Nợ xấu hay… mất luôn?

Nợ xấu là một trong những nguyên nhân chính khiến nhiều CTCK gặp hạn. Nhưng nhận diện, xử lý nợ xấu như thế nào lại là câu chuyện chưa có hồi kết.

Nợ xấu là một trong những nguyên nhân chính khiến nhiều CTCK gặp hạn. Nhưng nhận diện, xử lý nợ xấu như thế nào lại là câu chuyện chưa có hồi kết.

Khó nhận diện

Thực tế, đến thời điểm hiện tại vẫn chưa có một quy chuẩn rõ ràng nào về vấn đề nợ xấu của CTCK. Thông tư 226/2010/TT-BTC quy định chỉ tiêu an toàn tài chính dành cho các CTCK có quy định về giá trị rủi ro quá thời hạn thanh toán bao gồm các thời hạn 0-15 ngày, 16-30 ngày, 31-60 ngày và 60 ngày trở đi.

Tuy nhiên vấn đề xác định các thời hạn này lại không đơn giản. Các CTCK hiện nay có thừa chiêu để làm sạch các khoản cho vay của mình. Thí dụ: Để “làm mới” một khoản vay nào đó, chỉ cần CTCK yêu cầu NĐT bán ra số cổ phiếu của mình, sau đó lại dùng số tiền này lập tài khoản khác và sử dụng tiếp margins. Cần nói thêm, nhìn vào báo cáo tài chính các CTCK, tính chính xác của khoản, mục liên quan đến nợ xấu cũng là vấn đề lớn.

Ảnh chỉ mang tính chất minh họa. Ảnh: LÃ ANH

Ảnh chỉ mang tính chất minh họa. Ảnh: LÃ ANH

Trong trường hợp các công ty kiểm toán hay thanh tra, kiểm tra của cơ quan quản lý đến CTCK “hỏi thăm” sẽ tốn không ít thời gian trong việc đối chiếu giá trị, xác định thời hạn trả nợ của người vay.

Khi Thông tư 74/2011/TT-BTC ra đời năm ngoái, trong đó có quy định về hoạt động giao dịch ký quỹ (margins), có thể nói tình hình dành cho hoạt động này đã được kiểm soát tốt hơn. Nhưng vấn đề nằm ở chỗ, trước khi Thông tư 74 ra đời, hoạt động margins chưa hề được phép triển khai và núp bóng dưới nhiều cái tên như hợp đồng hợp tác đầu tư, ủy thác đầu tư…

Như vậy, để có thể nhận diện và “quy” các hình thức lách luật này về một mối là margins cũng không đơn giản. Chưa kể, nếu CTCK đẩy các khoản nợ sang cho một công ty tài chính cùng “dây” với mình, tình hình sẽ càng khó nhận diện hơn. Nói tóm lại, chưa có một định nghĩa nào hoàn chỉnh và đầy đủ đối với vấn đề nợ và đặc biệt là nợ xấu để có thể nhận diện chúng một cách rõ ràng.

Được chăng hay chớ

Luật sư Trần Minh Hải, Giám Công ty Luật Basico, nêu vấn đề: Khi CTCK cấp margins cho khách hàng mà hoạt động này chưa được luật hóa, khả năng thu hồi rất khó khăn. Cụ thể, nếu NĐT có nợ quá hạn CTCK cũng khó có cơ sở để tính lãi phạt trả chậm, chưa kể nếu đem nhau ra tòa cũng không dễ giải quyết vì tính pháp lý lỏng lẻo. Điều này cũng có nghĩa dù nợ vẫn còn đó nhưng trên thực tế gần như… mất luôn.

Theo tìm hiểu của ĐTTC, một số CTCK hiện nay đã thành lập bộ phận có chức năng thu hồi nợ, đơn vị này hoạt động khá… bí mật. Điều này cũng khá hợp lý bởi nếu “bung” quá mạnh, người ngoài nhìn vào sẽ suy diễn CTCK này cho vay nhiều nên nay phải đi thu hồi liên tục.

Nguyên nhân đầu tiên như đã nói ở trên, tính pháp lý cho các hoạt động cho vay trước khi Thông tư 74 được ban hành rất thấp. Vì vậy, nhiều NĐT đã dựa vào điều này để chây ì việc trả nợ. Nguyên nhân thứ 2 bắt nguồn từ chính sự yếu kém trong việc xét cấp tín dụng của các CTCK.

Nhiều khoản nợ xấu bắt nguồn từ việc NĐT vay tiền của CTCK để mua những cổ phiếu nóng, bị làm giá. Bây giờ những khoản tài sản này căn cứ theo giá thị trường có phần không ổn, bởi lẽ thanh khoản những cổ phiếu này rất kém, bán ra rất khó mà nếu bán được giá trị có khi lại giảm mạnh.

TS. NGUYỄN ANH TUẤN,
Phó Tổng giám đốc CTCK Quốc Tế

Vừa qua, giới đầu tư truyền miệng câu chuyện về một CTCK sau khi thấy sếp lớn của doanh nghiệp đi xe Rolls Royce Phantom đến yêu cầu được cấp đòn bẩy tài chính cho một tài khoản “chân gỗ”, nhằm mua cổ phiếu của chính doanh nghiệp mình, ngay lập tức đã được chấp nhận.

Nhưng sau đó, một loạt CTCK đã bị “bẫy” khi dính hàng giải chấp của cổ phiếu này. Mặc dù đây chỉ là đồn đại, nhưng thực tế chuyện coi mặt cấp đòn bẩy quá tay đang khá phổ biến. Chính vì điều này nên hiện nay bộ phận thu hồi nợ của các CTCK phải đi xác minh lại năng lực của khách hàng rồi mới khoanh vùng để thu hồi.

Chưa kể, số nợ này “được” gây ra bởi một bộ phận khác, nhờ vậy đã được bổng lộc, trong khi một bộ phận khác phải “đổ vỏ” là điều không ai muốn làm. Một nhân viên thu hồi nợ đã chia sẻ rằng bây giờ thu hồi nợ theo kiểu được chăng hay chớ, hiệu quả khá thấp.

Cũng có trường hợp NĐT bị CTCK “dí” thu hồi nợ, phải tới CTCK khác mở tài khoản để tiếp tục giao dịch cổ phiếu. Tuy nhiên, tài khoản này sẽ không đứng tên của NĐT, bởi lẽ nếu CTCK thăm dò và biết được sẽ đánh động các CTCK khác và tăng cường siết nợ.

Hiện tại, một số CTCK đang sử dụng cách thức “truy tìm” như trên để thúc ép NĐT trả nợ nhưng hiệu quả không cao, vì NĐT thừa sức mượn một CMND khác để mở tài khoản. Có thể nói, vấn đề nợ xấu vẫn là khoảng tối quá lớn trong bức tranh chỉ vừa sáng được đôi chút trên TTCK.

Và nếu vấn đề này không được giải quyết, những khoản lỗ bất ngờ của CTCK, hay cơn lũ giải chấp lại có thể xuất hiện bất cứ lúc nào, khiến cho việc tái cấu trúc hoạt động của CTCK trở nên kém hiệu quả. Nguy cơ nợ xấu… mất luôn là có cơ sở.

Các tin khác