KT Triều Tiên 3 đời họ Kim (kỳ 2): Gượng dậy từ đói kém

Kim Chính Nhật (Kim Jong Il) kế thừa quyền lãnh đạo Triều Tiên sau cái chết của cha mình đúng vào lúc đất nước khó khăn nhất, khi nạn đói bắt đầu manh nha trên khắp lãnh thổ. Ước tính kinh tế Triều Tiên bị sút giảm 50% so với năm 1992 khi nạn đói kết thúc vào năm 1998.

Kim Chính Nhật (Kim Jong Il) kế thừa quyền lãnh đạo Triều Tiên sau cái chết của cha mình đúng vào lúc đất nước khó khăn nhất, khi nạn đói bắt đầu manh nha trên khắp lãnh thổ. Ước tính kinh tế Triều Tiên bị sút giảm 50% so với năm 1992 khi nạn đói kết thúc vào năm 1998.

> Kinh tế Triều Tiên 3 đời họ Kim (kỳ 1): Từ hơn đến kém

Manh nha thị trường

Nạn đói được xem là cuộc khủng hoảng kinh tế tồi tệ nhất của Triều Tiên, cả nước phải phụ thuộc vào viện trợ lương thực khẩn cấp của Liên hiệp quốc (LHQ). Ước tính 900.000-3,5 triệu người bị chết vì đói và các bệnh tật liên quan.

Các quan sát viên quốc tế lúc đó miêu tả Triều Tiên là “nền kinh tế công nghiệp đầu tiên và duy nhất trên thế giới bị mất khả năng tự nuôi người dân của mình”. Trước thực trạng tồi tệ này, năm 1995, Kim Chính Nhật thông qua chính sách "Quân đội hàng đầu" để tăng cường sức mạnh cho quốc gia cũng như cho chế độ.

Một trại trẻ mồ côi ở Bình Nhưỡng.

Một trại trẻ mồ côi ở Bình Nhưỡng.

Trên bình diện quốc gia, chính sách này đã mang lại tăng trưởng khả quan cho đất nước từ năm 1996. Bên cạnh đó, Bình Nhưỡng bắt đầu thông qua một số hoạt động thương mại ở mức độ nhỏ được tạo dựng theo kiểu hệ thống thị trường tự do.

Các đối tác thương mại chính của Triều Tiên là Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Ấn Độ, Nga, Thái Lan. Năm 2004, nước này đạt kim ngạch mậu dịch 2,85 tỷ USD, mức cao nhất kể từ năm 1991.

Triều Tiên cũng tìm cách thu hút ngoại tệ mạnh bằng việc thiết lập các hoạt động kinh doanh hợp pháp và không hợp pháp khắp châu Á, theo Hội đồng Ngoại giao (CFR) - một tổ chức độc lập tại New York. Bình Nhưỡng mở một khách sạn 160 phòng ngủ ở Shenyang (Trung Quốc), nơi đó có phòng tắm hơi, câu lạc bộ đêm hay dịch vụ internet.

Triều Tiên còn bán một loại thuốc được xem là “Viagra của Triều Tiên” tại chợ Trung Quốc và điều hành nhiều nhà hàng ở hàng chục thành phố nước ngoài, từ Siam Reap ở Campuchia đến Vladivostok ở Nga. Ngoài ra còn có hoạt động trao đổi mậu dịch hàng hóa và dịch vụ ở biên giới với Trung Quốc.

Năm 2002, Kim Chính Nhật tuyên bố "tiền có thể đo được mức độ giá trị của mọi hàng hóa”. Theo đó, ông thực hiện một số biện pháp cải cách kinh tế, xóa dần chế độ bao cấp (xóa tem phiếu, tăng lương 12-20 lần, tăng giá hàng hóa, tăng tính chủ động cho cơ sở, cho phép mở một số chợ trong cả nước).

Năm 2010, Bình Nhưỡng thành lập Ngân hàng Phát triển Quốc gia như cửa ngõ thu hút đầu tư quốc tế. Bên cạnh đó, Triều Tiên thành lập Tập đoàn Phát triển đầu tư Pyeonggon, có nhiệm vụ tìm kiếm nhà đầu tư cho dự án xây dựng 100.000 căn hộ tại Bình Nhưỡng và thu hút đầu tư quốc tế vào các ngành nông nghiệp, chế tạo, sản xuất và tài chính của đất nước.

