Chính sách cổ tức

Chính sách cổ tức gần đây được xem là một trong những quyết định chủ yếu của quản trị tài chính công ty, ảnh hưởng đến giá trị CP cũng như giá trị của công ty. Ở những nước TTCK mới phát triển như Việt Nam, do thông tin bất cân xứng nên NĐT thường dựa vào mức chi trả cổ tức như là tín hiệu cho thấy triển vọng của công ty trong tương lai. Do vậy, theo đuổi chính sách cổ tức như thế nào là quyết định quan trọng của ban quản lý.

Chính sách cổ tức gần đây được xem là một trong những quyết định chủ yếu của quản trị tài chính công ty, ảnh hưởng đến giá trị CP cũng như giá trị của công ty. Ở những nước TTCK mới phát triển như Việt Nam, do thông tin bất cân xứng nên NĐT thường dựa vào mức chi trả cổ tức như là tín hiệu cho thấy triển vọng của công ty trong tương lai. Do vậy, theo đuổi chính sách cổ tức như thế nào là quyết định quan trọng của ban quản lý.

Ổn định, an toàn nhưng hợp lý

Công ty trả cổ tức cao thường được NĐT suy diễn đồng nghĩa với triển vọng tốt và ngược lại. Do vậy, chính sách cổ tức càng có tác động đến giá trị CP. Mặc dù việc đưa ra chính sách cổ tức như thế nào tùy thuộc vào hoàn cảnh cụ thể của từng công ty nhưng nhìn chung nên đi theo những hướng sau đây:

Ổn định: Tránh gây ra những thay đổi đột ngột trong chính sách cổ tức nếu chưa cân nhắc một cách kỹ lưỡng tác hại của sự thay đổi này trong dài hạn đối với giá trị của công ty.

Thực tế, một số tổ chức đầu tư rất ưa chuộng những công ty có chính sách cổ tức để tạo ra một dòng ngân lưu ổn định, đáng tin cậy và họ sẵn sàng trả giá cao hơn để nắm giữ những CP này. Đây là điều các doanh nghiệp cần lưu ý và cũng nên hướng đến việc nghiên cứu kỹ cơ cấu cổ đông để có thể lập một chính sách cổ tức phù hợp.

Tuy nhiên, việc “quá ổn định” cũng có thể dẫn đến việc doanh nghiệp bỏ qua các cơ hội đầu tư tốt, làm tăng giá trị của công ty trong tương lai. Trong trường hợp nếu không muốn bỏ qua cơ hội, doanh nghiệp sẽ phải đi vay, đồng nghĩa với việc gia tăng rủi ro tài chính, vấn đề kiểm soát sự thay đổi sau một thời gian hoạt động ổn định cũng không hề dễ dàng. 

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

An toàn: Một chính sách cổ tức an toàn không đồng nghĩa với một chính sách cổ tức thấp, vì điều này có thể gây ra những hệ quả như: Chính sách cổ tức thấp trong khi công ty làm ăn hiệu quả sẽ gia tăng tỷ lệ lợi nhuận giữ lại; nếu quỹ tiền mặt tích lũy quá lớn sẽ tạo ra suy nghĩ rằng công ty bế tắc trong việc đầu tư để tiếp tục tăng trưởng.

Chưa kể, công ty còn có thể trở thành mục tiêu của động thái thâu tóm do sở hữu quỹ tiền mặt lớn. Doanh nghiệp giữ tiền mặt nhưng lại không đầu tư hiệu quả có thể gây nên sự lãng phí vốn.

Hợp lý: Một chính sách cổ tức an toàn khi tỷ lệ chia cổ tức vừa thỏa mãn được nhu cầu của cổ đông trong việc có một dòng tiền ổn định, bền vững trong dài hạn, nhưng cũng đảm bảo một tỷ lệ lợi nhuận giữ lại đủ để tài trợ cho những dự án tạo nên tăng trưởng bền vững cho công ty.

Cần tránh tối đa việc cắt giảm chia cổ tức bằng tiền mặt nhằm tích lũy vốn, cho dù doanh nghiệp có thể đang đứng trước một cơ hội đầu tư tuyệt vời. Trong trường hợp này, để không bỏ lỡ cơ hội, công ty nên cân nhắc giải pháp vay vốn hoặc phát hành cổ phiếu.

Nếu vì một lý do nào đó không thể huy động đủ vốn từ bên ngoài trước khi cắt giảm cổ tức, cần minh bạch hóa thông tin để NĐT có thể nắm rõ nhằm tối thiểu hóa những hậu quả gây ra từ một sự cắt giảm đột ngột.

Minh bạch chính sách cổ tức

Những cổ đông như những cán bộ hưu trí, công ty bảo hiểm… sẽ thường có thói quen kế hoạch hóa và kỳ vọng có dòng tiền thu nhập tương lai ổn định và đáng tin cậy từ cổ tức. Họ là những cổ đông rất quan tâm đến sự thay đổi chính sách cổ tức đột ngột của một công ty, đặc biệt là khi cổ tức bị cắt giảm với lý do là dùng lợi nhuận giữ lại để đầu tư vào một dự án mới tạo giá trị gia tăng trong tương lai.

Về lý thuyết, điều này không làm thiệt hại gì đến quyền lợi của cổ đông vì họ sẽ được đền bù nhờ sự tăng giá khi công ty đầu tư hiệu quả nhưng thực tế lại không đơn giản như vậy. Bởi lẽ, sự sụt giảm đột ngột trong thu nhập từ cổ tức sẽ buộc những cổ đông này phải thay đổi mục tiêu lợi nhuận và điều này sẽ tốn kém không chỉ nguồn vốn mà còn cả chi phí cơ hội.

Nhóm NĐT này có thể tiến hành bán ra CP để tái cấu trúc danh mục đầu tư, điều này sẽ khiến cho giá trị vốn hóa của doanh nghiệp bị giảm sút, như vậy hình ảnh của doanh nghiệp cũng sẽ bị ảnh hưởng.

Trên thực tế, việc thiết lập và nhìn nhận một chính sách cổ tức hợp lý của các doanh nghiệp niêm yết hiện nay là không đơn giản. Điều này bắt nguồn từ khái niệm “chính sách” cổ tức đối với nhiều doanh nghiệp vẫn còn khá mơ hồ, theo kiểu lãi nhiều chia nhiều, lãi ít chia ít hoặc không chia.

Cũng có những doanh nghiệp, mặc dù chính sách cổ tức là hợp lý nhưng đôi khi lại “theo” một cách thái quá và tạo ra nhiều hệ lụy. Trường hợp một doanh nghiệp liên tục tiến hành chia cổ tức bằng CP, nếu trong giai đoạn khó khăn tiếp tục sử dụng biện pháp này lại có thể gây ra phản ứng ngược khi cổ đông lúc này lại thích tiền mặt hơn là nhận CP.

Tóm lại, doanh nghiệp nên theo đuổi chính sách cổ tức mang tính nhất quán, ổn định. Nếu vì lý do tối quan trọng cần thay đổi thì nên công bố thông tin minh bạch, rõ ràng, tránh che đậy khiến cho cổ đông suy diễn và mất niềm tin vào triển vọng công ty.

Các tin khác