Lời lỗ cũng làm, vì… thương hiệu?

Nếu định nghĩa có lãi là tổng thu lớn hơn tổng chi thì hiếm có CLB bóng đá nào tại Việt Nam tuyên bố mình có lãi. Chỉ cần vài phép tính đơn giản, có thể cho ra những con số lỗ rất nặng tại các CLB bóng đá hiện nay.

Nếu định nghĩa có lãi là tổng thu lớn hơn tổng chi thì hiếm có CLB bóng đá nào tại Việt Nam tuyên bố mình có lãi. Chỉ cần vài phép tính đơn giản, có thể cho ra những con số lỗ rất nặng tại các CLB bóng đá hiện nay.

Gánh nặng chi phí

Chủ tịch HĐQT VPF Võ Quốc Thắng ước tính, chi phí đối với các CLB ở Super League có thể từ 2-4 triệu USD/năm nhưng số tiền thu về không đáng kể, nếu không muốn nói là rất ít. Không ông bầu nào muốn nói mình lỗ, nhưng với những gì các đội bóng công bố trên báo, có thể thấy tất cả đều đang lỗ.

Nguồn thu của các đội bóng thường từ 3 nguồn chính: bán vé, bao gồm vé từng trận và thẻ thành viên; bản quyền truyền hình; doanh thu từ tài trợ và bán hàng.

Đối với những CLB bóng đá nước ngoài có tuổi đời lịch sử cả trăm năm, sự tích lũy về tiền bạc thường sở hữu luôn cả sân bóng và nguồn thu từ bán vé rất đáng kể. Trong khi đó, không dễ gì xác định CLB nào trong nước sở hữu cả sân vận động, dù phần nhiều đã được cổ phần hóa.

Thực tế, với việc khán giả thưa thớt thì việc sở hữu sân vận động của CLB cũng… như không, có khi lại là gánh nặng chi phí. Ở nước ngoài, khi khán giá không đến sân, sẽ chọn cách xem bóng đá qua truyền hình trả tiền, nhưng với thực trạng của bóng đá hiện nay, phát vé miễn phí chưa chắc ai muốn đi, nói gì đến chuyện trả tiền.

Mùa bóng 2010-2011, trung bình mỗi trận đấu có khoảng 7.400 khán giả đến sân, giả định giá vé vào cửa cho mỗi trận đấu là 100.000 đồng/vé (thực tế thấp hơn nhiều) số tiền thu về sẽ chỉ vỏn vẹn 740 triệu đồng. Trong khi đó bầu Đức của CLB Hoàng Anh Gia Lai ước tính, chi phí cho 1 trận đấu tại V-League là 3 tỷ đồng.

Thực tế nhiều năm qua cho thấy nguồn thu từ bán vé của các đội bóng xem như… bằng 0. Các dịch vụ trong trận đấu cũng không khả thi. Còn tiền tài trợ và bản quyền truyền hình, theo những thông tin đăng tải trên một số tờ báo thể thao, CLB Becamex Bình Dương đã phải bỏ ra khoảng 9 tỷ đồng để chiêu mộ tiền đạo Việt Thắng, con số lớn gấp rưỡi số tiền AVG trả cho VFF để mua bản quyền truyền hình (6 tỷ đồng).

Việc một đội bóng bỏ ra vài chục tỷ đồng chiêu mộ cầu thủ là điều không mới, tuy nhiên việc các CLB bóng đá thu không đủ chi nhưng vẫn dám bỏ ra khoản tiền “khủng” đầu tư không biết bao giờ mới thu lại được?

Về điều này, bầu Đức đã từng phát biểu: “Cái lợi thu về từ bóng đá không đáng kể, thay vì bỏ tiền ra làm PR, doanh nghiệp đi làm bóng đá để quảng bá thương hiệu. Việc đào tạo và chuyển nhượng cầu thủ từ học viện thì phải 3-5 năm nữa mới có nguồn thu. Hiện tại, các doanh nghiệp Việt Nam đầu tư cho bóng đá đều phải bù lỗ 50%/năm, tôi dám chắc chưa doanh nghiệp nào có lợi nhuận do bóng đá mang lại”.

