Di dân thời toàn cầu hóa (kỳ 1): Châu Âu bị ruồng bỏ

Trong thế kỷ trước chiến tranh là nguyên nhân chủ yếu khiến người ta phải rời bỏ đất nước, nay kinh tế và các vấn đề xã hội - chính trị trở thành nguyên nhân chính. Không chỉ người dân ở những đất nước bị chiến tranh tàn phá như Afghanistan hoặc Iraq mới từ bỏ quê hương, mà đang có một bộ phận lớn di dân từ những nước giàu ở châu Âu, thậm chí có cả triệu phú Trung Quốc.

Trong thế kỷ trước chiến tranh là nguyên nhân chủ yếu khiến người ta phải rời bỏ đất nước, nay kinh tế và các vấn đề xã hội - chính trị trở thành nguyên nhân chính. Không chỉ người dân ở những đất nước bị chiến tranh tàn phá như Afghanistan hoặc Iraq mới từ bỏ quê hương, mà đang có một bộ phận lớn di dân từ những nước giàu ở châu Âu, thậm chí có cả triệu phú Trung Quốc.

Mãi đến đầu thế kỷ này các nước châu Âu vẫn là “miền đất hứa” của đa số di dân. Tuy nhiên, cuộc khủng hoảng nợ công và làn sóng triển khai chính sách khắc khổ để kiềm chế nó khiến hàng trăm nghìn dân châu Âu đang rời bỏ đất nước tìm nơi “tránh bão”.

Ám ảnh Hy Lạp

Xứ sở thần thoại là nơi “khai mào” cuộc khủng hoảng nợ công châu Âu. Người dân Hy Lạp đang phải gồng mình hứng chịu những kế hoạch khắc khổ được chính quyền liên tục đưa ra trong suốt 2 năm qua. Hàng triệu người mất việc làm, người còn việc làm bị giảm lương, thu nhập gia đình tuột giảm kéo theo mức sống bị hạ bậc, đó là những gì đang diễn ra ở đất nước này.

Để phản kháng, nhiều người Hy Lạp chọn cách xuống đường biểu tình chống đối các kế hoạch khắc khổ, tạo ra làn sóng bạo động trên cả nước. Trong khi đó, không ít người phản ứng ôn hòa nhưng tiêu cực hơn: rời bỏ đất nước để tìm kiếm một cuộc sống mới.

Tờ Guardian (Anh) cho biết ngày càng có nhiều sinh viên Hy Lạp mới ra trường đã vội vã rời bỏ đất nước để tìm kiếm tương lai. Nhiều người trong số đó chạy sang Đức, nơi bạn bè và bà con họ đã đến vào những năm 50 của thế kỷ trước trong một làn sóng di dân. Những lao động trẻ, lành nghề của Hy Lạp cũng quyết định ra đi hơn là ở lại tìm kiếm những công việc tủn mủn, trong xã hội “khắc khổ”.

Hy Lạp và nhiều nước châu Âu đang chứng kiến tình trạng chảy máu chất xám vì khủng hoảng nợ công.

Hy Lạp và nhiều nước châu Âu đang chứng kiến tình trạng
chảy máu chất xám vì khủng hoảng nợ công.

Christos Christoglou là một trong số đó. Kỹ sư hóa học 37 tuổi của một trường đại học danh giá ở Athens đã tốt nghiệp cao học và từng có một công việc tốt tại một trong những công ty lớn nhất Hy Lạp - Công ty Elval Hellenic Aluminium Industry. Nhưng khi cuộc khủng hoảng bùng phát vào năm 2008, anh mất việc làm. “Rõ ràng không thể tìm được việc làm, đặc biệt là công việc tốt vào thời điểm này tại Hy Lạp” - Christoglou nói trên tờ Deutsche Welle.

