Minh bạch hoạt động, hướng đến tầm cao

Hàng loạt công ty chứng khoán (CTCK) đang bên bờ vực phá sản. Việc lành mạnh hóa thị trường chứng khoán (TTCK) mà trọng tâm là CTCK đang trở nên cấp thiết hơn bao giờ hết. ĐTTC đã trao đổi với TS. Trần Đắc Sinh, Tổng Giám đốc Sở Giao dịch chứng khoán TPHCM (HOSE),  về vấn đề này.

Hàng loạt công ty chứng khoán (CTCK) đang bên bờ vực phá sản. Việc lành mạnh hóa thị trường chứng khoán (TTCK) mà trọng tâm là CTCK đang trở nên cấp thiết hơn bao giờ hết. ĐTTC đã trao đổi với TS. Trần Đắc Sinh, Tổng Giám đốc Sở Giao dịch chứng khoán TPHCM (HOSE),  về vấn đề này.

 

-PHÓNG VIÊN: - Dù không phải thẩm quyền của HOSE nhưng ông có thể cho biết ý kiến về lành mạnh hóa hoạt động các CTCK hiện nay?

TS. TRẦN ĐẮC SINH: - Nhắc đến chứng khoán, không ít người vẫn luôn hồi tưởng về thời vàng son của thị trường, trái ngược hoàn toàn với tình trạng héo úa và gầy guộc như hiện nay.

Trước đây, mọi người đều ham muốn vì chỉ cần chỉ số chứng khoán tăng, trong vòng một tuần nhà đầu tư đã có thể kiếm cả chục phần trăm một cách dễ dàng. Đầu tư vào chứng khoán 1 tuần đã hơn 6 tháng gửi tiết kiệm. Nhưng thực tế quá phũ phàng, rất nhiều nhà đầu tư đang khóc ròng vì cổ phiếu xuống giá.

Lỗi ở nhà đầu tư cũng có nhưng chủ yếu do nhiều CTCK đã làm nhiều điều sai khi cho nhà đầu tư vay để mua chứng khoán bằng cách biến tướng, như cho họ bán khống cổ phiếu bằng cách vay chứng khoán của người khác... làm cho thị trường bị méo mó, biến dạng.

Điều này đã tiếp tay cho sự đi xuống của thị trường. Vì thế, để lành mạnh hóa các CTCK, đảm bảo hoạt động của các CTCK tuân thủ theo đúng quy định pháp luật, khắc phục tình trạng các CTCK vi phạm về an toàn tài chính, gây rủi ro cho thị trường, trước mắt cần thiết phải có sự phối hợp đồng bộ giữa các sở giao dịch, các đơn vị chức năng của UBCKNN và Trung tâm Lưu ký trong việc tăng cường giám sát hoạt động các CTCK.

Năm 2010, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư 226/2010/TT-BTC có hiệu lực từ ngày 1-4-2012 quy định về chỉ tiêu an toàn tài chính và biện pháp xử lý đối với các tổ chức kinh doanh chứng khoán không đáp ứng chỉ tiêu an toàn tài chính.

Theo đó, CTCK phải báo cáo rõ nguyên nhân năng lực tài chính yếu kém, công ty kiểm toán phải báo cáo ngay cho UBCKNN trường hợp các CTCK có dấu hiệu bất ổn tài chính để xử lý sớm, đình chỉ hoạt động đối với CTCK nếu không đảm bảo chỉ tiêu an toàn tài chính theo quy định.

Đây cũng là một trong các giải pháp mà theo tôi khá mạnh tay, nhằm tránh rủi ro cho nhà đầu tư và thị trường. Tuy nhiên, thực tế việc vận hành không như bài bản.

- Được biết khoảng 40% doanh nghiệp niêm yết tại HNX có đủ điều kiện niêm yết tại HOSE. Phải chăng niêm yết tại HNX dễ “đánh quả” và “làm giá” hơn hay tại HOSE không có đặc thù khác biệt so với HNX?

- Đây cũng là hệ quả của cơ cấu thị trường chưa hiệu quả. Hiện tại, theo quy định, điều kiện niêm yết về vốn điều lệ cho các công ty niêm yết tại HOSE là 80 tỷ đồng trở lên, tại HNX là 10 tỷ đồng trở lên. Như vậy, những công ty có vốn điều lệ dưới 80 tỷ đồng đang niêm yết trên HOSE đều bị bắt buộc chuyển sàn sang niêm yết trên HNX.

Trong khi đó những công ty đang niêm yết trên HNX có vốn điều lệ trên 80 tỷ không bị bắt buộc phải niêm yết trên HOSE. Sự phân biệt khá mờ nhạt giữa hai thị trường HOSE và HNX như hiện tại chuyển tải một thông điệp không tích cực đến các nhà đầu tư, đặc biệt là nhà đầu tư nước ngoài, tạo nên sự khó khăn trong việc tìm hiểu, tiếp cận thị trường.

- Ông bình luận gì về việc sáp nhập HOSE và HNX?

Về lâu dài, việc cơ cấu lại số lượng và chất lượng các CTCK là rất cần thiết. Số lượng các CTCK ra đời trong những năm qua có thể nói là rất lớn so với quy mô thị trường. Mặc dù vẫn đảm bảo các điều kiện được cấp phép thành lập theo luật định song trên thực tế một số công ty chưa đủ năng lực để chống chọi khi thị trường có biến động. Do vậy, cần sửa đổi, bổ sung điều kiện cấp phép thành lập CTCK theo hướng quy định chặt chẽ hơn các tiêu chí về năng lực của các CTCK.

- Việc sáp nhập HOSE và HNX là xu hướng tất yếu cho sự phát triển hiệu quả của TTCK Việt Nam nhằm giải quyết những thách thức trước mắt về bài toán hiệu quả hoạt động. Việc tập trung thống nhất nguồn lực bao gồm nhân lực, vật lực, đặc biệt là trong lĩnh vực công nghệ thông tin và nghiên cứu phát triển sẽ giúp phân bổ hiệu quả nguồn lực, từ đó phát triển thêm các sản phẩm dịch vụ mới cung cấp cho thị trường.

Hiệu quả hoạt động được nâng cao sẽ giải quyết bài toán về cạnh tranh. Cạnh tranh ở đây nên được hiểu là cạnh tranh khu vực, cạnh tranh quốc tế. Chúng ta có một thị trường lớn hơn, các rào cản kỹ thuật giữa hai thị trường bị xóa bỏ, làm gia tăng giao dịch, tính thanh khoản, từ đó gián tiếp giảm chi phí giao dịch, gia tăng cạnh tranh với các sở giao dịch trong khu vực.

Mô hình một sở giao dịch chứng khoán duy nhất tại Việt Nam cũng phù hợp với xu hướng phát triển của các sở giao dịch trên thế giới, khi mà công nghệ đóng vai trò nền tảng và xu thế toàn cầu hóa, liên kết để cạnh tranh đang tác động đến hoạt động của các tổ chức này.

Ngay trong phạm vi các sở giao dịch chứng khoán khu vực ASEAN cũng đang tiến hành các dự án liên kết để tăng quy mô, tính cạnh tranh, chuyển tải một thông điệp về một dạng tài sản đầu tư mang tầm ASEAN.

Vì vậy, việc chúng ta sáp nhập hai thị trường là một thông điệp rõ ràng nhất về một dạng tài sản đầu tư của Việt Nam. Những điều nói trên sẽ khó thực hiện được nếu cứ tiếp tục phát triển riêng lẻ từng thị trường.

- Xin cảm ơn ông.

Các tin khác