Khơi thông dòng vốn kiều hối

Theo Ngân hàng Nhà nước (NHNN) chi nhánh TPHCM, kiều hối năm nay chảy về TPHCM đạt hơn 5 tỷ USD trong tổng số dự báo 9 tỷ USD của cả nước. Như vậy, Việt Nam tiếp tục là 1 trong 16 quốc gia nhận kiều hối nhiều nhất thế giới. Mặc dù kiều hối góp phần cân bằng cán cân thanh toán tổng thể nền kinh tế, nhưng nhiều chuyên gia thừa nhận vẫn chưa có sự quan tâm đúng mức đến nguồn lực tài chính này.

Theo Ngân hàng Nhà nước (NHNN) chi nhánh TPHCM, kiều hối năm nay chảy về TPHCM đạt hơn 5 tỷ USD trong tổng số dự báo 9 tỷ USD của cả nước. Như vậy, Việt Nam tiếp tục là 1 trong 16 quốc gia nhận kiều hối nhiều nhất thế giới. Mặc dù kiều hối góp phần cân bằng cán cân thanh toán tổng thể nền kinh tế, nhưng nhiều chuyên gia thừa nhận vẫn chưa có sự quan tâm đúng mức đến nguồn lực tài chính này.

Kênh chính thức ngày càng tăng

 Những năm trước, phổ biến tình trạng kiều hối chuyển qua các kênh không chính thức gây rủi ro cho người chuyển và khó thống kê được lượng kiều hối thực sự. Nhưng năm nay, lượng kiều hối chuyển về kênh chính thức qua ngân hàng đã tăng lên rõ rệt.

Những ngân hàng thu hút kiều hối nhiều là DongABank, Vietcombank, VietinBank, Sacombank. Trong đó, ước tính đến tháng 12 DongABank thu hút khoảng 1,6 tỷ USD lượng kiều hối chuyển về, tăng 20% so với năm ngoái.

Kiều hối chuyển về Việt Nam qua kênh chính thức Western Union ngày càng nhiều. Ảnh: LÃ ANH

Kiều hối chuyển về Việt Nam qua kênh chính thức Western Union ngày càng nhiều.
Ảnh: LÃ ANH

Doanh số chuyển tiền kiều hối tại Công ty Kiều hối Sacomrex năm 2011 ước đạt 1,65 tỷ USD. Số liệu kiều hối đến cuối tháng 10 của Vietcombank trên 1,2 tỷ USD, trong khi VietinBank dự kiến cả năm trên 1,3 tỷ USD. Eximbank cũng cho biết lượng kiều hối qua ngân hàng này đạt trên 600 triệu USD, tăng 64% so với cùng kỳ năm ngoái.

Ông Trần Văn Trung, Giám đốc Công ty Kiều hối Đông Á, cho biết lượng kiều hối chuyển về kênh chính thức tăng do các ngân hàng, công ty kiều hối đã đẩy mạnh phát triển mạng lưới và chất lượng phục vụ cũng được cải thiện, nhanh chóng, an toàn, cạnh tranh về phí.

Một thực tế nữa cũng khiến lượng kiều hối tăng là do lãi suất huy động VNĐ vẫn còn cao, đã thu hút lượng kiều hối về bán cho ngân hàng rồi gửi tiết kiệm VNĐ. Chênh lệch tỷ giá trong và ngoài ngân hàng không đáng kể nên các ngân hàng đã thu mua được USD nhiều hơn trước.

Đây là nguồn cung USD kịp thời, bổ sung cho thị trường khi cầu ngoại tệ thường tăng mạnh vào các tháng gần Tết Nguyên đán. Tuy nhiên, theo một lãnh đạo của Eximbank, dù doanh số kiều hối có tăng nhưng giá trị tiền gửi về giảm so với những năm trước, phổ biến chỉ 300-500USD/lần gửi; chủ yếu chuyển về cho người thân tiêu dùng, chữa bệnh… hơn là đầu tư vào các bất động sản, chứng khoán… như trước đây.

Một vấn đề đặt ra cho các ngân hàng thương mại (NHTM) hiện nay là dù lượng kiều hối đổ về tăng mạnh theo từng năm, nhưng lượng ngoại tệ này bán cho ngân hàng vẫn khá khiêm tốn, chỉ 10-20%.

Mặc dù các NHTM tích cực thu hút kiều hối thông qua các chương trình khuyến mại tặng quà, bốc thăm trúng thưởng… nhưng khi tỷ giá biến động, chênh lệch tỷ giá tăng cao, người nhận kiều hối có xu hướng bán USD ra thị trường tự do.