Vẫn khó khăn

Những đổi mới này giúp Triều Tiên vượt qua nạn đói 1994-1997, có lẽ góp phần giúp Kim Chính Nhật được phong là “Lãnh tụ Kính yêu”. Tuy nhiên, những cải cách đó vẫn chưa giúp nước này hoàn toàn tự chủ về lương thực.

Tính đến năm 2004, có hơn 1/4 dân số 23 triệu của Triều Tiên (6,5 triệu người) phải sống nhờ chương trình viện trợ lương thực của LHQ. Năm 2004, LHQ đã viện trợ cho Triều Tiên 484.000 tấn lương thực trị giá khoảng 171 triệu USD. Trong giai đoạn 1995-2006, LHQ viện trợ tổng cộng 1,5 tỷ USD lương thực cho Triều Tiên.

Dù đã có nhiều nỗ lực nhưng hiện nay thu nhập bình quân đầu người của Triều Tiên vẫn chưa bằng 5% so với Hàn Quốc. GDP danh nghĩa của Triều Tiên đạt 30.000 tỷ won trong năm 2010, tương đương 26,5 tỷ USD, so với mức 1.173.000 tỷ Won của Hàn Quốc.

Kim ngạch thương mại tương đương 1/224 kim ngạch 857,3 tỷ USD của Hàn Quốc. Theo ước tính của Peter Beck thuộc Hội đồng Đại Tây Dương (AC), để đưa Triều Tiên lên mức sống ngang bằng 80% của người Hàn Quốc, cần chi 2.000-5.000 tỷ USD trong vòng 30 năm.

Trong khi đó, tham vọng hạt nhân và các vụ thử tên lửa của Triều Tiên khiến nước này bị cô lập và hứng chịu các biện pháp trừng phạt kinh tế từ Hoa Kỳ và LHQ. Các viện trợ kinh tế đến từ bên ngoài cũng bị cắt giảm đáng kể, đồng thời tài khoản ngân hàng của Triều Tiên ở nước ngoài bị phong tỏa, khiến tốc độ tăng trưởng kinh tế suy giảm mạnh.

Theo thống kê, kim ngạch thương mại liên Triều năm 2010 giảm 20% so với năm 2008. Đặc biệt mức hỗ trợ từ Hàn Quốc giảm 83%, từ gần 5,7 triệu USD xuống 1 triệu USD. Năm 2011, GDP Triều Tiên giảm 0,5% so với năm 2010, sau khi suy giảm 0,9% trong năm 2009.

Từ ngày 27-6-2011, khó khăn kinh tế khiến Bình Nhưỡng quyết định đóng cửa các trường đại học trong vòng 10 tháng và yêu cầu sinh viên nghỉ học trong 1 năm để tái thiết kinh tế. Sinh viên được huy động tham gia các công việc ở trang trại, nhà máy và công trường xây dựng. Cũng trong tháng 7-2011, hãng tin ABC News của Australia công bố đoạn video quay lén đời sống bên trong Triều Tiên.

Theo đó, rất nhiều trẻ em nước này đang sống lang thang, mồ côi do cha mẹ chết đói hoặc bị đưa vào trại cải tạo. Không chỉ vậy, nạn đói đã lan đến quân đội, lực lượng được ưu tiên về lương thực. ABC trích lời một binh sĩ Triều Tiên trẻ tuổi: “Mọi người đều ốm yếu, trong 100 đồng chí của tôi, một nửa bị suy dinh dưỡng”.

Trong khi đó, những người dân thiếu đói đang phải lao động để hoàn tất một đường ray xe lửa. “Đây là quà tặng của Kim Chính Nhật cho đồng chí Kim Chính Ân (Kim Jong-Un)” - người lính trong đoạn video nói.

-----------

Kỳ 3: Thách thức của “Người kế vị Vĩ đại”

Các tin khác