Hiểu thị trường mới thành công

Khó khăn trong xuất khẩu được dự báo sẽ kéo dài hết năm 2012. Vì thế, ngoài nỗ lực của bản thân các doanh nghiệp xuất khẩu, vấn đề tìm kiếm thị trường cần có sự giúp đỡ, chia sẻ của các tham tán thương mại Việt Nam tại các thị trường trọng điểm. ĐTTC trích đăng ý kiến của các Tham tán thương mại Việt Nam tại một số nước.

Khó khăn trong xuất khẩu được dự báo sẽ kéo dài hết năm 2012. Vì thế, ngoài nỗ lực của bản thân các doanh nghiệp xuất khẩu, vấn đề tìm kiếm thị trường cần có sự giúp đỡ, chia sẻ của các tham tán thương mại Việt Nam tại các thị trường trọng điểm. ĐTTC trích đăng ý kiến của các Tham tán thương mại Việt Nam tại một số nước.

Ông ĐÀO TRẦN NHÂN, Tham tán công sứ Việt Nam tại Hoa Kỳ:

Tuân thủ các điều kiện khắt khe của thị trường

Hoa Kỳ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam hiện nay. Năm 2011, kim ngạch xuất khẩu vào Hoa Kỳ đạt khoảng 17,5 tỷ USD. Việt Nam là một trong 3 nước xuất khẩu trọng điểm của Hoa Kỳ và nằm trong top 9 thị trường trọng điểm của Eximbank (ngân hàng của Hoa Kỳ) cung cấp nguồn vốn tín dụng cho doanh nghiệp với lãi suất thấp. Hoa Kỳ đang “bật đèn xanh” cho các doanh nghiệp Việt Nam với mong muốn tăng tín dụng lên 1 tỷ USD so với 130 triệu USD như hiện nay.

Đồng Nai là một trong những tỉnh xuất khẩu sang Hoa Kỳ nhiều sản phẩm, như cà phê, gỗ chế biến, hạt điều nhân… Đây là cơ hội tốt để doanh nghiệp tận dụng được nguồn vốn ưu đãi lãi suất thấp để tái cơ cấu sản xuất và đẩy mạnh xuất khẩu vào thị trường nước này.

Chế biến xuất khẩu cá ngừ đại dương qua châu Phi.

Chế biến xuất khẩu cá ngừ đại dương qua châu  Phi.

Tuy nhiên, hiện đại hóa an toàn vệ sinh thực phẩm đang là một đạo luật mới của Hoa Kỳ các doanh nghiệp Việt Nam cần hết sức lưu tâm.

Theo quy trình của Đạo luật này, các nhà nhập khẩu phải có trách nhiệm giải trình, xác nhận rõ nhà sản xuất đã có những biện pháp ngăn ngừa ngay tại cơ sở sản xuất để đảm bảo các sản phẩm đều an toàn. Bên cạnh đó, phải có chứng nhận của bên thứ ba thông qua một cơ quan giám sát chất lượng đạt tiêu chuẩn của Hoa Kỳ cấp giấy chứng nhận cho các cơ sở sản xuất thực phẩm đáp ứng được tiêu chuẩn của Hoa Kỳ. Cuối cùng là quyền từ chối tiếp nhận nhập khẩu hàng hóa.

 Đây cũng là lời cảnh báo các doanh nghiệp xuất khẩu nông sản, thực phẩm, đồ uống... vào Hoa Kỳ. Để hàng hóa Việt Nam xuất khẩu vào được Hoa Kỳ, chúng ta bắt buộc phải tuân thủ tất cả điều kiện khắt khe của thị trường, sẵn sàng đấu tranh cho các vụ kiện chống bán phá giá, trợ cấp. Bên cạnh đó, để duy trì và tăng trưởng xuất khẩu, cần có sự phối hợp tốt giữa các cơ quan Chính phủ và doanh nghiệp.

Ông VŨ VĂN TRUNG, Trưởng Cơ quan thương vụ Đại sứ quán Việt Nam tại Nhật Bản:

Tận dụng cơ hội thuận lợi

Thảm họa động đất, sóng thần gây tổn thất nặng nề nên Nhật Bản cần nhiều nguồn lực để tái thiết đất nước. Hiện nước ta có rất nhiều thuận lợi khi xuất khẩu hàng hóa qua Nhật Bản nhờ các hiệp định kinh tế song phương có hiệu lực trong vòng 10 năm.