Christoglou bắt đầu làm kỹ sư thanh tra tại một công ty hóa dược phẩm ở Bayer, Đức kể từ tháng 6-2010. Không chỉ những người mất việc mới bỏ xứ, Christoglou cho biết nhiều đồng nghiệp vẫn còn việc làm ở Hy Lạp nhưng đã gửi đơn xin việc đến các công ty ở nước ngoài, vì không biết mình sẽ được thuê thêm bao lâu.

“Thường đó là những người ưu tú nhất, có thể kiếm một công việc tốt ở bất cứ đâu, người thật sự có thể đóng góp cho đất nước. Và họ đang rời bỏ đất nước. Đó là một thảm họa. Những người ở lại và sẽ trở thành thế hệ giáo sư tiếp theo trong các trường đại học đa số  thuộc hạng xoàng, không thể tìm việc làm ở nước ngoài” - Christoglou nói.

Tình trạng này có thể là một sự chảy máu chất xám vĩnh viễn. Những người trẻ ưu tú của đất nước đã ra đi để tìm kiếm cuộc sống tốt hơn trong thời khủng hoảng khi còn độc thân.

Ở chân trời mới, họ sẽ lập gia đình với người bản xứ, có con cái, nhà cửa và bạn bè. Giả sử cuộc khủng hoảng sẽ kết thúc sau 10 năm, liệu lúc đó họ có thể từ bỏ mọi thứ để quay về cố quốc?

Ireland mất 2,5% dân số

Tình trạng tương tự cũng đang diễn ra ở một nước thuộc khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) nặng nợ khác là Ireland. Một khảo sát của tờ The Telegraph (Anh), cho biết tính đến cuối năm nay hơn 100.000 người lao động Ireland (2,5% dân số) rời bỏ đất nước do không chịu được tình trạng xuống cấp mức sống mà các chính sách khắc khổ mang lại.

Một chương trình trên truyền hình đầu năm 2011 đã phát hình ảnh hàng nghìn thanh niên Ireland vẫy tay chào người thân và gia đình để quay lại nước ngoài, nơi họ đang làm việc, sau khi kết thúc kỳ nghỉ lễ Giáng sinh và năm mới. Đây là một cảnh tượng hoàn toàn trái ngược với vài năm trước. Là một trong những nước mở cửa đầu tiên sau khi gia nhập Liên minh châu Âu (EU) và là nơi có nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất châu lục, Ireland từng là điểm đến của hàng nghìn lao động từ Ba Lan, Latvia, Lithuania.

Tuy nhiên, tình hình đã đảo ngược. Với tỷ lệ thất nghiệp 13,6%, đến lượt người Ireland tìm đường ra nước ngoài. Điểm đến phổ biến của họ là các nước nói tiếng Anh như Canada, Australia và New Zealand, nơi đang cần nhiều lao động. Hoa Kỳ cũng là một điểm đến mơ ước. Năm 2010 số người Ireland di dân sang Hoa Kỳ tăng tới 12%.

Hãng tin AP kể về câu chuyện của sinh viên Niamh Buffini, vận động viên taekwondo số 1 của Ireland và đứng thứ 12 trên thế giới, với hy vọng mang huy chương vàng Olympic về cho đất nước. Tuy nhiên, cuộc đời cô đã thay đổi.

Khủng hoảng nợ công khiến Ireland  phải thực hiện các chính sách khắc khổ. Học phí của cô tại Viện Kỹ thuật Tallaght ở Dublin đã tăng vượt khả năng chi trả của gia đình.

“Lớp tôi đã mất 50% sinh viên trong năm nay. Ngay cả các giảng viên cũng xuống đường để biểu tình chống lại việc tăng học phí” - Buffini nói và cho biết cô có dự định ra nước ngoài để tìm kiếm một vị trí huấn luyện viên taekwondo, đủ trang trải cho việc hoàn thành giấc mơ của cô. Trong năm 2011, ước tính có 40.000 người Ireland đã rời bỏ đất nước để tìm một tương lai tươi sáng hơn.

------------

Kỳ 2: Chảy máu nhà giàu

Các tin khác