Lãi vô hình

Tính toán trên sổ sách có thể lỗ, nhưng những giá trị vô hình khi đầu tư bóng đá mang lại vô cùng lớn. Điều này đã được minh chứng qua sự lớn mạnh của các thương hiệu Hoàng Anh Gia Lai, ACB, Gạch Đồng Tâm, Hòa Phát…

Cũng chính từ điều này đã xuất hiện những ông bầu thay vì đầu tư đội bóng một cách bài bản lại sử dụng bóng đá để đánh bóng tên tuổi của mình, cũng là đánh bóng thương hiệu doanh nghiệp.

Trước khi Super League khởi tranh, vị trí chủ tịch tại CLB Sài Gòn FC liên tục được hoán đổi, từ ông Nguyễn Đức Thụy, Chủ tịch Tập đoàn Xuân Thành sang ông Lưu Quang Lãm rồi lại về tay ông Thụy.

Cổ động viên Việt Nam tại một kỳ SEA Games. Ảnh: HOÀNG HÙNG

Cổ động viên Việt Nam tại một kỳ SEA Games. Ảnh: HOÀNG HÙNG

Vài năm nay, bầu Thụy nổi lên trong giới bóng đá với việc sở hữu, rồi lại không sở hữu nhiều đội bóng. Tập đoàn Xuân Thành cũng được nhiều người biết đến thông qua bầu Thụy và các đội bóng của ông. Việc này cũng đang được áp dụng rộng tại các đội như Hà Nội ACB, Hòa Phát Hà Nội hay SHB Đà Nẵng. Đầu tư cho bóng đá được trích thẳng từ nguồn ngân sách tiếp thị  - quảng cáo hàng năm (chiếm 10-20% doanh thu) của các tập đoàn.

Thí dụ, Tập đoàn Hòa Phát có doanh thu vài ngàn tỷ đồng mỗi năm thì với trên dưới 40 tỷ đồng chi cho đội bóng chiếm chưa quá 10% của ngân sách quảng cáo. Chỉ cần cắt bớt một số chi phí PR hay sản xuất quảng cáo là dôi ra số tiền này.

Tập đoàn càng có quy mô đa ngành nghề, địa bàn rộng càng có lợi khi dùng bóng đá quảng bá thương hiệu. Và đó là lý do mà các ông bầu chẳng ngại ngần khi tiêu tiền vào bóng đá. Lãi vô hình đã thấy nhưng có khi còn có cả lợi nhuận trực tiếp bằng tiền nếu có cách làm dài hơi.

Theo chúng tôi được biết, công ty thể thao quản lý đội bóng Hoàng Anh Gia Lai được rót thẳng 300 tỷ đồng tiền vốn từ tập đoàn chứ không qua ngân sách quảng cáo. Số tiền này được công ty thể thao đầu tư kinh doanh trạm dừng chân, du lịch sinh thái và học viện bóng đá.

Theo tính toán của bầu Đức, chỉ chừng 3-5 năm nữa, những khoản đầu tư trên sẽ sinh lãi và hoàn vốn. Tất nhiên, những cách làm bóng đá có lãi nói trên không dễ dàng chút nào và đã có không ít ông bầu lâm vào cảnh kiệt sức khi đầu tư cho bóng đá.

Những giá trị vô hình về mặt thương hiệu còn được gia tăng khi các doanh nghiệp lên sàn. Kể cả khi đội bóng thi đấu có phần kém cỏi thì thương hiệu vẫn được nhắc đến, thậm chí có tần suất còn cao hơn. Có ý kiến cho rằng, thi đấu kém ảnh hưởng đến thương hiệu.

Tuy nhiên, xét về góc độ kinh doanh vẫn còn có lợi. Vậy VPF sẽ làm gì để các đội bóng có nguồn thu ổn định, tiến đến cân đối thu chi?

Bởi lẽ nếu tồn tại kiểu làm bóng đá “phi lợi nhuận” như hiện nay, khi đã đạt được mục đích của mình, các ông bầu sẵn sàng bỏ trái bóng là chuyện rất đỗi bình thường và nỗ lực của VPF tan thành mây khói. Không chừng sẽ có ý kiến cho rằng, việc lập ra VPF chỉ là một cách “làm thương hiệu” của các ông bầu mà thôi.

Các tin khác