng vẫn chưa thể giảm ngay lãi suất đầu ra.

Chưa cân bằng kỳ hạn huy động

Việc giảm lãi suất huy động sẽ buộc các NHTM phải tăng chất lượng và dịch vụ hiện đại để giữ chân khách hàng tiền gửi. Trong cuộc đua này, lợi thế sẽ thuộc về những NHTM lớn có mạng lưới hoạt động rộng khắp, có uy tín và thương hiệu… Tuy nhiên, năm nay huy động vốn tiếp tục là thách thức, trong đó các NHTM vẫn chưa thể cân bằng được kỳ hạn huy động theo hướng dài hơn để đảm bảo an toàn và thanh khoản trong hoạt động cho vay.

 TS. LÊ XUÂN NGHĨA,
Chuyên gia ngân hàng

Việc niêm yết lãi suất huy động mới của các NHTM vẫn áp dụng một mức lãi suất cao nhất ở tất cả kỳ hạn 1-12 tháng. Riêng với các kỳ hạn ngắn như tuần, trên 12 tháng lãi suất có sự phân hóa giữa các NHTM.

Cụ thể, VietinBank áp dụng 13%/năm cho kỳ hạn từ 1-12 tháng, kỳ hạn trên 36 tháng 9%/năm, lãi suất tiền gửi không kỳ hạn 3%/năm, dưới 1 tháng 5%/năm. Vietcombank áp dụng lãi suất không kỳ hạn 2,4%/năm, tiền gửi có kỳ hạn dưới 1 tháng 5%/năm và các khoản tiền gửi tiết kiệm có kỳ hạn trên 1 tháng 13%/năm.

ACB cũng điều chỉnh lãi suất tiền gửi tối đa có mức 13%/năm, mức còn lại 3,6-4,2% cho đến 5% cho các kỳ hạn ngắn từ 1 đến 3 tuần.

Tâm lý của các NHTM vẫn phòng thủ trong huy động nhằm giữ chân khách hàng nên vẫn niêm yết lãi suất 13%/năm cho các kỳ hạn 1-12 tháng, khiến đường cong lãi suất ngân hàng vẫn chưa trở về thông thường, nghĩa là mức lãi suất ngắn hạn thấp nhất, sau đó tăng dần lên.

Theo ông Phạm Linh, Phó Tổng giám đốc OCB, 13%/năm vẫn là mức lãi suất huy động hấp dẫn mà người dân có thể chấp nhận được. Gửi 100 triệu đồng 1 năm được 13 triệu đồng là hợp lý so với việc mang đồng tiền kinh doanh, có thể gặp nhiều rủi ro khác.

Theo số liệu của NHNN, lượng tiền đồng gửi tại hệ thống NHTM trong tháng 2 đã tăng hơn 1,6% so với tháng trước, trong đó tiền gửi bằng VNĐ tăng 2,24%, bằng ngoại tệ giảm 0,81%. So với cuối năm 2011, tổng số dư tiền gửi của khách hàng ước giảm 0,62% (do tổng số dư tiền gửi của khách hàng tại các TCTD trong tháng 1 giảm 3,29% so với cuối năm 2011).

Ngoài tính chất mùa vụ, những tháng đầu năm dòng vốn tiền gửi thanh khoản của các NHTM dồi dào hơn còn do đón đầu thông tin từ NHNN tuyên bố lộ trình giảm trần lãi suất.

Lãi suất đầu ra vẫn còn cao

Bên cạnh giảm lãi suất huy động, nhiều NHTM cũng đã giảm lãi suất cho vay. Ông Đỗ Minh Toàn, Phó Tổng giám đốc ACB, cho biết hiện tại nhiều NHTM lớn đang dư thừa, không tìm được khách hàng vay. Nhất là các NHTM nhà nước bắt đầu giảm mạnh lãi suất cho vay xuống, đã gây áp lực buộc các NHTM cổ cũng phải giảm theo, dù ít hơn, mới kiếm được khách hàng vay.

Hầu hết các ngân hàng thực hiện nghiêm trần lãi suất huy động. Ảnh: HOÀI VY

Hầu hết các ngân hàng thực hiện nghiêm trần lãi suất huy động. Ảnh: HOÀI VY

Nhiều NHTM thừa nhận lãi suất cho vay của hệ thống NHTM dù đã giảm so với trước đây nhưng nhìn chung vẫn còn cao. Số lượng khách hàng hưởng lãi suất thấp vẫn rất ít.