Với quy định quản lý thị trường ngoại tệ vừa được triển khai (phạt tiền 300-500 triệu đồng đối với trường hợp mua bán ngoại tệ trái phép; tịch thu tang vật ngoại tệ, tiền đồng...), các NHTM kỳ vọng lượng ngoại tệ từ kiều hối bán lại cho ngân hàng sẽ tăng hơn.

Điều cần làm là các cơ quan quản lý cần mạnh tay xử phạt theo đúng quy định để giúp những dòng vốn kiều hối quy về kênh chính thức.

Cần hành lang pháp lý

Theo các NHTM, năm nay lượng kiều hối chủ yếu đến từ các nước châu Âu, Hoa Kỳ, Canada, Australia… Ngoài ra, các thị trường xuất khẩu lao động như Malaysia, Đài Loan, Hàn Quốc… cũng đóng góp lượng kiều hối đáng kể.

Theo một chuyên gia ngân hàng, kiều hối được xem là cung ngoại tệ ổn định để bù đắp thiếu hụt cán cân thanh toán vãng lai, nhưng đến nay nước ta vẫn chưa có chính sách căn cơ để khơi thông dòng vốn này.

Theo một thống kê, những năm trước đây trên 50% lượng kiều hối đổ vào đầu tư lĩnh vực bất động sản, còn lại là kênh tiền gửi tiết kiệm và tiêu dùng. Nhưng thời gian gần đây thị trường chứng khoán eo xèo, bất động sản chưa có dấu hiệu khả quan, xu hướng lãi suất tiết kiệm tiếp tục giảm… đã khiến việc thu hút kiều hối có phần chựng lại.

Chưa kể, môi trường kinh doanh và đầu tư của nước ta chưa ổn định do còn yếu tố rủi ro chính sách và nguy cơ tồn kho hàng hóa gia tăng, áp lực lạm phát…, đã không khuyến khích người có nguồn vốn từ kiều hối đầu tư vào sản xuất kinh doanh.

“Hy vọng các thị trường bất động sản, chứng khoán ấm lên, thị trường vàng ổn định, sẽ tạo điều kiện thuận lợi để kiều bào mạnh dạn đổ vốn đầu tư, góp phần phát triển kinh tế - xã hội đất nước” - một chuyên gia ngân hàng nói.

Nếu trước đây kiều hối chủ yếu tập trung về TPHCM và các tỉnh miền Nam, thì nay đang chuyển mạnh về các vùng nông thôn, nhất là các tỉnh Bắc và Trung bộ. Điều này do số lượng người ở nông thôn đi xuất khẩu lao động ngày càng gia tăng.

Đây là một xu hướng tích cực khi dòng vốn kiều hối chuyển về sẽ giúp thay đổi bộ mặt khu vực nông thôn, nâng cao mức sống người dân nơi đây.

Tuy nhiên, vấn đề đặt ra là làm sao thu hút được dòng vốn kiều hối này vào hệ thống ngân hàng. Một điểm thuận lợi hiện nay là nhiều NHTM mở rộng mạng lưới đến vùng sâu, vùng xa, khu vực nông thôn, đã tạo được kênh thuận lợi trong việc cung cấp dịch vụ chi trả kiều hối cho người dân, cũng như tăng cơ hội mua được ngoại tệ khi người dân có nhu cầu chuyển đổi kiều hối sang tiền đồng. Đặc biệt các công ty kiều hối hiện nay đã đẩy mạnh dịch vụ chi trả kiều hối tận nhà với thời gian trong vòng 48 giờ.

Do vậy, nhiều ý kiến kiến nghị NHNN cho phép các công ty kiều hối trực thuộc ngân hàng chuyển tiền kiều hối tận nhà có thể kết hợp với ngân hàng mua kiều hối tại nhà cho người dân khi có nhu cầu bán. Để tháo gỡ điều này NHNN cần ban hành một hành lang pháp lý quy định cụ thể về giao dịch ngoại hối ngoài ngân hàng với các công ty kiều hối.

Cũng có ý kiến cho rằng chỉ cần NHNN điều hành chính sách tỷ giá linh hoạt, triệt tiêu thị trường ngoại tệ tự do, tự khắc dòng vốn kiều hối sẽ chảy vào kênh ngân hàng, giúp cân bằng cung - cầu ngoại tệ trong hệ thống ngân hàng và xa hơn  là góp phần ổn định kinh tế vĩ mô.

Các tin khác