Theo đó 84,7% hàng hóa xuất khẩu Việt Nam vào Nhật Bản được miễn thuế hoặc được hưởng chính sách thuế ưu đãi. Đây là cơ hội cho doanh nghiệp trong nước đẩy mạnh xuất khẩu và tạo ra làn sóng thu hút đầu tư từ Nhật Bản.

Tuy nhiên, các doanh nghiệp Việt Nam xuất khẩu thủy sản cần lưu ý tới chất lượng an toàn vệ sinh thực phẩm, bởi trong 11 tháng năm 2011 đã có 109 lô hàng vi phạm, làm ảnh hưởng rất lớn tới kim ngạch mặt hàng thuỷ sản xuất khẩu sang Nhật Bản.

Do vậy, doanh nghiệp cố gắng hạn chế các chất tồn dư kháng sinh để đảm bảo đúng yêu cầu của thị trường Nhật Bản, bởi đây là quy định chung cho tất cả mặt hàng thực phẩm vào nước này. Riêng đối với sản phẩm may mặc, trước đây Nhật Bản nhập khẩu nhiều từ Trung Quốc, nhưng vài năm trở lại đây họ bắt đầu quay sang nhập khẩu hàng từ Việt Nam do chất lượng sản phẩm tốt, giá cạnh tranh.

Kim ngạch xuất khẩu Việt Nam sang Nhật Bản năm 2011 tăng 37%. Năm 2012 chắc chắn giá trị xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản sẽ tiếp tục tăng, đặc biệt là mặt hàng thủy sản và nông sản, thực phẩm. Vì thế, doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam cần tận dụng tốt những cơ hội, thuận lợi vốn có để đẩy mạnh, mở rộng thị trường còn rất tiềm năng này.

Ông ĐỖ QUANG LIÊN, Tham tán Thương mại Việt Nam tại Nam Phi:

Tăng cường quảng bá, giới thiệu sản phẩm

Việt Nam đang được các doanh nghiệp Nam Phi quan tâm để thay thế nguồn cung từ Trung Quốc. Các mặt hàng có nhiều cơ hội trong thời gian tới là hàng hóa tiêu dùng, công nghiệp, chế tạo và sản phẩm kỹ thuật cao. Đặc biệt là các sản phẩm như nông sản, thực phẩm chế biến sâu, chất lượng cao và nhóm hàng chế tạo từ cao su tự nhiên.

Hiện nhiều hàng hóa của Việt Nam đứng trong nhóm 10 mặt hàng nhập khẩu lớn nhất vào Nam Phi, với các mặt hàng như cà phê, hạt tiêu, gia vị, gạo, cá phi lê đông lạnh, đồ gỗ, dệt may, gốm sứ… Hàng Việt Nam đã tạo được vị trí xứng đáng và được biết rộng hơn sẽ là cơ sở để xuất khẩu của Việt Nam sang Nam Phi và châu Phi tăng mạnh.

Tuy nhiên, các doanh nghiệp xuất khẩu cần tăng cường quảng bá, giới thiệu, trưng bày sản phẩm cụ thể của mình. Bên cạnh đó, doanh nghiệp phải tìm hiểu nhu cầu để bán những cái người tiêu dùng muốn. Nói một cách ngắn gọn, muốn xâm nhập thị trường châu Phi phải luôn có sản phẩm mới.

Các doanh nghiệp cũng không nên nói  mãi về những khó khăn khi xâm nhập thị trường này. Thực chất lâu nay chúng ta chưa có một sự đầu tư đúng mức để phát triển thị trường tiềm năng này. Khoảng cách hay thông tin giờ đã không còn là vấn đề khiến các doanh nghiệp phải chùn chân.

Chúng tôi luôn sẵn lòng cung cấp thông tin và mong muốn được trở thành cầu nối để nhiều doanh nghiệp trong nước có thể tìm đến thị trường tiềm năng này.

Các tin khác