Cấm vận Iran - Hạt nhân hay dầu mỏ? (kỳ 1): Ép tẩy chay

Sau khi Hoa Kỳ và Liên minh châu Âu (EU) áp dụng các biện pháp trừng phạt và cấm vận Iran, ngày 2-2 Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ Leon Panetta cho biết “rất có thể” Israel sẽ tấn công các cơ sở hạt nhân Iran trong tháng 4 tới. Có vẻ như các thế lực thân Hoa Kỳ đang quyết “ăn thua đủ” với Tehran. Nhiều người tỏ ra hoài nghi trước thái độ quá cứng rắn này.

Sau khi Hoa Kỳ và Liên minh châu Âu (EU) áp dụng các biện pháp trừng phạt và cấm vận Iran, ngày 2-2 Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ Leon Panetta cho biết “rất có thể” Israel sẽ tấn công các cơ sở hạt nhân Iran trong tháng 4 tới. Có vẻ như các thế lực thân Hoa Kỳ đang quyết “ăn thua đủ” với Tehran. Nhiều người tỏ ra hoài nghi trước thái độ quá cứng rắn này.

Nhân danh nỗ lực chống “tham vọng vũ khí hạt nhân” ở Iran, Hoa Kỳ đã thúc ép các nước khác cấm vận Iran. Hiện có khoảng 35 nước đang áp dụng các biện pháp cấm vận hoàn toàn hoặc trên một số lĩnh vực đối với Iran. Đây thực sự là một cuộc chiến tranh kinh tế nhắm vào Tehran.

Lôi kéo đồng minh

Các biện pháp cấm vận kinh tế của Hoa Kỳ đối với Iran bao gồm việc cấm các công ty làm ăn với Iran, cấm nhập hàng xuất xứ từ Iran, cấm các định chế tài chính của Iran và hoàn toàn cấm bán máy bay hoặc linh kiện sửa chữa cho các công ty hàng không Iran.

Tháng 6-2011, Hoa Kỳ tiến thêm 1 bước khi cấm vận hãng hàng không thương mại lớn nhất Iran, Iran Air, và Tidewater Middle East Co., công ty quản lý 7 cảng biển ở Iran.

Không chỉ vậy, Hoa Kỳ và Israel đã gây sức ép khiến các nước như Canada, Ấn Độ, Hàn Quốc, Nhật Bản... triển khai các biện pháp cấm vận với Iran. Mới đây nhất, ngày 23-1, EU ban bố lệnh cấm vận đối với dầu mỏ Iran, một động thái khiến cả thế giới lo ngại.

Iran được đánh giá là nước có trữ lượng dầu mỏ lớn thứ 3 thế giới, hiện là nhà sản xuất dầu mỏ lớn thứ 2 OPEC (Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ). Dầu mỏ đóng một vai trò tối quan trọng đối với kinh tế Iran, đem lại nguồn thu tới 100 tỷ USD trong năm 2011.

Biếm họa về nỗ lực cấm vận Iran (nguồn: Shiftfrequency.Com).

Biếm họa về nỗ lực cấm vận Iran (nguồn: Shiftfrequency.Com).

Số liệu năm 2009 cho biết 60% nguồn thu của Tehran đến từ dầu mỏ. Theo Cơ quan Năng lượng quốc tế (IEA), đối tác dầu mỏ lớn nhất của Iran là Trung Quốc, nơi nhập 543.000 thùng dầu từ Iran mỗi ngày.

Kế đó là các nước Thổ Nhĩ Kỳ (370.000 thùng/ngày), Ấn Độ (341.000 thùng/ngày), Nhật Bản (251.000 thùng/ngày) và Hàn Quốc (239.000 thùng/ngày). Tất cả các nước EU chỉ nhập của Iran tổng cộng 510.000 thùng/ngày (chiếm khoảng 18%).

Vì vậy, nếu muốn bóp nghẽn nguồn "đô la dầu mỏ" của Iran, điều quan trọng là các đối tác dầu mỏ lớn như Trung Quốc, Ấn Độ, Thổ Nhĩ Kỳ, Nhật Bản, Hàn Quốc có chịu hành động như EU hay không. Tin cho biết ngày 16-1, một phái đoàn Hoa Kỳ đã đến Hàn Quốc để gây sức ép Seoul ngưng nhập khẩu dầu mỏ Iran. Washington cũng có những động thái gây sức ép tương tự lên Tokyo.

