DN niêm yết: Lỗ hổng quản trị công ty

Sau loạt bài chủ đề đăng tải trên ĐTTC về việc tái cấu trúc thị trường chứng khoán (TTCK), công ty chứng khoán (CTCK), công ty kiểm toán, nhiều ý kiến cho rằng cần phải tái cấu trúc doanh nghiệp niêm yết. Cuộc khủng hoảng trên TTCK Việt Nam ngoài những nguyên nhân khách quan do tác động của nền kinh tế trong và ngoài nước, còn một phần xuất phát bởi sự mất lòng tin của nhà đầu tư (NĐT) đối với các công ty niêm yết.

Sau loạt bài chủ đề đăng tải trên ĐTTC về việc tái cấu trúc thị trường chứng khoán (TTCK), công ty chứng khoán (CTCK), công ty kiểm toán, nhiều ý kiến cho rằng cần phải tái cấu trúc doanh nghiệp niêm yết. Cuộc khủng hoảng trên TTCK Việt Nam ngoài những nguyên nhân khách quan do tác động của nền kinh tế trong và ngoài nước, còn một phần xuất phát bởi sự mất lòng tin của nhà đầu tư (NĐT) đối với các công ty niêm yết.

> CTKT: Hạn chế tối đa điểm “ngoại trừ”

Vô tư vi phạm quyền lợi cổ đông

Giai đoạn 2010-2011 là khoảng thời gian ghi nhận tình trạng vi phạm tràn lan liên quan đến các tiêu chuẩn niêm yết, gây ảnh hưởng trầm trọng đến quyền lợi của các cổ đông, đặc biệt cổ đông nhỏ.

Từ chuyện những khoản vay ưu đãi dành cho các bên liên quan như tại FPC (CTCP Full Power), HTV (CTCP Vận tải Hà Tiên)… cho đến các lỗi vi phạm mang tính chất hệ thống như công bố kết quả kinh doanh không đúng thời hạn.

Sàn giao dịch chứng khoán là đỉnh cao, là nơi tập trung những doanh nghiệp tốt nhất, do đó được ví như hàn thử biểu của mọi nền kinh tế. Nhưng tại Việt Nam, TTCK đang dần trở nên cảnh chợ chiều với những hành động vi phạm luật ngày càng lan rộng. Lúc thị trường bùng nổ, NĐT có thể không quá cân nhắc đến những vi phạm “nho nhỏ” của doanh nghiệp, bởi khi đó các ông chủ, nhóm lợi ích cố gắng đánh bóng tối đa để thu hút NĐT. Nhưng khi thị trường ảm đạm, bức tranh thật phũ phàng dần hé lộ, đúng là “trong cơn gian khó mới hiểu lòng nhau”.

Những vi phạm này ngày càng nhiều đến nỗi NĐT chỉ biết lắc đầu ngao ngán trước cách hành xử thiếu chuyên nghiệp của các đơn vị liên quan.

Theo thống kê của UBCKNN, có đến 70% các công ty niêm yết chậm công bố kết quả kinh doanh soát xét quý II-2011. Đây là sai phạm có tính chất phổ biến cho thấy ý thức chấp hành luật kém của các doanh nghiệp.

Đình đám nhất và gây hậu quả nặng nề nhất phải kể đến trường hợp của DVD (CTCP Dược phẩm Viễn Đông), quyền lợi của các cổ đông bị xem thường khi “trái bóng trách nhiệm” bị đùn đẩy từ cơ quan này sang bộ phận nọ, mà thiệt hại đã lên tới cả trăm tỷ đồng và cuối cùng NĐT phải gánh chịu.

Hay gần đây nhất là sự kiện “chém gió” của THV (CTCP Tập đoàn Thái Hòa Việt Nam) mà ĐTTC đã có bài phản ánh, với những thông tin mập mờ, sai lệch được THV công bố không biết vô tình hay hữu ý đến mức đủ đẩy giá tăng trần với dư mua trần 4 phiên liên tiếp, sau đó lại bổ nhào với áp lực bán tương tự.

Lợi ích trong sự “nhầm lẫn” này đem lại hẳn nhiên được chia sẻ bởi nhóm ít người nắm được bản chất thông tin “nhầm”. “Quả đắng” còn lại là phần lớn cổ đông đã trót giải ngân khi phán đoán về nội dung tích cực hàm chứa trong thông tin mà doanh nghiệp đã công bố.

