Bất ngờ các giao dịch M&A

Năm 2011, trong bối cảnh TTCK hết sức ảm đạm, các hoạt động mua bán, sáp nhập (M&A) của các doanh nghiệp niêm yết lại diễn ra hết sức sôi động. Đây chính là điểm sáng của TTCK trong năm vừa qua.

Năm 2011, trong bối cảnh TTCK hết sức ảm đạm, các hoạt động mua bán, sáp nhập (M&A) của các doanh nghiệp niêm yết lại diễn ra hết sức sôi động. Đây chính là điểm sáng của TTCK trong năm vừa qua.

Từ doanh nghiệp niêm yết

Đầu tiên phải kể đến thương vụ Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam - VietinBank (CTG) phát hành 168,6 triệu cổ phiếu (CP), tương ứng 10% cổ phần (tương đương 186 triệu USD), cho IFC. Giá của thương vụ được thực hiện ở 21.000 đồng/cổ phần, gần sát với giá CP CTG tại ngày công bố giao dịch.

Kế đến là việc Tanlax, tập đoàn bảo hiểm đứng thứ 3 tại Đức và thứ 11 tại châu Âu, đầu tư 93 triệu USD vào Tổng CTCP Bảo hiểm Dầu khí Việt Nam (PVI) để thâm nhập thị trường Đông Nam Á.

Thương vụ này tương đương 36.000 đồng/CP trong khi giá thị trường của PVI tại thời điểm đó chỉ khoảng 16.000 đồng/CP. Theo giới phân tích, bên cạnh tiềm năng tăng trưởng của PVI thì các hợp đồng tái bảo hiểm lớn hiện nay PVI đang thực hiện với Swiss Ree có thể được chuyển sang cho Tanlax.

Thực ra Tanlax đã tính toán lợi nhuận thu được từ các hợp đồng tái bảo hiểm với PVI và khoản thặng dư 20.000 đồng/CP mà Tanlax phải trả so với giá thị trường của PVI.

Bất ngờ không kém là việc CTCK lớn thứ 3 tại Nhật Bản Nikko Cordial Securities (NCS) mua 14,9% cổ phần của CTCK Dầu khí (PSI) với giá 15.000 đồng/CP, cao hơn 1,5 lần so với giá giao dịch của CP PSI trên sàn.

Ngoài việc nâng vốn điều lệ từ 509 tỷ đồng lên 598 tỷ đồng (tương đương từ 25 lên 30 triệu USD), PSI sẽ được NCS hỗ trợ về các nghiệp vụ ngân hàng, chứng khoán, môi giới, phân tích và đặc biệt là hoàn thiện hệ thống quản trị rủi ro.

Một hoạt động M&A nổi bật khác là việc Masan Consumer công bố chào mua công khai 50,1% cổ phần của CTCP Vinacafé Biên Hòa (VFC), tương đương 13,3 triệu CP.

Đến doanh nghiệp giao dịch OTC

Vấn đề phê duyệt các giao dịch M&A tại Việt Nam khá phức tạp. Tại nhiều thị trường khác, phê duyệt của cơ quan chức năng chủ yếu về vấn đề chống độc quyền hoặc nhằm bảo vệ một số ngành nhạy cảm. Trong khi đó, tại Việt Nam bước đầu tiên trong mọi giao dịch M&A liên quan đến một đối tác nước ngoài là việc xác nhận giao dịch đó có khả thi về mặt pháp lý hay không trên nhiều góc độ khác nhau, như đánh giá tài chính, kinh tế, đàm phán.  Đã vậy, đến giai đoạn thực hiện thay đổi đăng ký kinh doanh có thể bị từ chối, khi đó tất cả các nguồn lực bỏ ra sau hàng năm trời để thực hiện giao dịch sẽ trở thành vô nghĩa.