Theo số liệu NHNN, nhiều NHTM cho vay lĩnh vực nông nghiệp nông thôn, xuất khẩu, doanh nghiệp nhỏ và vừa… lãi suất phổ biến ở mức 15-17%/năm. Nhưng qua khảo sát của ĐTTC, tỷ lệ dư nợ ở lĩnh vực này chiếm không đáng kể trong tổng dư nợ của các NHTM.

Theo đó, lãi suất cho vay sản xuất kinh doanh khác khoảng 18-20%/năm, còn lãi suất cho vay phi sản xuất vẫn ở mức 20-25%/năm. Theo một lãnh đạo NH cổ phần, với rủi ro hiện tại, muốn có lời thì biên độ lợi nhuận 3% mới bù đắp được rủi ro, trang trải được chi phí. Như vậy huy động lãi suất 13%/năm thì NHTM cho vay ra phải 16% trở lên.

Trừ những NHTM nào có tiềm lực mạnh, cơ sở khách hàng gửi tiền gửi không kỳ hạn nhiều giá vốn mới rẻ hơn. Điển hình là các NHTM nhà nước có đến 40% tiền gửi không kỳ hạn, dù không xài hết nguồn vốn đó nhưng cũng giúp cho giá vốn NHTM nhà nước rất thấp, trong khi tại NHTM cổ phần tỷ lệ tiền gửi không kỳ hạn trên tài khoản không nhiều, cao lắm chỉ 20%.

Lãi suất giảm mới chỉ đến với doanh nghiệp lớn, còn doanh nghiệp nhỏ và vừa dù cho nằm trong đối tượng ưu tiên vẫn chưa được hưởng bao nhiêu.

Doanh nghiệp ngại vay vốn đầu tư mới

Việc hạ lãi suất sẽ tác động tích cực kích thích tăng trưởng kinh tế, giúp các doanh nghiệp tiếp cận dễ dàng hơn với nguồn vốn rẻ. Nhưng năm qua, doanh nghiệp khó khăn không chỉ do biến động lãi suất trong nước mà còn do thị trường nước ngoài khó khăn. Đến nay tình hình đầu ra cũng chưa tốt do một số thị trường của doanh nghiệp xuất khẩu không ổn định. Vì vậy, tìm được doanh nghiệp đủ điều kiện vay vốn không dễ. Nếu ngân hàng không thận trọng nợ quá hạn sẽ gia tăng.

TS. CAO SĨ KIÊM,
Thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tiền tệ Quốc gia

Theo số liệu của NHNN, tháng 2 cho vay đối với nền kinh tế ước giảm 0,53% so với tháng trước. Tín dụng bằng VNĐ giảm 0,37%, ngoại tệ giảm 1,11%. So với cuối năm 2011, tín dụng đối với nền kinh tế ước giảm 2,51%.

Nhiều chuyên gia kỳ vọng với việc giảm lãi suất cho vay, từ tháng 3 trở đi dòng vốn tín dụng ở các NHTM có khả năng tăng trở lại, nhất là hiện nay thanh khoản của hệ thống NHTM đã được giải quyết nhiều, chỉ còn những NHTM nhóm 4 (nhóm yếu kém đang được NHNN giám sát chặt).

Còn một số NHTM nhóm 3 cũng đã chứng minh dù thanh khoản căng thẳng nhưng NH vẫn đảm bảo được thanh toán nợ trên liên NH. Tuy nhiên, một lãnh đạo NH thừa nhận đến nay điều kiện thị trường vẫn chưa tốt nên các doanh nghiệp vẫn có tâm lý chờ đợi quyết sách của NHNN.

Hiện tại NHNN phát tín hiệu kiềm chế tỷ giá nhiều hơn kiềm chế lạm phát, nhưng áp lực lạm phát vẫn còn tăng. Bài toán chống lạm phát chưa chắc đã dừng lại vì khi chống lạm phát sẽ ảnh hưởng đến dòng tiền lưu thông, các doanh nghiệp sẽ khó khăn. Do vậy, các doanh nghiệp cũng rất thận trọng trong quyết định đầu tư.

Theo vị lãnh đạo này, một số ngành nghề cũng đã chọn điểm đáy để kinh doanh, đầu tư mua hàng tồn kho giá rẻ, nhưng vẫn còn một số ngành vẫn chưa tự tin lắm nên giữ tiền mặt là chính. 

Các tin khác