Tuy nhiên, cả Nhật Bản và Hàn Quốc đều là những nền kinh tế “khát năng lượng”. Nhật Bản là nước tiêu thụ dầu lớn thứ 3 thế giới, còn Hàn Quốc đứng thứ 5. Vì vậy, cả 2 nước không dễ chiều lòng Hoa Kỳ. Nhưng, cả Hàn Quốc và Nhật Bản đều là những đồng minh thân cận của Hoa Kỳ tại châu Á.

Đặc biệt, Hàn Quốc còn lệ thuộc Hoa Kỳ về quân sự, trong khi Nhật Bản cũng lệ thuộc 1 phần. Trước sức ép của Washington, cả Tokyo và Seoul cho biết sẽ sớm sang Washington để tham vấn “người bạn lớn” về việc họ sẽ vẫn nhập dầu từ Iran nhưng có giảm chút ít.

Châu Á chia rẽ

Với những nước như Trung Quốc và Ấn Độ, tiếng nói của Hoa Kỳ dường như không mấy trọng lượng. Khi EU tuyên bố chấm dứt nhập khẩu dầu Iran, nhiều người tin rằng Tehran sẽ quay sang Bắc Kinh để bù đắp vào lượng “đô la dầu mỏ” bị thiếu hụt.

Trung Quốc hiện chiếm 20% lượng dầu xuất khẩu của Iran và là nước tiêu thụ dầu mỏ lớn nhất nhì thế giới. Từ Bắc Kinh, một quan chức Bộ Ngoại giao tỏ ra khá hờ hững trước nỗ lực của Hoa Kỳ: “Áp lực mù quáng và việc cấm vận Iran không phải là một tiến trình xây dựng”.

Theo TS. Harsh V Pant, giảng dạy tại Đại học Nhà Vua (London), Trung Quốc sẽ không có lý do gì để từ bỏ nguồn dầu từ Iran. Hơn nữa, “công xưởng thế giới” này còn được lợi nhiều từ việc rút lui của các công ty phương Tây khỏi Iran bằng một loạt hợp đồng trong lĩnh vực dầu khí trị giá tới 40 tỷ USD.

Dù vậy, một số nhà phân tích tin rằng Bắc Kinh từ lâu đã có những kế hoạch dự phòng trường hợp Iran bị cấm vận hoặc bị tấn công quân sự bằng cách tăng cường nhập khẩu dầu từ các nước khác như Saudi Arabia.

Trong một nghiên cứu năm 2010 về chính sách của Trung Quốc với Iran, nhà phân tích Yitzhak Shichor của Jamestown cho biết Bắc Kinh đã triển khai chương trình “chống phụ thuộc” từ giữa thập niên 90 của thế kỷ trước. Chương trình này giúp Trung Quốc giảm dần sự phụ thuộc vào những chính phủ thiếu ổn định như Iran hay Sudan, cả về năng lượng lẫn nguyên liệu.

Trong khi đó, Ấn Độ và Thổ Nhĩ Kỳ tuyên bố thẳng thừng sẽ không giảm nhập khẩu dầu mỏ từ Iran. Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Thổ Nhĩ Kỳ Selcuk Unal cho biết nước này “không cảm thấy bị ràng buộc bởi bất kỳ biện pháp trừng phạt nào khác” ngoài các biện pháp trừng phạt của Liên hiệp quốc.

Tương tự, Bộ trưởng Tài chính Ấn Độ Pranab Mukherjee cho biết: “Ấn Độ không thể đưa ra bất kỳ quyết định nào nhằm cắt giảm mạnh lượng dầu nhập từ Iran, bởi trong số những nước có thể đáp ứng yêu cầu của nền kinh tế mới nổi, Iran có vị trí quan trọng”.

Tuy nhiên, trước sự phong tỏa các định chế tài chính Iran của Hoa Kỳ và EU, Ấn Độ đang gặp khó khăn trong việc chi trả cho các thùng dầu nhập từ Iran. Hiện nước này đang thông qua 1 ngân hàng ở Thổ Nhĩ Kỳ để trả tiền cho Iran, nhưng có thể cách thức này sẽ sớm gặp trở ngại.

Hiện Iran đã đồng ý cho Ấn Độ trả 20% tiền dầu mỏ bằng rupee của Ấn Độ, thông qua một ngân hàng ở trong nước. Ngoài ra, Ấn Độ đang tính đến phương thức thanh toán bằng yen vì Ấn Độ có chương trình trao đổi tiền tệ với Nhật Bản, ngoài ra cũng có khả năng chi trả bằng vàng.

------------

Kỳ 2: Đằng sau lệnh cấm vận

Các tin khác