Chưa dừng lại ở đó, khi giá cổ phiếu giảm sâu, nhiều doanh nghiệp bắt đầu tính đến các chiêu xin tự nguyện hủy niêm yết, nhưng động cơ chưa hẳn đã hướng đến lợi ích toàn cục của doanh nghiệp (như đã đề cập trong phân tích của TS. Lê Đạt Chí trong bài viết “Từ chuyện hủy niêm yết và ngẫm về đứa con rơi” trên ĐTTC).

Thậm chí, như trường hợp DCC (CTCP Xây dựng công nghiệp Descon) sau khi công khai ý định hủy niêm yết đã có dấu hiệu cố tình liên tục vi phạm nghĩa vụ công bố thông tin, buộc Sở Giao dịch chứng khoán TPHCM (HOSE) hủy niêm yết theo quy định, tạo nên tiền lệ xấu chưa từng có trên TTCK Việt Nam.

Quản trị công ty chỉ mang tính đối phó

Một trong những nguyên nhân dẫn tới tình trạng xem thường quy định pháp luật, phớt lờ lợi ích các nhóm cổ đông nhỏ chính là thực trạng quản trị công ty (Corporate Governance) yếu kém tại các doanh nghiệp vi phạm.

Có thể nói quản trị công ty là thuật ngữ còn khá xa lạ và chưa được sự đánh giá cao, đầy đủ bởi các doanh nghiệp cũng như cơ quan điều hành TTCK tại Việt Nam, mặc dù đây là một trong những chuẩn mực hàng đầu đo lường chất lượng của các doanh nghiệp niêm yết, đồng thời cũng là thước đo sự phát triển của một TTCK.

KẾT QUẢ VIỆC TUÂN THỦ NGUYÊN TẮC QUẢN TRỊ CÔNG TY NĂM 2011

Lĩnh vực A: Quyền cổ đông. Lĩnh vực B: Đối xử công bằng với cổ đông. Lĩnh vực C: Vai trò của các bên có quyền lợi liên quan. Lĩnh vực D: Công bố thông tin và minh bạch. Lĩnh vực E: Trách nhiệm của HĐQT. (Nguồn Báo cáo quản trị công ty 2011 của IFC, GCGF và UBCKNN)

Lĩnh vực A: Quyền cổ đông. Lĩnh vực B: Đối xử công bằng với cổ đông.
Lĩnh vực C: Vai trò của các bên có quyền lợi liên quan. Lĩnh vực D: Công bố thông tin và minh bạch.
Lĩnh vực E: Trách nhiệm của HĐQT. (Nguồn Báo cáo quản trị công ty 2011 của IFC, GCGF và UBCKNN)

Hiện nay, nội dung về quản trị công ty được quy định tại Quyết định 12/2007/QĐ-BTC về Quy chế quản trị công ty dành cho các công ty niêm yết trên các sở giao dịch và Thông tư 09/2010/TT-BTC.

Tuy nhiên, kết quả dễ nhận thấy qua Báo cáo 2011 của Công ty Tài chính Quốc tế (IFC), đó là việc tuân thủ nguyên tắc quản trị công ty vẫn có xu hướng mang nặng tính hình thức, thủ tục, đối phó thay vì xuất phát từ nhận thức về tính cần thiết của chính bản thân các doanh nghiệp.

Trong khi đó, tuân thủ đầy đủ một cách tự giác nguyên tắc này, không những đem lại các tác động tích cực ở tầm vĩ mô như tăng cường sự ổn định của thị trường, khuyến khích đầu tư vào thị trường vốn Việt Nam, mà còn giúp doanh nghiệp đạt được mức độ tin cậy, tín nhiệm của NĐT, hướng đến việc nâng cao minh bạch trong hoạt động kinh doanh, qua đó góp phần giảm chi phí vốn cho doanh nghiệp.

Tại Việt Nam, bắt đầu từ năm 2009, IFC đã phối hợp cùng Diễn đàn quản trị công ty toàn cầu (GCGF) và Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) khảo sát, đánh giá tình hình thực hiện các nội dung chương trình quản trị công ty tại 100 công ty niêm yết hàng đầu trên 2 sàn HOSE và HNX, trong nỗ lực đưa TTCK Việt Nam tiệm cận chuẩn mực đầu tư quốc tế.