Công ty Tư vấn INDOCHINA

Trên thị trường OTC cũng có nhiều thương vụ M&A lớn. Chẳng hạn, Quỹ đầu tư KKR bỏ ra 159 triệu USD để đổi lấy hơn 14,44 triệu cổ phần, tương đương 220.000 đồng/CP của Masan Consumer, trong khi giá CP này tại thời điểm diễn ra giao dịch chỉ ở mức khoảng 150.000 đồng/CP. Streetcar Investment Holding Pte.Ltd, công ty con của Tập đoàn Diageo, mua cổ phần của Halico (Công ty Cồn-Rượu Hà Nội).

Tập đoàn này hiện đang sở hữu các thương hiệu rượu hàng đầu thế giới như Johnnie Walker, Guiness, Smirnoff, J&B, Baileys, Cuervo Tanqueray và Captain Morgan. Trong khi đó, Halico chỉ có sản phẩm chủ lực là rượu Vodka Hà Nội. Với giá mua vào 213.000 đồng/CP, rõ ràng Diageo không xác định đầu tư tài chính đơn thuần vào Halico mà chọn cách M&A để thâm nhập vào thị trường đồ uống gần 90 triệu dân của Việt Nam.

Hãng dược phẩm Stada (Đức) mua thêm 25,29% vốn cổ phần của Pymepharco và nâng tỷ lệ nắm giữ lên mức 49% cổ phần. CTCK Nhật Bản SBI Securities đã mua 11 triệu CP phát hành thêm của CTCK FPT (FPTS) với giá 45.000 đồng/CP, cao hơn 3 lần so với giá giao dịch trên sàn OTC của CP này.

Tuy nhiên, thương vụ đáng chú ý nhất trên thị trường OTC là việc VOF, quỹ lớn nhất của VinaCapital, đầu tư 7,5 triệu USD vào CTCP Yến Việt. Đây là một khoản đầu tư giá trị thấp của VinaCapital trong xu hướng bán ra hàng loạt khoản đầu tư khác trong năm 2011 như Halico (62 triệu USD), Bệnh viện Hoàn Mỹ (64 triệu USD).

Khoản đầu tư 7,5 triệu USD để nắm giữ 32% vốn của Yến Việt nhằm giúp công ty này tái cấu trúc và xây dựng thương hiệu, củng cố các kênh phân phối, tăng cường năng lực sản xuất và phát triển sản phẩm. Năm 2010 Yến Việt đạt doanh thu khoảng 20 triệu USD và lợi nhuận gần 6 triệu USD.

Tận dụng thời cơ

Theo lý giải của các chuyên gia kinh tế, bối cảnh khó khăn hiện tại lại chính là điều kiện để 2 bên mua và bán có cơ hội đến gần được với nhau hơn. Các rào cản về giá, văn hóa kinh doanh và đàm phán sẽ dễ dàng hơn. Song song đó, việc TTCK giảm sâu khiến giá CP niêm yết trên HOSE và HNX đang thấp hơn giá trị sổ sách là điều kiện tiền đề cho việc thương thảo giá trong các thương vụ trở nên dễ dàng hơn.

Đặc biệt, trong bối cảnh vốn vay từ ngân hàng với chi phí vốn rất cao, việc tìm kiếm hoặc chấp nhận đề xuất hợp tác từ các đối tác trong và ngoài nước sẽ dễ dàng được chấp nhận hơn. Do vậy, nguồn vốn thông qua các đối tác lớn trong các giao dịch M&A sẽ tiếp tục là kênh vốn quan trọng.

Theo phân tích của StoxPlus, các giao dịch M&A có xác suất thành công cao trong năm 2011 do nhiều công ty trong nước công khai danh mục thoái vốn hoặc cần hợp tác với đối tác nước ngoài ngày càng dài. Hầu hết các ngành của Việt Nam chủ yếu cạnh tranh bằng giá là chính.

Trong khi đó, yếu tố chất xám hoặc chất lượng sản phẩm chưa nhiều và quy mô doanh nghiệp còn manh mún. Chẳng hạn, trong những ngành như chứng khoán, ngân hàng, xây dựng, thủy sản, vận tải, kho bãi… vẫn chưa đạt được hiệu quả so với số lượng doanh nghiệp.

Đây chính là cơ sở tốt trên góc độ M&A để hợp nhất nâng cao năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp Việt Nam.

Các tin khác