Phát huy cơ chế PPP

Trong bối cảnh nguồn vốn cho phát triển hạ tầng giao thông gặp nhiều khó khăn, cơ chế hợp tác nhà nước - tư nhân (PPP) đang được kỳ vọng sẽ là một trong những giải pháp hữu hiệu để tạo ra đột phá về vấn đề này. Theo tin từ Bộ GT-VT, dự án giao thông đầu tiên được áp dụng thí điểm cơ chế PPP là đường cao tốc Dầu Giây - Phan Thiết đang có tiến triển tốt đẹp.

Trong bối cảnh nguồn vốn cho phát triển hạ tầng giao thông gặp nhiều khó khăn, cơ chế hợp tác nhà nước - tư nhân (PPP) đang được kỳ vọng sẽ là một trong những giải pháp hữu hiệu để tạo ra đột phá về vấn đề này. Theo tin từ Bộ GT-VT, dự án giao thông đầu tiên được áp dụng thí điểm cơ chế PPP là đường cao tốc Dầu Giây - Phan Thiết đang có tiến triển tốt đẹp.

Ông ĐINH LA THĂNG,  Bộ trưởng Bộ Giao thông - Vận tải:

2012 - năm chất lượng công trình

Năm 2012, Bộ GT-VT vẫn xác định là “Năm chất lượng công trình” nhưng sẽ đưa ra giải pháp cụ thể hơn. Phải xác định tiến độ, chất lượng, hiệu quả công trình là trách nhiệm, lương tâm, danh dự của cả ngành GT-VT, là tiêu chí đánh giá phẩm chất và năng lực cán bộ. Chúng tôi sẽ kiên quyết loại bỏ các nhà thầu năng lực yếu kém ra khỏi các dự án của ngành.

Trong năm 2012 và 5 năm tới, về đường bộ ưu tiên cần tập trung việc cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 1A, xây dựng tuyến cao tốc Bắc-Nam, đường Hồ Chí Minh, các tuyến đường vùng kinh tế trọng điểm. Về đường sắt, tiếp tục khôi phục, nâng cấp các tuyến đường sắt hiện có.

Riêng tuyến đường sắt Thống nhất phấn đấu đến năm 2020 đạt tốc độ 120km/h; về đường biển tập trung xây dựng các cảng Lạch Huyện, Vân Phong, Cái Mép-Thị Vải; về đường thủy nội địa, tập trung cải tạo nâng cấp các tuyến đường thủy chính, các tuyến tại đồng bằng sông Hồng và sông Cửu Long; về hàng không, tiếp tục đầu tư nâng cấp các cảng hàng không hiện có, bảo đảm tiến độ nhà ga T2 (Nội Bài), phấn đấu đưa năng lực khai thác của toàn mạng cảng hàng không lên gấp 2 lần vào năm 2015, sớm khởi công cảng hàng không quốc tế Long Thành.

Vụ Kế hoạch - Đầu tư (Bộ GT-VT) cho biết, hiện nay dự án cao tốc Dầu Giây - Phan Thiết đang bước vào giai đoạn tuyển chọn tư vấn, xây dựng cơ chế thực hiện, cơ chế tài chính và xác định khoản hỗ trợ của Nhà nước để trình Thủ tướng Chính phủ chấp thuận.

Quá trình này có sự hỗ trợ từ phía Ngân hàng Thế giới để triển khai theo đúng chuẩn mực quốc tế, bảo đảm mang lại hiệu quả cao nhất cho dự án. Thời gian hoàn tất vấn đề này dự kiến trong quý I-2012. Bước sang quý II-2012 sẽ tiến hành đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư và phấn đấu đến đầu năm 2013 sẽ chính thức khởi công dự án quan trọng này.

Quy mô của dự án đường cao tốc Dầu Giây - Phan Thiết là đường cao tốc loại A, giai đoạn hoàn chỉnh 6 làn xe, trước mắt giai đoạn 1 là 4 làn. Tổng chiều dài 98,7km, đi qua tỉnh Đồng Nai và Bình Thuận. Tổng mức đầu tư giai đoạn 1 dự kiến là 16.488 tỷ đồng, bao gồm cả lãi vay.

Cơ chế thực hiện sẽ do Bộ GT-VT, là cơ quan nhà nước có thẩm quyền và sẽ lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án. Hiện nay, nhà đầu tư thứ nhất đã được lựa chọn là Bitexco, còn nhà đầu tư thứ hai sẽ lựa chọn thông qua đấu thầu cạnh tranh quốc tế.

Theo đánh giá, cơ chế thí điểm PPP cho dự án Dầu Giây - Phan Thiết là khá mở và tạo điều kiện thuận lợi cho nhà đầu tư. Theo đó, khoản hỗ trợ của Nhà nước sẽ chỉ được tính dựa trên các chi phí thực mà Nhà nước tham gia góp vốn vào dự án mà không tính các giá trị vô hình khác, như ưu đãi nhà đầu tư về thuế, tiền miễn giảm thuê đất, phần đóng góp để giải phóng mặt bằng...

Khoản hỗ trợ này theo đề xuất của Bộ GT-VT không thấp hơn 20% và không cao hơn 50% tổng chi phí xây dựng công trình. Trong khi đó, phần vốn chủ sở hữu của nhà đầu tư chỉ cần bảo đảm khoảng 10% tổng mức đầu tư hoặc 20% vốn tham gia.

Phần vốn vay, nhất là vốn ODA cũng được đề xuất thực hiện theo phương thức Chính phủ cho vay lại với lãi suất đúng với điều kiện gốc, cộng thêm các khoản phí phục vụ của ngân hàng.

Ngoài ra, cơ chế thí điểm cũng đề xuất cho phép nhà đầu tư được miễn nghĩa vụ bảo đảm thực hiện hợp đồng cũng như được hưởng một số đặc quyền kinh doanh khác ngoài các ưu đãi theo Quyết định 71/2010/QĐ-TTg của Chính phủ.

Đường cao tốc Pháp Vân-Cầu Giẽ. Ảnh: LÃ ANH

Đường cao tốc Pháp Vân-Cầu Giẽ. Ảnh: LÃ ANH

Ông Nguyễn Hoằng, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch và Đầu tư (Bộ GT-VT) cho rằng, việc tích cực khởi động và sớm khởi công tuyến PPP Dầu Giây - Phan Thiết sẽ là bước khởi đầu cho hàng loạt các dự án PPP về hạ tầng giao thông khác để chia sẻ gánh nặng về vốn ngân sách.

Thành công hay thất bại của cơ chế PPP trong phát triển hạ tầng giao thông phụ thuộc nhiều vào kết quả triển khai dự án Dầu Giây - Phan Thiết. Hiện nay, có 27 dự án được đề xuất thực hiện thí điểm PPP, trong đó có 12 dự án hạ tầng giao thông và 6 dự án xây dựng cảng (nội địa, hàng không).

Theo tính toán, trong thời gian tới mỗi năm Việt Nam cần 15-16 tỷ USD cho phát triển cơ sở hạ tầng, đây là cơ hội lớn cho các nhà đầu tư theo cơ chế PPP.

Các tin khác