Sự cải thiện tương đối của chỉ số đo lường quản trị công ty năm 2011 so với năm 2010, cho thấy tín hiệu lạc quan về sự tiến bộ của TTCK Việt Nam, nhưng cũng ghi nhận sự thụt lùi của một trong 2 chỉ tiêu quan trọng nhất là vấn đề đối xử công bằng với các cổ đông.

Báo cáo 2011 của IFC cho thấy mặc dù mức điểm bình quân chung tăng lên 44,7% từ mức 43,9% của năm 2009, nhưng so với mức điểm ghi nhận một công ty đã đáp ứng tiêu chuẩn quốc tế là 80%, vẫn còn tồn tại khoảng cách rất xa so với chuẩn mực quốc tế và các nước trong khu vực Đông Nam Á.

Hướng tới chuẩn mực mang tầm quốc tế

Tái cấu trúc TTCK Việt Nam không thể tách rời việc nâng cao chất lượng hàng hóa niêm yết. Một trong những hướng để đạt được điều này là việc nâng cao hơn nữa quá trình áp dụng quy chế quản trị công ty theo tiêu chuẩn quốc tế đối với các doanh nghiệp Việt Nam. Việc áp dụng này là sự tự nguyện của doanh nghiệp, nhưng ở góc độ quản lý nhà nước cần có hành lang pháp lý đầy đủ nhằm định hướng, hướng dẫn doanh nghiệp tuân thủ thực hiện. Đồng thời cần áp dụng những chế tài, hình phạt thật nghiêm khắc như buộc hủy, cấm tái niêm yết trong một thời gian nhất định đối với các cổ phiếu không đạt tiêu chuẩn.

Tại thị trường Hoa Kỳ, sau khi các vụ gian lận tại Enron, Tycon và WorldCom bị vỡ lở, năm 2002 Chính phủ Hoa Kỳ đã ban hành Đạo luật Sarbanes-Oxley (SOX).

Đạo luật này đã tiến bước dài trong việc nâng cao các tiêu chuẩn hướng tới mục tiêu minh bạch, công khai nhằm đảm bảo yêu cầu niêm yết, giảm thiểu gian lận và bảo vệ lợi ích của cổ đông công ty đối với các cổ phiếu niêm yết tại tại 2 sàn giao dịch chứng khoán Nasdaq và NYSE.

Đạo luật SOX cũng tạo điều kiện cho việc thành lập ủy ban giám sát tính tuân thủ pháp luật để giám sát nỗ lực tuân thủ pháp luật của công ty đại chúng đang niêm yết trên các sàn chứng khoán.

Mặc dù IFC nhận định Việt Nam chỉ mới ở giai đoạn sơ khai của việc áp dụng chuẩn mực quốc tế về quản trị công ty, nên cần độ trễ thời gian để rút ngắn khoảng cách với các nước trong khu vực, song mức điểm thấp đồng nghĩa với tình trạng kém minh bạch trên TTCK sẽ là trở ngại rất lớn đối với việc thu hút dòng vốn từ những tổ chức đầu tư quốc tế đến thị trường vốn của Việt Nam.

Liên quan đến việc CTCK SME và TAS (CTCK Tràng An) có nguy cơ mất thanh khoản và bị đình chỉ tư cách thành viên tại 2 sở giao dịch, rồi ORS (CTCK Phương Đông) bất ngờ hủy niêm yết, hay Chủ tịch CTCK Hà Thành ôm 100 tỷ bỏ trốn… là những minh chứng rõ nét cho thấy tình trạng quản trị rủi ro, quản trị công ty đang có vấn đề nghiêm trọng tại các CTCK.

Do đó, trong dự thảo UBCKNN đang đệ trình lên Chính phủ kế hoạch tái cấu trúc TTCK với trọng tâm xoay quanh phương thức thanh toán chỉ là bề nổi và là hệ quả của chương trình quản trị công ty yếu kém tại các CTCK.

Nếu tính tuân thủ về quản trị rủi ro doanh nghiệp không được cải thiện, những cải cách trên cũng chỉ là điều kiện cần chứ chưa đủ để đảm bảo cho các CTCK đạt được sự phát triển bền vững trong giai đoạn 5-10 năm tới.

Các tin khác